Lần xét nghiệm - Duy Đảo

Đăng lại bài viết của Nguyễn Duy Đảo
(đã đăng tại „Blog Bạn Trỗi”: Thứ ba, 25 tháng ba, 2008)

 

Thời gian ở Quế lâm, khi chuyển qua trường mới bên Phong khẩu, bọn tôi đang học lớp sáu. Trường mới còn một số hạng mục đang thi công dở dang. Một buổi chiều, giờ tự tu, tôi và Bình trốn đi lang thang ra phía núi ở gần sau trường, ôn lại vài thế võ mà hai “ông thầy” Ngọc Chi và Trung Dũng vừa dạy tuần trước. Chi và Dũng cũng học một lớp và chơi trong nhóm tụi tôi. Chẳng biết hai “ông thầy” này học ở lò võ nào mà hồi đó bọn tôi rất phục. Tuy cùng học với nhau nhưng về mặt võ thuật chúng tôi chỉ là hạng tép riu. Lần nào kiểm tra “bài cũ”, bọn tôi cũng bị hai ông thầy chửi: “Có học mà ngu, có vài thế võ vặt dạy mãi không vào, áp dụng thì lung ta lung tung, lúc cần đá thì lại đấm, lúc cần che bộ hạ thì lại giơ tay lên đỡ mặt. Ngu lâu khó đào tạo!”. Mặc dù ấm ức nhưng vì muốn có tí chút để phòng thân nên tôi và Bình đành phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

Lần này, bọn tôi quyết cho thầy biết thế nào là lòng tự trọng khi bị xúc phạm. Nhìn Bình hạ thấp người, tay múa, chân lượn chũ chi trong một bài võ khởi động đã thấy đẹp mắt. Nhưng phải thừa nhận Trung Dũng, ông thầy của hai chúng tôi, là một siêu nhân. Hắn xuống thế, chân di chuyển, tay gạt trên che dưới loang loáng, vừa uyển chuyển vừa mạnh mẽ. Tôi trộm nghĩ nếu không có chiến tranh thì thi vào trường múa hắn chắc chắn sẽ đậu với số điểm tối đa. La con trai vị chính uỷ đầu tiên của trung đoàn thủ đô thời “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”, Dũng như một “em chã”, được mẹ cưng, chiều. Nhưng bố Dũng thì khác, ông muốn con trai ông phải theo nghiệp cha dù tạng của Dũng sinh ra không phải để làm người lính.

Sau một hồi ôn luyện, tôi và Bình đã thấm mệt và cũng cảm thấy yên tâm khi bài vở đã hòm hòm, chúng tôi quay trở về. Trong lòng chắc mẩm chủ nhật tới sẽ thoát được tiếng chửi của hai cái mồm "hàng tôm hàng cá" của hai ông thầy chết tiệt ấy. “Tao đau bụng, mày à” - Bình nói với tôi khi vừa về gần tới cổng trường. Tôi vội thanh minh: “Mấy cú đá cậu đều gạt được cơ mà? Có cú nào tớ đá trúng bụng đâu?”. “Thì tất nhiên rồi”. “Thế đau chỗ nào?”, tôi hỏi tiếp. “Đau quanh rốn”. “Thế trưa nay đi đâu mà không thấy đi ăn cơm?”. Hắn giải thích: “Buổi sáng học xong, tao nán lại đọc nốt cuốn truyện mà thư viện nó đang đòi vì quá hạn. Khi xuống tới nhà ăn thì bọn nó giải tán mất xuất rồi”. "Đói từ sáng tới giờ mà lại đau quanh vùng rốn thì chỉ có thể là đau bụng giun", tôi quả quyết vì còn nhớ trong giờ sinh vật sáng nay khi học bài hệ tiêu hoá và vệ sinh tiêu hoá, thầy Núi giảng như vậy. “Thế thì phải làm sao?”, Bình tin tưởng hỏi tôi. “Còn làm sao nữa, thì đi tẩy giun chứ còn làm sao!”- Tôi phán. “Yên tâm đi sáng mai tao xin phép nghỉ học một tiết đưa mày lên bệnh xá”. Sáng hôm sau, đúng hẹn tôi đưa Bình lên trạm xá của trường. Vào phòng khám, tôi đã chen ngang đẩy mấy “ông con” học lớp dưới (chắc cũng sổ mũi nhức đầu gì đó đang chờ tới lượt). Thấy dáng khuỳnh khuỳnh con nhà võ của tôi mấy thằng em mặt xanh như đít nhái dạt ra nhường chỗ. Lần đầu tiên trong đời tôi thấy tự tin và thầm cảm ơn những kiến thức võ thuật mà hai “ông thầy” lắm mồm kia chỉ bảo. "Thưa chú, thằng bạn cháu bị đau bụng. Chú khám cho nó để bọn cháu còn về cho kịp tiết học!" - Tôi lễ phép nói với chú y sỹ trực. Sau khi hỏi han và khám rất kỹ, chú nói: "Đúng là đau bụng giun, nhưng vấn đề là cháu bị đau bụng do loại giun nào gây ra? Để điều trị có hiệu quả cần phải biết rõ". Giải thích xong, chú dặn: "Sáng mai, đi đại tiện, lấy cho chú một ít phân để xét nghiệm!", rồi chu đưa cho bình một cái lọ có ghi rõ họ tên. Thật chóng vánh. Chúng tôi trở về lớp kịp tiết học sau. Tuy không nói ra nhưng tôi biết sau phi vụ này Bình phục tôi sát đất, không chỉ về mặt “tháo vát” mà còn cả về “kiến thức y học". Thế rồi tuổi trẻ vô tư với biết bao công việc thú vị và những trò quậy phá nghịch ngợm khác làm chúng tôi quên béng mất cái chuyện hôm trước.

