Trong vườn sắn - Duy Đảo k6


Đăng lại bài viết của Nguyễn Duy Đảo
(đã đăng tại „Blog Bạn Trỗi”: Thứ sáu, tháng hai 29, 2008)



Bài liên quan:
BÀI HỌC ĐẦU TIÊN VỀ MÔI TRƯỜNG của Hà Mèo
 


Trong vườn sắn



Tôi và Bình chơi với nhau từ bé, thời phổ thông chúng tôi cùng học ở trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi. Kỳ thi đại học năm ấy, Bình đỗ vào Đại học Công nghiệp Nhẹ. Vào cuối những năm của thập kỷ 1960, trường Công nghiệp Nhẹ được tách ra từ Đại học Bách khoa Hà Nội và sơ tán lên Việt Trì. Khăn gói quả mướp rời Hà Nội, Bình lên trường nhập học. Chưa hết năm thứ nhất, Bình là một trong những sinh viên khoa Công nghệ Thực phẩm được gọi nhập ngũ. Sau mấy tháng huấn luyện, được bổ sung vào một đơn vị để chi viện gấp cho chiến trường. Sống sót qua "Mùa hè đỏ lửa 1972" ở Quảng Trị, Bình theo đơn vị hành quân về phía nam cho tới ngày giải phóng Sài Gòn. Với nhiều huân, huy chương, sau giải phóng Bình giải ngũ rồi quay ra Hà Nội, về trường cũ tiếp tục nốt giấc mơ học tập.
Năm 1975, tôi học năm thứ hai Đại học Kỹ thuật quân sự. Nghe tin Bình trở về trường cũ, mấy lần định trốn học lên thăm, nhưng vì nhiều lí do cho tới cuối năm đó tôi mới lên thăm được. Sáng chủ nhật, rủ thêm mấy thằng bạn ngày xưa cùng trường Thiếu sinh quân nay lại cùng học tại Đại học quân sự lên thăm Bình. Trường tôi ở Vĩnh Yên, cách Việt Trì 4-5 ga xe lửa. Sáng đó dậy thật sớm cho kịp chuyến tàu ngược lúc 5 giờ. Vậy mà tận 10 giờ tàu mới tới ga Việt Trì. Xuống ga chúng tôi cuốc bộ tìm tới chỗ Bình. Con đường ngoằn ngoèo chạy giữa những quả đồi xanh mướt màu lá sắn. Sắn đã cao ngang đầu, lao xao trong gió heo may. Vừa đi vừa chuyện phiếm cho quên đi cái đói và cái lạnh đầu đông. Đang vui chuyện tiếu lâm bỗng dưng thấy đau nhói trong bụng. Không lẽ đau bụng giun? Nhưng tôi mới tẩy giun trong đợt Cục Quân y về kiểm tra sức khoẻ cho toàn trường. Ăn uống ư? Đến đi tàu còn phải trốn vé, chạy trước luồn sau tránh nhân viên soát vé thì lấy đâu ra tiền để mua cái gì tống vào dạ dày mà bảo là đau bụng? Lúc này mới nhớ ra chiều qua, nhà bếp tổ chức ăn tươi có lòng và thịt lợn luộc. Mấy thằng trong lớp được về thăm nhà chủ nhật, đã “di chúc” cho bọn tôi giải quyết mấy suất ăn này. Vì ba thằng “phải” ăn mâm sáu, nhất là đang đói kém, thiếu chất nên việc giải quyết cho hết số thịt mỡ và lòng lợn quá là đơn giản. Vậy ra đó là nguyên nhân sâu xa. Thấy tôi bỗng dừng câu chuyện đang hồi gay cấn, mặt mũi lại khó đăm đăm, bọn bạn liền hỏi: “Mày làm sao thế?”. Tôi nhăn nhó trả lời: “Đau bụng quá”. Đau tới hồi không thể “cố nhịn” được nữa, tôi thều thào: “Có thằng nào có giấy trong túi?”. Lục hết túi này đến túi khác chẳng thằng nào có lấy một mẩu. Đang bí thì Hùng “sùi” (vì mặt nhiều trứng cá nên bị gán thêm biệt hiệu này) với vẻ mặt rầu rầu: “Tao còn mỗi lá thư”. “Có gì đặc biệt không?” - một thằng lên tiếng. “Chẳng đặc biệt lắm, lá thư dứt tình của con bồ cũ gửi từ Hà Nội mới nhận chiều qua”. “Thế thì tiếc làm quái gì nữa. Quên đi!”. Cả bọn nhao nhao. Chỉ kịp dặn lại: “Bọn mày chờ tao”, rồi giật lá thư từ tay Hùng, tôi lao như tên bắn vào vườn sắn.
