Những ngày và cái Tết đầu tiên ở Quế Lâm - Hoàng Anh

Còn hơn một tháng nữa là đúng kỉ niệm 48 năm ngày lần đầu tiên xa tổ quốc (05/1/1967- 05/1/ 2015), mình đưa bài này lên để chia sẻ với các thầy cô, các bạn TSQ Trường Nguyễn Văn Trỗi:








Những ngày và cái Tết đầu tiên ở Quế Lâm



(Mến tặng Duy Đảo, Lê Quý, Lê Anh Tuấn, Toàn Thắng, Văn Nam và K6 yêu quí)


Hoàng Anh

Nguyễn Hoàng Anh


Hoàng Anh
0908 414 218, hoanganhngtk115@yahoo.com.vn
SG

1972

05/2014


Sáng sớm ngày 05 tháng 1 năm 1967 Chúng tôi tập trung tại một địa điểm tại đường Hoàng Diệu , sau khi đọc tên điểm danh từng người theo từng đơn vị, mỗi lớp bắt đầu thứ tự lên ôtô, đoàn xe ca quân đội chở qua một loạt phố rất quen thuộc với mỗi đứa đưa tất cả đến một chỗ thứ 2, đó là trường Ngô Sĩ Liên, một ngôi trường trong nội thành Hà Nội, gần ga Hàng Cỏ. Các thầy phổ biến cho chúng tôi nhiều thứ nhưng tôi chỉ nhớ là đang thời kỳ Mỹ đang ném bom đánh phá Miền Bắc nên phải hết sức giữ bí mật, sẽ ở cả ngày ở đây với lệnh nội bất xuất, ngoại bất nhập.
Bộ phận bên quân trang bắt đầu gọi tên từng đứa phát cho từng người thêm khoảng chục thứ gồm: Ba lô, một bộ quân phục, một bộ áo quần lót, một chiếc mũ bông có bịt tai, một giầy bộ đội, tất, găng tay, quần vệ sinh, khẩu trang và đặc biệt là một áo bông to, có cổ bằng lông màu nâu rất ấm. Mỗi đứa lại phải đóng gói cho hành trang của mình sao cho thật gọn với số đồ mới được phát.
Đến mãi đầu giờ chiều, lũ chúng tôi mới được phát mỗi đứa một cái bánh mỳ kẹp thịt quay lúc cũng khá đói nên chúng tôi ngấu nghiến ăn khá ngon lành. Đúng 17h chúng tôi xếp hàng hành quân ra ga Hàng cỏ, xúng xính trong bộ quân phục nhỏ theo sắc phục kiểu binh chủng phòng không không, quần xanh áo budong, nhìn thấy lũ bộ đội con đi trên phố, bao cặp mắt dân tình tò mò với cái nhìn theo có lẽ muốn phỏng đoán chúng tôi là ai vậy, bộ đội sao bé vậy. Đoàn người trật tự nối đuôi từng trung đội lặng lẽ vào ga theo cửa ưu tiên. Đúng 18h đoàn tàu chuyển bánh hướng về phía Bắc, tiếng xình xịch của đầu máy, tiếng ken két của bánh sắt cọ đường ray, làm lũ trẻ không ngủ được thế là đã xa HN, xa người thân, có mấy đứa còn rơm rớm nước mắt khắc khoải... không biết bao giờ mới trở về lúc ấy lũ chúng tôi mới khoảng 12-14 tuổi.

Khi tầu đưa chúng tôi tới ga Quế Lâm, sau 2 đêm một ngày nằm tàu, lúc đó vào khoảng 8 g, trời sáng hẳn, không khí tạnh ráo, tiết trời hơi giá lạnh một chút, tại ga đã có nhiều , có rất đông thanh niên nam nữ Trung quốc, có những người rất bé thậm chí bằng lũ chúng tôi, hầu hết đều đội mũ như bát lộ quân, ăn măc kiểu đại cán, màu bạc phếch, ngực đeo huy hiệu Mao rất to, cầm cờ, khẩu hiệu, ra vẫy chào chúng tôi rất nồng nhiệt, hô rất nhiều khẩu hiệu ủng hộ Việt Nam, sau này tôi mới biết họ là các đội hồng vệ binh nguyên là học sinh, sinh viên các truờng kéo nhau đi làm cách mạng văn hóa theo chỉ thị của người cầm lái vĩ đại.