Thường chỉ khi lên lớp hoặc sinh hoạt tập thể, bọn tôi mới chịu mặc quân phục chỉnh tề. Còn lại chỉ đánh cái áo ba lỗ và chiếc “quần đùi bà bô” cho tiện và mát. Vì được nghỉ hai ngày lễ liền, cộng với hôm sau là chủ nhật, nên sáng thứ hai sau khi chào cờ, bọn tôi lên lớp ngay. Đang chăm chú nghe giảng, bỗng thấy đau nhói ở mông, tôi quay lại định chửi cho Bình một trận. (vì chỉ có hắn ngồi ngay sau bàn tôi. Làm sao không chửi khi mà cả một cái ngòi bút còn nguyên cả mực “cắm” vào mông tôi). Tôi cố gắng kìm. Gìơ ra chơi, hắn thanh minh: "Tao đang ngồi học, thấy cồm cộm trong túi quần thì ra là cái này". Vừa nói hắn vừa thò tay vào túi quần lôi ra và dí vào mặt tôi cái lọ mà thứ năm tuần trước chú y sỹ đưa cho hắn. Chết thật chuyện quan trọng như vậy mà quên béng mất. Nguyên do là bộ quần áo dài (trong túi có cái lọ khi học xong chiều thứ năm hắn cởi ra, vứt vào trong tủ cho tới sáng thứ hai đem ra mặc lại. Giờ mới phát hiện ra. Sáng hôm sau, tôi và Bình lại xin nghỉ một tiết học đi bệnh xá. Thầy Chương phụ trách lớp giải quyết cho chúng tôi đi. Khi hỏi đã có “sản phẩm” bỏ vào lọ chưa? Thì hắn nhăn nhở: “Tao không thấy mót”.“Không mót thì cũng phải cố lên lấy một ít, nếu không có thì công toi à?”ứ.

