THỰC TẠI VÀ HOANG ĐƯỜNG 31/a




PHẦN III:     Nguồn cội

“Đừng chê cõi trần nhơ
Đừng khen cõi trần đẹp
Cõi trần là thản nhiên
Chỉ có đời nhơ, đẹp.”
.


CHƯƠNG IX: THỜI CUỘC

“Nếu như sau cái đêm tối tăm của thời trung cổ, các ngành khoa học đột nhiên sống lại với một sức mạnh không ngờ và bắt đầu phát triển nhanh chóng một cách kỳ diệu, thì sự kỳ diệu ấy cũng chính là nhờ sản xuất mà có”
Ph. Ăngghen


Hậu quả của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918) cùng với sự thành công của Cách mạng tháng Mười Nga đã kích thích sự nổi dậy mạnh mẽ phong trào đấu tranh của nhân dân lao động toàn thế giới. Năm 1919, ở Hungari đã thành lập được chính quyền Xô viết và tồn tại 133 ngày. Ở xứ Bavie (Đức) và Đông Xlôvaki cũng đã nổi dậy lật đổ chính quyền, đòi thành lập chính quyền Xô viết. Ở nhiều nước tư bản khác như Anh, Pháp, Mỹ… phong trào đấu tranh của công nhân cũng lan rộng, sôi nổi hơn. Tại châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh, ở nhiều nước thuộc địa và nửa thuộc địa như Triều Tiên, Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, Ai Cập, Braxin, Pêru, Cuba, Mêhicô…, phong trào chống thực dân, đế quốc đòi độc lập dân tộc, dân chủ cũng diễn ra mạnh mẽ. Đặc biệt, ở Mông Cổ, cuộc cách mạng nhân dân đã thành công đưa đến việc thành lập nhà nước cộng hòa nhân dân.

