Chuyện của 10 năm trước: HUỲNH HỒNG VÀ NƠI CHẮP CÁNH CHO NHỮNG ƯỚC MƠ (KQ)


  Chuyện của 10 năm trước:

Huỳnh Hồng và nơi chắp cánh cho những ước mơ

TranKienQuoc
Sáng sớm 19-12-2002, nhận được cú điện thoại của Huỳnh Hồng lính Trỗi k6: “Ra ngay Nhà Văn hóa Thanh niên dự lễ ra mắt Hội mô hình điều khiển TPHCM, đúng hẹn tôi có mặt. Có một sự trùng hợp lý thú là Hội ra mắt đúng những ngày Nhà Văn hóa mở triển lãm “30 năm - Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không”.

Các anh đuợc dành cả gian triển lãm để trưng bày mô hình. Hàng chục mô hình có kích thước bằng cả sải tay trang trí khá bắt mắt được đặt trên giá và treo trên tường. Nào là máy bay “bà già” động cơ cánh quạt, đến máy bay phản lực Mig-21, F-4H, hay trực thăng cứu hộ, trực thăng chiến đấu, rồi cả xe container, xe kéo bồn dầu, ca-nô… đã gây sự chú ý cho mọi người, nhất là lớp trẻ. Các mô hình này vận hành được nhờ những động cơ chạy pin hoặc chạy nhiên liệu lỏng. Trên màn hình lớn treo giữa tường đang chiếu hình ảnh bay lượn của một chiếc trực thăng ảo được một kỹ thuật viên khéo léo điều khiển. Các bạn trẻ xúm lại đặt câu hỏi cho các anh, những người đi trước.

Huỳnh Hồng tâm sự:
“Thực ra chơi mới hơn năm nay, nhưng ham lắm. Chỉ đọc qua sách vở, lục trên internet kiếm các thông tin, rồi nhờ người quen ở nước ngoài mua linh kiện về mầy mò lắp ráp. Một mô hình bay không chỉ gồm động cơ mà phải có phần điều khiển xa vô tuyến. Lúc đầu thật manh mún, mạnh ai nấy chơi. Rồi niềm đam mê từ tôi lan sang cả các cháu, cứ chủ nhật cha con kéo nhau lên trường bắn quận 9 phơi nắng suốt ngày cho bay thử. Các linh kiện lắp ráp toàn ngoại nhập, rất đắt…”.
  Anh giải thích, thế giới coi đây không chỉ là môn thể thao ngoài trời mà còn là môn thể thao trí tuệ, sáng tạo. Ngoài việc phải có sức khỏe dẻo dai thì những người chơi phải có những kiến thức tối thiểu về khí động học, về hàng không, về điều khiển học, về thiết kế trên máy tính và cả về mỹ thuật. Thiết kế xong phải cho mô hình bay thử trên máy tính trong các điều kiện thời tiết, khí động… mô phỏng như thực tế. Chỉ sau khi bay mô phỏng hoàn hảo thì mới tính chuyện lắp ráp. Võ Văn Vinh, phi công Cty bay dịch vụ VASCO, nhận xét: “Riêng phần mềm bay mô phỏng Real flight Simulator có thể dùng làm bài tập bay cho các phi công”.

Trong 40 hội viên sáng lập có Bùi Minh Hiền, một Việt kiều Pháp ở độ tuổi 40. Trong một cuộc thi thế giới, anh đã từng đoạt giải nhì vận động viên điều khiển máy bay trực thăng. Vì đam mê  thể thao điều khiển mô hình bay và muốn phát triển ở quê hương, anh đã về nước với cả chục tấn máy móc để sản xuất phụ kiện lắp ráp. Chỉ cho tôi cụm neo cánh quạt với trục quay của trực thăng làm bằng hợp kim nhôm phải mua đến 50 “quan”, nhưng từ khi Cty Khiêm-Tín (khiêm tốn và tín nhiệm) sản xuất được phụ kiện thì những hội viên không còn phải tốn ngoại tệ. Không những vậy, nhiều loại mô hình theo đơn đặt hàng do Khiêm-Tín chế tạo còn được xuất khẩu ra thị trưòng thế giới. Khi giới thiệu mô hình chiếc trực thăng cứu hộ, Hiền trầm ngâm:
- Nó có thể nhấc bổng một vật nặng 6-7kg và bay cao tới hàng chục mét. Giá mà hôm cháy Trung tâm thương mại ITC, Hội đã được phép hoạt động thì chiếc trực thăng này có thể mang những cuộn dây thừng cho các nạn nhân trên nóc nhà và họ có thể tự cứu được mình. Thật đau xót!

Mỗi hội viên sáng lập có một nghiệp riêng, người là họa sĩ, kỹ sư, người là doanh nhân, thậm chí có cả những phi công, nhưng vì có chung niềm say mê mà họ đã quy tụ về đây. 


