Câu lạc bộ sỹ quan và lần tắm hơi - Duy Đảo

Đăng lại bài viết của Nguyễn Duy Đảo (đã đăng tại „Trang văn nghệ trường VHQĐ Nguyễn Văn Trỗi”: Thứ tư, ngày 09 tháng tư năm 2008)

Xem từ đầu:
1.
TÔI VÀ DUY - Phần thứ nhất: “Những kỷ niệm lặt vặt tuổi thơ trước chiến tranh”.
2. TÔI VÀ DUY - Phần thứ hai: Ông thầy dạy sử và ông bố vợ “hụt”

(TÔI VÀ DUY - Phần thứ ba):



Câu lạc bộ sỹ quan và lần tắm hơi




Một hôm đang ngồi nghe giảng trên lớp, thằng bạn Cu ba ngồi canh nó hích nhẹ vào vai, tôi nhìn theo hướng “đánh” đầu và cặp mắt nheo nheo của hắn thấy ngón tay trỏ hắn quay quay chiếc chìa khóa, dạng như chìa khóa phòng. Hắn cúi xuống nói nhỏ với tôi “ Tối qua đi câu lạc bộ sỹ quan quen được một em, sáng nay mới về, chìa khóa căn hộ của nàng đưa đây này”. Hôm nào đi chơi với tụi tao cho vui. Nghe hắn kể tôi thấy háo hức .

Đã mấy lần Duy rủ mà tôi chưa đi được, phần vì chân ướt chân ráo từ bên nước mới qua, phần vì bài vở nhiều nên lỗi hẹn.

Câu lạc bộ sỹ quan nằm ở trung tâm thành phố, đó là một tòa nhà lớn với những cột bê tông tròn to cả hai vòng tay ôm mới hết. Đây là một trong những nhà hát của thành phố. Câu lạc bộ sỹ quan chỉ chiếm một phần nhỏ trong nhà hát và cổng được trổ riêng qua một con phố khác. Trong câu lạc bộ có gian lớn dùng để nhảy đầm và bục gỗ cao dành cho ban nhạc, sàn nhảy được lát bằng gỗ đánh si bóng loáng. Trong khuôn viên còn có các gian khác dùng để chiếu phim, nghe nhạc, bán đồ lưu niêm, văn hóa phẩm, giới thiệu những đĩa hát, những băng nhạc mới phát hành và quầy bar ( không bán bia rượu vì thời Gorbachop cấm nhưng bọn tôi vẫn có thể thủ túi một hai chai đem theo ). Cứ có thẻ sỹ quan là Ok vào cổng và được phép đem theo bạn gái. Một, hai, ba em … tùy nhưng đừng rồng rắn quá nhiều “mang tiếng”. Kiếm bạn gái ở đâu ra ư! Nếu bạn hỏi thì tôi trả lời ngay: Ngoài cổng câu lạc bộ, từ chập tối thứ năm và thứ bảy các em bu như kiến, đủ cả, mọi lứa tuổi thành phần, phần đông là trẻ và các em cỡ ba đến bốn mươi, có chồng, chưa chồng, chán chồng, bỏ chồng, thậm chí cả các em gái bán hoa cũng trà trộn vào xin làm bạn nhảy, ấy là tôi xét đoán thế. Thấy sướng em nào thì quàng tay mời nhưng cũng phải hỏi qua xem em đã có bạn chưa chứ không thì lại công toi. Các em đến đây mục đích là để vui, để chia sẻ, để tìm kiếm … chả ai thóc mách đời tư của nhau, tôi rất khoái bọn tây ở điểm này.