Trước sự phát triển của phong trào đấu tranh đó, tháng 3-1919, Quốc Tế Cộng Sản được thành lập (còn gọi là Quốc Tế III). Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Lênin, Quốc Tế Cộng Sản đẩy mạnh việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin và kinh nghiệm của Cách mạng tháng Mười ra toàn thế giới, thúc đẩy sự ra đời của các Đảng Cộng Sản và giúp đỡ phong trào cách mạng các nước.
Trong bầu không khí đấu tranh rộng khắp thời bấy giờ, tiếng vang của sự kiện Cách mạng tháng Mười và cuộc chiến thắng oanh liệt trước thù trong giặc ngoài, giữ vững chính quyền vô sản của Nhà nước Xô viết ở nước Nga không thể không lan truyền đến tai những nhà hoạt động yêu nước Việt Nam đang khắc khoải tìm cách giải thoát dân tộc mình khỏi đói khổ, uất ức dưới cái ách bạo ngược thực dân - nửa phong kiến.
Một triều đình phong kiến khi ở giai đoạn phản động nhất của nó, nghĩa là khi quyền lợi ích kỷ của nó đối kháng cực độ với quyền lợi Đại Chúng và sẵn sàng phản bội lại đất nước, bán rẻ đất nước vì quyền lợi ích kỷ ấy thì nó chẳng khác gì giặc ngoại xâm, thậm chí còn tệ hơn. Lúc đó, chế độ thực dân của kẻ xâm lược hóa ra lại tiến bộ hơn so với chế độ phong kiến đã thối nát. Vì thế mà trong thời kỳ đầu dưới chế độ thực dân, nhiều nhà cách mạng đã lầm tưởng “lòng tốt” của chế độ ấy và muốn dựa vào nó để thủ tiêu triều đình phong kiến tàn dư (mà chính thực dân âm mưu cho nó tồn tại!).
Đối với giai cấp tư sản bản địa thời kỳ ấy thì tìm kiếm tình yêu thương ở nó bằng tuyên truyền, vận động chính trị là vô vọng; đối với chủ nghĩa thực dân thì xin xỏ dân chủ, dân quyền (chưa cần nói đến độc lập dân tộc) bằng giải thích suông là ảo tưởng.
Bản chất tàn nhẫn của chủ nghĩa thực dân, cùng với sự thất bại của các cuộc đấu tranh manh mún, cải lương đã dẫn cuộc đấu tranh tư tưởng trong đội ngũ những chí sĩ yêu nước Việt Nam đến kết quả nhất quán và cuối cùng này: chỉ có cuộc đấu tranh quần chúng rộng lớn và phải bằng bạo lực cách mạng mới có thể đạt được độc lập dân tộc và qua đó mới có thể nói đến dân chủ, dân quyền, nghĩa là phải có một lực lượng đủ mạnh đánh đuổi được kẻ cướp cùng với chủ nghĩa thực dân của nó ra khỏi bờ cõi, đồng thời đánh đổ luôn cái “nửa phong kiến” ma quái kia (mà không chừng không đánh, cái chỗ dựa thực dân đã không còn thì nó cũng tự động tan biến!).
Nhưng bằng cách nào? Cách mạng tháng Mười đã soi rọi đến!
Và khí thiêng sông núi Việt Nam đã hun đúc nên một đứa con đại anh hùng của dân tộc Việt nữa để đặt lên vai người đó cái trách nhiệm như Phù Đổng Thiên Vương, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi - Nguyễn Trãi… đã từng gánh vác: Giải phóng đất nước Việt, giành độc lập tự do cho dân tộc Việt, thu giang sơn về một mối.
Ngày 19-5-1890, tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, miền Trung đất Việt, trong một gia đình nhà nho yêu nước nghèo, một bé trai chào đời và được đặt tên là Nguyễn Sinh Cung. Lớn lên ở một địa phương có truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm và nhờ tư chất thông minh mà hấp thụ được trực tiếp cái tinh thần ấy cũng như tư tưởng đấu tranh từ thân phụ mình là Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc cùng bạn bè nhà nho cách mạng của ông, Cung đã sớm nhận thức được cảnh nước mất nhà tan và nuôi chí đánh đuổi thực dân, giành lại đất nước cho đồng bào.
Vào tuổi thiếu niên, khi vào học ở Huế, Cung lấy tên là Nguyễn Tất Thành như một quyết tâm cứu nước. Ở đây, Tất Thành đã tích cực tham gia vào phong trào đấu tranh chống sưu cao thuế nặng trong hàng ngũ học sinh.
Năm 1910, Nguyễn Tất Thành đến Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) và dạy học ở trường Dục Thanh.
Năm 1911, Nguyễn Tất Thành vào Sài Gòn và từ bến Nhà Rồng, xuống một tàu buôn Pháp, nhận chân phụ bếp, lấy tên là Ba, với mục đích là bôn ba ra thế giới để trực tiếp được thấy, nghe, học hỏi, từ đó mà có thể phát hiện con đường khả dĩ đánh đuổi thực dân Pháp; giải phóng đất nước.
Anh Ba đã đi hầu như khắp thế giới, đến rất nhiều nước ở các châu Á, Âu, Phi, Mỹ Latinh. Trước mắt anh Ba, đại bộ phận quần chúng đâu đâu cũng cực khổ, cả ở những thuộc địa, cả ở những nước tự xưng là đi khai hóa văn minh, và đâu đâu cũng có sự phản kháng, đấu tranh. Sẵn có lòng nhân hậu và qua cuộc sống lao động hòa mình với xung quanh, cuộc đi đó đã cho anh Ba nhận thức được nhiều điều quan trọng cho bước đường sau này, nhất là tính phổ biến và tinh thần quốc tế của các cuộc đấu tranh chống áp bức bất công của nhân dân lao động thế giới.
Cuối năm 1917, anh Ba từ Anh trở lại Pháp hoạt động trong phong trào Việt kiều yêu nước, phong trào công nhân Pháp. Năm 1919, anh Ba lấy tên là Nguyễn Ái Quốc và thay mặt những người Việt Nam yêu nước tại Pháp gửi tới Hội nghị Vécxây (Versailles) bản yêu sách đòi quyền tự do cho nhân dân Việt Nam và cũng là quyền tự do cho nhân dân các nước thuộc địa.
Đầu thế kỷ XX, vấn đề dân tộc và thuộc địa dần mang tính thời sự nổi trội và vì thế cũng trở thành một trong những vấn đề chính yếu trong đường lối chiến lược và sách lược của Quốc Tế Cộng Sản. Vấn đề này đã được đặt ra ngay từ Đại hội lần thứ I của Quốc Tế Cộng Sản (1919).
Lênin đã đặc biệt theo dõi phong trào giải phóng dân tộc ở các nước chậm phát triển và thuộc địa, nhất là khu vực châu Á. Ông cho rằng mâu thuẫn cơ bản của thời đại gồm: một là mâu thuẫn giữa một bên là giai cấp tư sản đế quốc và một bên là giai cấp vô sản quốc tế đã có nhà nước của mình trên 1/6 địa cầu (ý nói Nhà nước Xô viết Nga); hai là mâu thuẫn giữa các dân tộc đế quốc chủ nghĩa đi bóc lột và các dân tộc thuộc địa, phụ thuộc bị bóc lột. Do sự vận động của hai mâu thuẫn cơ bản đó, giai cấp vô sản quốc tế và các dân tộc bị áp bức phải giúp đỡ nhau, đoàn kết lại xung quanh Nhà nước Xô viết để cùng nhau đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc. Và trong quá trình đấu tranh cách mạng, với sự giúp đỡ của giai cấp vô sản các nước tiên tiến, các dân tộc lạc hậu, trải qua các giai đoạn phát triển nhất định, có thể tiến lên chủ nghĩa xã hội, không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa.
Trên tinh thần nghiên cứu đó, Lênin đã viết “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” (gọi tắt là “Những luận cương”) vào tháng 6-1920 để làm cơ sở thảo luận về vấn đề đặc biệt quan trọng này tại Đại hội lần thứ II của Quốc Tế Cộng Sản. “Những luận cương” được công bố trên tạp chí “Quốc Tế Cộng Sản và được dịch ra nhiều thứ tiếng. Báo “Nhân đạo” (Pháp) đăng tải trong hai số ra ngày 16 và 17-7-1920.
Tiếp xúc nội dung của “Những luận cương”, Nguyễn Ái Quốc đã xúc động sâu sắc vì tìm thấy ở đây con đường cứu nước mà ông đã khao khát tìm tòi khắp thế giới suốt cả quãng đời thanh xuân và đã thốt lên: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta! Đây là con đường giải phóng chúng ta”. Cũng do tác động của Cách mạng tháng Mười Nga và “Những luận cương” mà vào tháng 12 năm 1920, khi tham dự Đại hội XVIII của Đảng Xã hội Pháp họp ở thành phố Tua, Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành Đảng gia nhập Quốc Tế Cộng Sản và trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng Sản Pháp. Nguyễn Ái Quốc khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.
Năm 1921, cùng với một số người yêu nước của các thuộc địa Pháp, Nguyễn Ái Quốc sáng lập Hội Liên hiệp thuộc địa. Tháng 4-1922, Hội xuất bản tờ báo “Người cùng khổ” (Le Paria) nhằm đoàn kết, tổ chức và hướng dẫn phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các thuộc địa. Nhiều bài báo của Nguyễn Ái Quốc đã được đưa vào tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”, xuất bản năm 1925. Đây là tác phẩm nghiên cứu, vạch trần bản chất bóc lột của thực dân, đế quốc.
Tháng 6-1923, Nguyễn Ái Quốc sang Liên Xô (tên gọi tắt của Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết) để học hỏi, tìm hiểu, nghiên cứu cách mạng vô sản Nga và tham gia hoạt động trong Quốc Tế Cộng Sản. Tại Đại hội V của Quốc Tế Cộng Sản, Nguyễn Ái Quốc đã đọc một bản tham luận quan trọng, bảo vệ quan điểm của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa. Trong thời gian này, ngoài công việc trong Quốc Tế Cộng Sản và cùng với việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc cũng luôn theo dõi diễn biến tình hình đấu tranh cách mạng trong nước.
Ngày 11-11-1924, với tư cách ủy viên Ban Phương Đông của Quốc Tế Cộng Sản và ủy viên Đoàn Chủ tịch Quốc Tế Nông dân, Nguyễn Ái Quốc về đến Quảng Châu (Trung Quốc). Tại đây, ông vừa làm việc trong đoàn cố vấn Bôrôdin của chính phủ Liên Xô bên cạnh chính phủ Tôn Dật Tiên, vừa tìm hiểu và tiếp xúc với những người Việt Nam yêu nước sang, chọn một số thanh niên yêu nước thuộc tổ chức Tâm tâm xã, trực tiếp mở lớp huấn luyện, đào tạo cấp tốc. Các bài giảng của Nguyễn Ái Quốc được tập hợp lại, in thành cuốn sách “Đường Cách Mệnh”, một tác phẩm quan trọng đặt cơ sở tư tưởng cho đường lối cách mạng Việt Nam. Nội dung cơ bản của tác phẩm này là:
  • Muốn cứu nguy dân tộc thì phải làm cách mạng. Cuộc cách mạng tháng Mười Nga là triệt để nhất. Cho nên Cách mạng Việt Nam muốn thành công thì phải noi theo Cách mạng tháng Mười Nga.
  • Động lực của Cách mạng Việt Nam chủ yếu là Công - nông. Còn học sinh, tiểu thương, điền chủ nhỏ chỉ là bầu bạn của Cách mạng.
  • Cách mạng Việt Nam là bộ phận của Cách mạng thế giới, do đó đoàn kết quốc tế là vấn đề quan trọng đảm bảo cho thắng lợi của cách mạng Việt Nam, bên cạnh tinh thần tự lực tự cường, tự chủ làm cách mạng.
  • Muốn đưa cách mạng đến thắng lợi thì phải có Đảng cách mạng. Muốn Đảng vững mạnh thì phải lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm kim chỉ nam.
Tháng 6-1925, Nguyễn Ái Quốc thành lập tổ chức “Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội” tại Quảng Châu, với nòng cốt là những thanh niên đã qua huấn luyện; ra tuần báo “Thanh niên” nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về Việt Nam, chuẩn bị cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam sau này. Một số thanh niên đã qua huấn luyện cùng lần lượt được phái về nước hoạt động tuyên truyền, vận động cách mạng.
Hà Nội, từ đó trở thành nơi đưa đón thanh niên yêu nước từ trong nước sang Quảng Châu dự lớp huấn luyện, từ Quảng Châu về nước hoạt động và cũng là nơi rất sớm đón nhận sách báo, tài liệu cách mạng ở Pháp sang, ở Trung Quốc về theo con đường bí mật, bất hợp pháp. Đặc biệt, các tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc như “Bản án chế độ thực dân Pháp”, “Đường cách mệnh”, báo “Thanh niên”… đã được người dân Hà Nội khao khát tìm đọc, bất chấp sự theo dõi, khủng bố của thực dân Pháp.
Cuối năm 1926, chi bộ “Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội” được thành lập tại một địa điểm ở làng Dịch Vọng (Từ Liêm). Đến năm 1927, cơ sở của Hội được mở rộng. Tháng 3-1927, kỳ bộ Bắc Kỳ của Hội được thành lập và cơ quan chỉ đạo được đặt ngay tại Hà Nội để từ đó đẩy mạnh việc tuyên truyền, phát triển tổ chức ở các địa phương. Tháng 6-1927, tỉnh bộ Hà Nội của Hội được thành lập và đẩy mạnh hoạt động (theo chủ trương của kỳ bộ Bắc Kỳ thì phạm vi hoạt động của tỉnh bộ Hà Nội gồm các tỉnh Hà Đông, Sơn Tây, Vĩnh Yên, Phúc Yên, Hưng Yên, Phú Thọ và huyện Gia Lâm thuộc tỉnh Bắc Ninh cũ).
Tháng 5-1927, Nguyễn Ái Quốc từ Quảng Châu trở lại Mátxcơva, sau đó đi Béclin (Đức), đi Brúcxen (Bỉ), tham dự phiên họp mở rộng của Đại hội đồng Liên đoàn chống chiến tranh đế quốc, rồi đi Ý. Từ tháng 7-1928 đến tháng 11-1929, Nguyễn Ái Quốc hoạt động trong phong trào Việt kiều yêu nước ở Xiêm (Thái Lan), tiếp tục chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Từ năm 1928, thực hiện chủ trương “vô sản hóa”, nhiều hội viên của Hội đã xâm nhập vào đời sống công nhân, đến trực tiếp làm việc tại các nhà máy, hầm mỏ, đồn điền… để tự cải tạo mình thành những người cách mạng có lập trường kiên định của giai cấp vô sản, đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động, lôi kéo công nhân. Nhờ thế, phong trào đấu tranh ngày càng nâng cao cả về số lượng lẫn chất lượng. Đó cũng là kết quả bước đầu của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở Việt Nam.
Thực tiễn phát triển của phong trào công nhân lúc này đã cho thấy tổ chức “Thanh niên cách mạng đồng chí Hội”, không còn đủ khả năng lãnh đạo; đòi hỏi phải có một chính đảng thực sự của giai cấp vô sản. Cuối tháng 3-1929, để đáp ứng tình hình đó, những phần tử tiên tiến trong kỳ bộ Bắc Kỳ và tỉnh bộ Hà Nội là Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh… đã họp tại nhà số 5 Đ, phố Hàm Long, gấp rút thành lập ra một chi bộ Cộng sản. Lần đầu tiên một chi bộ Cộng sản đã xuất hiện trên lãnh thổ Việt Nam.
Tại Đại hội kỳ bộ Bắc Kỳ lần thứ II (28-3-1929), chủ trương thành lập Đảng Cộng sản được nhiệt liệt tán thành. Nhưng đến Đại hội của “Thanh niên cách mạng đồng chí Hội” toàn quốc họp ở Hương Cảng (Trung Quốc) ngày 1-5-1929, đề nghị thành lập Đảng Cộng sản của đoàn Bắc Kỳ do Ngô Gia Tự làm trưởng đoàn đã bị bác bỏ. Ngay sau đó, đoàn Bắc Kỳ bỏ Đại hội ra về, triệu tập cuộc họp tại chùa Hương Tuyết (Bạch Mai) bàn về việc thành lập đảng. Ngày 17-6-1929, tại nhà số 312 phố Khâm Thiên, Đông Dương Cộng sản Đảng chính thức được thành lập, chính cương và tuyên ngôn của Đảng được công bố. Tờ báo Búa Liềm, cơ quan trung ương của Đảng, các tổ chức quần chúng của Đảng cũng lần lượt ra đời tại Hà Nội. Tỉnh bộ Thanh niên cách mạng đồng chí Hội chuyển thành Thành ủy lâm thời của Đông Dương Cộng Sản Đảng.
Sự ra đời của Đông Dương Cộng sản Đảng đã có ảnh hưởng to lớn đến phong trào cách mạng trong cả nước. Tháng 10-1929, An Nam Cộng sản Đảng ra đời ở Nam Kỳ. Tháng 1-1930, phái tả trong Đảng Tân Việt ở Trung Kỳ cũng tự tổ chức thành Đông Dương Cộng sản Liên đoàn.
Chỉ trong một thời gian ngắn, ba tổ chức Đảng Cộng sản nối tiếp nhau ra đời tại Việt Nam đã nói lên sự bức bách mang tính tất yếu phải có một chính đảng vô sản để lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam.
Có lẽ, sự thất bại trong đau thương nhưng hừng hực khí phách của cuộc khởi nghĩa chưa chín muồi do Quốc Dân Đảng phát động đã báo hiệu kết thúc quá trình đấu tranh tư tưởng cùng với trào lưu đấu tranh cách mạng cải lương, bất toàn, manh mún và không triệt để của cách mạng Việt Nam; mở ra một thời kỳ mới đầy hy vọng nhờ qui tụ được về một mối lực lượng quần chúng ngày càng đông đảo hơn, giác ngộ hơn, nhờ vào một đội ngũ lãnh đạo trung kiên hơn, kinh nghiệm hơn qua quá trình hoạt động đấu tranh yêu nước và cách mạng trước đó cũng như qua việc nhận thức ngày một sâu sắc nguyên lý của cách mạng vô sản, và nhất là nhờ có được một mục đích cách mạng cụ thể, rõ ràng, phù hợp với nguyện vọng của Đại Chúng, đáp ứng được quyền lợi sát sườn của quần chúng cần lao Việt Nam, mà công đầu vạch đường mở lối đã gắn liền với cái tên, nghe đã rung động lòng người: Nguyễn Ái Quốc.
Ngày 3-2-1930, tại Hồng Công (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì Hội nghị thành lập Đảng, thống nhất ba Đảng Cộng sản Việt Nam và cũng thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình vắn tắt, Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam cùng với Lời kêu gọi do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo. Các văn kiện này, cùng với tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” và “Đường Cách Mệnh” đã đánh dấu sự hình thành về cơ bản tư tưởng của con đường cách mạng Việt Nam. Nội dung cơ bản về đường lối do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo lúc đó có thể nêu vắn tắt là: Cách mạng Việt Nam sẽ trải qua hai giai đoạn, trước làm cách mạng dân chủ tư sản, sau làm cách mạng xã hội chủ nghĩa; hai giai đoạn đó nối tiếp nhau không được chia tách, “chủ trương làm tư sản dân quyền cách mệnh và thổ địa Cách mệnh để đi tới xã hội cộng sản”; trong giai đoạn làm “cách mệnh tư sản dân quyền”, cách mạng thực hiện nhiệm vụ đánh đổ ách thống trị của Thực dân Pháp và vua quan phong kiến, tư sản phản cách mạng, giành độc lập tự do dân tộc, dựng nên Chính phủ công nông binh, tổ chức quân đội công nông, tịch thu hết sản nghiệp của đế quốc, tịch thu ruộng đất của đế quốc và bọn phản cách mạng đem chia cho dân cày nghèo, tiến hành “cách mệnh ruộng đất”, thực hiện khẩu hiệu “dân cày nghèo có ruộng”; lực lượng đánh đổ thực dân, phong kiến, tư sản phản động là công nhân và nông dân, “công nông là gốc cách mệnh” đồng thời cách mạng “phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông… để kéo họ đi về phe vô sản giai cấp; còn đối với phú nông, trung tiểu địa chủ và tư sản Việt Nam mà chưa lộ “rõ mặt phản cách mạng thì phải lợi dụng, ít ra cũng làm cho họ trung lập”; Cách mạng Việt Nam là bộ phận của cách mạng thế giới; Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định thắng lợi của Cách mạng Việt Nam, Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng.
Chúng ta thấy, đường lối cách mạng cơ bản này, chính là sự rút ra bài học về nguyên tắc từ cuộc cách mạng tháng Mười Nga (Có một điều đáng ngạc nhiên là tình hình xã hội của nước Nga và Việt Nam, cũng như bước đường đấu tranh giành và giữ chính quyền của Cách mạng tháng Mười và Cách mạng Việt Nam sau đó đã có những nét tương đồng lớn lao. Có như thế phải chăng bản chất của chế độ Đế quốc phong kiến quân phiệt Nga đã không khác bao nhiêu so với bản chất chế độ thực dân - nửa phong kiến Việt Nam? Nếu đúng như thế thì là ngẫu nhiên hay định mệnh? Dù sao thì hiện tượng này vẫn cứ gợi nhớ đến Sự Tương Tự - một đặc tính vĩ đại và phổ biến của Tự Nhiên Tồn Tại trình hiện ra trước quan sát - nhận thức. Và điều này có lẽ thiêng liêng hơn: thành quả phi thường của Cách mạng tháng Mười Nga và của Cách mạng tháng Tám Việt Nam, trong tương lai sẽ mãi mãi được người đời khâm phục, một khi còn đấu tranh cách mạng giành quyền sống cơ bản của con người).
Thế nhưng, tại Đại hội VI, Quốc tế Cộng Sản đã phê phán đường lối (dự thảo) đó của Nguyễn Ái Quốc. Cho nên hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam họp vào tháng 10-1930, đã theo chỉ thị của Quốc Tế Cộng Sản vạch “án nghị quyết” thu hồi “Chính cương vắn tắt” và “sách lược vắn tắt”, đổi tên Đảng thành Đảng Cộng sản Đông Dương.
Tại sao lại như vậy? Chúng ta sẽ quay lại với cuộc đấu tranh tư tưởng về vấn đề dân tộc và thuộc địa trong Quốc Tế Cộng Sản!
Để thảo luận “Những luận cương” của Lênin, Đại hội II Quốc Tế Cộng sản đã thành lập một tiểu ban riêng gồm 20 người, trong đó có đại biểu của Anh, Áo, Bungari, Hungari, Đức, Hà Lan, Ấn Độ, Inđônêxia, Aixơlen, Trung Hoa, Triều Tiên, Mêhicô, Nga, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Nam Tư. Cuộc tranh luận của Tiểu ban xoay quanh vấn đề: Quốc Tế Cộng sản tuyên bố ủng hộ phong trào dân chủ tư sản ở các nước thuộc địa lạc hậu là đúng hay không đúng: Nói cách khác, cách mạng thuộc địa là cách mạng gì và từ đó nảy sinh ra những vấn đề gì.
Theo nhãn quan mácxít, tình hình cụ thể ở đa số các thuộc địa và phụ thuộc lúc đó là: nông dân chiếm 90% dân số, các quan hệ tiền tư bản chủ nghĩa, phong kiến, gia trưởng còn thống trị hay chiếm ưu thế; còn giai cấp vô sản công nghiệp thì đang hình thành, hoặc còn rất bé nhỏ, chưa giác ngộ giai cấp sâu sắc, chưa có tổ chức riêng của mình; chủ nghĩa cộng sản chưa được tuyên truyền một cách có hệ thống trong giai cấp công nhân… Trong điều kiện đó Lênin đã đi đến kết luận rằng: “Không còn nghi ngờ gì nữa, mọi phong trào dân tộc chỉ có thể là dân chủ tư sản thôi, vì quảng đại quần chúng nhân dân ở các nước lạc hậu là nông dân, tức là những đại biểu cho giai cấp tư sản - tư bản”. Cho nên “nhất thiết phải có sự giúp đỡ của tất cả đảng cộng sản đối với phong trào giải phóng dân chủ tư sản những nước ấy”. Tuy nhiên Lênin viết: “Chúng ta phải và sẽ chỉ ủng hộ những phong trào giải phóng có tính chất tư sản trong những nước thuộc địa, khi những phong trào đó thực sự có tính chất cách mạng, khi những đại biểu của các phong trào đó không ngăn trở chúng ta giáo dục và tổ chức - theo tinh thần cách mạng - nông dân và quảng đại quần chúng bị áp bức. Nếu không có những điều kiện như thế thì những người cộng sản chúng ta ở trong các nước đó phải đấu tranh chống giai cấp tư sản cải lương”. Để thể hiện rõ hơn tư tưởng đó, sau khi thảo luận, Tiểu ban đã nhất trí thay thế danh từ “dân chủ tư sản” bằng “dân tộc cách mạng”. Như vậy, theo quan điểm của Lênin, một mặt, phải ủng hộ phong trào dân chủ tư sản mà chủ yếu là phong trào nông dân để thúc đẩy phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa phát triển, lôi kéo các dân tộc thuộc địa tham gia quá trình cách mạng thế giới và qua thực tiễn đấu tranh tự quyết định vận mệnh của mình, mặt khác vì sự hạn chế của phong trào dân chủ tư sản, nhất là của giai cấp tư sản đang lãnh đạo phong trào ở một số nước, cho nên “không bao giờ được sát nhập với phái đó và phải kiên quyết giữ vững tính độc lập của phong trào vô sản, dù cho phong trào ấy còn ở dưới hình thức phôi thai nhất”.
Trong quá trình thảo luận “Những luận cương” tại Đại hội II Quốc Tế Cộng sản, một số người cộng sản phương Đông, tiêu biểu là M.N.Rôi (Ấn Độ) đã phản đối những quan điểm nêu trên của Lênin, đề ra những quan điểm sau này gọi là “tả khuynh, biệt phái”. Theo Rôi: phong trào dân chủ tư sản ở các nước thuộc địa không phản ánh được nguyện vọng của quần chúng, các thủ lĩnh của nó không tin vào những người lao động, không được công nhận và nông dân ủng hộ; do đó phong trào dân chủ tư sản không thể thành công. Trái lại, việc quần chúng không ủng hộ phong trào dân chủ tư sản đã mở đường cho những người cộng sản giành quyền lãnh đạo cách mạng, cho nên nhiệm vụ hàng đầu là thành lập ngay các đảng cộng sản. Biên bản tóm tắt của hội nghị Tiểu ban về vấn đề dân tộc và thuộc địa có ghi: “Đồng chí M.N.Rôi đi đến kết luận cần phải bỏ một đoạn trong luận cương thứ 11 về vấn đề dân tộc nói rằng tất cả các đảng cộng sản phải gíup đỡ phong trào giải phóng dân chủ tư sản ở các nước phương Đông. Quốc Tế Cộng Sản chỉ cần giúp xây dựng và phát triển phong trào cộng sản ở Ấn Độ. Còn Đảng Cộng Sản Ấn Độ thì chỉ cần quan tâm đến việc tổ chức quảng đại quần chúng để đấu tranh vì những lợi ích của họ”. Về vấn đề tính chất của cách mạng thuộc địa, Rôi còn cho rằng Ấn Độ và các nước phương Đông khác đang đứng trước cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa; làm cách mạng xã hội, các dân tộc bị áp bức vừa tự giải phóng được khỏi ách thống trị của bọn tư bản đế quốc nước ngoài, vừa ngăn chặn được sự phát triển của chủ nghĩa tư bản trong nước, lãnh đạo sự nghiệp cách mạng đó cần phải có Đảng cộng sản; vì ở các nước thuộc địa, giai cấp vô sản hoặc còn rất yếu, hoặc chưa ra đời cho nên Đảng cộng sản có thể bao gồm những phần tử nông dân bị áp bức. Hơn nữa, theo Rôi thì lực lượng trung tâm và then chốt của quá trình cách mạng thế giới là phương Đông. Biên bản hội nghị Tiểu ban còn lưu lại: “Đồng chí Rôi bảo vệ tư tưởng cho rằng vận mệnh của phong trào cách mạng châu Âu hoàn toàn phụ thuộc vào quá trình cách mạng phương Đông. Không có thắng lợi của cách mạng ở các nước phương Đông thì phong trào cộng sản ở phương Tây có thể chỉ là con số không… Bọn tư bản châu Âu trong trường hợp cần thiết có thể cho công nhân tất cả giá trị thặng dư và bằng cách đó kéo họ về phía mình, giết chết ý chí cách mạng ở họ. Nhờ giai cấp vô sản ủng hộ, chính bản thân bọn tư sản sẽ tiếp tục bóc lột châu Á… Vì vậy, cần phải phát triển và đẩy mạnh phong trào cách mạng ở phương Đông và phải chấp nhận một luận cương cơ bản nói rằng vận mệnh của chủ nghĩa cộng sản thế giới phụ thuộc vào thắng lợi của chủ nghĩa cộng sản ở phương Đông”.
Trên đây là hai quan điểm về dân tộc và thuộc địa đã từng tồn tại một thời gian dài trong Quốc Tế Cộng Sản và cuộc đấu tranh dai dẳng giữa hai quan điểm ấy đã kéo dài suốt từ Đại hội II đến Đại hội VII của Quốc Tế Cộng Sản.
Ngày nay, khi đứng ở vị trí cách xa thời cuộc ấy ngót 100 năm, đã đủ khoảng cách và độ công tâm để nhìn lại, chúng ta phân vân tự hỏi: “Vậy thì Lênin đúng hay Rôi đúng?” Có lẽ cả hai đều có đúng có sai và muốn tìm nguyên nhân gốc rễ của sự đúng sai ấy phải tìm trong những quan niệm xã hội của chủ nghĩa Mác. Dù vậy, nếu hiểu sự vật - hiện tượng xã hội theo quan niệm của chủ nghĩa Mác thì Lênin gần chân lý hơn. Thực tế lịch sử đã chứng minh hùng hồn rằng: các nước thuộc địa giành được độc lập dân tộc rồi tiến lên chủ nghĩa xã hội thật hiếm hoi và không riêng gì thuộc địa mà hầu hết các nước, bằng con đường khác tiến lên chủ nghĩa xã hội, trong thời kỳ xây dựng xã hội ấy, chỉ phát triển gọi là nhanh vào thời kỳ đầu, khi vẫn còn sự kích thích tinh thần trong xã hội, rồi chậm dần đi, rồi thì hoặc sụp đổ để biến thái hoặc phải rẽ sang con đường khác, không từ bỏ nhãn mác chủ nghĩa xã hội nhưng cũng biến thái nốt. Đặc biệt là chất lượng cuộc sống của Đại Chúng dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, xét cho cùng, cũng chẳng lấy gì làm hay ho hơn, thậm chí là còn “đạm bạc” hơn nếu đem so với chất lượng cuộc sống Đại Chúng ở các nước tư bản hoặc ở một số nước dân chủ tư sản cùng thời. Vì sao vậy? Có thể có nhiều nguyên nhân, có thể có nguyên nhân từ những hoạt động thù địch từ hệ thống các nước tư bản chủ nghĩa, nhưng không thể đổ vấy tất cả cho yếu tố khách quan được và phải có một nguyên nhân có tính cốt lõi, có tính cội rễ của mọi nguyên nhân gây ra hiện tượng có tính phổ biến đó. Vậy nguyên nhân cội rễ đó là gì? Phải chăng là do nhận thức còn cực đoan, lý tưởng hóa, siêu hình ...về một số quan niệm trong triết học duy vật về cách mạng vô sản và xây dựng chủ nghĩa xã hội? Một xã hội"đạm bạc" mà bền vững, mức sống tối thiểu của nhân dân luôn được đảm bảo chưa chắc là không tươi đẹp!...
Nhưng thôi, chúng ta quay về để tiếp tục kể câu chuyện về Tổ quốc muôn vàn kính yêu của mình, về thủ đô Hà Nội linh thiêng của mình.
Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời, ngay lập tức đã phất cao ngọn cờ lãnh đạo đấu tranh của giai cấp vô sản, tạo nên cao trào cách mạng 1930 - 1931 mà đỉnh cao là cuộc nổi dậy Xô Viết - Nghệ Tĩnh của quần chúng công - nông. Dù bị đàn áp đẫm máu và thất bại nhưng cuộc nổi dậy ấy đã đóng vai trò như một cuộc tổng diễn tập đầu tiên và cùng với cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ mà sự thất bại của nó đã phải trả một giá rất đắt, đã là những bài học quý giá nhất góp phần to lớn cho sự thành công của cuộc khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.
Cao trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh đã làm cho Thực dân Pháp hoảng hốt, lo sợ, ra sức đẩy mạnh khủng bố, lùng bắt hàng loạt chiến sĩ cách mạng. Sự khủng bố trắng khốc liệt của chính quyền thực dân đã làm cho Cách mạng Việt Nam tổn thất nặng, gây ra một giai đoạn gọi là “thoái trào”. Đối với riêng Hà Nội, phần lớn các Đảng viên Cộng sản và quần chúng cách mạng đều bị thực dân Pháp bắt giam, kết án. Nhà pha Hỏa Lò chật ních tù cách mạng, chật đến độ mà theo lời khai của viên sĩ quan Pháp tên là Lămbe (Lambert) tại tòa án ở Hà Nội bị xử vì tội giết tù: thống sứ Bắc Kỳ là Rôbanh (Rene Robin) đã dặn miệng cho bọn dưới quyền là “giết bớt đi”. Tuy nhiên sự bóc lột ngày càng tàn bạo của Pháp trong khắp các tầng lớp cần lao Việt Nam, không từ một thủ đoạn đê tiện nào, đã là môi trường thuận lợi cho cách mạng Việt Nam duy trì cuộc đấu tranh, mau chóng hồi phục lực lượng để chuẩn bị bước vào cao trào mới.
Năm 1935, tại Đại hội VII, Quốc Tế Cộng Sản đã tự phê bình về khuynh hướng “tả” trong việc bỏ rơi ngọn cờ dân tộc và dân chủ trong phong trào Cộng sản, để cho các đảng tư sản, tiểu tư sản, phát xít lợi dụng chống phá phong trào cách mạng. Đại hội đã chuyển hướng về sách lược và chủ trương thành lập Mặt trận dân chủ chống phát xít.
Tháng 6-1931, Nguyễn Ái Quốc bị chính quyền Anh bắt giam tại Hồng Công. Mùa xuân năm 1933, ông được trả tự do. Từ năm 1934 đến năm 1938, ông nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc thuộc địa tại Mátxcơva, đồng thời tiếp tục theo dõi chỉ đạo phong trào Cách mạng Việt Nam. Tháng 10-1938, Nguyễn Ái Quốc rời Liên Xô về Trung Quốc, bắt liên lạc với tổ chức Đảng Cộng sản Đông Dương. Lúc này, trên thực tế, Đảng đã trở lại với “Chánh cương vắn tắt” và “Sách lược vắn tắt” của Nguyễn Ái Quốc. Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng tháng 11-1939 đã khẳng định: “Đứng trên lập trường giải phóng dân tộc, lấy quyền lợi dân tộc làm tối cao, tất cả mọi vấn đề của cuộc cách mệnh, cả vấn đề điền địa cũng phải nhằm vào cái mục đích ấy mà giải quyết”. Để thấy rõ hơn quãng đời hoạt động ở thời kỳ này của Nguyễn Ái Quốc, chúng ta sẽ trích lược sau đây bài báo “Nguyễn Ái Quốc, những năm tháng gian khó”, đăng trên tờ “Thế giới mới”, số ra ngày 29-11-2008, tác giả là Văn Thanh Mai - Đỗ Hoàng Linh:
“… Khi tới Mátxcơva, mặc dù muốn nhận công tác ngay, nhưng Quốc Tế Cộng Sản thu xếp để Nguyễn Ái Quốc đi nghỉ an dưỡng ở Xôchi bên bờ biển Đen. Mùa thu năm 1934, Quốc Tế Cộng Sản ra Quyết định số 45 cử Người đi học tại Trường Bồi dưỡng Lý luận quốc tế mang tên Lênin, đăng ký trong danh sách sinh viên số hiệu 375, bí danh Lin, niên khóa 1934 - 1935.
… Dù đã trở về trung tâm phong trào cộng sản quốc tế, sống giữa những người đồng chí, nhưng Nguyễn Ái Quốc vẫn phải đối mặt với sự nghi kị về nhiều lý do khác nhau. Đó là vì sự xuất hiện những chủ trương mang tính chất “tả khuynh” trong tư tưởng và lý luận của Quốc Tế Cộng Sản, đặc biệt là ảnh hưởng của Nghị quyết Đại hội VI Quốc Tế Cộng Sản (6-1928) với các Đảng Cộng sản, trong đó có Đảng Cộng sản Đông Dương, đến vấn đề đặt tên Đảng, vấn đề dân tộc và giai cấp trong đường lối chiến lược và sách lược của Đảng… Nguyễn Ái Quốc còn bị đánh giá là một người mang nặng tư tưởng chủ nghĩa dân tộc, cùng sự nghi ngờ ám ảnh về việc hình như Người được thực dân Anh trả tự do quá dễ dàng? Thậm chí đầu năm 1935, một lá thư gửi Vụ Hải ngoại Quốc Tế Cộng Sản còn đề nghị: “Về vấn đề liên quan đến Quốc, thì trong vòng hai năm, đồng chí ấy phải nghiêm túc tu dưỡng bản thân trong học tập và không bố trí công tác khác. Sau khi kết thúc học tập, chúng ta sẽ có kế hoạch giao công việc riêng”… Tháng 8-1935, đúng ra Nguyễn Ái Quốc đi dự Đại hội VII Quốc Tế Cộng Sản tại Mátxcơva “với tư cách là đại biểu của Ban phương Đông của Quốc Tế Cộng Sản”. Đảng Cộng sản Đông Dương đã đề nghị đại biểu chính thức Nguyễn Ái Quốc dự Đại hội VII Quốc Tế Cộng Sản và là đại diện của Đảng Cộng sản Đông Dương bên cạnh Quốc Tế Cộng Sản nhưng không được chấp nhận. Người chỉ được tham gia Đại hội với tư cách là đại biểu tư vấn và được cấp thẻ mang số đăng ký 154… Kết thúc khóa học ở Trường Quốc Tế Lênin, Nguyễn Ái Quốc đề nghị Quốc Tế Cộng Sản cho trở về Việt Nam. Một lần trả lời phỏng vấn của một nhà văn Liên Xô, Người cũng nói: Mong ước lớn nhất hiện nay của tôi là sớm được trở về Tổ Quốc. Mùa hè năm 1936, sau khi làm tờ khai lý lịch, hộ chiếu, giấy thông hành, chuyến đi lại bị hủy bỏ, vì tình hình thế giới có những biến động và vì chưa được Quốc Tế Cộng Sản chấp nhận.
… Ngày 6-6-1938, Nguyễn Ái Quốc tiếp tục gửi thư cho lãnh đạo Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa, Quốc Tế Cộng Sản và đồng chí Manuilxki trình bày nguyện vọng: “Các đồng chí thân mến! Hôm nay kỷ niệm lần thứ 7 tôi bị bắt ở Hồng Công và cũng là khởi đầu năm thứ 8 tôi không hoạt động gì. Tôi viết thư này để yêu cầu các đồng chí thay đổi hoàn cảnh đau buồn này. Hãy cử tôi đến nơi nào đó hoặc cứ giữ tôi ở lại đây nhưng giao cho tôi những việc mà các đồng chí thấy có ích. Những gì tôi yêu cầu là các đồng chí đừng để tôi ngừng hoạt động quá lâu và chỉ ở bên cạnh, phía ngoài Đảng”. Sau khi có ý kiến phê duyệt của cấp trên để đồng chí Lin được dự kiến trở về hoạt động công tác Đảng trong nước, ngày 8-6-1938, Phòng Tổ chức các bộ của Quốc Tế Cộng Sản cũng đã có công văn gửi đồng chí Dimitơrốp đề nghị “giải quyết dứt điểm tất cả những người Đông Dương về vị trí sắp xếp của Đảng Cộng sản Đông Dương” và ý kiến của V. I. Vaxiliêva gửi lên Ban Bí thư Quốc Tế Cộng Sản”: Đồng chí Lin là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, là người có uy tín trong Đảng Cộng sản Đông Dương, từ nay về sau thì Đảng sẽ chăm chú lắng nghe những ý kiến của đồng chí ấy… Đầu tháng 10-1938, Nguyễn Ái Quốc đáp xe lửa ở ga Iarôxlápxki rời Mátxcơva đi về phương Đông. Như vậy trong 5 năm (1934 - 1938), Nguyễn Ái Quốc đã phải sống trong bầu không khí nghi ngờ bao trùm, trong những xáo động của Quốc Tế Cộng Sản, trong cuộc thanh trừng nội bộ căng thẳng ngay trong Đảng Cộng sản Liên Xô. Thực tế, dù rất phiền lòng, nhưng Người chấp hành theo quyết định cấp trên, kiên trì chờ đợi và hy vọng.
… Đánh giá về những tháng ngày khó khăn thử thách của Nguyễn Ái Quốc, J. Lacouture viết: Trong những năm 1934 - 1938, Hồ Chí Minh đã chăm chỉ học tập nhất trong đời mình, tránh những cuộc tranh chấp, thanh trừng đang diễn ra gay gắt trong Đảng Cộng sản Liên Xô và Quốc Tế Cộng Sản. Sôphie Quyn Judge trong “Hồ Chí Minh những năm tháng lưu lạc (1919 - 1941)” cũng nhận định: khó có thể hình dung một người Cộng sản lão làng như Hồ Chí Minh có thể lại tiếp tục hoạt động trong thời kỳ rối ren này. Sự tồn tại của ông qua những tháng năm tồi tệ nhất của cuộc thanh trừng, đã không chỉ chứng tỏ sự chịu đựng, mà còn chứng minh bản lĩnh cách mạng phi thường của Nguyễn Ái Quốc.
… Trong 30 năm hoạt động ở nước ngoài, quãng thời gian từ 1934 đến 1938 là một khoảng lặng buồn trong cuộc đời cách mạng sôi nổi của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh như Người đã từng viết cho một người bạn ở Quốc Tế Cộng Sản: Xin đồng chí giúp đỡ tôi thay đổi tình cảnh đau buồn này. Nhưng chính khoảng lặng đó càng giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn về một Nguyễn Ái Quốc với nghệ thuật sống “dĩ bất biến ứng vạn biến””.
Ngày 28-11-1941, sau hơn 30 năm rời Tổ quốc tìm đường cứu nước cứu dân, Nguyễn Ái Quốc về nước. Tháng 5-1941, ông trực tiếp chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ VIII, xác định đường lối cách mạng trong thời kỳ mới: đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, tạm thời gác lại vấn đề điền địa, xóa bỏ vấn đề liên bang Đông Dương, thực hiện đại đoàn kết dân tộc trên cơ sở liên minh công - nông, đứng về phe đồng minh trong cuộc đấu tranh chống phát xít, theo đường lối đó quyết định thành lập tổ chức “Việt Nam độc lập đồng minh” (gọi tắt là Việt Minh), tổ chức lực lượng vũ trang, xây dựng căn cứ địa cách mạng. Đến đây, tư tưởng về đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc của Nguyễn Ái Quốc đã định hình ở mức hoàn thiện. Việc đề ra những quyết sách hành động kịp thời vào lúc này còn chứng tỏ rõ ràng tầm nhìn xa trông rộng, tư duy phán đoán và linh cảm chỉ có ở bậc vĩ nhân - thiên tài của Nguyễn Ái Quốc.
Tháng 8-1942, Nguyễn Ái Quốc mang tên mới là Hồ Chí Minh, sang Trung Quốc, đại diện cho Mặt trận Việt Minh và Phân hội Việt Nam thuộc Hiệp hội Quốc tế chống xâm lược để tìm sự liên minh quốc tế, cùng phối hợp hoạt động chống phát xít trên chiến trường Thái Bình Dương. Tại Trung Quốc, Hồ Chí Minh bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam trong các nhà lao của tỉnh Quảng Tây. Trong tù ông đã viết tập thơ “Nhật ký trong tù” gồm 133 bài chữ Hán, rất hay, rất nổi tiếng. Dưới đây là vài bài chúng ta thích trong tập thơ đó:

   ĐƯỜNG ĐỜI HIỂM TRỞ
Đi khắp đèo cao, khắp núi cao
Ngờ đâu đường phẳng lại lao đao
Núi cao gặp hổ mà vô sự
Đường phẳng gặp người bị tống lao.

Ta là đại biểu dân Việt Nam
Tìm đến Trung Hoa để hội đàm
Ai ngờ đất bằng gây sóng gió,
Phải làm “khách quí” tại nhà giam.

Ta người ngay thẳng, lòng trong trắng
Lại bị tình nghi là Hán gian
Xử thế từ xưa không phải dễ
Mà nay, xử thế khó khăn hơn.
(Nam Trân dịch)

      BUỔI TRƯA
Trong tù khoan khoái giấc ban trưa
Một giấc miên man suốt mấy giờ
Mơ thấy cưỡi rồng lên thượng giới
Tỉnh ra trong ngục vẫn nằm trơ.
(Nam Trân dịch)

      ĐI ĐƯỜNG
Đi đường mới biết gian lao
Núi cao rồi lại núi cao chập chùng
Núi cao lên đến tận cùng
Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non.
(Nam Trân dịch)

      TỰ KHUYÊN MÌNH
Ví không có cảnh đông tàn
Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân
Nghĩ mình trong bước gian truân
Tai ương rèn luyện tinh thần thêm hăng.
(Nam Trân dịch)


CẢNH BINH KHIÊNG LỢN CÙNG ĐI
Khiêng lợn lính cùng đi một lối
Ta thì người dắt, lợn người khiêng
Con người mà rẻ hơn con lợn
Chỉ tại người không có chủ quyền!

Trên đời nghìn vạn điều cay đắng,
Cay đắng chi bằng mất tự do!
Mỗi việc mỗi lời không tự chủ
Để cho người dắt tựa trâu bò.
(Nam Trân dịch)

      CỘT CÂY SỐ
Chẳng cao cũng chẳng sang
Không đế cũng không vương
Một phiến đá nho nhỏ
Đứng sừng sững bên đường
Người nhờ anh chỉ lối
Đi đúng hướng đúng phương
Anh chỉ cho người biết
Nào dặm ngắn, dặm trường
Mọi người nhớ anh mãi,
Công anh chẳng phải thường.
(Văn Trực – Văn Phụng dịch)

      TỨC CẢNH
Cành lá khéo in hình Dực Đức
Vầng hồng sáng mãi dạ Quan Công
Năm tròn Tổ quốc tăm hơi vắng
Tin tức quê nhà bữa bữa trông.
(Nam Trân dịch)

Sau một năm 14 ngày bị tù đày, tháng 9-1943, Hồ Chí Minh được trả tự do. Và bài thơ sau đây đã trở thành tuyệt bút thủy mạc, nhân tình của Hồ Chí Minh:

   TÂN XUẤT NGỤC HỌC ĐĂNG SƠN
Vân ủng trùng sơn, sơn ủng vân
Giang tâm như kính tịnh vô trần
Bồi hồi độc bộ Tây Phong lĩnh
Dao vọng Nam thiên ức cố nhân.


