Thời thơ ấu - Duy Đảo



THỜI THƠ ẤU

Đào Duy

Mẹ tôi sinh tôi ở Thanh Hóa, nơi gia đình tản cư trong kháng chiến. khi tôi được bốn năm tháng tuổi thì Hiệp định Gionevơ ký kết. Gia đình từ Thanh Hóa gồng gánh “theo sau” đoàn quân trong đó có đơn vị của ông già về tiếp quản thành phố cảng Hải Phòng.
Suốt thời thơ ấu tôi sống và học ở thành phố này nên Hải Phòng có rất nhiều kỷ niệm gắn bó với tôi.
Có những đêm ngủ chập chờn vì tuổi tác hoặc đôi khi gặp bạn bè cũ vui, quá chén về trằn trọc lúc tỉnh, lúc mơ là khi ấy những hình ảnh của một thời thơ cũ như vệt nắng chiều nhạt nhòa lại ùa về trong trí não.
Tôi không bao giờ quên hình ảnh những người phu hoa kiều mình trần, bóng nhẫy mồ hôi đẩy xe ba gác chở những cây gỗ lớn (mỗi xe chở tới hai ba cây đường kính 40-50 phân dài 6-7 mét) lên dốc nơi vườn hoa “Con Cóc” ra tập kết tại bãi trước cảng, chờ tàu nước ngoài “ăn hàng”. Họ có những bài hò rất hay khi cần để tập tập trung sức đẩy xe. Tôi lẽo đẽo biết bao lần theo sau để nghe những bài hò ấy: “Ới dô ta, hò dô ta, ới dô, hò dô, ới dô, hò dô....” Chả hiểu sao ở Hải Phòng người Hoa họ chọn rặt những nghề nặng nhọc, lam lũ để mưu sinh?

Có tối xin mẹ mấy xu rủ lũ bạn xem phim đèn chiếu. “Rạp” là một chiếc xe đẩy ba bánh, phía trên là một cái hòm lớn bằng gỗ làm “phòng chiếu”. Mỗi bên hòm có ba bốn cái “lỗ”, khán giả chổng mông lên, cúi xuống đưa mắt nhìn vào trong xem. Khi đã đủ người (lắm lúc chả đủ) ông chủ rạp một tay quay phim, miệng thuyết minh nhiều khi chả ăn nhập gì với hình ảnh. Phim là những trích đoạn trong Tam Quốc hoặc Tây Du. Phim đèn chiếu người, ngựa, xe cộ … “cứng đơ”, chỉ là những hình ảnh chậm chạp, kế tiếp nhau nhưng hình vẽ rất khéo và lời thuyết minh thì ngẫu hứng hấp dẫn vô cùng.
Khi khách không còn nhu cầu, ông chủ “rạp” đẩy xe đi phục vụ nơi khác. Khán giả chủ yếu là bọn trẻ lóc nhóc chúng tôi, nhưng đôi khi có ông, có bà do “nhu cầu” văn hóa nên cũng sát cánh cùng “thưởng thức”.
Nhiều lúc tôi cứ tự hỏi, có “nhẽ” mình là một trong những khán giả cuối cùng của dòng phim và “rạp” kiểu này. Bây giờ tôi kể đây, tôi tin nhiều bạn cùng lứa chả ai còn nhớ. 

Có hôm tôi bỏ học đi theo để xem một đám tang. Hồi ấy người chết ít lắm!!! Chả biết có đúng không? họa hoằn mới được “chiêm ngưỡng” những đám tang nên chúng tôi ít khi bỏ qua. Trong đầu tôi đám tang hồi ấy là một sinh hoạt “văn hóa” rất “hoành tráng” và trang trọng hình thức tổ chức cũng khác bây giờ.
Đi đầu là hai hàng dọc cỡ hơn chục người trong trang phục như lính “khố xanh” ngày xưa, nhưng màu đen, có viền trắng, đầu đội nón giống như nón vẫn bán ở khu Hàng Ngang, Hàng Đào cho khách du lịch. Vành nhỏ, viền sẫm, phía trên chóp có túm vải điều lắc lư, chân quấn xà cạp tới đầu gối. Trên tay mỗi người là một lá cờ hình chữ nhật hoặc đuôi nheo to, nền đen, tua trắng.
Phía sau họ là đội nhạc với các loại kèn, nhị chủ yếu là kèn ta (kèn đám ma) và trống giữ nhịp. Tiếng kèn, tiếng trống, tiếng nhị nghe ai oán, thảm thiết cả một vùng.
Đi sau là cỗ xe song mã rất đẹp như trong cổ tích. Bên trong đặt quan tài người quá cố. Hai chú ngựa to cao, được phủ một lớp áo kim tuyến óng ánh trên nền cùng màu với cỗ xe tang. Bốn góc xe phía trên, gắn bốn cây “bông” giống như chổi lông gà, xù lông màu xám. Quanh thành xe có đăng ten rủ xuống. Bốn bánh xe sơn đen, viền trắng như xe duyệt binh.
Sau xe là gia quyến, người thân với giải băng trắng trên đầu rồi tiếp nữa là bà con chòm xóm quen biết.
Xe tang lững thững, chậm chạp vòng vèo qua nhiều con phố. Có lẽ người nhà muốn cho kẻ quá cố lần cuối cùng đi lại trên những con đường thân thuộc lúc sinh thời, trước khi về cõi âm. Rồi dòng người đưa tiễn theo xe tang về một nghĩa trang nào đó xa vắng phía ngoại ô.

