36 - Nhớ Mạnh Minh - Nguyễn Hoàng Anh K6, SRTKL2: 155-162

Liệt sĩ Nguyễn Mạnh Minh


Nhớ Mạnh Minh


NGUYỄN HOÀNG ANH *
Học sinh khóa 6

Tôi và Mạnh Minh cùng học lớp 4A, trường Bế Văn Đàn (Đống Đa, Hà Nội). Gia đình hai đứa lại ở cùng Nhà 2, khu tập thể quân đội Nam Đồng. Mạnh Minh có anh trai là Mạnh Quang học trên hai lớp. Mỗi sáng nghe tiếng huýt sáo, vừa thò mặt ra là thấy ngay cái miệng cậu ta đang toe toét cười dưới chân cầu thang. Hai đứa vừa đi vừa véo từng mẩu bánh mì bỏ vào miệng và nhẩn nha truy bài cho tới tận cổng trường.

Trong những ngày giặc Mỹ đánh phá điên cuồng ra miền Bắc, tôi và Mạnh Minh cùng được gọi lên trường Văn hóa quân đội mà sau này là trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi, tuy không còn học chung một lớp. Một buổi tối mùa đông năm 1966, có chiếu phim ở Gốc đa Hiệu bộ. Hôm đó chiếu bộ phim lịch sử Trung Quốc có nhân vật Mạnh Tử 1. Chẳng hiểu Mạnh Tử có gì giống Mạnh Minh hay không mà sau khi xem về, cả lớp nhất loạt gọi bạn là Mạnh Tử (!).

Năm 1970, khi trường kết thúc nhiệm vụ đào tạo thì khóa 6 chúng tôi vừa học xong chương trình lớp 9 phổ thông. Cả bọn trở về gia đình. Cánh khóa 6 ở “quân khu” Nam Đồng còn có Nguyễn Quang Dũng và Phạm Quang Vinh (dân Nhà 8) cùng về học tại trường phổ thông cấp III Đống Đa. Sau này Dũng kể lại, Mạnh Minh còn là học sinh giỏi của khối lớp 10. Năm học 1970-1971 bạn được nhà trường chọn đi thi học sinh giỏi Toán cấp thành phố. Nhưng chả hiểu sao, hay vì quý bạn hơn chuyện thi cử; sáng hôm đó, Minh đã không dự thi mà bỏ đi chơi cùng Dũng. Nghĩ lại, có lẽ đây là một đặc điểm “hơi bị dở” của “lính Trỗi” nhưng có nét đáng nể kiểu “Lương Sơn Bạc”. Rất ngang tàng và chí khí.

Thật đau lòng, một tai nạn giao thông khủng khiếp đã cướp đi cuộc sống của mẹ Mạnh Minh vào đầu năm 1971. Chín tháng sau ngày mẹ mất cũng là lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ vào giai đoạn ác liệt. Như bao thanh niên cùng lứa, Mạnh Minh xung phong lên đường nhập ngũ. Trước ngày nhập ngũ một tuần, anh nhận được giấy báo trúng tuyển đề ngày 15 tháng 9 năm 1971 vào trường Đại học Cơ điện Bắc Thái. Mất mẹ chỉ còn lại bố, anh dồn hết tình cảm cho ông. Bố anh, một người lính từng tham gia hai cuộc kháng chiến, đã tâm sự: Là thanh niên khi đất nước có ngoại xâm thì phải đánh giặc, đánh giặc xong về học cũng chưa muộn. Nghe lời bố, anh đã mang cả tuổi xuân ra trận.

Mạnh Minh cùng đồng đội được sư đoàn 311 (Quân khu Thủ đô) huấn luyện tân binh tại vùng đồi núi Tân Lạc (Hòa Bình). Sau huấn luyện, các anh lên đường bổ sung cho Đoàn vận tải 559. Đơn vị đóng ở phía tây Trường Sơn (Nam Lào) để chuẩn bị cho cuộc tiến công chiến lược đầu năm 1972, nhằm tạo ra bước chuyển căn bản, làm thay đổi cục diện chiến tranh.

… Cho đến một ngày giữa tháng 5 năm 2003, tôi được anh Mạnh Quang chuyển cho những lá thư của Mạnh Minh viết gửi bố dọc đường hành quân 2.

Ngày 27 tháng 2 năm 1972

Bố kính mến,

Như vậy là con đã đến đây được hai ngày. Hiện con ở Nam Hà, huyện Kim Bảng, xã Đại Cương, cách ga Đồng Văn khoảng 3km.