   MỚI RA TÙ, TẬP LEO NÚI
Núi ấp ôm mây, mây ấp núi
Lòng sông gương sáng, bụi không mờ
Bồi hồi dạo bước Tây Phong lĩnh
Trông lại trời Nam, nhờ người xưa
(Nam Trân dịch)
Tháng 9-1944, Hồ Chí Minh về căn cứ Cao Bằng. Tháng 12-1944, ông chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đến đây, cuộc đấu tranh trường kỳ chống xâm lược và giải phóng Tổ quốc của nhân dân Việt Nam, bắt đầu từ phát đại bác đầu tiên của thực dân Pháp bắn vào Đà Nẵng, đã đứng trước bến bờ xán lạn của nó: nhân hòa đã có, địa lợi đã sẵn và thiên thời đang đến từ cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai.
Có lẽ chúng ta cũng nên nghe kể sơ qua về cuộc chiến tranh này, vì nó là con đẻ của nhân loại đau thương, cái lực lượng tự nhiên mà một bộ phận không ít những thành viên của nó lúc nào cũng tưởng mình sáng suốt trong vai trò chúa tể nhưng thực ra là hoàn toàn mù quáng, hành xử thậm chí là tệ hơn rất nhiều so với loài động vật hoang dã.
***
Sau đây là câu chuyện về một thời ly loạn nhất của “Lịch sử thế giới” mà chúng ta đã nghe từ lâu qua lời kể của Nguyễn Anh Thái (chủ biên) và bây giờ đem kể lại. Vì trí nhớ và khả năng diễn đạt có hạn nên câu chuyện kể lại này so với “gốc” của nó đã không còn đúng và đủ về chi tiết nữa mà may ra chỉ có thể đúng về cốt lõi sự kiện. Biết làm sao được khi những câu chuyện truyền khẩu đều phải chịu sự “bóp méo” như thế. Tuy nhiên, nói như Vương Hồng Sển thì: “Coi vậy mà xài được!”. Chúng ta bắt đầu:
Ngày xửa ngày xưa vào thời… hiện đại (hay đã là cận đại?)…
Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, các nước thắng trận mở “Hội nghị hòa bình” ở Vécxai (ngoại vi Pari - thủ đô nước Pháp) để phân chia lại thế giới.
Hội nghị khai mạc ngày 18-1-1919 và kéo dài suốt năm sau, trong bối cảnh thế giới đã có nhiều biến đổi lớn lao:
Do hậu quả của Chiến tranh thế giới thứ nhất và sự thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga mà một cao trào đấu tranh cách mạng đã bùng nổ và phát triển mạnh mẽ trong những năm 1918 - 1923 ở hầu hết các nước tư bản lẫn các nước thuộc địa, phụ thuộc. Chiến tranh cũng đã tàn phá nghiêm trọng các nước tham chiến ở châu Âu và làm thay đổi căn bản tương quan lực lượng giữa các nước tư bản: ba nước đế quốc lớn là Đức, Áo - Hung, Thổ Nhĩ Kỳ bị bại trận thì suy sụp, phân rã; các nước Anh, Pháp, Ý, Nhật tuy thắng trận nhưng cũng bị suy yếu nghiêm trọng; riêng Mỹ vì tham gia chiến tranh muộn lại thu về 24 tỷ đôla nhờ buôn bán vũ khí nên đã vươn lên hàng đầu về kinh tế, trở thành chủ nợ của các nước châu Âu.
Ngày 8-1-1918, tổng thống Mỹ là Uynxơn đưa ra “Chương trình 14 điểm” dưới hình thức một thông điệp gửi Quốc hội Mỹ nhằm lập lại hòa bình. Nội dung 14 điểm của Uynxơn gồm:
  1. Hòa ước ký công khai (không thương lượng riêng hoặc kín).
  2. Hoàn toàn tự do đi lại trên mặt biển.
  3. Hủy bỏ những hàng rào kinh tế.
  4. Giảm vũ khí các nước đến mức tối thiểu.
  5. Giải quyết công tâm những vấn đề thuộc địa, chiếu cố các dân tộc bản xứ và các chính phủ.
  6. Rút quân khỏi Nga, để Nga tự chọn lấy chính phủ.
  7. Rút quân khỏi Bỉ, không hạn chế chủ quyền.
  8. Rút quân khỏi Pháp và hoàn lại Andát - Loren cho Pháp
  9. Điều chỉnh biên giới Ý theo nguyên tắc dân tộc.
  10. Đảm bảo quyền phát triển tự lập của các dân tộc Thổ, tự do quốc tế vùng eo biển.
  11. Rút quân khỏi Rumani, Môngtênêgiơrô. Mở đường ra biển cho Xécbi.
  12. Bảo đảm quyền phát triển tự lập của các dân tộc Thổ, tự do quốc tế vùng eo biển.
  13. Phục hưng Ba Lan độc lập, có đường ra biển.
  14. Thành lập một “Tổng hội các dân tộc”.
Bóng bẩy như thế nên ngày 11-11-1918, các bên tham chiếu chấp nhận ngưng xung đột vũ trang theo chủ trương của Mỹ và “chương trình 14 điểm” được coi là nguyên tắc để thảo luận tại hội nghị Vécxai.
Tham dự Hội nghị gồm đại biểu của 27 nước thắng trận. Điều khiển Hội nghị là 5 cường quốc Mỹ, Anh, Pháp, Ý, Nhật nhưng thực sự nắm quyền quyết định Hội nghị là Mỹ, Anh, Pháp. Các cường quốc thắng trận đều muốn bảo vệ quyền lợi ích kỷ của mình nên cũng có những ý đồ, tham vọng hết sức khác nhau trong việc phân chia, thiết lập trật tự thế giới sau chiến tranh. Do đó Hội nghị Vécxai đã diễn ra hết sức gay go, quyết liệt. Ý đồ của Pháp (nước có lực lượng bộ binh mạnh nhất Châu Âu) là muốn làm bá chủ Châu Âu lục địa, đòi chuyển biên giới với nước Đức đến tận sông Ranh, muốn làm suy yếu hẳn nước Đức bằng cách bắt nước Đức bồi thường thật nhiều, hạn chế lực lượng quân sự Đức xuống mức tối thiểu, tán thành mở rộng lãnh thổ một số nước Đông Âu như Ba Lan, Tiệp Khắc, Xécbi, Rumani để kiềm chế Đức và hình thành “vành đai vệ tinh” chống chủ nghĩa Bônxêvich. Ngoài ra, Pháp còn nhòm ngó đến thuộc địa của Đức ở Châu Phi và một phần đất của Tiểu Á của đế quốc Ôtôman trước kia. Tuy nhiên trước Anh và Mỹ, con nợ Pháp phải nhận những biện pháp thỏa hiệp dù không muốn. Lập trường của Anh thì muốn làm yếu Đức về mặt hải quân, thủ tiêu hệ thống thuộc địa của Đức, đồng thời cũng muốn duy trì một nước Đức tương đối mạnh ở trung tâm châu Âu để chống lại phong trào cách mạng đang sôi sục ở khu vực đó, chống lại âm mưu bá chủ lục địa Châu Âu của Pháp. Mỹ ủng hộ chính sách “cân bằng lực lượng này”. Bên cạnh đó, Anh còn muốn củng cố địa vị ở Trung Cận Đông, chiếm miền Trung Á của Liên Xô, xây dựng quyền thống trị của mình trên các eo biển thuộc Biển Đen ở Iran và Ápganixtan. Nhật không những muốn củng cố địa vị ở Trung Quốc mà còn định chiếm cả vùng viễn đông của Liên Xô, mở rộng ảnh hưởng ra cả vùng Châu Á - Thái Bình Dương. Ý thì muốn mở rộng lãnh thổ của mình xuống vùng Địa Trung Hải và vùng BanCăng. Các nước nhỏ như Ba Lan, Rumani… cũng yêu cầu được mở rộng đất đai. Tóm lại, các nước thắng trận họp Hội nghị đều cố đấu đá, tranh giành hết khả năng để thu được càng nhiều càng tốt những lợi lộc, béo bở về cho mình. Lênin đã bình luận châm biếm về Hội nghị Vécxai như sau “… Chúng đã cãi cọ nhau từ 5 tháng nay, chúng không còn kìm chế được mình và bầy thú dữ đó cắn cấu nhau loạn xạ đến nỗi chỉ còn lại cái đuôi”
Sau 3 lần có nguy cơ tan vỡ vì tranh cãi, bất đồng, cuối cùng thì các cường quốc thắng trận cũng thỏa hiệp được với nhau và đi đến ký kết cái gọi là “Hệ thống hòa ước Vécxai”.
Nội dung chủ yếu của Hệ thống này là: thành lập “Hội Quốc Liên” và ký hòa ước với các nước bại trận.
Quy ước thành lập Hội Quốc Liên (ký ngày 25-1-1919) nêu rằng mục đích thành lập tổ chức này là nhằm phát triển sự hợp tác, đảm bảo hòa bình và an ninh cho các dân tộc, theo nguyên tắc: không dùng vũ lực trong quan hệ giữa các nước, quan hệ quốc tế phải rành mạch và dựa trên đạo lý, phải thi hành những cam kết quốc tế… Tuy nhiên, về thực chất là nhằm giữ gìn trật tự của thế giới do các cường quốc tư bản chủ nghĩa đã xếp đặt lại tại Hội nghị Vécxai. Nó là kết quả của sự tạm thời dung hòa các mâu thuẫn trong hệ thống các nước tư bản chủ nghĩa và không thể là một công cụ bảo vệ hòa bình hữu hiệu vì chiến tranh có nguồn gốc từ chính sự tồn tại và cạnh tranh kinh tế của chủ nghĩa đế quốc.
Hòa ước Vécxai với Đức (ký ngày 28-6-1919) bao gồm ba loại điều khoản chủ yếu về lãnh thổ, về đảm bảo an ninh và về bồi thường chiến tranh. Với hòa ước này, nước Đức mất 1/8 đất đai, gần 1/2 dân số, 1/3 mỏ sắt, gần 1/3 mỏ than, 2/5 sản lượng gang, gần 1/3 sản lượng thép và gần 1/7 diện tích trồng trọt; chỉ được giữ lại 10 vạn bộ binh với vũ khí thông thường, không có không quân và hải quân (chỉ có một hạm đội nhỏ); phải bồi thường  khoản chiến phí to lớn (sẽ do một Ủy ban xác định sau, lên tới 130 tỷ mác)… Tiếp đó, những hòa ước Vécxai ký với các nước khác là Hòa ước Xanh Giécmanh (ký với Áo ngày 10-9-1919), Hòa ước Nơiy (ký với Bungari ngày 27-11-1919), Hòa ước Trianông (ký với Hungari ngày 4-4-1920) và Hòa ước Xevrơ (ký với Thổ Nhĩ Kỳ ngày 11-8-1920) đều theo lối áp đặt kiểu “đè đầu cưỡi cổ” tương tự như vậy. Lênin nói “Đấy là một thứ hòa ước kỳ quái, một thứ hòa ước ăn cướp. Nó đẩy hàng chục triệu con người, trong đó có những người văn minh nhất, rơi vào tình cảnh bị nô dịch. Đấy không phải là một hòa ước, đấy là những điều kiện mà bọn ăn cướp tay cầm dao buộc một nạn nhân không có gì tự vệ phải chấp nhận…”
Tóm lại Hệ thống hòa ước Vécxai không những không làm giảm mà còn làm tăng thêm sự chia rẽ, mâu thuẫn giữa các nước đế quốc trong hệ thống các nước tư bản chủ nghĩa; gây ra mầm mống chiến tranh mới, đe dọa hòa bình thế giới. Đến nguyên soái Phốc, nguyên tổng tư lệnh quân đội Đồng Minh ở Châu Âu cũng nói: “Đây không phải là hòa bình. Đây là một cuộc hưu chiến trong 20 năm”. Uyliam Bulít, cộng tác viên đắc lực của Uynxơn, khẳng định: “Hội nghị hòa bình chỉ làm được một việc là chuẩn bị những xung đột quốc tế trong tương lai”.
Sau khi Hệ thống hòa ước Vécxai đã ký kết, các nước phe thua ấm ức đã đành, các nước phe thắng cũng chẳng thỏa mãn. Mỹ nhân thời cơ thuận lợi, ra sức củng cố quyền lực của mình trên thế giới. Do đó, mâu thuẫn Anh - Mỹ trở nên gay gắt. Tuy nhiên hai nước này vẫn có lúc phải bắt tay nhau nhằm chống lại Pháp (định nắm quyền bá chủ lục địa Châu Âu), và chống Nhật (muốn giành ưu thế ở Thái Bình Dương). Hơn nữa Thượng nghị viện Mỹ đã không thông qua Hòa ước Vécxai. Năm 1920, Đảng Cộng Hòa ở Mỹ lên nắm quyền, người của Đảng Cộng hòa là Hácđinh thắng cử tổng thống, bắt đầu thực hiện đường lối mới, nhất là về mặt đối ngoại.
Ngày 25-8-1921, Mỹ ký hòa ước với Đức theo quan điểm của mình. Tháng 11-1921, Mỹ mời 8 nước là Anh, Pháp, Ý, Bỉ, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Nhật Bản, Trung Quốc họp hội nghị tại Oasinhtơn. Nội dung hội nghị là thảo luận và quyết định tỷ lệ hải quân giữa các cường quốc, các vấn đề ở Thái Bình Dương và Viễn Đông. Chính quyền Mỹ tuyên truyền rầm rộ là hội nghị này nhằm “hạn chế vũ trang”; phù hợp với mong muốn hòa bình của nhân dân thế giới và Hácđinh được đề cao như là vị “cứu tinh của văn minh thế giới”.
Những nghị quyết quan trọng nhất của Hội nghị Oasinhtơn thể hiện tập trung trong 3 hiệp ước quan trọng nhất: Hiệp ước 4 nước, Hiệp ước 9 nước và Hiệp ước 5 nước.
Ngày 3-12-1921, bốn nước Mỹ, Anh, Nhật, Pháp ký “Hiệp ước cùng đảm bảo không xâm phạm đến các đảo thuộc địa ở Thái Bình Dương”. Đây là việc xác nhận lại về mặt pháp lý việc phân chia thuộc địa đã được tiến hành ở Hội nghị Vécxai cho phù hợp với tình hình mới. Trong dịp này, Mỹ đã gây áp lực để Anh không gia hạn thêm Hiệp ước liên minh Anh - Nhật (ký từ năm 1902), nhằm cô lập Nhật thêm một bước.
Hiệp ước 9 nước, được ký ngày 6-2-1922, công nhận nguyên tắc “hoàn chỉnh về lãnh thổ và tôn trọng chủ quyền Trung Quốc”, đồng thời cũng nêu nguyên tắc “mở rộng cửa Trung Quốc” cho các nước tự do vào buôn bán trên cơ sở bình đẳng (thực chất là biến Trung Quốc thành thị trường chung của các nước đế quốc, bất chấp lợi ích dân tộc của Trung Quốc, trong đó nhờ tiềm lực kinh tế vượt trội của mình, Mỹ có lợi nhất). Hiệp ước này và hiệp ước trên còn thể hiện rõ sự cấu kết giữa các nước đế quốc trong việc chống lại phong trào giải phóng dân tộc của nhân dân Trung Quốc và ở các nước thuộc địa châu Á khác.
Cùng ngày 6-2-1922, năm nước Mỹ, Anh, Nhật, Pháp, Ý cùng ký “Hiệp ước hạn chế vũ trang và hải quân” nhằm quy định lại tỷ lệ lực lượng hải quân cho mỗi nước. Theo Hiệp ước, trọng tải tàu chiến của Mỹ và Anh bằng nhau, là 525.000 tấn; Nhật là 315.000 tấn; Pháp và Ý bằng nhau, là 175.000 tấn. Xét ra lực lượng hải quân của các cường quốc đế quốc không bị hạn chế mà còn được tăng lên, do đó rõ ràng Hiệp ước này chỉ là sự tranh phân quyền lực giữa các cường quốc đế quốc chứ không vì mục đích hòa bình nào. Nhật không thỏa mãn vì xếp sau Mỹ và Anh; Pháp không thỏa mãn vì xếp sau Nhật; Anh cũng chẳng thỏa mãn vì mất quyền bá chủ trước đây trên mặt biển.
Nhìn chung kết quả của Hội nghị Oasinhtơn hoàn toàn có lợi cho Mỹ. Được như thế là do Mỹ đang có ưu thế nổi trội về kinh tế và quân sự nhờ “gặt hái” được qua cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất (trong đó có một phần nhờ “lái súng”, cho vay).
Một trật tự thế giới mới, vượt ra khuôn khổ Hội nghị Vécxai và được điều chỉnh, bổ sung từ Hội nghị Oasinhtơn, hình thành và tuân thủ nguyên tắc, luật lệ mới gọi là “Hệ thống Vécxai - Oasinhtơn”.
Nói chung, bắt đầu từ năm 1924, các cường quốc tư bản chủ nghĩa đã chế ngự được phong trào đấu tranh cách mạng dâng cao trong những năm 1918 đến năm 1923, khôi phục được nền kinh tế và bước vào thời kỳ phát triển phồn thịnh trong giai đoạn những năm 1924 - 1929. Trong thời kỳ này, nhờ tích tụ tư bản mà xuất hiện những công ty tư bản độc quyền khổng lồ mới mà về qui mô vượt hơn tất cả những gì đã có trước năm 1914; nhờ sự tiến bộ, những phát minh khoa học kỹ thuật, nhờ hợp lý hóa sản xuất, tổ chức lao động hiệu quả (nổi tiếng là phương pháp Taylo (Taylor)), nên công nghiệp tư bản chủ nghĩa tăng trưởng mạnh mẽ.
Sự ổn định và phát triển kinh tế của các nước tư bản châu Âu phần quan trọng là nhờ vào vốn đầu tư và tín dụng của Mỹ, phụ thuộc về tài chính vào Mỹ. Đây là thời kỳ chuyển trung tâm kinh tế - tài chính của hệ thống tư bản chủ nghĩa từ châu Âu sang Mỹ.
Kinh tế phồn vinh làm giảm bớt nạn thất nghiệp, nâng cao đời sống nhất định cho tầng lớp lao động ở các nước tư bản chủ nghĩa đã kéo theo sự ổn định xã hội, củng cố quyền lực tư sản, các đảng phái, tổ chức chính trị của giai cấp tư sản ở đó cũng lấy lại được địa vị đã bị mất trước kia. Phong trào cách mạng vô sản đi vào thoái trào.
Hệ thống các nước tư bản chủ nghĩa, với những nền kinh tế hàng hóa - thị trường cạnh tranh tự do, xô bồ vô tổ chức, trong khi khả năng tiêu thụ (hoặc cung ứng) của thị trường có hạn, tất yếu làm xuất hiện mặt trái của sự phát triển. Mặt trái đó ngày một bị dồn nén và nếu không có biện pháp giải tỏa nó (thường không giải quyết kịp thời được bởi lòng tham là mù quáng!) thì ở trạng thái tột độ, nó sẽ bục vỡ, phát nổ, tạo thành khủng hoảng (thừa hoặc thiếu).
Tháng 10-1929, cuộc khủng hoảng kinh tế bùng nổ ở Mỹ, sau đó lan ra tất cả các nước tư bản chủ nghĩa và kéo dài đến năm 1933, chấm dứt thời kỳ ổn định 1924 - 1929. Khủng hoảng diễn ra trên tất cả các ngành công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp, tài chính và đưa đến giảm sút mạnh mẽ mậu dịch thế giới. Nguyên nhân chủ yếu đưa đến cuộc khủng hoảng này là do sản xuất của chủ nghĩa tư bản tăng lên, tương ứng làm hàng hóa ngày càng giảm giá và trở nên ế thừa, dẫn tới suy thoái trong sản xuất.
Cuộc khủng hoảng năm 1929 - 1933 đã tàn phá nặng nề nền kinh tế, từ đó mà làm bất ổn xã hội, gây hậu quả tai hại về chính trị ở các nước tư bản chủ nghĩa. Trong cuộc khủng hoảng này, số công nhân thất nghiệp đã lên tới 50 triệu. Hàng triệu người mất nhà cửa vì không trả được tiền cầm cố. Hàng triệu nông dân bị mất ruộng đất, lâm vào nghèo đói. Ở nhiều nước đã không có bảo hiểm xã hội và thất nghiệp không được phụ cấp hoặc phụ cấp ít ỏi không thể đảm bảo nhu cầu tối thiểu cho cuộc sống. Tình hình đó đã làm cho phong trào đấu tranh cách mạng trỗi dậy: từ thoái trào tiến dần lên cao trào. Hàng ngàn cuộc biểu tình, tuần hành của những người thất nghiệp, trong nhiều trường hợp đã xung đột với cảnh sát và quân đội. Nhiều cuộc bãi công chống việc hạ thấp tiền lương đã nổ ra ở hầu khắp các nước. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong thời gian từ năm 1928 đến cuối năm 1933, số người tham gia bãi công ở các nước tư bản chủ nghĩa đã lên tới 17 triệu, còn số ngày bãi công là khoảng hơn 2.500 ngày (?).
Kinh tế học là một ngành khoa học không phải… đùa, bởi vì nó rất khó. Do có quá nhiều mối quan hệ kinh tế - xã hội phụ thuộc nhau, đan xen nhau, tác động lẫn nhau “xảy ra hàng ngày, hàng giờ”, khắp nơi trong “thế giới nhân loại” mà đến tận ngày nay, nhiều nhà nghiên cứu được cho là uyên bác, khi nói thì rất bùi tai, rất… hùng biện, nhưng khi cho ra tham mưu quản lý một nền kinh tế “tầm tầm bậc trung” nào đấy thì… không ít vị bị nó “quật” cho te tua, và xin lỗi “ngài cố vấn”, coi chừng… chết chứ chả chơi đâu! Tuy nhiên, đối với chúng ta, những kẻ hoang tưởng bạt mạng nhất, đến bí ẩn của Tự Nhiên Tồn Tại cũng phải… chào thua, thì kinh tế học kể ra cũng… dễ. Dễ theo cách nhìn nhận chất phác, thô mộc của chúng ta!
Nguyên lý Tự Nhiên đã làm trình hiện ra trước quan sát - nhận thức sự vận động và chuyển hóa (tùy theo định nghĩa, qui ước mà có thể vận động cũng là chuyển hóa hoặc là bộ phận của chuyển hóa, mà cũng có thể quan niệm ngược lại, tùy thích!). Ở mức độ khả năng và phạm vi có hạn độ quan sát của loài người thì sự trình hiện ấy chính là sự ảnh hưởng, tương tác, trao đổi, làm biến đổi lẫn nhau giữa các sự vật - hiện tượng và giữa các sự vật - hiện tượng với môi trường (thực ra cũng là một sự vật - hiện tượng, có tính bao hàm, dung dưỡng, nền tảng…) “chứa” chúng. Quá trình đó là không ngừng làm suy tàn, mất đi những sự vật - hiện tượng “cũ”, “lỗi thời”, đồng thời làm xuất hiện, phát triển những sự vật - hiện tượng “mới”, “hợp thời” hơn. Trong một chừng mực nhất định và cũng do bản chất cảm nhận của quan sát ở loài người (nói riêng) mà chúng ta thấy tồn tại (đúng hơn là hiện hữu) có tính duy trì trong thời gian. Nhưng qua nhận thức hay quan sát gián tiếp nhờ các thiết bị hỗ trợ quan sát tinh vi hơn (chúng ta cho rằng nhận thức cũng chính là một dạng đặc thù của quan sát, có tính siêu phàm), chúng ta lại thấy tồn tại (hay hiện hữu) là luôn thay đổi. Vì thế mà người ta nói ổn định là nhất thời (gián đoạn, tương đối), biến đổi là vĩnh viễn (liên tục, tuyệt đối). Thế nhưng đừng tùy tiện “áp” câu nói đó cho mọi trường hợp về bản thân nó cũng lại chỉ là tương đối thôi. Chẳng hạn, đối với Tự Nhiên Tồn Tại thì ổn định có thể là vĩnh viễn, tuyệt đối mà cũng có thể… đừng nói như thế!