Tôi có may mắn khi học cấp một, được học ở ngôi trường mà kề bên là những địa danh khá nổi tiếng của Hải Phòng.

Trường tôi nằm ngay đầu cầu Hạ Lý có con sông Tam Bạc chảy qua. Bạn bè trong lớp phần đông là con cái thuyền chài, lang bạt trên những con thuyền, chiều về nằm chen chúc trên bến sông.
Hai bờ Tam Bạc tiếng búa của những người thợ gõ rỉ chan chát trên thân những con tàu, xà lan nghe nao động cả một vùng sông nước từ mờ sáng tới tối khuya.
Trước cổng trường tôi có một vườn hoa nhỏ, nhưng tôi chả thấy hoa lá gì, chỉ là khoảng đất trống, đôi ba chiếc ghế xi măng nằm hờ hững. Là “bãi đáp” cho mấy tay người tàu, “sơn đông mãi võ” biểu diễn cùng chú khỉ đít đỏ như lửa, bán cao đơn hoàn tán.
Xung quanh vườn hoa rặt loại cây cao, lá to, chúng tôi gọi là “cây ngứa”. Mùa ra quả mấy đứa nghịch trong lớp lấy xuống, hạt của nó có lông, lông này mà bỏ xuống ghế ngồi của bạn gái, của cô, của thầy thì gãi đến rách đít.
Có hôm vào lớp muộn vì mải ngồi xem ông lão bán “tò he” ngay sát cổng trường. Từ Quan Công đến Lỗ Chí Thâm từ Trương Phi tới Tôn Ngộ Không … bàn tay của ông thợ như múa trên những miếng bột đủ màu. Thích gì được nấy, chỉ trong vòng một hai phút Chơi chán, khi bột đã khô chúng tôi thường ngả ra đánh chén. Bột gạo nhàn nhạt chả có mùi vị gì.
Vừa rồi tôi có ông “bạn già” bị chứng ung thư, “quẫn lên” lại đổ riệt cho là tại ngày xưa ăn nhiều “tò he” chứa phẩm màu công nghiệp nên bây giờ mới “phát”
Nghĩ lại, ngày ấy làm quái gì có phẩm màu hóa chất, chỉ toàn màu chế từ hoa, lá tự nhiên. Cũng may! chứ không lại mang tiếng oan, tội cho hương hồn ông già bán “tò he” năm nào.
Phía bên trái trường là chợ “Baty”, chợ đã có từ lâu lắm. Chợ nhỏ nhưng đủ cả, chả thiếu thứ gì, các bà nội trợ khó tính mấy cũng vừa lòng khi xách làn ra khỏi chợ.
Còn với chúng tôi thì khỏi nói: thịt bò khô, ốc mút, khế dầm, táo dầm, đu đủ dầm, kẹo kéo (mua kẹo được xem truyện tranh tam quốc miễn phí) thạch, bánh bò … tùy khẩu vị và túi tiền.
Tôi có người chị học trên mấy lớp, chị tôi có thú “sưu tầm” tiền mới. Mỗi kỳ lĩnh lương của ông bà già, chị tôi thường xin một hai hào rồi ép vào cuốn sổ. Thế quái nào tôi rình mò biết được. Thế là mỗi sáng đi học tôi “nhõn” một tờ. Bao nhiêu thèm khát, bao nhiêu món “ngon” mà tôi đã kể ở trên bán nơi cổng trường, tôi lần lượt xơi hết.
Chiếc kim giấu lâu trong bọc rồi cũng có ngày lòi ra. Một chiều đen đủi, bà chị tôi phát hiện ra tài khoản của mình bị “lõm” gần hết. Thế là bà ấy lăn ra khóc như “mưa rào tháng sáu”, đố ai dỗ được. Sau đó là màn “khai báo” với bố mẹ tôi. Tôi bị trận đòn tưởng “chết”.