Học viên Việt nam ít khi lai vãng tới đây chỉ có tôi và Duy hai anh em tôi thường hay lọ mọ đi tìm hiểu cho vui, cho biết, cho mở mang. Chính từ nơi đây, cái câu lạc bộ sỹ quan vui vẻ này những tình cảm của chúng tôi với các bạn tây được nảy nở, được đơm hoa (dưng không kết trái), tình hữu nghị được thắt chặt, và cũng chính nơi đây chúng tôi một năm phải “nặn” ra cả chục cái lần sinh nhật để có cớ làm quen, mời mọc bạn bè. Tây nó trọng cái ngày sinh mà phụ nữ Nga họ lại chân thành và vô tư vào những ngày đó chỉ cần một bông hoa, một chai rượu, một thanh Socola và những lời có cánh hoặc “ngây ngô” là tiếng cười, là cuộc vui không dứt. Chính vì thế mà có một lần chúng tôi suýt chết. Số là thế này: Trong một tối thứ bảy chúng tôi rủ rê được em nhân viên thư viện làm trong học viện, nàng là con một vị đại tá giáo sư, đi nhảy ở câu lạc bộ sỹ quan. Khi về bốn đứa còn la cà ra công viên ngồi hút thuốc tâm tình và “tu” hết hai chai Vôtka mua “lụi” của bọn lái Taxi ở đầu phố. Sau đó hai đứa chúng tôi mỗi người mỗi ngả chuồn trước, còn mình Duy đưa tiễn em về, em có căn hộ riêng trong khu gia binh gần học viện. Tôi về lăn ra ngủ cho tới sáng. Hôm sau anh Xuân trưởng đoàn học viên Việt nam của bọn tôi gọi tôi lên hỏi: Đêm hôm qua bọn mày đi đâu để anh phải lên học viện bảo lãnh cho thằng Duy. Số chúng tôi hên, anh Xuân nguyên là học viên cũ của trường, là đoàn trưởng lại là một trong số rất ít học viên cả ta lẫn tây tốt nghiệp huy chương Vàng. Sau khi tốt nghiệp về nước anh lại là tiểu đoàn trưởng của hai chúng tôi. Chúng tôi sang được một hai năm thì lại gặp anh khi anh quay trở lại học viện làm nghiên cứu sinh nên ba anh em gặp nhau. Anh nói: Đang ngủ nghe điện thoại báo vào ngay cổng bảo vệ học viện có việc. Thế là vội vàng mặc quân phục lao đi. Tới cổng học viện thì thấy một ông sỹ quan đeo quân hàm thiếu tướng đang đứng chờ. Sau khi đứng ngiêm báo cáo ông đưa tấm thẻ sỹ quan và hỏi có phải lính của mày không? Lướt qua tấm thẻ tao trả lời: Vâng!- Vào trong kia đem nó về, Ông tướng già như một người cha khoan dung nói. Thì ra sau khi tiễn nàng, do ngấm rượu thấy chiếc ghế bên đường ngay gần cổng học viện Duy định ngồi nghỉ một chút cho đỡ mệt ai ngờ ngủ bố nó mất. Cũng may vị tướng khuya đó đi trực, thấy Duy đang say sưa trên ghế, ông lại gần nhìn và thò tay vào túi Duy thấy cái thẻ sỹ quan thì biết là học viên nước ngoài và là học viên Việt nam nên ông vào cổng bảo vệ gọi điện về khách sạn cho anh Xuân. Trước khi “chia tay” ông nhắc nhở: “Con gái Nga của chúng tao rất đẹp và rất tình cảm tao ủng hộ những tình cảm chính đáng của chúng mày nhưng vui thì vui là sỹ quan phải biết kiềm chế đừng để trái tim nó lấn át cái đầu”- Câu này dịch nguyên văn lời ông thiếu tướng dặn dò, anh Xuân rất tế nhị “mắng” tôi như thế. Mọi việc êm xuôi chỉ có ba anh em chúng tôi và ông thiếu tướng tốt bụng kia biết chuyện và cho đến hôm nay tôi tự “vạch áo cho người xem lưng” chỉ kể riêng cho các bạn Trỗi của mình biết thôi đấy nhé cấm nói cho ai không lại mang tiếng là sỹ quan “bét nhè”.

…. Thường vào mùa hè, hệ thống nước nóng trong khách sạn nơi chúng tôi ở được bảo dưỡng và sửa chữa. Thời gian sửa chữa khoảng một tuần. Khách sạn thông báo để bọn tôi tùy nghi di tản. Anh em Việt nam chịu đựng giỏi nên cắn răng xài, vì mặc dù mùa hè nhưng nước vẫn rất lạnh như mùa đông ở ta. Học viên nước ngoài chẳng còn ai, hè họ kéo nhau về nước cả hoặc họ sống với vợ con trong các căn hộ riêng nằm rải rác trong thành phố do học viện cấp. Một số ít thì vào học viện để tắm giặt còn tôi và Duy chúng tôi đi thưởng thức công nghệ tắm “hơi”.