Tối mồng 8, thằng Vinh đèo con đến Đại Mỗ. Con ngủ đêm ở đó. Sáng hôm sau lại được gọi đi tiền trạm, tìm chỗ đóng quân cho đơn vị. Thế là con không còn dịp để về nhà thăm bố.

Ngày mai, chúng con được đổi quân trang, nhận các trang bị đi “B”. Sáng nay, bác Trần Duy Hưng 3 và một số cán bộ ở Bộ tư lệnh Thủ đô đến đơn vị con động viên và trao nhiệm vụ. Chỉ vài ngày nữa thôi là chúng con lên tầu đi chiến đấu, phải xa Hà Nội, xa miền Bắc, xa các em cùng tất cả bà con cô bác trong gia đình và hàng xóm. Từ giờ trở đi, con không còn thời gian để về thăm các em nữa đâu, bố ạ!

Trước khi đi xa, con cũng chẳng còn vướng mắc gì cả, rất an tâm và sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu mà Tổ quốc và nhân dân cần đến. Con sẽ hoàn thành nhanh chóng và tốt đẹp mọi nhiệm vụ được giao, không làm điều gì ảnh hưởng đến truyền thống của gia đình ta.

Chúc bố và cả gia đình mạnh khỏe. Bố cho con gửi lời hỏi thăm sức khỏe của tất cả bà con hàng xóm và các em.

Con của gia đình. Mạnh Minh.

TB: Tiếc quá bố ạ, chúng con không có hòm thư vì ở đây rất ít ngày.

* * *

Khăm Muộn – Chủ nhật, ngày 5 tháng 3 năm 1972.

Bố kính mến!

Chúng con vừa qua một đêm hành quân vất vả bằng ôtô từ Bố Trạch (Quảng Bình) đến Khăm Muộn (Nam Lào). Ngày kia sẽ có một đơn vị đến đây nhận quân. Các đồng chí đại đội trưởng và chính trị viên làm nhiệm vụ huấn luyện, sau khi giao quân xong sẽ tiếp tục quay ra Bắc làm nhiệm vụ huấn luyện quân mới. Con tranh thủ viết thư gửi về ngay cho gia đình.

Bây giờ chúng con ăn ngủ đều ở rừng, mà rừng ở đây cây rất to và cao, cành lá um tùm. Ở dưới đất thì ngược lại, rất ít cây, chỉ có cây con chứ không có cây rậm rạp. Để ở rất tốt nhưng rất nhiều muỗi, mới có 4 giờ chiều mà muỗi đã bay ra đầy.

Chỉ còn một ngày nữa thôi, chúng con tiếp tục hành quân, nhưng chưa biết đi đâu. Chắc là lại vào sâu vùng Đường 9 – Nam Lào. Từ nay trở đi, việc gửi thư của con cũng khó khăn hơn, bố ạ. Nhưng nếu có điều kiện là con sẽ viết thư về báo tin cho bố, bố cứ yên tâm. Con rất khỏe và sẽ viết thư cho bố.

Mong bố và các em khỏe.

Đứa con đi xa của gia đình. Mạnh Minh.

(Con phải gửi ảnh về cho bố vì ở đây chúng con không được phép mang theo ảnh).

* * *

Ngày 8 tháng 3 năm 1972.

(Lá thư thứ hai kể từ khi sang đất Lào).

Bố kính mến!

Sau hai ngày không viết thư về cho gia đình, con thấy nhớ quá bố ạ. Con tin chắc lá thư thứ nhất thể nào bố cũng nhận được vì nó gửi qua mấy cán bộ đại đội được ra Bắc.

Bố ạ! Lẽ ra đại đội con sẽ cùng tiểu đoàn hành quân bộ vào “B”, sẽ vào tận Tây Ninh, nhưng cấp trên lại rút một đại đội ra để đi làm một nhiệm vụ khác. Không biết là nhiệm vụ gì (thư sau con sẽ nói rõ), chỉ biết chúng con hành quân toàn bằng ôtô. Chỉ ba ngày nữa là chúng con đến vị trí tập kết.

Dọc đường hành quân thật là nguy hiểm. Có chỗ xe chúng con phải vượt qua những vùng đất trống, nơi đó máy bay B52 đã quần nát, cây cối trơ trụi. Trong khi máy bay trinh sát OV-10 và máy bay phản lực quần đảo thì xe chúng con vẫn cứ đi. (Con cũng chả hiểu vì sao mà nó không bắn?!).