Con đường nhỏ gần trường nơi tọa lạc nhà thờ lớn. Nhà thờ uy nghi, cổ kính rêu phong. Chiều về trong tiếng chuông ngân nga, nghe buồn buồn như tiếng than của đám tông đồ nghe tin “ngài” bị lũ “Giu đa” đóng đinh trên thánh giá.
Những ánh mắt nhìn như hớp hồn của đám nữ dòng tu, làm lỡ nhịp bao trái tim cánh mày râu. Những tà áo dài thướt tha của các bà,các cô đi lễ làm dịu dàng, mềm mại những con phố vốn toàn thợ thuyền, thô vụng.
Bên kia đường, cạnh nhà thờ ngày xưa là nhà dòng. Sau 1954 nhà nước trưng dụng làm trường học rồi sau là trường học sinh miền nam. Ngôi trường này là cảm hứng của bài thơ “Chú đi tuần” trong sách tập đọc năm nào mà tôi còn nhớ.
“… Chú đi tuần đêm nay
Hải Phòng yên giấc ngủ say
Cây rung theo gió lá bay xuống đường.
Chú đi qua cổng trường,
Các cháu Miền Nam yêu mến …”
Bên hông trường, phía phải là cửa hàng ăn.
Về cái cửa hàng ăn này, ông chú họ của tôi có một kỷ niệm cười ra nước mắt. Tiện đây tôi kể cho các bạn nghe.
Số là thế này: Ông chú tôi ở quê ra chơi, đưa thiệp và mời bố mẹ tôi về quê ăn cỗ cưới và tranh thủ sắm sửa vài thứ chuẩn bị cho hôn lễ.
Một hôm ông chú đi đâu, mất hút từ sáng cho tới chiều, để cả nhà phải chờ cơm. Bữa tối ngồi nhìn cái đầu “đít vịt” bờm lên còn mới toanh của chú, bố tôi chửi toáng lên.
Chú tôi miệng “múm mím”chống chế:
- Đời em cho tới hôm nay, nhờ có anh, có chị, em mới ra được đến tỉnh. Hôm đi thằng bạn trong xóm còn dọa “Ra tỉnh, ông có đi đâu chơi thì đi, dưng phải về sơm sớm, không “cổng tỉnh” nó mà đóng thì chỉ có nước ngủ ngoài đường.”. Em cũng hãi.
- Ngày cưới vợ là thời điểm trang trọng cả đời người, em “trang trí, sửa sang” lại cái đầu tí chút để chụp lấy tấm hình đôi lứa làm kỷ niệm chứ có phải đua đòi tư sản … gì đâu. Anh cứ hay nâng quan điểm, em kinh lắm.
Kể ra em có tí “đoàn”, tí “đảng” thì anh mắng nó lại ra một nhẽ, đằng này ở xã bọn quan chức nó ghét em như “khỉ ghét mắm tôm”.
Anh chị thoát ly, xa quê lâu nên không biết.
Ở quê em có nghề chài lưới, tuy là nghề tay trái nhưng tay lưới của em trong làng ai cũng “kính nể”. Em sát cá, cứ xách lưới, dông thuyền đi là y như rằng khi về hơn chục ký cá cầm chắc. Chỉ cá to em mới bắt. Có hôm vớ được cả “ba ba, thuồng luồng” mỗi con đến vài ký.
Thế mà làng xóm đố có thấy em thì thụt ở nhà mấy tay cán bộ ủy ban để biếu “chúng” lấy một con.
Có lần họp đảng ủy (đã họp là phải đánh chén) xã gợi ý em ủng hộ vài ký cá tươi, em cứ lờ đi, nên nó ghét.
Nói anh chị không hiểu, lại bảo là em đãi bôi. Hôm lên thăm anh chị em ra ủy ban xin cái giấy giới thiệu để đem theo cặp gà thiến, mấy cân nếp cùng con cá Trắm đen năm ký mà em phơi khô ra biếu anh chị.
Tiên sư chúng nó! Trình bày đến khô miệng, rã họng mà chúng nó không cho, lại còn nói là em lợi dụng buôn bán phá rối thị trường.
Nó chỉ cho em đem theo mỗi con cá khô. Tức mình! em cóc thèm nữa, để tới khi anh chị về dự đám cưới, em gửi anh chị đem đi, xem chúng nó có dám bám theo xe hơi ông tá, ông tướng đòi kiểm tra giấy tờ, kiểm tra hàng hóa không?