Trong một giai đoạn thích hợp, môi trường thiên nhiên Trái Đất sẽ làm hình thành nên một lực lượng đặc thù, có tính bộ phận của nó, nhận nó làm nền tảng, đó là sinh vật. Một sinh vật (hay một lực lượng sinh vật) tồn tại được là nhờ có vận động nội tại. Vận động nội tại chính là một biểu hiện sự tương tác, chuyển hóa làm biến đổi lẫn nhau giữa sinh vật đó với môi trường, hay chúng ta thường gọi quá trình đó là sự trao đổi chất. Có thể nói trao đổi chất là nguyên tắc của tồn tại và duy trì tồn tại ở sinh vật. Sinh vật nhận được ở môi trường những chất (ở đây nên hiểu “chất” với ý nghĩa rộng hơn, bao gồm cả chẳng hạn như ánh nắng mặt trời, nhiệt…) cần thiết cho sự sống và đào thải những chất “cặn bã” (cặn bã đối với nó thôi!). Theo một chu trình “vĩ đại” hơn, các cặn bã sẽ được môi trường biến đổi để tạo nên, tái tạo lại những chất cần thiết cho sự sống sinh vật tiếp theo. Nhiều loại rác thải nhân tạo “kiểu công nghiệp” đã là “trái đắng khó gặm” của môi trường và con người hãy coi chừng!).
Sự trao đổi chất ấy, đứng về phía tồn tại sinh vật mà xét, là sự cung - cầu và mối quan hệ giữa môi trường và sinh vật về sự cung - cầu được gọi là mối quan hệ cung - cầu. Chính mối quan hệ cung - cầu này, cùng với những biến động của nó, cũng như sự chuyển hóa lực lượng giữa cung và cầu đã là giềng mối làm phát sinh ra tất cả những hiện tượng: đấu tranh sinh tồn, tiến hóa thích nghi, đa dạng giống loài, hình thành loài người… trong thế giới sinh vật.
Như vậy, khi xuất hiện một sinh vật thì ngay lập tức cũng xuất hiện một nhu cầu và vì có nhu cầu ấy mà “cung” được xác định. “Cung” là thứ có sẵn, thứ làm nên “cầu” nhưng trước nhận thức thì được đặt tên sau “cầu”. Chúng ta nói: Cung - cầu là một quá trình biện chứng thống nhất, có cầu ắt có cung và cung làm phát sinh, mở rộng cầu, từ đó đến lượt cầu sẽ làm tăng khả năng cung.
Loài người, là một lực lượng sinh vật, do đó không thể thoát được sự tác động mạnh mẽ của mối quan hệ cung - cầu cùng với sự biến đổi tương quan về mặt lực lượng giữa cung và cầu. Nếu chúng ta phân định tương đối khái niệm “tự nhiên” ra thành “tự nhiên” và “xã hội” thì có thể nói rằng mối quan hệ cung - cầu vốn dĩ là tự nhiên, nhưng khi xuất hiện trong xã hội loài người, bị tính chủ động thích nghi cao độ của loài người tác động rất đáng kể đến tương quan lực lượng cung - cầu, làm cho nó cũng biến đổi một cách nhân tạo ngày một rõ rệt hơn, mạnh mẽ hơn, đã trở thành mối quan hệ mang nặng tính xã hội nữa, và trong nền sản xuất hàng hóa, nó đã trở thành một qui luật kinh tế cơ bản, có tính tác động chủ yếu, quyết định đến mọi mặt đời sống xã hội.
Thuở sơ khai, khi cung không đủ cầu, con người đã chế tạo công cụ để tăng khả năng cung. Cung tăng lên làm cho cầu tăng theo. Sự phát hiện ra cây lương thực đã là một cuộc cách mạng vĩ đại làm cho cung trở nên dồi dào và ổn định, làm phương thức sống của con người chuyển sang định cư và sản xuất nông nghiệp. Phương thức sống đó đã làm cho loài người phát triển nhanh về số lượng và nâng cao về mức sống, nghĩa là làm cho cầu tăng nhanh bởi hai hướng số lượng nhân khẩu và đa dạng hóa. Chính hướng tăng đa dạng hóa nhu cầu đã làm xuất hiện những khả năng cung “sản xuất phi lương thực” - tiền đề cho sản xuất trao đổi hàng hóa cũng như tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp sau này…
Dù có thế nào chăng nữa, dù nhu cầu tiêu dùng có đa dạng đến mấy chăng nữa thì nhu cầu về “miếng ăn” vẫn cứ luôn là mục tiêu đầu tiên và tối hậu, là động lực tối thượng, cốt lõi của mọi quá trình hoạt động cung ứng, có thể thấy được trực tiếp hoặc gián tiếp. Sự xuất hiện hàng hóa trao đổi, mua bán chính là vì nhu cầu miếng ăn. Trong một xã hội chủ yếu là sản xuất nông nghiệp thì khi việc cung ứng miếng ăn đạt mức dư thừa sau khi đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu ăn (và ăn ngon), sẽ làm xuất hiện những nhu cầu “cái mặc” (và mặc đẹp, chỉ chung những nhu cầu không phải là ăn). Theo đó mà kích thích loại hình cung “cái mặc” ra đời, phát triển để thỏa mãn những nhu cầu đó và thông qua đó mà thỏa mãn luôn nhu cầu về ăn mới phát sinh. Đó là quá trình vận động xã hội làm cân bằng cung - cầu mà chủ yếu là do tăng cầu. Cầu miếng ăn ngày một tăng rồi sẽ vượt cung miếng ăn, hay là do thiên tai, mất mùa… sẽ gây ra hiện tượng cung miếng ăn không đủ cầu miếng ăn nữa. Điều đó sẽ làm “đình đốn” sản xuất hàng hóa phi thức ăn, góp phần làm tăng nhanh lực lượng cầu thức ăn. Sự mất cân bằng cung - cầu theo hướng cung thiếu, cầu dư ngày một trầm trọng. Để giải quyết, tự nhiên là phải tăng cường sản xuất nông nghiệp tạo thêm “miếng ăn” để đáp ứng “miệng ăn”. Thế nhưng, trình độ sản xuất chưa kịp phát triển, đất đai thiên nhiên có hạn và thậm chí là điều kiện thời tiết khí hậu đang ở giai đoạn chưa qua thiên tai đã hạn chế khả năng giải quyết theo hướng này, thậm chí là đến mức bế tắc. Vậy thì phải theo hướng nào? Một cách hoàn toàn tự nhiên, theo như chúng ta nhìn nhận, phải giảm cầu bằng cách cần phải chết bớt (nghe ghê quá!) do đói, bệnh tật, hoặc một bộ phận cầu phải “đi chỗ khác chơi” (lan tỏa dân cư). Nếu không thế thì chỉ còn cách nổi dậy phá bỏ sự bóc lột, đè ép của tầng lớp thống trị, bóc lột (nếu có) để giải phóng điền địa (nếu là nguyên nhân của không đủ cung), và cuối cùng là phải đi xâm lược, cướp bóc khắp nơi để thỏa mãn nhu cầu miếng ăn (nếu muốn sống còn). Hình như thời cổ, trung đại, chiến tranh là một biện pháp thường xuyên tạo lập cân bằng của cán cân cung - cầu khi cầu tăng vượt quá cung đến mức tột độ? Phải chăng chiến tranh là giải pháp cuối cùng, duy nhất để giải quyết sự mất cân đối cung - cầu ấy? Trong suốt quá trình tồn tại của xã hội loài người? Không, chúng ta hi vọng là không phải, dù quá khứ đã là như vậy! Còn một cách giải quyết hữu hiệu nạn mất cân đối cung - cầu dạng cầu vượt quá cung là áp dụng khoa học - kỹ thuật (tất yếu xuất hiện ở giống loài có tư duy và biết chủ động thích nghi) một cách có ý thức vào việc tăng khả năng cung ứng miếng ăn, cái mặc một cách phù hợp, đồng thời với việc giảm và duy trì cầu ở mức tương xứng. Đây có thể là một giải pháp khả thi ở tương lai, khi não người đã thực sự tiến hóa hơn, đã thấu tỏ hơn về thân phận con người và làm cho lòng tham của con người bị giới hạn đến chừng mực vừa đủ thực sự, như là một sự kìm hãm hoàn toàn bản năng. Còn bây giờ, vẫn là một ước mơ!
Khoa học kỹ thuật ngay từ đầu và ngày càng tác động mạnh mẽ đến quá trình vận động của các lực lượng tạo nên mối quan hệ cung - cầu trong xã hội, về cường độ cũng như tốc độ. Nó làm tăng khả năng cung ứng cả miếng ăn lẫn cái mặc (và thông qua đó cũng chừng mực làm tăng cầu). Sự áp dụng khoa học - kỹ thuật một cách mù quáng, thiếu định hướng tổng thể sẽ làm cho trình độ đáp ứng cung - cầu nâng cao, qui mô đáp ứng cung - cầu tăng lên, có thể làm ổn định mối quan hệ cung - cầu một cách cục bộ, theo từng giai đoạn xen kẽ với những giai đoạn khủng hoảng (mất cân đối nghiêm trọng) của mối quan hệ ấy, chứ không thể tạo được sự ổn định lâu dài, không thể làm mất khủng hoảng (chúng ta cho rằng sự mất cân đối là thường xuyên, là đương nhiên, còn sự mất cân đối nghiêm trọng hay gọi là khủng hoảng do hoạt động mù quáng của con người gây ra (nhân tạo chứ không phải thiên tạo!) là có thể tiêu trừ được); và như vậy đó chính là một con dao hai lưỡi vừa làm ổn định vừa làm mất ổn định mối quan hệ cung - cầu (theo cả hai chiều cung thừa cầu thiếu, cung thiếu cầu thừa).
Ngày xưa, khi nền kinh tế xã hội dựa chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp (cung lương thực - thực phẩm) thì chỉ có khủng hoảng thiếu mà không có khủng hoảng thừa (vì sản xuất tiểu thủ công, là con đẻ của sản xuất nông nghiệp, vẫn còn mang tính bộ phận của sản xuất nông nghiệp mà chưa thoát ly ra khỏi nó). Sự dư dôi của lương thực - thực phẩm luôn được cầu sử dụng hết, biểu hiện ra là đời sống sung túc hơn, ăn ngon mặc đẹp hơn và vui chơi, nhảy múa, hội hè nhiều hơn. Sự thịnh vượng đó sẽ giảm đi nếu sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn. Rồi một quá trình tương tự sẽ lặp lại và nếu chỉ đơn thuần có tính chu kỳ điều hòa hoàn hảo và thuần túy thịnh rồi suy, suy rồi thịnh… thế thôi thì đã chẳng có gì phiền toái, thì cũng coi như tốt đẹp rồi. Than ôi! Toàn thịnh mang tính lý tưởng đã đành, thịnh - suy điều hòa cũng lý tưởng nốt. Bản thân Tự Nhiên Tồn Tại không là gì cả, không có gì cả, cả thịnh lẫn suy. Hay nói cách khác có “nhân tính” hơn: trước một nhận thức đầy sự thị phi thì ngay đến cả Tự Nhiên Tồn Tại cũng không hoàn hảo. Vậy thì ở dưới gầm trời này làm sao mà có sự vật - hiện tượng nào gọi là toàn hảo? Sự sung túc sẽ làm cho “no lưng ấm cật, dậm dật mọi nơi” làm tuổi thọ bình quân tăng lên, sinh đẻ nhiều hơn, dẫn đến sự tăng trưởng về dân số (tăng số lượng cầu). Sự tăng dân số ấy, một cách tự nhiên, trong trường hợp “mưa thuận gió hòa” sẽ trở nên đột phát; nhanh chóng đè lên vai cung một cái gánh ngày một nặng. Đến khi nặng quá thì cung này buộc phải “san sẻ bớt” sang gánh của những cung khác ở đâu đó gọi là láng giềng. Nhất là khi cung đã gánh quá nặng, “san sẻ” không kịp hoặc khó khăn mà lại còn bị “trượt chân” (thiên tai, mất mùa) nữa thì nó sẽ “nổi điên lên”, “quẳng gánh lo đi mà vui sống”, kệ nhu cầu “sống chết mặc bay” thì thật là thảm họa! Bên cạnh đó, sự mất cân đối cung - cầu với tác động theo cả hai chiều tích cực và tiêu cực, tốt và xấu của nó đã là nguyên nhân sâu xa làm phân hóa xã hội thành kẻ giàu, người nghèo, thành tầng lớp bị trị và tầng lớp thống trị. Kết quả ấy, cùng với loài người vốn dĩ không hoàn hảo về bản tính, thậm chí là đầy tật nguyền (tật nguyền hơn cả loài thú?!) sẽ tác động mạnh mẽ trở lại quá trình vận động của Cung - Cầu. Tất cả những điều đó đã làm xuất hiện một cách vừa tự nhiên vừa nhân tạo một quá trình thăng giáng thịnh - suy lặp đi lặp lại mang tính chu kỳ nhưng không điều hòa, có vẻ cưỡng bức nhưng không hoàn toàn rối loạn. Có thể cho rằng những hiện tượng như nạn đói, trộm cướp, nổi dậy chém giết lẫn nhau, chiến tranh, xâm lược… đều từ đó mà ra cả.
Đặc biệt, chúng ta thấy rõ điều này: sự xuất hiện và phát triển tất yếu của khoa học - kỹ thuật đã quyết định đến sự biến dạng “ghê gớm” của sự cung - cầu trong xã hội loài người, theo hướng làm cho bản chất tự nhiên của nó “lặn” đi, bị “ẩn dấu” đi, đồng thời tính xã hội, tính nhân tạo nổi trội lên làm cho sự cung cầu đó mang tính đặc thù chỉ có ở xã hội loài người. Hơn nữa chính sự áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất làm tăng khả năng cung để thỏa mãn nhu cầu về cả ăn lẫn mặc nhằm làm ổn định mối quan hệ cung - cầu (kéo theo cả sự kích cầu một cách “hồn nhiên”!) đã làm một bộ phận sản xuất tiểu thủ công nghiệp thoát ly (tương đối) ra khỏi sản xuất nông nghiệp, vươn lên thành một ngành sản xuất độc lập mới gọi là công nghiệp (sản xuất những mặt hàng cung ứng phi lương thực - thực phẩm). Nền kinh tế lúc này không còn là nền kinh tế nông nghiệp thuần túy nữa mà là nền kinh tế công - nông nghiệp (trong tương lai, phải chăng sẽ xuất hiện một nền kinh tế giống với nền kinh tế nông nghiệp, nhưng ở trình độ cao hơn, gọi là nền kinh tế nông - công nghiệp, sản xuất lương thực - thực phẩm theo trình độ cơ khí - tự động hóa công nghiệp và lấy đó làm trọng tâm của phát triển kinh tế?)
Trên Trái Đất này, đất đai trồng trọt, chăn nuôi, cái nền tảng tạo ra lương thực - thực phẩm từ thiên nhiên thì có giới hạn, trong khi đó, số lượng loài người cứ tăng lên mãi. Trong xã hội phong kiến, tình hình đó làm xuất hiện nổi trội mối quan hệ lao động - việc làm (để kiếm ăn) và mối quan hệ đó ngày một mất cân đối theo hướng dư thừa lực lượng lao động. Đó là nguyên nhân chủ yếu hình thành một tầng lớp thường trực gọi là vô sản ngày một đông đảo: những người nông dân bị bần cùng hóa, không còn “mảnh đất cắm dùi”, phải “cày thuê, cuốc mướn”, tha hương đi khắp nơi tìm việc, kiếm ăn. Do nhiều nguyên nhân mà lực lượng lao động tự do đó có thể dao động về số lượng tùy thuộc vào tình hình của từng thời kỳ cụ thể, nhưng xu hướng của nó là tăng dần lên. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất cũng góp phần đáng kể vào sự gia tăng ấy, đồng thời với sự gia tăng sản lượng lương thực - thực phẩm lên mức đáng kể (chỉ cần một bộ phận lao động trong sản xuất nông nghiệp cũng đủ làm ra miếng ăn nuôi sống toàn bộ xã hội loài người). Thế nhưng lực lượng lao động dư thừa không thể hưởng không “miếng ăn” từ thành quả ấy. Họ vẫn đói khổ trong khi có một bộ phận người sung túc, giàu có muốn ăn ngon mặc đẹp hơn nữa, muốn thưởng thức đủ thứ “của ngon, vật lạ” có trên đời. Sự bất ổn của thiên nhiên nhiều lúc càng làm cho tình cảnh thêm bi đát và phân hóa sâu sắc: bộ phận thiểu số thì muốn duy trì, bộ phận đa số thì vì sự sống còn của mình mà muốn phá bỏ cái xã hội đang tồn tại đi. Sự bức bối, bất công khi đã đạt đến cao độ thì đó cũng là lúc bạo lực lên tiếng. Hiện tượng nổi dậy đấu tranh, khởi nghĩa vũ trang của nông dân ở hầu như khắp nơi và triền miên đã là một căn bệnh mãn tính của xã hội phong kiến có lẽ chủ yếu là vì vậy. Chiến tranh đã ra tay giải quyết những bức xúc xã hội nhưng không triệt để và dù có muốn cũng không thể triệt để được…
Để giải quyết những căng thẳng, bức bối tồn tại trong xã hội phong kiến như: nạn thiếu nghiêm trọng công ăn việc làm, nạn “kẻ ăn không hết, người lần không ra”, nhu cầu tiêu dùng ngoài miếng ăn (hay còn gọi là trình độ tiêu dùng) ngày một tăng lên của xã hội cũng như những đòi hỏi có cuộc sống tiện nghi xa hoa hơn của tầng lớp có của ăn của để, giàu có và của đám cường hào ác bá, quan quyền, bạo chúa (mà thực ra bản chất chính là giải quyết lượng lương thực - thực phẩm “dư thừa” tích lũy, vơ vét được của bộ phận người này!)…, đến một thời điểm chuyên môn hóa và tập trung cao độ: công nghiệp. Quá trình hình thành ngành sản xuất công nghiệp cũng là quá trình ra đời một hình thái kinh tế xã hội mới gọi là Tư bản chủ nghĩa.
Sản xuất công nghiệp đã phân định rạch ròi, giữa chủ tư bản (người bỏ vốn đầu tư, sở hữu nhà xưởng, máy móc thiết bị, thuê người làm để hưởng lợi) và công nhân (người làm thuê, bỏ sức lao động ra để hưởng lương, một lượng tiền được chủ ấn định hoặc thỏa thuận). Sản xuất công nghiệp đã tạo ra vô số công ăn việc làm cho lực lượng nông dân tự do, cho những người vô sản. (Chúng ta quan niệm vô sản là những người đói khổ, bần cùng do thiếu công ăn việc làm hoặc làm với đồng lương rẻ mạt vừa đủ ăn hoặc thậm chí là không đủ ăn. Như vậy, giai cấp công nhân chỉ là một bộ phận của tầng lớp vô sản và vô sản được hiểu tương đối như là tầng lớp quần chúng thu nhập thấp nhất trong xã hội).
Xã hội tư bản ra đời là một lẽ tự nhiên, do đòi hỏi của Đức Huyền Diệu. Cho nên phải thừa nhận rằng xã hội ấy có tính nhân đạo cao hơn, tự do hơn, bình đẳng hơn, dân chủ hơn so với xã hội phong kiến.
Sự xuất hiện xã hội tư bản không thể là do từ trên trời rơi xuống mà là sự thoát thai từ xã hội phong kiến; là sự kế thừa cái quan hệ, sản xuất tiến bộ đã manh nha ở giai đoạn cuối của thời đại phong kiến; để rồi phát huy đến hoàn thiện với qui mô to lớn, rộng khắp và được đặt tên là quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa. Qua đó mà tính chất hàng hóa của sản xuất cũng như của nền kinh tế thị trường đạt đến mức triệt để, hoàn chỉnh và ngày nay đã có qui mô toàn cầu.
“Châu Âu là một cái hang chuột”, đó là lời nói của Napôlêông. Chính sự “chật hẹp” của nó cùng với mùa đông lạnh giá đã không dung dưỡng nổi số lượng dân cư ngày càng tăng đã là nguyên nhân sâu xa nhất của những cuộc chiến tranh ăn cướp dưới lớp áo giáp tôn giáo: Thập tự chinh. Hiện tượng đó lại có thể là một trong những nguyên nhân thúc đẩy nền khoa học - kỹ thuật châu Âu nhanh chóng vượt trội, sớm được áp dụng vào sản xuất và trở thành bà đỡ cho xã hội tư bản chào đời để thay thế xã hội phong kiến già nua. Đến đây, chúng ta hiểu được vì sao xã hội tư bản xuất hiện và phát triển đầu tiên trên thế giới là ở châu Âu.
Theo quan niệm của Đức Huyền Diệu thì hình thái tư bản chủ nghĩa là một tiến bộ của xã hội loài người. Tuy nhiên nó vẫn chưa phải là một ước vọng lý tưởng của Đức Huyền Diệu, vì trong lòng nó vẫn tồn tại những vấn nạn về áp bức, bất công, đói khổ, tàn bạo, nhất là vào thời đoạn tích lũy tư bản đầu tiên và tranh giành đế quốc.
Thực ra những vấn nạn đó không phải là những đặc thù của chế độ tư bản mà có tính phổ biến; thấy được ở mọi chế độ xã hội có nền sản xuất hàng hóa trước đây. Hay cũng có thể nói những vấn nạn đó, dù có thể ở những mức độ khác nhau tùy từng chế độ, tùy từng thời kỳ, thì đều là đặc thù của một xã hội có nền sản xuất hàng hóa. Khi tính hàng hóa giảm đi và đồng thời não trạng con người bớt thèm khát danh lợi hơn, tình yêu thương đồng loại dồi dào hơn thì những vấn nạn đó sẽ giảm đi. Nhưng bằng cách nào khi dân số cứ ngày một tăng trong khi tài nguyên thiên nhiên ngày một cạn kiệt và môi trường sinh thái ngày càng bị tàn phá đến trơ trọi? Khi loài người đã biết sản xuất ra tràn ngập và phong phú những sản phẩm tiêu dùng (kể cả lương thực - thực phẩm, không khí và nước sinh hoạt) đến mức “cầu gì được nấy” từ nguồn nguyên, nhiên liệu vô tận ở đâu đó ngoài vũ trụ và rác thải được “quăng” trả lại vũ trụ bao la thì những vấn nạn kể trên có mất đi không?!