Hành quân bằng xe như vậy cũng chẳng sướng gì, bố ạ. Hôm đầu phải đi bộ 2 tiếng đồng hồ mới tới nơi đỗ xe, phải chờ đến 9 giờ đêm, xe mới bắt đầu chạy và đến 10 giờ sáng hôm sau xe mới tới vị trí nghỉ chân. Sau đó, bọn con nghỉ đến 4 giờ sáng mới lên xe đi tiếp và 10 giờ sáng nay thì đến đây, chờ sáng sớm mai lại lên đường...…

Ăn uống ở đây cũng rất khổ, chỗ lấy nước cách chỗ ở hơn 1km, cơm ăn từ hôm sang Lào đến nay không có lấy một ngọn rau. Thèm rau vô kể ... Đời bộ đội khổ thì rất khổ, nhưng vẫn lạc quan và yêu đời...

Con vẫn khỏe nhưng gầy đi nhiều, đen hơn và nhớ bạn bè, nhớ gia đình, nhớ bà con hàng xóm lắm lắm! Con giờ chỉ có thời gian để viết thư cho bố thôi, nếu rỗi, con sẽ viết thư cho anh Quang. Con đang thiếu ngủ và rất cần ngủ, bố ạ. Con đã quầng thâm cả hai mắt rồi.

Bố cho con gửi lời hỏi thăm sức khỏe của anh Quang và hai em cùng bà con cô bác trong gia đình và hàng xóm.

Đứa con đi xa của gia đình.

Mạnh Minh.

* * *

Ngày 21 tháng 3 năm 1972.

Bố kính mến!

Bức thư này là bức thư thứ tư kể từ khi con sang đất Lào.

Trong suốt quãng đường hành quân bằng ôtô rất vất vả, rất bẩn nhưng rất an toàn. Đoạn nguy hiểm nhất là đoạn vượt qua Đường 9, vì đó là một bãi trống, cây rất thấp mà bụi nhiều, hôm đó OV-10 bay liên tục không nghỉ. Vào khỏang 9 giờ sáng, đoàn xe của chúng con có trên 10 chiếc chở cả gạo lẫn người đi qua Đường 9. Xe của con là chiếc thứ hai, vượt qua Đường 9. Sau 15 phút, máy bay trinh sát phát hiện đã gọi phản lực đến ném bom. Lúc con đang nhẩy xuống xe để tránh thì một quả bom nổ cách con 500m, làm cháy một chiếc xe của đoàn bạn đang trên đường. Máy bay phản lực quần đảo đến 30 phút nữa nhưng không làm cháy thêm chiếc nào và không ai bị thương, mặc dù chúng thả rất nhiều bom. Ngày hôm đó, chúng con phải đợi đến 5 giờ chiều mới đi được.

Bố ạ! Hiện nay con đang ở Đoàn 559, sư 471, Đoàn vận tải Quang Trung và ở trong Binh trạm 46, thuộc tỉnh Saravan. Nhiệm vụ của chúng con chưa rõ lắm, nghe đâu tạm thời đứng gác máy bay ban ngày để báo cho các đoàn xe vận tải biết mà tránh. Ở đây, đa số máy bay trinh sát hoạt động ban đêm, còn ban ngày thỉnh thoảng có L-19 và OV-10.

Nói chung, ở vị trí này mùa khô rất an toàn mặc dù đây là vùng được giải phóng mới hơn một tháng. Thị trấn Saravan cách chỗ con đóng quân hơn 4 tiếng đi bộ và xung quanh đều có dân Lào sinh sống. Nghe nói bọn phỉ ở Lào hoạt động mạnh vào mùa mưa, nên vào mùa mưa chúng con phải cẩn thận hơn.

Ở đây ăn uống, sinh hoạt đều khó khăn: không có rau xanh và thịt tươi; chỗ tắm và chỗ ăn là hai vũng nước đọng của con suối cạn, rất nhiều nòng nọc và rác bẩn. Được cái, gạo và củi ở đây rất dồi dào,ăn no nhưng phải đề phòng lửa và khói.

Chúc bố và các em mạnh khỏe, công tác tốt.

Đứa con đi xa của gia đình. Con Mạnh Minh.

TB: Con vẫn khỏe và an tâm công tác. Bố cứ yên tâm.

(Bức thư này có lẽ về nhà trước bức thư thứ ba vì con gửi qua người về Hà Nội).