Càng sâu vào bên trong, sắn càng tốt. Đang lơ ngơ tìm vị trí thuận lợi để “tác nghiệp”, bỗng sững người lại vì trước mặt tôi là một cụ già cũng trong "cảnh" như tôi, đang lom khom trong tư thế vốn dĩ của nó. Mất đến mấy giây bốn mắt nhìn nhau ngỡ ngàng. Hoàn cảnh thật éo le và trớ trêu! Im lặng bao trùm, giống như "dấu lặng" viết trong nhiều ô nhịp khi chuyển đoạn trong một E-tuyt của Mô-da (hay Sô-panh?) với chủ đề mô tả về sự chịu đựng của con người trước những biến cố của trời đất. (Đoạn so sánh khập khiễng này, mãi mấy chục năm sau, tôi học lỏm được từ tiết nhạc lý của cô giáo dạy đàn cho thằng con tôi!). Phản xạ của người lính đã qua chiến tranh cộng với tổ hợp của máu “chây và cùn” của dân trường Trỗi, trong một khoảnh khắc tôi đã ra ngay phương án xử lý khi để ý thấy cụ già đang vò vò nắm lá sắn trên tay: “Thưa cụ con đem giấy vào cho cụ đây ạ!”. Tôi lên tiếng và cung kính cầm lá thư của Hùng vuốt lại cho phẳng phiu rồi mạnh dạn tiến tới trao cho cụ. Trong họng cố ghìm không cho tiếng cười đang khùng khục chỉ chực phọt ra. Cụ già có phản xạ tự vệ, hai đùi khép lại, một tay buông xuống che đi cái cần che. Không trả lời nhưng thật lạ cụ vẫn đưa tay ra đón lấy lá thư, sau khi vứt vội nắm lá sắn trên tay. Chả hiểu trong giây phút ấy cụ nghĩ gì? (Cảm ơn tôi hay thầm chửi cái đồ mắc dịch xéo ngay đi? Ai cho phép ngươi dám xúc phạm tới một trong tứ khoái mà tạo hoá ban cho con người?).
Thấy tôi từ trong vườn sắn lao ra chẳng kém gì lúc chui vào, tụi bạn xúm lại hỏi: “Giải quyết nhanh thế?”. Lúc này tôi mới hoàn hồn và cũng chẳng biết mình đã giải quyết cái của nợ kia hay chưa mà không còn thấy đau bụng. Kể lại toàn bộ sự việc xảy ra, tụi bạn bò lăn ra cười. Riêng Hùng cười hăng nhất, chảy cả nước mắt. (Mà đúng ra trong hoàn cảnh này, nó phải là thằng buồn nhất mới phải. Không buồn sao được khi vừa mất người yêu lại mất toi cả lá thư kỷ niệm của nàng!).
Khoảng 12 giờ trưa mới tới nơi. Đứng trước cổng trường vắng hoe, bên trong là những dãy nhà ở và lớp học làm bằng tre nứa, mái lợp lá đã cũ. Đang lơ ngơ, bỗng có tiếng hỏi “Các chú tìm ai?”. Thì ra là bác bảo vệ. “Chúng cháu tới thăm bạn”. “Các cậu không gặp may rồi. Trường chuyển về Hà Nôi đã hai tháng nay”. Lòng buồn rười rượi, chúng tôi lang thang bát phố. Tới 5 giờ mới vội vàng chạy ra ga cho kịp chuyến tàu chiều. Vừa vặn tàu xuôi vừa tới. Phải đứng trên bậc lên xuống ở đầu toa vì tàu chiều chủ nhật rất đông. Tàu chuyển bánh. Qua cầu Việt Trì, tàu chạy nhanh hơn, bỏ lại phía sau “thành phố ngã ba sông” với những ống khói cao ngất xen lẫn những đồi chè xanh cùng rừng cọ, bỏ lại dòng sông Lô thơ mộng với những bãi ngô xanh ngắt chạy tít tắp...
Trời tối dần nhưng vẫn còn thấy ánh đèn thành phố hắt một khỏang sáng lên bầu trời. Bất giác nhớ đến bài hát “Ánh đèn sáng trên cầu Việt Trì” mà hồi bé bọn tôi thường hay tếu táo hát xuyên tạc. Ký ức chộn rộn trở về trong tiếng tàu xình xịch hối hả lao nhanh về xuôi...

Duy Đảo k6