Lịch sử đã ghi nhận sự quá ư tàn bạo của chủ nghĩa tư bản trong thời kỳ đầu tích lũy tư bản và tranh đoạt thị trường bằng vũ lực của nó. Không thể chối cãi nổi rằng quá trình tích lũy tư bản ban đầu đã được thực hiện bằng nhiều biện pháp tăng cường như chiếm đoạt ruộng đất, tăng thuế, ban hành quốc trái… trong đó có hai biện pháp mà Mác cho là trắng trợn và tàn bạo nhất: phong trào rào đất ở Anh và việc cướp bóc thuộc địa. Lúc bấy giờ, do sự phát triển nhanh chóng của nghề len dạ ở nước Anh, nhu cầu về lông cừu ngày càng nhiều và giá lông cừu cũng tăng vọt. Vì vậy, “biến đồng ruộng thành bãi chăn cừu đã trở thành khẩu hiệu của các chúa phong kiến” (trong bộ “Tư bản” của C. Mác), và: “Việc tìm thấy những vùng có mỏ vàng và mỏ bạc ở châu Mỹ, việc tuyệt diệt người bản xứ, bắt họ làm nô lệ và chôn vùi họ trong các hầm mỏ, việc bắt đầu đi chinh phục và cướp bóc miền Đông Ấn, việc biến châu Phi thành khu cấm để săn bắt, buôn bán người da đen - đó là buổi bình minh của thời đại sản xuất tư bản chủ nghĩa” (cũng trong “Tư bản”). Cũng theo Mác thì: “Những kho tàng trực tiếp chiếm đoạt được ở ngoài châu Âu bằng cướp bóc nô dịch người địa phương, giết người cướp của, được dồn về chính quốc và trở thành tư bản ở đó”, và như vậy, quá trình tích lũy ban đầu, dù dưới hình thức nào cũng “được thực hiện với một sự phá phách tàn nhẫn nhất và dưới sự thúc đẩy của những dục vọng thấp hèn nhất, bẩn thỉu nhất, nhỏ nhen nhất và đáng ghét nhất”. Do đó, “nếu tiền, theo lời của Ôgiê: “ra đời với một vết máu ở bên má” thì tư bản mới ra đời lại có máu và bùn nhơ rỉ ra ở tất cả các lỗ chân lông, từ đầu đến chân”.
Đặc trưng của kinh tế tư bản là sản xuất công nghiệp qui mô lớn. Muốn vậy phải có quá trình tích lũy và hội tụ tư bản (đồng vốn lớn) mới đủ khả năng đáp ứng. Nhưng phải chăng sự tích lũy tư bản chỉ có thể là ăn cướp, giết chóc? Có lẽ không, vì đó không phải là điều kiện tiên quyết của tích lũy tư bản nói chung; có lẽ có, vì chủ nghĩa tư bản thoát thai từ xã hội phong kiến nên nó vẫn còn mang nặng trong tâm trí tàn dư của tính chuyên quyền bạo ngược và độc ác, bên cạnh lòng thèm muốn danh lợi đến vô độ, đến mù quáng vốn đã như một bản tính con người được hun đúc nên bởi sự ghê sợ đói khát từ muôn đời truyền kiếp. Chính vì vậy mà vào buổi giao thời cũng như trong giai đoạn phát triển lan tỏa của chủ nghĩa tư bản ra khắp thế giới, tích lũy tư bản đáng lẽ đã có thể được tiến hành bằng những biện pháp ôn hòa hơn, hòa bình hơn (như áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao trình độ sản xuất, tích lũy thặng dư hợp lý, hợp tác làm ăn, giúp đỡ nhân dân các nước tạm gọi là “thuộc địa” đánh đổ chế độ phong kiến hà khắc, rồi trao quyền tự quyết cho họ, rồi liên kết làm ăn một cách bình đẳng thông qua những hiệp ước - nghĩa là đi khai hóa thực sự), thì trái lại nó đã làm cho thế giới xám xịt khói, nổi trôi lên những quái tượng bạo tàn, nô dịch, cùng khổ, những núi xương, sông máu của triệu triệu oan hồn trải dài suốt hàng thế kỷ.
Bản thân quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa cũng như chế độ tư hữu không xấu, sự thi đua hay cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động kinh tế là chính đáng. Lao động thặng dư là mục tiêu tất yếu của nền sản xuất hàng hóa vì nó cũng chính là động lực cho nền sản xuất ấy tồn tại. Vươn lên giàu có, sung túc, thịnh vượng chính là hành động phù hợp Đức Huyền Diệu (nhưng vươn lên bằng bất cứ giá nào, kể cả bằng những biện pháp bóc lột, ăn cướp độc ác nhất, đê tiện nhất thì lại là có tội, thậm chí là trọng tội theo quan niệm của Đức Huyền Diệu). Dư luận của Đại Chúng mọi thời đại bao giờ cũng ngợi ca chứ chưa từng chê trách sự giàu có, miễn sự giàu có đó có nguồn gốc từ sức lực, tài năng và trí tuệ của bản thân chủ sở hữu.
Nói cho công bằng, chủ nghĩa tư bản đã tháo gông xiềng cho nền kinh tế - xã hội phát triển lên cao độ bằng chiếc chìa khóa gọi là “cạnh tranh tự do”. Mặt phải của cạnh tranh tự do là tiến bộ, giải quyết những vấn nạn, bức bối, căng thẳng của quan hệ cung - cầu trong xã hội… Nhưng mặt trái của cạnh tranh tự do, vì những nguyên nhân “nhân tạo” như đã nêu ở trên (bạo ngược, độc ác, tham lam), là sự mù quáng, thiếu kìm chế, điều tiết và định hướng trong sản xuất cũng như kích thích tiêu dùng một cách thái quá gây lãng phí; và tính hiếu chiến của nó. Điều lạ lùng ở đây là bản thân cạnh tranh tự do là bình đẳng, nhưng trong thực tiễn, do có sự lũng đoạn của tâm trí con người mà sự bình đẳng ấy luôn bị xâm phạm, và trong nhiều trường hợp không hẳn là tốt. Rất có thể mức sống xã hội ảnh hưởng tới văn hóa xã hội. Ví dụ như người ở vùng có mức sống "dễ thở" hơn thường có lối sống "khoáng đạt" hơn người sống ở vùng khó khăn hơn...Hiện nay, nếu có người nói người Châu Âu sống nhân văn hơn người Châu Á thì có thể là vì hiện tượng ấy!
Có thể nói cạnh tranh tự do đã làm nên nền kinh tế hàng hóa tư bản chủ nghĩa và trở thành linh hồn của cái cơ thể ấy. Không có nó, hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa không thể tồn tại được. Khi nói cạnh tranh tự do thiếu tính điều tiết thì cũng có nghĩa là vẫn có sự điều tiết, nhưng sự điều tiết ở đây là tự điều tiết, điều tiết một cách tự phát theo tác động của qui luật cung cầu (trong đó có qui luật tỷ suất bình quân lợi nhuận) vì lòng tham cũng như vì quyền lợi sát sườn, có tính sống còn của các nhà tư bản và của cả đại chúng cần lao. Chính sự mù quáng của cạnh tranh tự do đã là một trong số những nguyên nhân cơ bản làm cho thời kỳ đầu của xã hội tư bản trở nên đẫm máu và nước mắt; làm cho chủ nghĩa tư bản với những “kinh nghiệm” có được từ việc tích lũy tư bản bằng bạo lực, áp bức nhân dân “chính quốc”, đi gây chết chóc tang thương để chiếm đoạt, nô dịch khắp thế giới. Và chạy đua vũ trang cấu xé lẫn nhau giữa các cường quốc tư bản, gây ra hai cuộc chiến tranh thế giới khủng khiếp. Cũng chính sự mù quáng của cạnh tranh tự do đã là nguyên nhân chính yếu gây ra những vấn nạn vừa có tính chung của nến sản xuất hàng hóa, vừa có tính đặc thù, riêng có của nến kinh tế hàng hóa - thị trường tư bản. Một trong những biểu hiện đặc thù đó, là sự xuất hiện tình trạng “khủng hoảng thừa” trong đời sống kinh tế xã hội có tính chu kỳ và như một căn bệnh mãn tính…
Nghe đến “thừa” chúng ta thường nghĩ đến sự dư dả, sung túc, nhưng khủng hoảng thừa lại là tai họa. Tại sao sự dư thừa hàng hóa lại tàn phá nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, gây nên thất nghiệp và làm cho đời sống nhân dân khốn đốn, nghèo khổ đi? Nếu một ngày đẹp trời trong tương lai, đột nhiên “đại ngộ”, chúng ta sẽ tiếp tục câu chuyện khủng hoảng này. Còn bây giờ, chúng ta hãy quay lại với câu chuyện “thời cuộc”!
Chúng ta sẽ tìm hiểu tình hình “thời sự” của một số cường quốc chủ yếu trong thời kỳ đại khủng hoảng năm 1929 - 1933, sau này đã góp mặt “xứng danh anh hào” trong việc gây ra chiến tranh thế giới thứ hai mà đến ngày nay, từ thế kỷ XXI nhìn lại, chúng ta thấy cuộc chiến tranh đó chỉ đạt được một mục đích duy nhất là đã tiêu diệt được một lực lượng con người (sức lao động và miệng ăn) khổng lồ, còn ngoài ra là hoàn toàn vô tích sự. Nhưng ở góc độ khác, nó lại “vô tình” tạo cơ hội có một không hai cho cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc ở các nước thuộc địa.
1 - Nước Mỹ:
“Chúng ta đã đi gần đến chỗ xóa sạch nạn nghèo đói hơn bất kỳ nước nào trên thế giới”, đó là câu nói thiếu hiểu biết một cách “vui vẻ” nhất của Huvơ (Hoover), ứng cử viên đảng Cộng Hòa, trúng cử tổng thống Mỹ vào năm 1928. Nhiều người Mỹ cũng đã tin như thế vì họ chưa thấy được cái ngày gọi là “Ngày thứ năm đen tối” ở thị trường chứng khoán Niu Óoc đã ở ngay trước mặt.
Ngày 24-10-1929, giá cổ phiếu đột nhiên hạ xuống mức thấp kỷ lục, kích hoạt tình trạng hoảng loạn chưa từng có trong lịch sử thị trường chứng khoán Niu Óoc vào ngày 29-10-1929. Lúc này giá một loại cổ phiếu được coi là bảo đảm nhất đã sụt 80% so với tháng 9, các cổ đông đã mất 15 tỷ đôla, và giá trị các loại chứng khoán đã giảm 40 tỷ đôla. Hàng triệu người đã mất sạch số tiền mà họ tiết kiệm cả đời.
Tiếp theo là sự suy thoái diễn ra như con ngựa bất kham, không thể kìm chế nổi: Hàng loạt nhà tư bản phá sản, hàng loạt nhà máy đóng cửa, hàng ngàn ngân hàng theo nhau sụp đổ, hàng triệu người thất nghiệp, mất nhà cửa và phương kế sinh sống; nhà nước không thu được thuế, công chức và giáo viên không được trả lương.
Đến năm 1932, cuộc khủng hoảng đã đạt đến đỉnh điểm. Tổng sản lượng công nghiệp chỉ đạt 53,8% so với năm 1929. Sản xuất than hạ xuống mức của năm 1904, gang xuống mức năm 1896, thép lùi về mức 1901. Công nghiệp đúc thép chỉ hoạt động còn 16% công suất. Có 115.000 xí nghiệp công thương nghiệp, 58 công ty đường sắt bị phá sản, 10 vạn ngân hàng (40% tổng số ngân hàng Mỹ) đóng cửa. Trong nông nghiệp thì nông sản bị mất giá trầm trọng. Trong những năm 1929 - 1930, đã có tới 75% trang trại bị phá sản. Diện tích gieo trồng ở các bang miền Nam bị thu hẹp còn khoảng 80%. Giá trị hàng xuất khẩu giảm từ 5,241 tỷ xuống còn 2,4 tỷ đôla; giá trị nhập khẩu giảm từ 4,399 tỷ xuống còn 1,322 tỷ đôla. Thu nhập quốc dân giảm một nửa. Đến năm 1932, số người thất nghiệp lên tới 12 triệu.
Các nguyên nhân dẫn đến cuộc suy thóai nặng nề nhất và cũng kéo dài nhất này trong lịch sử nước Mỹ, theo các nhà kinh tế học Mỹ là như sau:
*        Khả năng sản xuất đã vượt quá khả năng tiêu thụ thực tế. Trong khi lợi nhuận công ty tăng 76% (thời kỳ 1922 - 1929) thì công nhân và nông dân vẫn không được nhận thêm phần xứng đáng của họ trong thu nhập quốc dân, do đó không tăng được sức mua xã hội.
*        Chính sách của chính phủ về thuế và nợ chiến tranh làm cho hàng hóa khó bán ra nước ngoài, đặc biệt là những hàng nông sản truyền thống: lúa mì, bông, thuốc lá.
*        Việc cấp tín dụng quá dễ dàng đã tạo ra sự lạm dụng. Người ta mua chứng khoán chủ yếu là để đầu cơ. Nợ của chính phủ và của tư nhân đã vượt qua số 100 tỷ đôla.
*        Sự cơ giới hóa được đẩy mạnh đã làm giảm nhu cầu về thợ không lành nghề làm tăng lực lượng thất nghiệp.
Chính phủ Huvơ đã không giải quyết được khủng hoảng mà còn có những biện pháp không phù hợp làm tăng mức độ nghiêm trọng của tình hình. Năm 1930, Huvơ ký ban hành thuế biểu mới (thuế biểu Hawky - Smooth) cao hơn thuế biểu ban hành năm 1920, làm Châu Âu không thể mua lúa mì của Mỹ, càng làm cho hàng nông phẩm ế thừa. Huvơ không thi hành biện pháp gì để cứu trợ những người thất nghiệp; phản đối dành một khoản ngân sách liên bang để cứu trợ nghèo đói. Hơn nữa, chính quyền Huvơ còn đồng ý giảm tiền lương công nhân và đàn áp phong trào bãi công, biểu tình phản đối của quần chúng.
Trong cuộc bầu cử năm 1932, Huvơ tiếp tục ứng cử, nhưng ứng cử đại diện cho đảng Dân Chủ là Rudơven (Franklin D.Roosevelt) đã thắng và trở thành Tổng thống Mỹ với lời hứa thực hiện “chính sách mới” (New Deal). Cơ sở lý luận của “Chính sách mới” chính là học thuyết kinh tế Kên (John Maynard Keynes), một học thuyết có cái nhìn sâu sắc hơn về nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, đặt nền móng cho sự xuất hiện hình thức nhà nước tư bản độc quyền (điều tiết vĩ mô nến kinh tế đất nước). Trong bài diễn văn nhậm chức, Rudơven khẳng định sẽ cứu trợ nạn thất nghiệp, nghèo đói, lập lại sự cân đối giữa công nghiệp và nông nghiệp, tiến hành kiểm tra chặt chẽ các hoạt động ngân hàng… Ông đề nghị Thượng Nghị viện cho tổng thống những quyền hành rộng rãi hơn để ông có thể đương đầu với những thảm họa quốc gia và khắc phục nó. Thượng Nghị viện chấp nhận và thông qua tất cả những biện pháp mạnh mẽ và táo bạo của ông.
Với việc thực thi “Chính sách mới”, có thể không có lĩnh vực nào trong đời sống kinh tế Mỹ mà những cải cách của Rudơven không đụng chạm tới.
Trong lĩnh vục ngân hàng, Rudơven cho đóng cửa tất cả các ngân hàng rồi cho mở lại với sự kiểm soát chặt chẽ của chính phủ và thiết lập chế độ bảo đảm đối với tiển gửi của khách hàng. Ông phá giá đồng đôla để nâng giá các nhu yếu phẩm, giám sát thị trường chứng khoán, qui định những nguyên tắc thương mại công bằng để chấm dứt gian lận, đặt mức thuế cao hơn đối với các công ty và người giàu, điều chỉnh phần nào sự phân phối của của cải của các bang và cả liên bang. Trong hai nhiệm kỳ đầu làm tổng thống (8 năm), Rudơven đã quyết định chi 16 tỷ đôla cứu trợ trực tiếp cho những người thất nghiệp, lập ra nhiều quĩ liên bang giúp những doanh nghiệp đang tan rã, tạo thêm nhiều việc làm mới bằng cách lập chương trình rộng lớn và xây dựng những tiện nghi, công trình công cộng đồng thời tạo ngân quĩ cho các công ty xây dựng vay tiền.
“Đạo luật khôi phục công nghiệp quốc gia” (National Industrial Recovery Act, viết tắt là NIRA, được Thượng Viện Mỹ thông qua vào tháng 6-1933) nhằm cải thiện quan hệ sản xuất, tổ chức lại sản xuất. Trong đó có qui định việc cơ cấu các xí nghiệp cùng ngành thành những liên hiệp xí nghiệp để thông qua những hợp đồng về sản xuất và tiêu thụ, qui định công nhân có quyền cử đại biểu thương lượng với chủ về mức lương và chế độ làm việc nhằm mục đích giảm giờ làm, tăng lương và đảm bảo quyền lợi những hợp đồng tập thể… Hai năm sau, Tòa án tối cao Pháp viện Mỹ đã phán quyết đạo luật này là vi hiến. Tuy nhiên sau này, một số chủ trương của nó đã được lấy lại trong một số đạo luật khác.
Nhờ có “Đạo luật điều chỉnh nông nghiệp (tháng 5-1933, gọi tắt là “AAA”) mà tình trạng của nông nghiệp được cải thiện đáng kể: nâng giá nông sản, giảm bớt sản xuất thừa, cho vay dày hạn ở nông thôn…, trong đó có hai điều đáng chú ý, thứ nhất là phụ cấp cho những nông dân nào chịu giảm bớt diện tích độc canh làm cho đất bạc màu, thay vào đó những loại cây trồng khác có thể bảo vệ độ màu mỡ của đất, và thứ hai là tăng tỷ giá các mặt hàng nông nghiệp so với những mặt hàng phi nông nghiệp lên mức trung bình của những năm 1909 - 1914. Trên thực tế, đạo luật này chỉ có lợi cho những chủ trại lớn và tương đối phát đạt, dù sao, như đã đề cập, nó vẫn đem đến cho sản xuất nông nghiệp những yếu tố kích thích tích cực.
Năm 1935, “Đạo luật về an ninh xã hội” (Social Security Act) qui định việc lập giữ bảo hiểm thất nghiệp, chế độ hưu bổng cho người già, người mù và trẻ em tàn tật. Dù còn hạn chế (thời gian trợ cấp người, số người được trợ cấp ít…) song nhiều người coi đây là cuộc cách mạng đối với nước Mỹ…
Sự kiện quan trọng đầu tiên trong chính sách đối ngọai của Mỹ là vào tháng 11-1933, chính quyền Rudơven tuyên bố công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với Liên Xô. Mục đích của việc này thực chất là vì quyền lợi kinh tế của bản thân nước Mỹ (tăng khả năng cầu chẳng hạn). Tuy nhiên Liên Xô cũng có lợi không những về kinh tế mà còn về chính trị.
Trước thời Rudơven, chính sách “Cây gậy lớn” mang tính kẻ cả nô dịch của Mỹ đã làm cho quan hệ giữa Mỹ và khu vực Châu Mỹ - Latinh rất căng thẳng, nhân dân ở các nước đó chống đối ngày một mạnh mẽ. Hơn nữa, các nước tư bản châu Âu cũng xâm nhập về kinh tế ngày càng tăng vào khu vực “sâu sau” này của Mỹ. Trước tình hình đó, ngay từ năm 1934, Rudơven tuyên bố “Chính sách láng giềng thân thiện” đối với các nước Mỹ - Latinh. Trên tinh thần đó, năm 1934, chính phủ Mỹ tuyên bố bãi bỏ “điều bổ sung Pơlát” (Platt) ghi trong hiến pháp tự cho phép Mỹ có quyền can thiệp vũ trang vào Cuba (bị người Cuba cực lực phản đối), rồi chấm dứt can thiệp vào Haiti và Cộng hòa Đôminica. Cũng năm đó, Rudơven hứa sẽ trao trả quyền độc lập cho Philipin. Ngoài ra khi Mêhicô ra lệnh trưng dụng tất cả các công ty dầu lửa của Mỹ tại đó, thay vì đưa quân đội sang can thiệp như thường làm thì Rudơven chỉ yêu cầu bồi thường thỏa đáng thông qua thương lượng. Nhờ thế, Mỹ đã xoa dịu ở mức độ nhất định cuộc đấu tranh chống Mỹ của nhân dân Mỹ - Latinh trong khi vẫn đảm bảo được sự bành trướng kinh tế - tư bản Mỹ ở khu vực này.
Tóm lại, nhờ “Chính sách mới” với những biện pháp cụ thể mang nhiều tích cực, chính quyền Rudơven đã đưa nền kinh tế Mỹ thoát cơn nguy kịch, dần phục hồi và phát triển ổn định trở lại trên con đường dân chủ tư sản. Dù còn nhiều hạn chế, nhưng những quyết sách đối nội và đối ngoại của Rudơven - một nhân vật cấp tiến, sáng suốt – cùng với những kết quả đạt được của chúng đã là đề tài đặc sắc có thể rút ra từ đó những bài học sâu sắc về “đối nhân xử thế” cho những nhà nước tư bản chủ nghĩa sau này. Và dù chưa trọn vẹn nhưng những cải cách của Rudơven đã đáp ứng được những đòi hỏi của nhân dân Mỹ, người lao động Mỹ đương thời đó. Sự “trị vì” suốt 16 năm (4 nhiệm kỳ tổng thống liên tiếp - lâu nhất trong các đời tổng thống Mỹ từ trước tới nay) của Rudơven trong thể chế dân chủ tư sản Mỹ đã nói lên tất cả.
2 - Nước Anh
Cuộc khủng hoảng kinh tế ở Anh bắt đầu từ cuối năm 1929. Mức độ khủng hoảng không trầm trọng bằng các nước tư bản chủ nghĩa khác vì nền kinh tế Anh chưa phát triển lắm. Nhìn chung, cuộc khủng hoảng đã làm tổng sản lược công nghiệp năm 1932 giảm 20%, ngành ngoại thương (đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Anh) giảm đến 60%, giá trị đồng bảng Anh giảm 1/3. Nông nghiệp Anh cũng lâm vào khủng hoảng: diện tích trồng trọt và sản lượng nông nghiệp đều giảm.