Nói rồi ông chú tôi gãi gãi đầu, dưng không dám gãi mạnh sợ mất nếp cái đầu “đít vịt” mới làm:
- Anh mắng thì em chịu! Chứ thực ra em cũng chẳng sung sướng gì, khó chịu lắm anh ơi!
Ngồi làm cái đầu dễ hơn tiếng đồng hồ, ê cả đít, mà chả biết nó bôi rồi kẹp cái quái gì vào đầu mà em ngửi như mùi chuột chết. Sau đó tay thợ còn cầm cái ống mạ kền bóng loáng, cắm điện quay vo vo, thổi vào đầu nóng như thui chó…
- Cạch! Lần sau anh có cho không tiền để em làm cái đầu mới, em cũng chịu. Mà tiền nong nào có ít, mất toi cả buổi kéo lưới cật lực của em ở quê.
Thấy chú tôi nói năng không được tự nhiên, miệng cứ chúm cha chúm chím bố tôi tức mình:
- Mày chỉ được cái giỏi cãi, mở to miệng ra ăn nói đàng hoàng cho tao xem nào.
Bất đồ chú há miệng ra. Cả nhà tôi trố mắt kinh ngạc.
Hai chiếc răng cửa của chú trắng là thế đã mất toi từ lúc nào. Thay vào đấy là hai chiếc răng vàng chóe, phản chiếu ánh điện càng thêm “lộng lẫy”. Tôi nhìn chói hết cả mắt. Tôi để ý thấy một chiếc thì vàng hết, một chiếc chỉ viền vàng xung quanh, chừa ở khoảng giữa là hình một trái tim trăng trắng bé xíu, nền của chiếc răng cũ.
Thế là lại một chầu nữa chú bị bố tôi chửi, lần này còn thậm tệ hơn.
Cũng trong thời gian ấy chả hiểu trong nhà có việc gì mà mẹ tôi phải nhờ chú đạp xe đến trường đón tôi.
Còn gần tiếng nữa mới tới giờ tan lớp. Ông chú tôi đứng cạnh cửa hàng ăn sát bên trường để chờ. Trong cửa hàng mùi thịt chó nướng ngào ngạt bay ra. Sẵn tiền túi, lại lâu lắm không được miếng cầy tơ thế là một công đôi việc: vừa đón cháu vừa thưởng thức đặc sản.
Ông chú tôi bước vào cửa hàng gọi một đĩa thịt nướng, thêm chén rượu quốc doanh, thử xem cái anh rượu nhà nước này có khác gì thứ rượu quê không?
Nhạt thếch, chỉ bằng nửa cái anh rượu gạo mua lậu ở quê.
Bù lại, ngon! Chả chó tuyệt thật! Đúng là “sống ở trên đời...” Vừa nhâm nhi, thưởng thức cái món ăn thuộc hạng siêu đẳng của dân sành.
Đang nhai bỗng dưng ông chú tôi vội ngắt “CB” quai hàm lại.
Quái! sao miếng này lại dai thế nhỉ? Ông chú tôi tự hỏi trong đầu.
Lại mở “CB” cho quai hàm “làm việc” tiếp. Vẫn dai! không thể “giải quyết” nổi.
Vốn tính tò mò của con nhà chài lưới, thế là ông chú tôi nhè ngay miếng thịt ra tay, cúi xuống xem nó là giống gì mà dai thế?
Thế có chết không! mình nghĩ cấm sai, đúng là miếng “ấy” của con chó cái, mà lại là chó cái già.
Tiên sư mấy thằng nhà hàng chết tiệt! tận thu đến thế là cùng. Tức mình chú tôi vứt miếng thịt đến “Bẹt” một cái xuống bàn cho bõ ghét và gọi thêm chén rượu nữa.
Cô phục vụ đon đả đem rượu ra tiện thể “thu gom” luôn cái miếng chú tôi vửa nhả ra trên bàn.
Đang nhâm nhi thì một ông khách cỡ trung niên, mắt mũi kèm nhèm đeo cặp kính trắng vào ngồi ngay bàn ông chú tôi.
Ông ta cũng gọi một đĩa giống món chú tôi đã gọi. Chỉ ít phút, đĩa chả nướng thơm phức được bưng ra.