Xe đưa chúng tôi về trường Nhất – Trung (là trường trung học số 1 ở Quế Lâm) mà bọn tôi sau này chỉ quen gọi theo tiếng Hoa là trường Y - Trung, đây là một ngôi trường khá lớn, nằm bên cạnh một ngọn núi đá vôi khá lớn, trơ trụi chẳng thấy cây cối gì cả, nhìn xéo trước mặt là nhánh dòng Ly giang, xa xa xung quanh là những ruộng rau trồng của các công xã, một dạng hợp tác ở Việt Nam, nhà của trường ở đây hầu hết là các dãy nhà thấp, kiểu lớp học, xung quanh có những vườn hoa nhỏ, chủ yếu trồng các khóm cây hoa trúc đào, hoặc đào xen kẽ là những dải cây thông, tùng, bách đặc trưng của vùng xứ ôn đới.
Chỗ ở đầu tiên của lớp tôi là trong khu lớp học, cạnh mỗi lớp học lại đều có một bàn bóng bàn bằng xi măng biểu tượng sự phát triển của môn thể thao quốc hồn quốc túy của Trung Quốc này, giữa các khu dãy lớp là những bậc cầu thang ngăn cao thấp khác nhau, trong lớp điều mà tôi ấn tượng nhất là cái bảng đen to, dài bằng kính ráp, nằm chiếm gần hết cả bức tường trước lớp, ở Việt nam chúng tôi thường dùng bảng chỉ bằng gỗ sơn đen, thường cũng nhỏ, bàn học và ghế của lớp chắc đã được bạn di dời đi nơi khác, thay vào đó là 2 dãy giường gỗ 2 tầng cá nhân trong mỗi phòng. Sau ổn định chỗ ở trong phòng, nhà trường phát cho mỗi đứa chúng tôi thêm một số trang bị cá nhân cho chỗ ở một chiếc chăn bông khá nặng khoảng 3 kg, khăn trải giường có các đường kẻ màu xanh đỏ rất đẹp, khăn trải gối, một cái gối to, và một bộ quần áo Đông xuân, khăn quấn cổ, chúng tôi lếch thếch, sung sướng ôm đồ mới phát về, lần đầu tiên tôi được ngủ giường có vải trải giường có đệm, có gối bông nên rất thích.
Gần trưa mỗi đứa còn được phát một cái bát tô men to, một thìa lớn, một cái ca men và thêm một chậu men để tắm giặt. Sau khi ổn định chỗ ở thì cũng đã tới giờ cơm , các lớp tập hợp theo đội hình trung đội, chúng tôi đi đều xuống nhà ăn, nằm ngay gần cổng vào chính, lối xuống nhà ăn là con đường khá rộng được lát bằng đá cuội rất công phu tạo thành các hình hoa văn uốn lượn khá đẹp.
Toàn bộ bếp ăn chia thành hai khu - đó là khu bếp chế biến, nấu, điều ấn tượng với lũ trẻ là cơm, bánh được nấu trong các cái khay nhôm, đặt trong hầm hơi kín được nối với hệ thống lò đun hơi áp xuất rất cao, có đồng hồ kiểm tra áp lực, ống dẫn vào ra, khi nấu, hay cần dùng nước nóng người phụ trách chỉ việc xả hơi vào hầm kín. Sát cạnh lò hơi có một dãy nhà nhỏ là nơi có thể dùng nước nóng tắm rửa khi đông giá.










Khu nhà ăn chính, thực ra nhà ăn ở đây nguyên là cái hội trường to, có cả sân khấu để biểu diễn văn nghệ, trên tường cả trong lẫn ngoài, rồi cả trên đường khẩu hiệu, thông cáo số 1,2... rồi chi chit báo chữ to la liệt dán đè lên nhau, tên các vị lãnh đạo … chỗ thì ủng hộ, chỗ thì đả đảo thật gay gắt, vết tích của cách mạng văn hóa còn đầy ắp trong trường... làm lũ trẻ chúng tôi cũng hiểu xã hội Trung Quốc đang ở thời kỳ nóng nhất, khó khăn nhất.
Bữa ăn thường khá đơn giản, bữa sáng món chủ đạo là bánh bao, thỉnh thoảng có thêm cháo, còn bữa chính thường có rau bắp cải, hay cải xanh,dưa chuột xào thịt, canh cà chua, nước chấm lúc đầu thì chúng tôi còn ăn theo kiểu Việt Nam, nghĩa là lấy cơm xúc thức ăn, ăn ít một, những ngày sau thì chẳng ai bảo ai, chia ra mỗi đứa xúc đầy cơm rau theo phần của mỗi đứa, cả canh trút vào cái tô men to mới phát, tạo thành món được gọi là “hổ lốn” rồi vừa đi vừa ăn cho tới khi kết thúc thì vừa về tới nhà, khá tiện.