Để chống lại cuộc khủng hoảng, chính phủ Công đảng (cầm quyền lần thứ hai vào tháng 6-1929) đã đề ra những chính sách nhằm rút bớt chi tiêu nhà nước, giảm chi phí công cộng và lập quĩ trợ cấp. Năm 1931, khi khủng hoảng diễn ra nặng nề nhất, chính phủ quyết định thi hành một chương trình tiết kiệm ngặt nghèo. Đó là những biện pháp, hời hợt, không giải quyết được căn cơ những khó khăn do khủng hoảng gây ra như không làm giảm được nạn thất nghiệp, không phục hồi được sản xuất… Cuộc sống khó khăn làm nổi dậy phong trào công nhân, quần chúng đấu tranh chống đối trong Đế quốc Anh (chính quốc, thuộc địa và chư hầu). Tình hình đó làm cho nội bộ Công Đảng bị chia rẽ sâu sắc. Chính phủ Công Đảng lâm vào khủng hoảng phải xin từ chức. Ngày 24-8-1931, một chính phủ mới bao gồm đại biểu của đảng bảo Thủ, công Đảng và đảng Tự Do do Mác Đônan (Mac Donad) cầm đầu, được thành lập với tên gọi là “Chính phủ dân tộc”
Ngày 21-9-1931, Chính phủ dân tộc tuyên bố hạ giá đồng bảng Anh. Tháng 8-1932, chính phủ này bãi bỏ chính sách tự do mậu dịch, thay bằng chính sách bảo hộ thuế quan. Chính sách này đã làm cho việc buôn bán trong nội bộ Đế quốc Anh được phát triển vì thị trường nội bộ của nó được bảo vệ trước sự cạnh tranh của các nước tư bản chủ nghĩa khác. Do đó mà cũng tạo điều kiện cho công nghiệp Anh phát triển. Chính phủ dân tộc chủ trương chống Đảng Cộng sản và đàn áp rát rạt phong trào công nhân.
Trong chính sách đối ngoại, Chính phủ dân tộc tuyên bố “Qui chế Uétminstơ” (Wesminster) vào tháng 11-1931, công nhận quyền tự chủ của các nước tự trị về đối nội và đối ngoại. Tháng 10-1932, chính phủ này biểu hiện chống Liên Xô ra mặt bằng tuyên bố hủy bỏ hiệp định buôn bán Anh - Xô (ký năm 1930) và tháng 4-1933, ra lệnh cấm nhập khẩu hàng hóa Liên Xô. Trong khi đó, nước Anh lại khuyến khích nước Đức trong việc phục hồi tiềm lực kinh tế và quân sự…
Nước Anh thoát khỏi khủng hoảng kinh tế vào năm 1934, nhưng phát triển yếu ớt. Trong những năm trước chiến tranh, nhà nước Anh lấy danh nghĩa “điều chỉnh kinh tế” (chắc theo gương Mỹ?!) để can thiệp ngày càng sâu vào nền kinh tế quốc dân và kết hợp với các công ty lũng đoạn. Chính phủ tăng cường chính sách thuế quan bảo hộ, thành lập khối đồng bảng Anh, điều chỉnh xuất khẩu hàng hóa và tư bản, định mức sản xuất và tiêu thụ, đặt hàng quân sự cho các xí nghiệp. Năm 1935, Anh ký với Đức hiệp ước hải quân (mà thực chất là để cho Đức phát triển hải quân theo qui mô lớn). Với chính sách “không can thiệp” mù quáng, nước Anh đã làm ngơ trước những hành động xâm lược của các nước thuộc phe trục sau này là Đức, Ý, Nhật Bản (chẳng hạn hành động xâm lược Trung Quốc của Nhật; sự can thiệp vũ trang chống nước Cộng hòa Tây Ban Nha của Đức và Ý dù rất nhiều quyền lợi của Anh ở đây bị xâm phạm). Khi mâu thuẫn giữa Anh và các nước nói trên ngày càng rõ nét và Liên Xô đề nghị nước Anh thành lập một hệ thống an ninh chung, giới cầm quyền Anh đã một mực cự tuyệt. Anh đã giải quyết mâu thuẫn với Đức bằng thỏa hiệp và hướng Đức tấn công sang phía đông (tức Liên Xô). Đỉnh cao của chính sách này là hiệp ước Muynich năm 1938.
3 - Nước Pháp:
Mãi đến giữa năm 1930, cuộc khủng hoảng kinh tế mới bắt đầu ở Pháp bằng sự phá sản của các ngân hàng, rồi từ đó lan sang tất cả các ngành của nền kinh tế. Khủng hoảng làm cho sản lượng công nghiệp Pháp giảm 1/3, nông nghiệp giảm 2/5, ngoại thương giảm 3/5, thu nhập quốc dân giảm 1/3. Cuộc khủng hoảng gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành công nghiệp nhẹ: 130 xí nghiệp dệt vải bị phá sản trong giai đoạn 1929 - 1935. Sản lượng tơ lụa và len năm 1934 giảm còn một nửa so với của năm 1929.
Khủng hoảng ở Pháp có đặc điểm kéo dài rất lâu. Mãi đến năm 1936 mới thấy sự phồn vinh cục bộ, nhưng năm 1937 lại lâm vài khủng hoảng và không đạt được mức phát triển năm 1929.
Sản xuất bị thu hẹp gây ra nạn thất nghiệp hàng loạt: năm 1935 có trên nửa triệu người thất nghiệp. Khủng hoảng đã làm cho tiền lương thực tế giảm từ 30% đến 40%; làm cho một vạn chủ xí nghiệp nhỏ, 10 vạn tiểu thương bị phá sản; làm cho thu nhập nông dân giảm 2,7 lần. Tình hình đó làm cho các cuộc bãi công của công nhân liên tiếp xảy ra, đồng thời cũng làm xuất hiện nhiều tổ chức phát xít.
Ngày 6-2-1934, trên 20.000 kẻ phát xít có vũ trang, biểu tình đòi giải tán quốc hội. Ngay sau đó, 25.000 công nhân Pari đã xuống đường chống lại đám vô chính phủ đó. Binh lính cũng tỏ tình đoàn kết với công nhân để bảo vệ nền Cộng hòa. Cuộc bạo động phát xít bị dẹp tan.
Tháng 5-1935, đảng Cộng Sản, đảng Xã Hội, đảng Cấp Tiến và một số đảng phái, đoàn thể xã hội cấp tiến khác đã họp hội nghị tại Pari, thông qua nghị quyết thành lập Mặt trận nhân dân chống chủ nghĩa phát xít và chiến tranh. Ngày 14-7-1935 (Quốc Khánh Pháp), ở Pari và các thành phố khác đã xảy ra các cuộc biểu tình với trên 2 triệu người tham gia để ủng hộ Mặt trận nhân dân.
Tháng 1-1936, Mặt trận nhân dân công bố cương lĩnh bao gồm những yêu cầu chính trị quan trọng, đó là: giải tán và giải giáp tất cả các tổ chức phát xít, hạn chế quyền lực của tư bản tài chính, bảo đảm quyền tự do dân chủ, thi hành chính sách an ninh tập thể, bảo vệ nước Pháp trước nguy cơ xâm lược của nước Đức phát xít…
Từ ngày 26-4 đến ngày 3-5-1936, nước Pháp bầu cử quốc hội. Các đảng phái của Mặt trận nhân dân thu được 5,6 triệu phiếu (nhiều hơn 1 triệu phiếu so với của khối đối lập). Chính phủ của Mặt trận nhân dân được thành lập do Lêông Bơlum (Leon Blum), người của đảng Xã Hội, đứng đầu Chính phủ đã thực hiện một số điều khoản của cương lĩnh Mặt trận: cải cách ngân hàng, xuất quĩ tín dụng để giải quyết những vấn đề xã hội, ổn định giá cả cho nông dân, tăng tiền lương trung bình của công nhân lên 15% và đảm bảo chế độ làm việc 40 giờ một tuần, quốc hữu hóa một bộ phận công nghiệp chiến tranh, chuẩn y sắc lệnh cấm các tổ chức phát xít hoạt động.
Phe đối lập đã ra sức chống lại chính sách của chính phủ Mặt trận; thực hiện lãn công tài chính, đưa vốn ra nước ngoài nhằm gây rối loạn tài chính trong nước, xúi giục gây nên những vụ khiêu khích phá hoại trật tự xã hội, ra sức nói xấu Mặt trận nhân dân… Trong khi đó, chính phủ ngày càng xa rời những nguyên tắc cơ bản của cương lĩnh. Tháng 6-1937, Blum xin từ chức. Tháng 4-1938 Đalađiê (Daladier), một phần tử phát hữu của đảng Cấp Tiến lên cầm đầu chính phủ.
Tháng 11-1938, chính phủ này đã thi hành sắc lệnh tăng thuế bất thường, bãi bỏ chế độ làm việc 40 giờ một tuần. Thậm chí, chính phủ còn đem quân đội và cảnh sát đàn áp công nhân bãi công và tuyên bố “tình hình đặc biệt” ở trong nước. Bất chấp sự phản đối của dư luận Pháp, chính phủ Đalađiê đã tham gia ký hiệp ước Munich. Do hành động phản bội của giới cầm quyền, Mặt trận nhân dân Pháp đã tan vỡ.
Tuy nhiên, sự hình thành và tồn tại trong một thời gian của Mặt trận nhân dân Pháp và Chính phủ Mặt Trận đã để lại những bài học kinh nghiệm quí báu cho nhân dân cần lao trên bước đường đấu tranh xây dựng một chính quyền do dân và thực sự vì dân, đồng thời cũng từ đó mà nhận thức sâu sắc hơn vai trò lịch sử của xã hội tư bản chủ nghĩa để chắt lọc mà giữ lại những ưu việt, mà gột rửa những nhơ bẩn chứa chấp trong lòng nó, nhằm cải tạo nó mà gặt hái hạnh phúc chứ đừng “chửi đổng” nó, khăng khăng đạp đổ nó. Hãy nhớ rằng tất cả các danh xưng hay nhãn mác đều do chúng ta đặt ra và qui ước để phục vụ cho nhận thức. Khi đã nhận thức đúng rồi thì bỏ hết danh xưng, nhãn mác đi, lúc đó lịch sử nhân loại sẽ hiện ra là một quá trình liên tục kế thừa, liên tục loại bỏ và liên tục sáng tạo, như những dòng sông xuất phát từ một nguồn duy nhất, quanh co, lúc ghềnh thác cuồn cuộn, lúc phẳng lặng êm đềm, có đục có trong, dù mỗi sông là mỗi cảnh mỗi vẻ nhưng đều không xa lạ, đều thống nhất chảy xuôi, quan hệ mật thiết với nhau bởi sự chi phối chung của nguồn cội, bởi những nhánh rẽ liên thông, bởi mưa nắng… và đều cố gắng vươn về một đích: Đại Dương - nguồn của đầu nguồn.
4 - Nước Đức:
Nước Đức lâm vào một cuộc khủng hoảng hết sức nghiêm trọng về sản xuất công nghiệp. Sau 3 năm đình trệ thực sự, đến năm 1930, mức sản xuất công nghiệp của Đức giảm 8,4% so với của năm 1929. Bộ máy sản xuất công nghiệp Đức vào năm 1933 chỉ sử dụng hết 35,7 công suất, mà số sản phẩm ít ỏi đó vẫn không tiêu thụ hết. Do đó, nhiều xí nghiệp bị phá sản. Năm 1932, tổng giá trị xuất khẩu không quá 5,7 tỷ Mác (năm 1929 là 13,5 tỷ Mác)…
Khủng hoảng kinh tế ở Đức làm cho tiền lương thực tế của công nhân giảm 30%, tổng thu nhập của nông dân giảm khoảng 3 tỷ Mác. Nạn thất nghiệp lan tràn khắp nước và tăng lên không ngừng. Năm 1932, ở Đức có tới 9 triệu người thất nghiệp.
Tác hại to lớn của khủng hoảng kinh tế kéo dài tất yếu dẫn đến khủng hoảng chính trị gay gắt. Đó là nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ nội các chính phủ của đảng Xã hội - Dân chủ Đức. Ngày 28-3-1930, Bơruninh, lãnh tụ đảng Trung Tâm, đứng ra lập nội các mới. Chính phủ này đã ra những sắc lệnh hạ lương công nhân viên chức và công chức cao cấp, giảm bớt trợ cấp xã hội, đánh thêm nhiều loại thuế mới nhằm vào người lao động, trong khi lại giảm thuế cho các nhà tư bản. Những biện pháp có tính thiên hữu đó chỉ làm cho đời sống nhân dân Đức thêm khốn đốn, chỉ có lợi cho nhà tư bản, và không thể khắc phục khủng hoảng. Hơn nữa, sự thiên hữu của chính quyền đã tạo thuận lợi cho các thế lực phản động, cực đoan mở rộng ảnh hưởng, trong đó có đảng Công nhân quốc gia xã hội (gọi tắt là đảng Quốc Xã, xuất hiện vào năm 1919). Thực tế cho thấy giới đại tư bản, địa chủ quí tộc và giới quân nhân ngày càng ủng hộ lực lượng cực hữu.
Trong tình hình đó, các lực lượng cách mạng và dân chủ cũng ra sức hoạt động để lôi kéo quần chúng lao động, tăng cường đấu tranh chống nguy cơ phát xít. Đảng Cộng Sản Đức đã công bố “Cương lĩnh giải phóng nhân dân Đức về mặt xã hội và dân tộc” vào năm 1930 và năm sau công bố tiếp “Cương lĩnh ruộng đất”. Uy tín của đảng Cộng Sản ngày một nâng cao và thực tế là tất cả những cuộc đấu tranh lớn của giai cấp vô sản trong những năm khủng hoảng đều do đảng này lãnh đạo. Tuy nhiên đảng có tiếng nói lớn nhất trong quần chúng lao khổ - đảng Xã hội Dân Chủ Đức (có gần 40 vạn đảng viên) lại không hợp tác với đảng Cộng Sản khiến cho đội ngũ công nhân Đức bị chia rẽ nghiêm trọng.
Đầu năm 1932, ở Đức diễn ra bầu cử tổng thống và Hindenbua lại thắng cử do có sự ủng hộ của đảng Xã Hội Dân Chủ. Ngày 30-5-1932, Hindenbua đã đưa Phôn Papen thay Bơruninh lập chính phủ mới. Chính quyền Hindenbua - Phôn Papen là một bước tăng cường và củng cố địa vị của phe cực hữu. Nước Đức đứng trước sự lựa chọn quyết liệt giữa hai con đường Cách mạng dân chủ vô sản và Chuyên chính phát xít để giải quyết khủng hoảng (vì đảng Xã hội Dân Chủ đã tỏ ra bất lực).
Trong cuộc bầu cử tháng 7-1932, đảng Cộng sản Đức với tư cách là đảng phái kiên quyết nhất trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít giành được thắng lợi to lớn với 27% số phiếu (tăng gấp 10 lần năm 1926) và trong cuộc bầu cử bất thường vào tháng 11-1932 lại thu được 5.972.000 phiếu (hơn lần trước 66.000 phiếu). Tuy nhiên, như thế vẫn chưa đủ. Mặt trận dân chủ chống phát xít chỉ hình thành được để giành đa số phiếu, nếu đảng Cộng sản liên minh được với đảng Xã Hội Dân Chủ.
Dù sao, kết quả bầu cử cũng đưa đến sự thay thế chính phủ Papen bằng chính phủ do Phôn Sơlâykhơ (Vôn Schleischer) thành lập. Chính phủ mới này chỉ tồn tại được hai tháng. Dưới áp lực của giới quân phiệt và tài phiệt Đức đòi hỏi một chính phủ “mạnh” hơn mà xu hướng chuyên chính tư sản cực đoan và dân tộc hẹp hòi nhanh chóng thắng thế. Đảng Quốc Xã được coi là “lực lượng thực tế” duy nhất và Hitle lĩnh tụ của đảng này được cho là “người hùng” có thể giải quyết được khủng hoảng, đồng thời ngăn chặn được chủ nghĩa Bônsêvich ở Đức. Ngày 30-1-1933, tổng thống Hindenbua đã cử Hitle lên chức thủ tướng Đức. Nước Đức đã chọn con đường phát xít hóa chính quyền, con đường sẽ dẫn không những là bản thân nó mà cả nhân dân thế giới đến thảm họa chiến tranh vô cùng tàn khốc, vô cùng  đau thương!
Vừa nắm được chính quyền, Hitle cùng bè đảng đã nhanh chóng thiết lập chế độ chuyên chính độc tài, khủng bố công khai, thủ tiêu nền dân chủ tư sản, tuyên truyền mạnh mẽ chủ nghĩa dân tộc cực đoan, ráo riết chuẩn bị lực lượng chiến tranh.
Ngày 23-2-1933, chính phủ Hitle được trao quyền hành đặc biệt, thêm cả chức năng lập pháp. Ngày 7-4, Hitle ra đạo luật thủ tiêu mọi quyền tự trị của các tỉnh, thiết lập bộ máy khủng bố khốc liệt mà lịch sử trước đó chưa biết đến. Tất cả các chính đảng và tổ chức quần chúng đều bị giải tán, chỉ còn duy nhất đảng Quốc Xã và cái gọi là “Mặt trận lao động Đức” do chính phát xít Đức lập ra (thực chất là mị dân).
Đặc biệt, chính quyền phát xít đã ra sức đàn áp nhằm tiêu trừ lực lượng tiến bộ tiên phong, nhất là Đảng Cộng Sản. Tháng 2-1933, bọn phát xít đốt nhà Quốc hội, rồi vu cáo cho những người cộng sản, đặt đảng Cộng Sản ra ngoài vòng pháp luật. Tháng 9-1933, chúng đưa Ghêoócghi Đimitơrốp ra tòa nhằm phá bỏ uy tín của phong trào cộng sản quốc tế. Song, trước những lý lẽ đanh thép của Đimitơrốp và phong trào bảo vệ ông diễn ra ở các nước, chúng buộc phải thả ông ra. Ngày 3-3-1933, chúng bắt giam lãnh tụ đảng Cộng Sản Đức là Tenlơman cùng hàng vạn đảng viên. Năm 1934 có 10 vạn đảng viên Đảng Cộng Sản Đức bị cầm tù.
Năm 1935, Hitle thông qua đạo luật Nuyrembéc nhằm bài trừ người Do Thái. Những trại tập trung khét tiếng sau này như Bukhenvan (Buchenwall), Đasô (Dachau)… liên tiếp mọc lên.
Đêm 29-6-1934, trong chiến dịch thanh trừng nội bộ đảng Quốc Xã, Hitle đi khắp nước Đức bằng máy bay để chỉ huy việc bắt giam toàn bộ cơ quan lãnh đạo đội xung kích. Trong cái đêm “của những lưỡi dao dài” này; gần 1.500 người bị giết, trong đó có Rơm - Tham mưu trưởng kiêm bộ trưởng các đội xung kích (gọi tắt là S.A). Sau vụ này, các đội xung kích được cải tổ thành đội quân hậu bị của quân đội phát xít Đức.
Ngày 2-8-1934, Hindenbua chết, Hitle tuyên bố hủy bỏ hiến pháp Vâyma, ra đạo luật sát nhập chức tổng thống với thủ tướng và như thế, Hitle nghiễm nhiên trở thành “thủ lĩnh tối cao” (Fuhrer). Đến đây, chế độ độc tài phát xít đã được thiết lập trên nước Đức.
(Có thể nói thế này: Đảng Quốc Xã và lãnh tụ của nó là Hitle đã “tẩy chay” được chính quyền dân chủ tư sản nhờ sự ủng hộ từ lực lượng quân phiệt và cực hữu; thiết lập và giữ chính quyền độc tài quân sự bằng chuyên chính phát xít. Chính quyền ấy đã điều hành đất nước Đức theo đường lối, chủ trương của đảng cầm quyền duy nhất là Đảng Quốc Xã. Phải cho rằng, trong tình hình nước Đức lúc đó, đó chính là một cuộc phản cách mạng thành công. Tại sao đảng Cộng Sản Đức đã không làm được như vậy? Hay, tại sao ở Pháp, nơi có truyền thống đấu tranh cách mạng, và nhất là đã từng có “tiền lệ” là “Công Xã Pari” anh dũng, đảng Cộng Sản Pháp cũng đã không làm được như vậy? Nếu chỉ nhìn ở góc độ hình thức, bề ngoài mà không dựa trên lập trường chính trị nào, thì dù có vẻ thô kệch (và không ưa gì chủ nghĩa phát xít!?) chúng ta thấy sự thành công của phản cách mạng phát xít Đức cùng với hành động thành lập và giữ chính quyền của nó là (na ná) giống với sự thành công cũng như hành động thành lập và giữ chính quyền của Cách mạng tháng Mười Nga. Điều gì đã làm nên sự (na ná) giống nhau ấy? Chúng ta biết rằng một chế độ (đại diện cho một lực lượng đứng sau và ủng hộ nó) không dễ gì “khơi khơi” rời bỏ vũ đài chính trị, từ bỏ bảo vệ quyền lợi của “kẻ” dựng nó lên để thống trị xã hội. Muốn lật đổ nó, thay nó bằng chế độ mới có bản chất khác nó, thì mọi cuộc cách mạng (hay phản cách mạng) đều phải dùng áp lực, bạo lực (không nhất thiết là bạo lực vũ trang nhưng thường là bạo lực vũ trang khi chế độ cũ vẫn còn được bảo vệ bởi một lực lượng vũ trang). Và để bảo vệ chính quyền mới thì cách mạng hay phản cách mạng đều phải có lực lượng trấn áp gọi là chuyên chính (cụ thể ở đây là chuyên chính phát xít, chuyên chính vô sản…). Một lực lượng to lớn, có tính quyết định trong việc tạo ra áp lực, bạo lực cũng như một sự thành công của cách mạng (hay phản cách mạng) chính là sự ủng hộ từ Đại Chúng. Trong lòng một đất nước với sự cầm quyền thuộc về giai cấp tư sản và trong thời đại đang phát triển của chủ nghĩa tư bản thì việc cách mạng vô sản có được một bạo lực đủ lật đổ chính quyền tư sản và xây dựng chính quyền mới chưa có mô hình, cấu trúc, thể chế rõ ràng, lại còn chủ trương sẽ “cấm tư hữu” (về tư liệu sản xuất) thì thật vô cùng khó khăn, thậm chí là không thể. Phải chăng vì thế mà hoạt động cách mạng của các đảng Cộng Sản trong các “chính quốc” chỉ có tác dụng góp phần cải cách chế độ tư bản chủ nghĩa chứ không thể thiết lập được chính quyền mới, chuyên chính vô sản? Tuy nhiên, nếu đứng trên lập trường của Đức Huyền Diệu thì cách mạng và phản cách mạng có bản chất tương phản nhau: một đàng vì quyền lợi của tầng lớp cần lao, một đàng vì quyền lợi của tầng lớp giàu có. Một đàng là quân tử, một đàng là tiểu nhân và “người quân tử trong khi làm việc nghĩa có thể vô tình gây ra điều bất nhân, nhưng chưa từng thấy kẻ tiểu nhân làm được điều nhân nghĩa”) (Khổng Tử).