Cả chú tôi và ông khách đều tập trung vào “chuyên môn” chả ai nói với nhau lấy một lời. Đang “ngon chớn” bỗng ông chú tôi thấy ông khách bên cạnh đưa tay lên miệng rồi giương mục kỉnh lên dò xét cái miếng vừa nhè ra trên tay.
Xét đoán một lúc, ông khách càu nhàu mặt “tái đi”rồi cáu kỉnh vứt ra bàn đến “Bẹt” một cái chả khác gì hành động của chú tôi lúc trước.
Chú tôi tò mò “lườm” sang. Quái nhỉ! “thủ giống thủ, xôi giống xôi”!!! Miếng thịt giống y miếng lúc nãy mà mình nhả ra!!!
Chả dám ho he, ông chú tôi vét nốt đĩa thịt vì tiếng trống báo giờ tan lớp bên trường vọng sang.
Trong bữa cơm chiều chú kể với bố tôi, cả nhà cứ phá lên cười, mẹ tôi nói “đúng là nhà quê ra tỉnh”.
- Mà nhà quê gì! Khối anh tỉnh thành sờ sờ ra kia nhai phải những miếng còn “ác liệt” hơn thế. Bố tôi thêm nhời.
Chuyện của ông chú tôi là thế.
Cạnh cửa hàng ăn là phố Hồng Bàng. Bên kia đường là đài liệt sỹ thành phố. Những cây “Dái Ngựa” cao lêu đêu trong nghĩa trang đang mùa ra hoa, cả một vùng không gian “thối hoắc”, tôi chưa từng thấy loài hoa nào lại có mùi ghê gớm thế.
Mùa quả chín chúng tôi dùng súng cao su bắn những quả già rơi xuống. Bên trong quả cơ man nào là hạt, hạt to như trái Gắm vỏ đen bóng và cứng. Chúng tôi dùng dao cắt ra, sau khi lấy hết nhân thưởng thức. Vị bùi bùi, ngầy ngậy nhưng thằng nào đói ăn xơi vào thì say khủng khiếp, sùi cả bọt mép.
Vỏ hạt, chúng tôi làm quay, kiếm một miếng bát vỡ kẹp vào tay rồi dùng lực bóp cho hạt bắn ra, quay tít rất vui
Kề bên đài liệt sỹ là ngân hàng thành phố. Ngân hàng uy nghi đường bệ xây toàn đá xanh, phía trước là con đường dốc dẫn lên mặt tiền tòa nhà. Chúng tôi thường dùng mảnh gỗ rồi lắp mấy cái vòng bi cũ leo lên đỉnh dốc, ngồi lên tấm gỗ cho nó lăn xuống, có thằng ngã sứt cả đầu gối.
…..
Tuổi thơ tôi cứ thế êm đềm trôi qua.
Nhưng chiến tranh! chiến tranh đã làm đảo lộn tất cả.
Những ngày tháng thanh bình của gia đình tôi, cũng như bao gia đình khác trên nửa đất nước hình hài “người nông dân đội nón” lam lũ không còn - 5/8/1964, chiến tranh lan rộng ra cả nước.
Bố đi chiến trường. Sau đúng một thập niên, gia đình tôi lại gồng gánh “tản cư”, lần này bố mẹ tôi không đưa gia đình vào Thanh Hóa nữa vì trong đó giờ đã là “chiến trường”. Chúng tôi “tản cư”về quê.
Năm sau tôi tạm biệt bà, mẹ và đứa em út, “kỷ niệm” của bố mẹ tôi những ngày sau đình chiến ở Hải Phòng, để lên trường Trỗi.
Từ đó, những tháng năm còn lại của tuổi thơ, tôi gắn bó với các bạn Trỗi cho tới một mùa hè.
Chả hiểu sao mùa hè năm ấy ve nhiều thế? tiếng ve réo sôi cả một khoảng trời! Cũng chả hiểu sao năm ấy phượng lại nở nhiều thế? đỏ rực cả cái thị trấn trung du thanh bình, yên ả nằm nép mình bên dòng sông Thao. Có lẽ thị trấn trung du sắp phải chia tay những người bạn, những cô cậu học trò mặc áo lính chúng tôi chăng? Mùa hè 1970 tôi còn nhớ mãi.

Thân tặng anh, chị Phúc Chiến khi nhớ về Hải Phòng