Ảnh: Facebook.

Sau những ngày làm việc mệt mỏi, sau những đêm mày mò chế tạo thử nghiệm, đến lúc ra hiện truờng dưói trời nắng và gió, nghe tiếng động cơ xé không gian nhìn theo mô hình để lại sau làn khói trắng vút lên cho đến khi chỉ còn là một chấm đen, rồi các vận động viên mải mê ngửa cổ theo dõi, dùng 2 tay điều khiển cho mô hình bay lượn theo các quỹ đạo… Đó là lúc sảng khóai và hạnh phúc!

May mắn được tiếp xúc với Nguyễn Thanh Bình, một thành viên sáng lập (em rể Trọng Huấn k5, Trọng Thắng k7). Sau những năm tháng chiến đấu ở mặt trận Tây Nguyên trở về học và tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội, anh tâm sự: “Thật khó quên những ngày chiến đấu gian khổ ngoài mặt trận, ngồi trong hầm thấy máy bay Mỹ gầm rú mà căm giận. Chả hiểu sao tôi cứ đinh ninh sẽ có ngày làm chủ được bầu trời…”. Trong “công binh xưởng” nhà anh ngổn ngang nào khung gỗ, nào tranh vẽ dở với toan, cọ, sơn dầu cùng mô hình một chiếc máy bay được kì công sơn phết hình một con ó đen đang giang cánh ôm trọn.

Khó có thể tưởng tượng chỉ trong 3 tiếng đồng hồ sau lễ ra mắt, Hội MHĐK TPHCM đã kết nạp được thêm 30 hội viên trẻ. Tin tưởng vào lớp người mới, Hồ Viết Nhật – trưởng ban vận động thành lập - vạch kế hoạch: “Môn thể thao này đã kích thích niềm say mê của giới trẻ nhưng phải dần đưa các em vào sinh hoạt tập thể có kỷ luật, đoàn kết, rồi phải tổ chức huấn luyện cho các em bay mô phỏng trên máy tính, khi đã thành thạo mới  đưa ra hiện trường điều khiển mô hình. Còn nhiều việc…”.

Môn thể thao mô hình điều khiển xa đuợc coi là môn thể thao quốc phòng nên Hội đã mạnh dạn bắt tay với các đơn vị F367, F370 bảo vệ vùng trời phía Nam. Nhân ngày Quân đội 22-12 năm nay, các anh được mời ra Hà Nội dự Hội thao toàn quân biểu diễn mô hình bay tại sân bay Gia Lâm. Cuối buổi, Bùi Minh Hiền được vinh dự “bay biểu diễn” với chiếc mô hình trực thăng Raptor 3D trong tiếng vỗ tay ủng hộ của quan khách.

Nhân dịp này, Hội MHĐK TPHCM đã tặng Bộ tư lệnh Phòng không-Không quân 2 mô hình huấn luyện. Và những ngày cuối năm, anh em vui vẻ báo tin: mới có 2 tuần mà số hội viên đăng ký đã là 600; có cả những “lão tướng 59 tuổi” từng tham gia điều khiển mô hình bay từ trước 1975 nay ở tận Châu Đốc cũng xin đăng ký, hay Đạt - người duy nhất đam mê chơi mô hình tận TP Hạ Long - cũng điện thoại về.

Huỳnh Hồng tự tin nói: “Hy vọng môn thể thao trí tuệ, sáng tạo này sẽ phát triển rộng khắp cả nước, tạo một sân chơi lành mạnh cho thế hệ trẻ. Hội sẽ góp phần hướng các em tới một tình yêu quê hương, có ước mơ làm chủ bầu trời. Trong số các em chắc chắn sẽ có những phi công giỏi của Hãng Hàng không quốc gia hay những sĩ quan điều khiển máy bay phản lực bảo vệ vùng trời Tổ quốc, hoặc sẽ có những tổng công trình sư thiết kế ra những chiếc máy bay “made in Việt Nam”… Trong năm tới, chúng tôi cố gắng xây dựng một nhóm điều khiển những chiếc trực thăng bay tập thể – một bài tập rất khó – tham gia trình diễn vào Ngày Chiến thắng 30-4. Khi “tay nghề” các hội viên đã điêu luyện, Hội sẽ đăng ký tham gia các cuộc thi quốc tế do Hiệp hội thể thao mô hình bay điều khiển xa tổ chức. Phải có ước mơ, anh ạ!”. …

Giờ này hoạt động của CLB ra sao? Chúng ta chờ tin anh.
    
 ❧ ❀ ❧ 


  Địa chỉ Hội Mô hình điều khiển TPHCM: 5A-5B đường Trường Sơn, Q. Tân Bình.
  Liên hệ: Huỳnh Hồng – 091 380 7888.

Đăng lại bài viết của TranKienQuoc (đã đăng tại Blog K5: Thứ bảy, ngày 28 tháng tư năm 2012).