129 - Những bài học khó quên... - Nguyễn Hoàng Anh K6, SRTKL2: 500-503



Những bài học khó quên...


NGUYỄN HOÀNG ANH
Học sinh khóa 6


CÁI GIẾNG

refont.com - Glitter textồi mới lên Đại Từ, đại đội tôi đóng ngay dưới chân một đồi chè. Để lấy nước ăn cho đơn vị, phải đi rất xa; tiểu đoàn cấp tốc cho đào giếng ngay cạnh bếp. Khi thợ đào giếng, tuy chẳng phải việc của mình nhưng lũ trẻ bọn tôi vẫn thích ra nghiêng ngó, xem đến khi nào thì có nước. Cái giếng đã sâu tới 7-8m mà vẫn chưa gặp mạch.

Trưa hôm ấy, sắp tới giờ cơm, cả bọn nghe tin sét đánh: Vi Dân bị ngã xuống giếng! Thầy, cô thì lo cuống cuồng đưa ngay Dân đi cấp cứu, mặt khác, lại phải lo đừng cho em nào “té giếng” nữa… vv và vv…

Riêng tôi, tự rút ra bài học: Trẻ con hãy cẩn thận khi ra giếng!


THÊM CHO CÁC CHÚ MỘT QUẢ

Ngày ở Trung Hà, cứ mỗi buổi chiều sau bữa cơm, tôi hay cùng mấy đứa bạn thân - Nam Điện, Huy Thanh, Ngọc Sơn… đi dạo trên con đường chạy quanh trường. Tiết trời mát mẻ, nắng chiều sắp tắt còn hắt lên những chùm phượng vĩ đỏ rực, trông thật đẹp. Lũ ve sầu đón khách bộ hành bằng khúc nhạc rừng không biết mệt. Đi mãi cũng mỏi chân, gặp một quán nước ven đường, cả bọn rủ nhau vào mua chuối. Bà chủ quán trông mặt khó đăm đăm. Ngọc Sơn mau mắn vào trước chuyện trò hỏi han. Chả hiểu cậu ta trình bày những gì mà thấy bà chủ quán bật cười:

- Ừ, thì thêm cho các chú một quả!

Được nải chuối to lại thêm những một quả, cả bọn hí hửng xách ra bãi cỏ “trái thù trái tạc”. Chẳng mấy chốc đã hết veo cả nải.

Nghiệm lại thấy lời Bác dạy thật chí lí: Biết dân vận tốt thì việc khó mấy cũng xong!


CHỈ TRONG CUỘC MỚI BIẾT

Chẳng nhớ vì sao mà bữa ấy tụi tôi lại đi ăn muộn. Lý do thì nhiều, nào là đi tăng gia, nào tập văn nghệ, chơi xà, đá bóng… Đến khi xuống tới nhà ăn thì cơm đã bị dọn sạch, đành mò ra sau bếp tìm xem còn gì nhét vào bụng. Thật may mắn, vẫn còn một xoong cơm với đĩa thức ăn bỏ dở. Có cậu lại kiếm được cả một muôi mỡ (mỡ mà trộn với ít muối có thêm tí mì chính thì ngon tuyệt!). Riêng T. là thằng cuối cùng chẳng biết mò đâu ra cả một chậu canh. Dưới ánh trăng lúc tỏ, lúc mờ, cả lũ đói mèm, ăn nghiến ngấu, xì xụp chan húp… Một đứa khẽ ngoáy đũa tìm rau, vừa nhấc lên khỏi chậu canh đưa vào miệng… thì eo ôi, khiếp… một mảnh giẻ lau bàn đen thui, đang rỏ nước tong tỏng…

Cả bọn rùng mình, khạc nhổ nhưng nôn ọe hoài mà món canh quý hóa chẳng ra cho. Nó đã trôi tuột xuống ruột non, ruột già mất rồi!… Đúng là, chỉ những người trong cuộc mới biết!

(Riêng tôi xin hứa sẽ đãi những ai đã cùng ăn bữa tối hôm đó một bữa thịt chó ra trò, có kèm theo quà đặc biệt. Dĩ nhiên là hơn “nhất phong bì, nhì quản bút” của đơn vị ta ngày đó!).


GIỜ DÃ NGOẠI

Hồi ở trường Y Trung (Quế Lâm), chúng tôi thường được tổ chức dã ngoại. Có lần cả lớp được tập trung ra một bãi cỏ xem thầy Khóat, dạy Hóa, làm thí nghiệm. Lúc thì thầy bỏ vật này vào chai nước kia thấy một làn khói hồng bốc lên, khi thì lọ nước đang trong suốt bỗng hóa màu tím. Thật kỳ diệu! Mấy đứa bọn tôi cứ há hốc miệng xem.

- Và đây nữa… (thầy nói rồi thọc tay vào túi… từ túi khói bỗng bốc ra nghi ngút)… Cháy, cháy (thầy thất thanh la lên)…

Còn lũ ngố chúng tôi thì vẫn vỗ tay liên tục và nghĩ rằng thầy đang biểu diễn.


BẠN TÔI - LÊ QUỐC BÌNH

Trong đám bạn học, Bình là người để lại cho tôi nhiều ấn tượng. Ngày mới về lớp, với vóc dáng gầy gầy, nước da mai mái cùng với cách nói chuyện và dùng từ của cậu học sinh Sài Gòn làm lũ bạn phải trố cả mắt, lăn bò ra mà cười.

Tôi nhớ mãi, có lần thầy Lã Khắc Tiệp (dạy Toán) gọi Bình lên kiểm tra:

- Em hãy định nghĩa hình bình hành?

Bình ngẩn người một lúc rồi ê a: “Dạ thưa thầy, hình bình hành là hình chữ nhật… hình chữ nhật bị… bị xô méo ạ!”. Nghe cậu định nghĩa, cả bọn nằm bò ra bàn chết sặc vì cười.

Lần khác, thầy Tô Ngọc Cừ (dạy Sử) gọi đến tên cậu. Thầy từ tốn ra câu hỏi:

- Thế nào là ngành khảo cổ học?

Bình quay lại lườm bọn tôi một cái rồi đằng hắng trả lời: “Dạ thưa thầy, khảo cổ học là… là… khoa học búa rìu ạ!”. Thế là cả lớp lại được một phen như cái chợ vỡ…

Tuy vậy, sống với nhau khá lâu, anh em rất quý Bình vì lối sống chân thực, không bao giờ giả dối với bạn bè. Đến giờ, mỗi lần nghĩ đến Bình thì tôi lại nhớ tới giọng hát ồ ồ của hắn: “Quẳn... Bìn quê ta, chiều nay có đứa con xa nhớ bầm…”. Tự nhiên thấy thương hắn quá!


N.H.A