Cézanne - Les grandes baigneuses, 1900-1905Một hôm tôi và Duy đi chơi về ngang qua cái quán Bar nhỏ, đặt dưới tầng hầm một ngôi nhà trong một con phố vắng. Hai đứa bảo nhau chui xuống. Qua cánh cửa nhỏ vào trong là một gian lớn trên quầy đủ cả chủ yếu là Votka, Conhac, bia … trước quầy là dãy ghế cao lênh khênh nhoai mãi mới leo lên được, phòng trang trí rất lãng mạn tiếng nhạc dìu dặt, quán hơi vắng. Chúng tôi kêu mỗi thằng một trăm gram Conhac, cái quán này nó bán rượu theo trọng lượng, chúng tôi để ý thấy cô bé đứng quầy đặt cái li lên chiếc cân sau đó cô ta rót rượu, chính xác không thừa, thiếu không đi đâu ra ngoài giọt nào, tài thật. Tôi vẫn khoái cái anh Conhac uống thơm, êm và đậm đà dù hơi đắt một chút. Chúng tôi làm thêm một cữ nữa và mấy lát xúc xích xông khói rồi chuồn. Vừa đi hai thằng vừa huyên thuyên. Đang đi bỗng Duy dừng lại chỉ lên cái biển, tôi ngước mắt nhìn theo, tấm biển to tướng “Nhà tắm Thổ nhĩ kỳ”. Hai thằng bảo nhau: vào chứ! về nhà lấy đếch nước nóng đâu mà tắm. Hay! một phát kiến hay vào thử xem sao, vào một lần cho biết. Thế là hai thằng rủ nhau chui vào. Sau khi mua vé gửi đồ mỗi thằng nhận một cái khăn tắm và một bó lá giống như bó chổi to hơn cổ tay. Vừa mở cừa phòng lớn lao vào bọn tôi đã mất hết cả phương hướng vì hơi nước như sương mù mịt, tôi cứ theo ánh sáng mờ mờ của ngọn đèn tiến sâu vào bên trong. Chung quanh sao lạ thế? hình như chỉ toàn tiếng đàn bà con gái xen lẫn với tiếng nước chảy róc rách, tiếng “tát nước” ì ọp, tiếng “nước” phun sè sè như van nước bị hở, tiếng kỳ cọ đập lưng phành phạch thỉnh thoảng có tiếng cười ré lên cao vút … và cũng từ lúc này tôi và Duy mất bặt “tin tức” của nhau. Đang lơ nga, lơ ngơ định hướng tôi bỗng bị một cánh tay như hộ pháp nhấc bổng lên, tôi cảm giác như có một cặp ngực rất to nhùn nhũn, nong nóng áp chặt vào lưng mình và giọng phụ nữ oang oang “Chỗ của chúng mày ở đây hả, đồ con lợn”rồi bà ta lôi tôi xềnh xệch vứt ra ngoài trong tiếng cười như chợ vỡ của đám đàn bà con gái trên người không mảnh vải mà tôi thấy thấp thoáng trong “màn sương”. Tôi lăn oạch ra sàn, lồm cồm bò dậy lại mất mẹ nó đâu chiếc khăn tắm nữa mới tức chứ. Khéo phen này phải đền thì bỏ bố.

Thì ra sau khi vào cửa chính, phòng tắm được ngăn làm hai, một bên dành cho quý bà, một bên dành cho quý ông do hơi nước mờ ảo nhìn không rõ nên tôi lại lao mẹ nó sang phần dành cho chị em thế nó mới nên chuyện. Trở về đúng vị trì dành cho các “quý ông” lúc này cứ tiếng mẹ đẻ tôi hét toáng cả phòng tắm lên : Duy ơi! Duy! – Anh đi đâu mà em tìm mãi không thấy, tiếng Duy sát bên tai xen trong tiếng phành phạch của bó lá đập lên người của mấy thằng tây trần như nhộng nằm trên những chiếc ghế đặt rải rác trong phòng. Tôi kể cho Duy nghe sự tình, thằng em cứ ôm bụng lăn ra cười. Duy bảo: Mấy bà ấy vứt anh ra ngoài còn là may em sợ các bà ấy mà giữ lại thì họa to. Chắc có nước em phải gọi Taxi đưa anh về quá.

Chuyện đi tắm của hai anh em tôi hầu như chả có ai biết và cũng chả có thằng học viên Viêt nam nào lại hay lọ mọ như chúng tôi. Hôm nay tôi khai ra đây với mấy ông bạn Trỗi nhà mình cho nó vui.

… Ba câu chuyện “đời” vui có, buồn có, ngô nghê có tất cả là những kỷ niệm của hai chúng tôi. Nó cứ dắt díu nhau qua tuổi thơ, qua đời lính, qua chiến tranh, qua tây về ta và bây giờ ở đoạn cuối cuộc đời tôi Duy mỗi thằng mỗi phận . Duy ngồi kia, cũng như một vài bạn Trỗi trong chúng ta âm thầm, khiêm nhường, thậm chí ngại ngần, dè dặt trước đám bạn bè thành đạt. Trước đám đông Duy chỉ ngồi nơi góc khuất của cái quán Café “Đôi khi” nhìn ngắm bạn bè, nhìn họ cười, họ vui, họ nói và thấy mình như được vui lây theo cái vui của họ thế là sướng, lặng lẽ tủm tỉm một mình với ngụm Café đắng.

Như đã giao hẹn ban đầu với các bạn câu chuyện kể của tôi gồm ba phần nhỏ đã lần lượt được đăng tải, đến đây không còn gì nữa “chấm khết”. Có thể có bạn sẽ “chửi”:Toàn chuyện vớ va vớ vẩn. Tôi mong các bạn thông cảm . Tôi chỉ muốn một điều, sau những ngày căng thẳng lăn lộn kiếm sống vào một lúc nào đó trong ngày các bạn cảm thấy thư thái, thì ở một góc rất nhỏ kia, cuối trang tin Bạn Trỗi có vài mẩu chuyện vui vui như của bác KQ, bác JM, bác HT, bạn HM, bạn ĐN … để các bạn đọc chơi, hoặc không cũng chẳng hề gì vì mọi thứ tôi và anh em kể đã trở nên xa lắc trong quá khứ, đã trở thành kỷ niệm của riêng mỗi người và trong chúng ta ai cũng có những chuyện đại loại như vậy chỉ có điều các bạn chẳng nói ra, hoặc chưa nói ra mà thôi. Nó vô thưởng vô phạt chả ảnh hưởng tới ai, có chăng chỉ làm các bạn mất một chút thời gian mà thôi.