Buổi tối đầu tiên nhiều đứa lớp tôi đã dám mon men làm quen với các bạn Trung Quốc, đầu tiên là các nhóm Hồng vệ Binh, bỡ ngỡ ban đầu nhanh chóng được gỡ bỏ vì các bạn trẻ này cũng khá cởi mở thân thiện, chúng tôi thì cố moi trong đầu mấy câu tiếng Hoa đã học, chuyện trò cả bằng tay, cả ngôn ngữ khuôn mặt, rồi thì cũng hiểu cả, có mấy tên chỉ học tiếng Nga nên bất đắc dĩ phải học ngay cặp từ thông dụng nhất là “Ní hảo” (chào bạn)… và “Kấy ủa” (cho tôi) để giao tiếp kịp thời khi muốn xin huy hiệu, hết huy hiệu thì họ tặng cả trước tác Mao Trạch Đông màu đỏ chói cho lũ nhóc chúng tôi, thấy mấy đứa bọn tôi đeo huy hiệu đội họ cũng “Kấy ủa” xin làm kỉ niệm. Sau khi đi “làm công tác Hoa vận” về giở ra có đứa đã có nguyên một bộ sưu tập huy hiệu từ to như cái đít bát cho đến những cái nhỏ xíu xinh xinh.
Những ngày học tập của các lớp chúng tôi được bắt đầu ngay sau ít bữa ổn định ăn ở. Vào buổi học đầu tiên mỗi đứa được nhận thước kẻ, compa, eke và bút cùng 3 cuốn vở có nhiều cảnh, công trình như cầu qua núi cheo leo, cầu Giải Phóng bắc qua sông Li Giang, đặc biệt tôi còn nhớ có hình anh lính Lôi Phong một nhân vật tiêu biểu của Trung quốc in ở bìa trước. Lớp học có ánh sáng, bảng viết, bàn ghế thì đàng hòang hơn không còn cảnh tạm bợ, chạy báo động như trước nữa.
Tết Đinh mùi - ngày 8/2/1967 là cái tết đầu tiên sau hơn một tháng chúng tôi được sống yên ổn trên đất Trung quốc, tiết trời khá rét, nên chúng tôi chỉ được phép chơi loanh quanh trong nhà, tối 30 nhà trường chiếu phim phục vụ tết toàn trường, xem phim xong mọi người trở về dự liên hoan, trên mỗi bàn đã có bánh kẹo, trái cây toàn của nước bạn nên trông hơi là lạ, đẹp ăn cũng ngon, nhưng lạ mắt nhất, lần đầu tiên tôi mới thấy các viên tròn, có vỏ bao trong là lạc mà mãi sau lũ tôi mới biết người ta gọi đây là lạc chiên da cá? các thầy tổ chức chơi trò chơi hái hoa dân chủ cũng rất vui, các bạn bắt phiếu có thể hát, hay trả lời một câu hỏi nào đó về các môn học, thậm chí làm trò cho mọi người cười, khi giây phút đón giao thừa sắp tới, chúng tôi im lặng ngồi nghe thơ chúc tết của Bác Hồ qua đài mà đến giờ có lẽ ai cũng còn nhớ:

Xuân về xin có một bài ca
Gửi chúc đồng bào cả nước ta
Chống Mỹ hai miền đều đánh giỏi
Tin mừng thắng trận nở như hoa.


Cho mãi tới 1 giờ sáng cả lũ cũng ríu cả mắt, mới lục tục đi ngủ mang theo cả nỗi nhớ nhà, nhớ bố mẹ, anh em, những người thân yêu da diết khôn nguôi trong giấc mơ .
Tận 9 giờ sáng mùng 1 tết (tức ngày 9/2/1967), chúng tôi dậy vệ sinh sáng, tổ trực xuống bếp lĩnh bánh bao sáng phát cho các bạn, còi sáng dục chúng tôi nhanh chóng tập hợp để làm lễ chào cờ, rồi lần lượt đi chúc tết các thầy cô giáo và tổ chức các trò chơi trong nhà.
Bữa trưa nhà trường tổ chức liên hoan, thức ăn có nhiều món hơn ngày thường. Đến chiều mùng 1 hôm ấy, chúng tôi được nghe thời sự nói chuyện về tình hình chiến sự trong nước và chuyện tết nhất khó khăn ở bên nhà, cuối cùng thầy chính trị mới kết bằng câu: “Thầy trò chúng ta hôm nay phải vui tết với tinh thần vui vẻ, phấn khởi, an toàn, tiết kiệm. các em có đồng ý không?” tiếng chúng tôi hô vang: “có ạ”.
Buổi tối ấy các đơn vị tổ chức liên hoan văn nghệ với tinh thần cây nhà lá vườn.
Mùng 2 tết đó chỉ tổ chức vui chơi toàn trường vào buổi chiều như thi ném bóng vào chậu, kéo co, đá bóng, bóng rổ, bóng bàn… giữa các lớp ở sân vận động của trường Y Trung.
Đây là sân thể thao khá lớn, nằm tít phía sau trường, trong một vùng khá trũng so với khu lớp học, xung quanh sân bóng đá còn có khu sân bóng rổ, bóng chuyền, nằm sát một khối núi đá vôi không cao lắm, trông giống hòn non bộ khổng lồ, núi này tách riêng biệt không hoàn toàn với khu phía trước của trường, bên phải “hòn non bộ” này là khu thể dục dụng cụ có xà đơn, xà kép, xà lệch, dây leo, xích vòng…và các bãi nhảy xa, nhảy cao nằm bao quanh đường chạy ôm lấy sân bóng đá.
Mùng 3 tết năm ấy toàn trường chúng tôi đã bắt tay vào học tập bình thường với khí thế thi đua mới hướng về tổ quốc Việt Nam thân yêu... !
Nhắc lại những ngày tháng đầu tiên sống trên đất Quế Lâm, những thằng bé hồi nào giờ đã thành các bậc ông bà, đã có cháu bồng cháu bế vẫn còn nhớ mãi nhiều kỷ niệm thời đó như một chấm son đỏ trong cuộc đời của mỗi người
(Trích tự sự Hoàng Anh K6).

Nguồn: FB Nguyễn Anh