Như đã nói ban đầu là ở khu trường mới còn một số hạng mục đang thi công dở dang, khi đi qua đấy tới trạm xá, tôi bảo: “Thôi vào đây vì chẳng còn vị trí nào tuyệt vời hơn là ở chỗ này đâu!”. Trong khu nhà vôi vữa, gạch ngói ngổn ngang, những vỏ bao xi măng vứt bừa bãi, tôi hỏi: “Thế cái lọ đâu?”. Thò tay vào túi, hắn giật mình: “Thôi chết, tao đã cẩn thận bỏ trong ngăn bàn học ở lớp, vội quá lại quên béng nó rồi”. Thật tức không chịu được, đúng là đầu óc củ khoai. Sau khi tìm cho hắn một cái vỏ bao xi măng còn khá nguyên vẹn, tôi dặn: “Nhớ phải ghi rõ họ tên đấy!”ù. Đưa cho hắn cây bút rồi tôi lủi nhanh ra ngồi chờ với cuốn tiểu thuyết trong tay. Cho tới bây giờ tôi vẫn còn nhớ cuốn tiểu thuyết có tựa đề “goòng”. Không nhớ tên tác giả nhưng cuốn truyện rất hay, viết về vùng than, nói về tình bạn, tình yêu tuổi học trò trong kháng chiến. Khoảng 15 phút sau mới thấy Bình lò dò đi ra, vung vẩy trên tay cái vỏ bao xi măng sạch trơn. Tôi hỏi: "Sao, không “ị” được à?". Hắn mặt mũi nhăn nhó: "Không làm sao “ra” được". Thật bực mình, đến nước này mà hắn còn thiếu “quyết tâm” như thế thì thử hỏi còn làm được gì cho nên hồn. Tôi giật lấy cái vỏ bao xi măng, đồng thời quát vào mặt hắn: "Ngồi đây đợi tao!", rồi lẩn nhanh vào khu nhà đang xây. Trải vỏ bao xi măng xuống đất, chẳng hiểu do quá tập trung hay vì mấy ngày rồi tôi không” ị” mà vừa ngồi xuống “sản phẩm” của tôi đã ra ào ào không thể kìm được. Kéo quần đứng dậy nhìn lại "đống sản phẩm" của mình, chẳng lẽ lại “san bớt” đi? Đắn đo một lúc, tôi cứ để yên như vậy và cẩn thận bọc lại. Bước ra khỏi khu nhà vừa nhìn thấy tôi, hắn đã hỏi "sóc”: “Lại cuỗm được của mấy ông thợ xây cái gì rồi hả?”. "Đừng có mà vô ơn!", vừa nói tôi vừa dúi cho hắn cái bọc. Chẳng hiểu sao hồi đó đầu óc bọn tôi lai tăm tối đến thế? Cầm cái bọc, hắn giơ lên hạ xuống miệng lẩm bẩm sao nhiều thế? Tôi giải thích: "Nhiều một tí thì kết quả xét nghiệm càng tốt chứ chẳng hại gì. Vả lại, tao và mày ăn, uống cái gì mà chẳng có nhau nên chắc giun cũng cùng một chủng loại. Hơn nữa tới lúc này bí rồi thì “có còn hơn không”. Thấy giải thích hợp lý, hắn thật sự yên tâm. Tới bệnh xá, tôi hỏi cô y tá: "Vật phẩm xét nghiệm nhận ở đâu, hả cô?". Cô chỉ về phía ô cửa sổ đang mở. Chúng tôi theo hướng cô chỉ đi tới. Qua ô cửa sổ nhỏ chúng tôi đã thấy cái khay bằng inox sáng loáng đặt trên bàn, bên khay đã có một vài lọ nhỏ đựng nước tiểu. Bình thò tay qua cửa sổ đặt bọc giấy vào, làm mấy cái lọ nhỏ trong khay văng ra ngồi. Bực mình vì tính hậu đậu của hắn, tôi quát: "Riêng cái bọc của ông đã gần cả ký lô rồi, còn định “chen ngang” vào đó làm gì?". Sau khi đặt cái bọc quá khổ kia ra bàn và sắp xếp lại mấy cái lọ ngay ngắn vào khay, khi đi ra mà vẫn thấy hắn khùng mãi, tôi nói: "Về chứ còn đứng ăn vạ gì ở đấy?"ứ. Thấy tâm trạng hắn tỏ ra vẫn không yên tâm, vừa đi hắn vừa lẩm bẩm: "Quái, chẳng thấy ai ký nhận gì ca. Tắc trách thế này, nhầm lẫn thì sao?". Thật không gì tăm tối hơn, tôi vừa lôi hắn đi vừa đay nghiến.

Chắc các bạn cũng hình dung được hậu quả của sự việc trên như thế nào. Tôi cũng không hiểu, ai là nhân viên xét nghiệm xúi quẩy trực vào buổi sáng hôm đó. Liệu chú có hiểu rằng đó là do sự ngu dốt của chúng tôi hay lại nghĩ đó là trò ngịch ngợm mà bọn học sinh trường ta thường hay sáng tạo ra? Chỉ biết sau này có ai đó kể lại rằng chú y sỹ ấy tâm sự: "Trong cuộc đời làm nhân viên xét nghiệm tôi chưa bao giờ nhận được một vật phẩm xét ngiệm ghê gớm đến như vậy, xét tòan diện cả về “chất lượng, kích cỡ cũng như trọng lượng” của nó".

Đó là một kỷ niệm giữa tôi và Bình, chẳng hiểu hắn còn nhớ, chứ tôi chả bao giờ tôi quên. Trong kho tàng“chuyện dân gian” của trường Trỗi còn biết bao nhiêu truyện tiếu lâm dạng như câu chuyện mà tôi vưa kể. Nếu được “quy tập” thì có lẽ phải mất nhiều năm mới khai thác hết.

Duy Đảo K6