* * *

Chỉ vài ngày sau, trong trận chiến đấu ác liệt, đảm bảo cho mặt trận, anh bị trúng đạn, được đồng đội sơ cứu. Điều kiện chiến trường ác liệt và thiếu thốn, không cứu được đôi chân; tại trạm quân y tiền phương, các bác sĩ buộc phải ra quyết định cắt bỏ và chuyển anh về tuyến sau. Gọi là “tuyến sau” nhưng Quân y viện 4 nằm không xa mặt trận, thương binh phải nằm hầm và hàng ngày phải hứng chịu những trận mưa bom ác liệt. Vào ngày 25 tháng 3, báo động B52! Quân y viện chỉ toàn y, bác sĩ với những thương binh nặng thì làm sao có thể cơ động đội hình tránh rải thảm. Bất lực! Cả viện nằm gọn trong vệt bom. Khói lửa mù mịt, hàng trăm quả bom nổ trúng đội hình. Mạnh Minh cùng hầu hết các thương, bệnh binh và y, bác sĩ đã hy sinh anh dũng.

Ít lâu sau nghe tin đau thương này, tôi không còn tin ở chính tai mình. Chả lẽ đó lại là sự thật? Tôi không làm sao quên được thằng bạn đẹp trai, hiền lành và rất vui tính. Người như Mạnh Minh sao mà chết được!? Tôi ngẩn ngơ mấy tháng trời thương nhớ bạn. Minh hy sinh khi còn quá trẻ, chưa tròn tuổi 19!

Trong số năm lá thư đã gửi về, gia đình không nhận được lá thư thứ ba (có thể người mang thư đã hy sinh dọc đường ra Bắc). Còn lá thư đề ngày 21 tháng 3 năm 1972, chính là lá thư cuối cùng của anh. Tôi đã khóc khi cầm trên tay chiếc phong bì thư Mạnh Minh gửi về từ mặt trận. Ở mặt trước có dán con tem bưu chính Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một góc phong bì đã xé nhưng chữ còn đọc được:


“… i xa



Kính gửi: Bố

     Nhà 2, buồng 49

               Khu tập thể Nam Đồng
                    – Hà Nội”

Mặt sau bì thư thấy in dấu bưu chính nhưng không rõ ngày và còn lưu lại nét chữ của Mạnh Minh:
“Tôi! Đứa con đi xa của gia đình.
                          *      *
                             *
Cảm ơn tất cả cô bác và các đồng chí nào đã mang lá thư này của tôi ra miền Bắc xã hội chủ nghĩa thân yêu của tôi và đến tay gia đình tôi.
CÁM ƠN & RẤT CÁM ƠN!
Người đi xa. Mạnh Minh.”

phong bì thư Mạnh Minh gửi về từ mặt trận


Xin nghìn lần cảm ơn bạn đã chiến đấu và hy sinh để chúng tôi được sống đến ngày hôm nay! Mạnh Minh thân yêu, bạn sẽ sống mãi trong lòng chúng tôi!

Nhắn với anh em trường Trỗi: ai có dịp qua Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, xin nhớ ghé thăm Mạnh Minh. Tại khu dành cho những liệt sĩ thuộc quận Đống Đa (Hà Nội) có một nấm mộ với tấm bia ghi rõ: “Liệt sĩ Nguyễn Mạnh Minh – Sinh ngày 20 tháng 8 năm 1953. Quê quán: Đống Đa, Hà Nội - Hy sinh ngày 25 tháng 3 năm 1972, tại mặt trận phía Nam”.

N.H.A




*   Bác sĩ chuyên khoa 2 Phẫu thuật thần kinh Viện 115, thành phố Hồ Chí Minh.
1.  Khổng Tử sống thời Xuân Thu-Chiến Quốc (Trung Quốc), có tới 3000 học trò. Mạnh Tử là học trò xuất sắc của Tử Tư – một môn đồ của Khổng Tử. Mạnh Tử có công nâng cao và phát triển lí luận của Khổng Tử nên Đạo Nho sau này có tên là “Học thuyết Khổng-Mạnh”.
2.  Đã trích đăng trong “Tuổi trẻ Chủ nhật”, ngày 25-5-2003.
3.  Bác sĩ Trần Duy Hưng, cố Chủ tịch Uỷ ban Hành chính thành phố Hà Nội cùng cán bộ đến động viên các đơn vị, có chiến sĩ là con em Thủ đô.