Vậy thì trong thời đại ngày nay, nhiều tình thế đã biến chuyển, cách mạng vô sản dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản có thể giành chính quyền từ tay lực lượng tư sản bằng con đường nghị viện không? (Có thể mà cũng không thể! Là không thể nếu đòi lật đổ để thay vào đó một chính quyền hoàn toàn có bản chất mới, đối kháng với chế độ cũ và hơn nữa cứ “nằng nặc” đòi “công hữu”; là có thể nếu đảng Cộng Sản biết tự nhận thức lại tư tưởng của mình cho phù hợp hơn với lẽ tự nhiên, chấp nhận kế thừa chế độ cũ để từ đó không phải lật đổ mà là chuyển đổi chính quyền như một cải cách lớn, thỏa mãn lòng người hơn, chẳng hạn: sở hữu nhà nước lúc này vừa là tư hữu nhà nước, vừa là tư hữu toàn dân; quyền lực nhà nước vừa chuyên quyền lại vừa có tính dân chủ cao độ).
Để giải quyết rối ren, khủng hoảng trong nước, đi đôi với đàn áp, tuyên truyền chính trị, phát xít Đức tiến hành tổ chức nền kinh tế theo hướng tập trung, mệnh lệnh, bao cấp, tự cấp tự túc và ưu tiên phục vụ nhu cầu tái vũ trang.
Tháng 7-1933, Hitle lập Tổng hội đồng kinh tế trực thuộc Bộ kinh tế để tác động, giám sát chặt chẽ mọi hoạt động kinh tế đất nước. Bản thân bọn đầu sỏ phát xít tham gia ban quản đốc và hội đồng kiểm soát các công ty lũng đoạn lớn nhất.
Ở các xí nghiệp, lao động được quân sự hóa, lực lượng công nhân bị quản lý sát sao. Theo sắc lệnh được Hitle ký ngày 1-5-1933, Thanh niên Đức từ 18 đến 25 tuổi phải thực hiện chế độ lao động “tự nguyện” trong 2 năm. Họ phải sống như binh lính tập trung trong các doanh trại.
Công nghiệp Đức được đẩy lên mức hoạt động hết sức khẩn trương, tập trung vào công nghệ chế tạo và tìm cách đạt được tự túc về dầu lửa, kim loại, cao su và bông.
Những năm tiếp theo, nền kinh tế “quân sự hóa” càng được đẩy mạnh công khai, tất cả các ngành đều hoạt động ưu tiên phục vụ cho việc xây dựng lực lượng quân sự để chuẩn bị chiến tranh xâm lược. Cả một guồng máy sản xuất công nghiệp được định hướng nhằm thỏa mãn kế hoạch chế tạo vũ khí, khí tài phát triển lực lượng vũ trang, đặc biệt là không quân và hải quân, của Bộ tổng tham mưu Đức. Nông nghiệp cũng được cải tổ theo định hướng đó. Phát xít Đức cũng tăng cường xây dựng đường xá, cầu cống, kho tàng, căn cứ quân sự trên khắp đất nước. Do đó, nền kinh tế Đức đã được kích hoạt lên trạng thái rất sôi nổi, khẩn trương, nạn thất nghiệp được giải quyết. Một số ngành công nghiệp quân sự hoạt động hết công suất, trình độ chế tạo ở nhiều mặt đã đuổi kịp, thậm chí có mặt vượt trội so với của nhiều nước tư bản lớn. Tuy nhiên, chúng ta thấy, giải quyết khủng hoảng bằng một nền công - nông nghiệp đột biến, sôi nổi một cách thái quá do cưỡng bức như vậy, nhất định sẽ lại sụp đổ nhanh chóng nếu không giải quyết được “đầu ra” bằng chiến tranh xâm lược. Vì vậy sự gây chiến trong tương lai gần của phát xít Đức là không tránh khỏi.
Bên cạnh những nỗ lực xây dựng, sản xuất cơ sở đáp ứng cho cuộc chiến tranh qui mô lớn, guồng máy tuyên truyền, mị dân của phát xít Đức cũng được vận động hết công suất trong xã hội về một “nước đại Đức”, về một “dân tộc Đức thuần chủng”, về tư tưởng “phục thù rửa hận” cho sự thất trận của nước Đức trong thế chiến thứ nhất…, nhằm nhồi sọ nhân dân Đức, nhất là tầng lớp thanh thiếu niên. Bắt đầu từ tháng 3-1935, tức khoảng 7 tháng sau khi được bè đảng và lực lượng quân phiệt suy tôn lên làm “Quốc trưởng”, Hitle lập tức ban hành sắc lệnh “Cưỡng bức quân sự”, qui định tất cả trai tráng từ 18 đến 35 phải đăng lính. Ba năm sau, phát xít Đức đã có một đạo quân thường trực tới hơn một triệu người và khi cần thiết, có thể huy động tới hơn 5 triệu lính.
Nói thêm, có quân đội, vũ khí nhiều, chưa hẳn đã quyết định được chiến trường. Bên cạnh việc “tái vũ trang” nước Đức, bên cạnh việc cải tiến, thiết kế chế tạo mới những trang thiết bị, vũ khí cơ động hơn, phát huy hiệu quả hỏa lực hơn, Hitle cùng Bộ tổng chỉ huy Đức cũng ráo riết xây dựng cho được một học thuyết chiến tranh với chiến lược “chiến tranh chớp nhoáng” và sau này thực tế đã áp dụng nó để phát động Chiến tranh thế giới thứ hai.
Thật ra, sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, đã có nhiều nhà lý luận quân sự Đức luận bàn, đề xướng những cách thức tiến hành cho cuộc chiến “phục thù” ở tương lai. Chẳng hạn, năm 1927, tướng quí tộc là Phôn Braosít đã đề ra thuyết “Chiến tranh tổng lực”, nghĩa là huy động toàn bộ nhân tài vật lực của nước Đức vào chiến tranh. Tiếp đó, các viên tướng phát xít là Âymenxbécgiơ, Phulơ, Guđêrian nhấn mạnh rất nhiều đến vai trò xe tăng và đưa ra luận điểm sử dụng xe tăng thành “một lực lượng xung kích trong mũi tiến công”. Tướng Gơrinh đề ra thuyết “ném bom rải thảm” và điều cần thiết phải “tận dụng lực lượng không quân trong những trận ném bom hủy diệt”.
Theo bản huấn thị do Hitle ký ngày 25-10-1938 thì về đại thể, nguyên tắc của “chiến tranh chớp nhoáng” là:
- Tận dụng ưu thế về xe tăng và các sư đoàn bộ binh cơ giới có máy bay yểm trợ, đột phá mạnh, chọc thủng phòng tuyến đối phương rồi cứ thế tiến thật sâu, thật xa tùy theo điều kiện va khả năng cho phép.
- Tập trung cao độ binh lực, hỏa lực vào mũi tiến công chủ yếu. Tùy trường hợp cụ thể, có khi không cần tổ chức mũi tiến công thứ yếu mà chỉ cần một mũi đánh thật mạnh vào chính diện đối phương.
- Đặt nhiệm vụ tiêu diệt sinh lực địch là chính, chiếm giữ đất là phụ. Sau khi đột phá bằng các mũi tiến công sâu, mạnh thì lúc đó sự phát triển của chiến dịch sẽ hình thành thế bao vây vu hồi, tiêu diệt, làm tan rã bộ phận binh lực chủ yếu của đối phương, từ đó mới bắt đầu tổ chức càn quét, bình định, chiếm đóng lâu dài.
Về chính sách đối ngoại, ngay khi lên nắm chính quyền, Hitle đã tuyên bố hủy bỏ hiệp ước Vécxây. Tháng 3-1936, Hitle cho quân chiếm đóng khu phi quân sự Rênani (Rhenanie). Ngày 25-11-1936, Đức ký với Nhật bản hiệp ước “chống Quốc Tế Cộng Sản”. Tháng 11-1937, Ý chính thức tham gia hiệp ước này. Như vậy liên minh chính trị - quân sự tay ba Đức - Ý - Nhật đã hình thành, ba lò lửa chiến tranh thế giới thứ hai đã hợp thành một “Trục”.
Sau các cuộc đánh chiếm có tính chất thăm dò (thôn tính Áo vào tháng 3-1938 rồi Tiệp Khắc vào tháng 3-1939) mà không gặp sự phản kháng nào từ các cường quốc tư bản Anh, Pháp, Mỹ (với chính sách hòa hoãn, “không can thiệp”), phát xít Đức quyết định tấn công Ba Lan, gây ra cuộc chiến tranh thế giới thứ hai.
5 - Ý:
Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, Ý thiệt hại nặng, đất nước kiệt quệ mọi nguồn dự trữ về vật chất và tài chính: tiêu mất 65 tỷ Lia vàng (tiền Ý), gần 60% tàu buôn bị hủy hoại, 63,5 vạn người chết và gần 50 vạn người bị thương vì chiến tranh, còn vay của Mỹ, Anh 4 tỷ đôla; nông nghiệp bị thu hẹp 10% diện tích trồng trọt. Thêm vào đó, dù thuộc phe thắng trận, nhưng là nước nhỏ, yếu thế, không kiếm chác được gì ở hội nghị Vécxây nên nền kinh tế Ý càng lâm vào tiêu điều. Đời sống giảm sút nghiêm trọng, nhiều người khốn đốn, cộng thêm ảnh hưởng từ Cách mạng tháng Mười mà phong trào đấu tranh quần chúng dâng lên mạnh mẽ.
Cuộn đấu tranh của công nhân Ý đạt đến đỉnh cao nhất vào năm 1920. Mùa thu năm 1920, phong trào lan khắp toàn quốc. Quần chúng, công nhân sau khi chiếm nhà máy, xí nghiệp đã tổ chức quản lý sản xuất và phân phối, thành lập các “đội cận vệ đỏ” để bảo vệ xí nghiệp. Ở một số thành phố, công nhân còn nắm giữ các hội đồng, thị chính. Tuy nhiên, đảng Xã Hội và các lãnh tụ công đoàn đã đi đến thỏa hiệp, ký kết thỏa ước với chính phủ và các chủ xí nghiệp với một số nhượng bộ đối với công nhân. Đạt được những nhượng bộ về quyền lợi đó, phong trào công nhân lắng xuống.
Những người phái tả (chiếm thiếu số) trong đảng Xã Hội, không đồng tình với chủ trương thỏa hiệp, do Antôniô Gơramxi đứng đầu, đã tách ra thành lập đảng Cộng Sản Ý vào ngày 21-1-1921.
Trong bối cảnh đó, các thế lực cực hữu và dân tộc cực đoan cũng nổi dậy và tăng cường hoạt động. Từ đầu năm 1919, thành lập “Liên minh chiến đấu của nước Ý” (Fascio Italiani di combattimento); tập hợp lực lượng bằng một “cương lĩnh xã hội” mị dân, kích động chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi. Lúc đầu, nó gồm các cựu chiến binh đã tham gia chiến tranh thế giới thứ nhất, sau mở rộng, kết nạp thêm công nhân, thanh niên, công chức. Buổi đầu thành lập (1919), tổ chức này có khoảng 17.000 hội viên, đến năm 1922 (khi công bố chính cương, điều lệ như một đảng) số hội viên đã lên đến 700.000 người.
Từ năm 1921, đảng phát xít (từ này có nguồn gốc từ Fascio) của Mútxôlini. Chủ trương chống lại phong trào cách mạng công nhân. Mùa thu năm 1922, lực lượng phát xít đã nắm được những hội đồng của các thành phố lớn nhất, trong đó có Bôlônhơ và Milanô. Ngày 29-10-1922, dưới sức ép của chúng, vua Vichto Emmanuen III đã tuyên bố đề cử Mútxôlini làm Thủ tướng. Ngày 30-10-1922, bốn vạn thành viên phát xít có vũ trang đã thực hiện cuộc “tiến quân vào Rôma”, cướp được chính quyền một cách dễ dàng. Sau khi nhậm chức, Mútxôlini tuyên bố: chính phủ cũ (theo chế độ đại nghị tư sản) đã bị lật đổ và chính thức thành lập một “chính quyền mạnh” (thực chất là theo chế độ độc tài quân sự).
Trong hai năm 1923 - 1924, công nghiệp Ý đã có sự phát triển, nhờ một phần quan trọng là vay được những khoản tiền lớn của Mỹ. Riêng nước Mỹ đã đầu tư vào các công ty cổ phần ở Ý gần 200 triệu đôla.
Ngay từ đầu cầm quyền, chính phủ Mútxôlini đã thủ tiêu mọi ràng buộc về hoạt động kinh doanh, bãi bỏ nhiều thứ thuế cho bộ phận đại tư bản, bỏ chế độ làm việc 48 tiếng một tuần, cho phép chủ tư bản được tự do định đoạt chế độ làm việc ở các xí nghiệp, áp dụng chính sách khủng bố tàn bạo và công khai chống lại phong trào cách mạng vô sản, truy nã và giết hại hàng loạt những người Cộng Sản, hạ thấp lương công nhân, tăng thuế đánh vào nông dân, cho các đảng tư sản tham gia chính phủ và giữ nguyên các tổ chức công đoàn, nghị viện…
Đầu năm 1926, tình hình chính trị trong nước trở nên rối loạn. Phong trào chống chủ nghĩa phát xít tăng cao. Các đảng Cộng Sản, đảng Xã Hội, đảng Thiên Chúa Giáo và nhiều đảng phái khác lập thành phe đối lập chống chính phủ. Mútxôlini nhiều lần bị ám sát hụt. Nhân đó, chính phủ ban bố hàng loạt đạo luật nhằm tăng cường chuyên chính phát xít, như: cấm tất cả các đảng phái (trừ đảng phát xít), thủ tiêu tư cách các nghị viện và đóng cửa các cơ quan báo chí của họ, lập tòa án đặc biệt để bắt bớ, xử tử những người chống phát xít… Cuối cùng, đạo luật ban hành tháng 3-1928 trao cho lãnh tụ đảng phát xít quyền chọn đại biểu quốc hội, Mútxôlini trở thành độc tài, “nhân danh quyền lợi quốc gia” để thực hiện cai trị. Từ đây, chế độ dân chủ tư sản ở Ý bị thủ tiêu tận gốc, nhường chỗ cho chế độ phát xít khắc nghiệt và độc đoán.
Về đối ngoại, nước Ý phát xít tìm cách bành trướng, giành quyền làm chủ vùng biển Ađơriatich, mở rộng và duy trì ảnh hưởng ở Trung Âu. Trong những năm 1926 - 1927, phát xít Ý ra sức hoạt động và đã ký kết hiệp ước liên minh với Anbani mà trên thực tế là để kiểm soát nước này về tài chính và quân sự, chuẩn bị điều kiện cho những cuộc xâm lược ra vùng Bancăng sau này.
Năm 1929, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới lan sang Ý, giáng đòn nặng nề về nền kinh tế vốn còn yếu ớt ngay trong thời kỳ ổn định trước đó. Sản lượng công nghiệp năm 1932 giảm xuống còn 66,8% so với năm 1929, ngoại thương giảm 3 lần, khối lượng vận tải đường sắt giảm 44%. Cuộc khủng hoảng kinh tế ở Ý kéo dài rất lâu và không có giai đoạn phục hưng.
Đời sống của quần chúng trong những năm tháng này ngày càng khổ cực, tiền lương giảm sút rõ rệt, số người thất nghiệp lên đến gần 1 triệu, rất nhiều nông dân bị phá sản, lâm vào khốn quẫn. Chính vì vậy mà phong trào đấu tranh của quần chúng cần lao lại nổi lên mạnh mẽ và lẽ đương nhiên là bộ máy đàn áp của chế độ phát xít phình lên theo (tính đến năm 1938, riêng lực lượng cảnh sát đã lên tới 721 ngàn người).
Nước Ý phát xít cũng mưu đồ thoát ra khỏi khủng hoảng bằng cách tăng cường trấn áp, bóc lột nhân dân trong nước đồng thời với những cuộc phiêu lưu quân sự ở nước ngoài nhằm giành giật thị trường và đòi chia lại thuộc địa. Mútxôlini đã nuôi giấc mộng “Đại đế quốc La Mã” muốn xâm chiếm Bancăng, Ai Cập, Xu Đăng…, muốn biến Địa Trung Hải thành hải phận của mình và thiết lập nền thống trị ở Cận Đông. Ngày 3-10-1935, Ý đem quân xâm lược Êtiôpi và chiếm toàn bộ nước này vào tháng 5-1936. Năm 1936, Ý và Đức tiến hành can thiệp chống nước Cộng hòa Tây Ban Nha. Tháng 10-1936, Ý kí hiệp ước liên minh với Đức, sau đó gia nhập hiệp ước “Chống Quốc Tế Cộng Sản”. Tháng 4-1939, Ý thôn tính Anbani và ký hiệp định mới về liên minh quân sự và chính trị với Đức trong thời hạn 10 năm.
Qua theo dõi tình hình thời sự nước Ý vừa rồi chúng ta thấy rằng nhà nước phát xít đầu tiên trên thế giới không phải là ở Đức mà chính là ở Ý, và người “sáng lập ra chủ nghĩa phát xít” không phải là Hitle mà là Mútxôlini. Rất nhiều khả năng là để đi đến mô hình chính quyền phát xít, Mútxôlini đã có thể học đòi một cách hình thức từ mô hình nhà nước Xô Viết và nền kinh tế kiểu tập trung của nó. Lời phán đoán này có vẻ “đổng”, nhưng… thôi kệ. Chúng ta tắt ngang, kể câu chuyện ngoài lề sau đây để bảo vệ ý mình, dù có thể là… ỉu xìu.
Bênitô Amincare Andrêa Mútxôlini ra đời ngày 25-7-1883 trong một gia đình nghèo ở Ý, cha làm thợ rèn, mẹ là giáo viên tiểu học. Cuộc đời của Mútxôlini từ thời thơ ấu đến khi trở thành lãnh tụ phát xít Ý là một chặng đường biến đổi tư tưởng kỳ lạ. Ngay từ thời kỳ còn ngồi trên ghế nhà trường, Mútxôlini đã được hấp thụ tư tưởng của người cha lúc đó là đảng viên đảng Xã Hội hoạt động trong phong trào công nhân Ý. Năm 18 tuổi, ngay sau khi tốt nghiệp Trường trung cấp sư phạm, Mútxôlini lập tức xin gia nhập đảng Xã Hội. Năm sau, Mútxôlini bỏ nghề dạy học, sang Thụy Sĩ, vừa làm thợ nề kiếm sống, vừa hoạt động trong phong trào công nhân Thụy Sĩ. Tại đây, Mútxôlini đã được tiếp xúc với nhiều trào lưu cách mạng thế giới hồi đầu thế kỷ XX. Bị trục xuất vì dính líu đến hoạt động tổ chức bãi công của công nhân, Mútxôlini quay về Ý, rồi thực hiện nghĩa vụ quân sự 2 năm (1905 - 1907), sau đó là giáo viên dạy tiếng Pháp trong một trường trung học, nhưng vẫn tiếp tục hoạt động chính trị trong hàng ngũ đảng Xã Hội nhằm lật đổ chế độ quân chủ Ý. Đích thân Mútxôlini đã từng là chủ bút tờ tuần báo của đảng Xã Hội mang tên “Đấu tranh giai cấp” (La lotta di classa) rồi tờ báo hàng ngày “Tiến lên” (Avanti) của đảng Xã Hội.
Năm 1914, chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ. Mútxôlini là một trong những nhà hoạt động chính trị công khai phản đối cuộc chiến tranh đế quốc nhằm xâu xé thị trường thế giới. Đến tháng 3-1915, chính nước Ý, tổ quốc của Mútxôlini cũng bị lôi cuốn vào chiến tranh. Một lần nữa, Mútxôlini lại nhập ngũ. Tháng 2-1917, Mútxôlini bị thương, xuất ngũ và sau khi bình phục, lại tiếp tục viết báo, hoạt động chính trị.
Như vậy là cho đến 35 tuổi, tức là khi kết thúc chiến tranh thế giới, Mútxôlini vẫn theo lập trường đấu tranh của đảng Xã Hội và trở thành nhà hoạt động trong phong trào công nhân ở Ý, được người ta biết đến tên tuổi qua các bài báo, qua các bài “diễn văn nảy lửa” về “đấu tranh giai cấp”, về “đoàn kết nhân dân”, về “bảo vệ hòa bình” của ông ta.
Bước ngoặt thay đổi lập trường tư tưởng của Mútxôlini có thể đã xảy ra ngay sau khi chiến tranh kết thúc, trong tình hình xám xịt và tiêu điều của đời sống xã hội - kinh tế nước Ý. Hoàn cảnh đó đã làm Mútxôlini suy nghĩ, tìm tòi cơ sở lý luận cũng như những kinh nghiệm thực tiễn trên thế giới để đề ra một đường lối chính trị khả dĩ nhằm khôi phục đất nước, chấn hưng dân tộc, để rồi bắt đầu từ năm 1919, ông ta đã đi đến một chủ nghĩa và làm cho nó xuất hiện trên chính trường Ý mà sau này được gọi là “chủ nghĩa phát xít” - con đẻ quái thai từ tư tưởng chuyên chế, độc tài cùng với sự hô hào tinh thần dân tộc vị kỷ để huy động toàn bộ đất nước đi tìm kiếm danh lợi bằng những cuộc chiến tranh xâm lược đất nước khác, bằng sự nô dịch các dân tộc khác, mà thực chất ra là phục vụ quyền lợi cho đám tài phiệt đại tư bản.
“Chủ nghĩa phát xít” (Fascism), về mặt ngôn từ, bắt nguồn từ danh từ “Fascio” của Ý, nghĩa đen là “bó” (như bó rau, bó củi), nghĩa bóng là liên minh, liên kết với nhau. “Fascio” còn là tên gọi của một vũ khí cổ ở Ý. Vũ khí này gồm có một cái rìu, cán rìu được buộc thêm một bó củi ở chung quanh cho chắc. Mútxôlini đã chọn vũ khí Fascio này làm biểu tượng cho đảng của ông ta. Hình ảnh bó củi buộc chặt vào cán rìu tượng trưng cho sự liên minh, liên kết, sự gắn bó chặt chẽ của các đảng viên với nhau xung quanh lãnh tụ (El Đuce). Lãnh tụ đó chính là chiếc rìu tự xưng, có tên gọi Benitô Mútxôlini. Tiền thân của đảng phát xít với thủ lĩnh là Mútxôlini chính là tổ chức “Liên minh chiến đấu của nước Ý” (cũng do chính Mútxôlini sáng lập).
Hitle nổi bật trên vũ đài thế giới như một tên phát xít đầu sỏ khét tiếng tàn bạo, từng làm mưa làm gió trên khắp chiến trường châu Âu. Nhưng rõ ràng chính Mútxôlini mới là cha đẻ của “chủ nghĩa phát xít”. Vị “cha đẻ” này nhỏ và yếu đến nỗi bị cái bóng của Hitle che khuất và phải nhờ che chở bằng cách đi theo, trở thành đồng minh “bèo bọt” của phe Trục.
Nhiều nhà sử học phương Tây khẳng định, Mútxôlini đã đề xướng ra nhiều đường lối chính sách, thậm chí cả những chủ trương cụ thể của chủ nghĩa phát xít mà sau đó Hitle đã bắt chước, rập khuôn. Nổi bật lên trên hết là cái “chủ nghĩa phát xít” và “chính đảng phát xít” Mútxôlini đã đề ra từ năm 1922 thì đến năm 1927, Hitle mới vay mượn để phác thảo “chính cương” của đảng Quốc Xã Đức. Năm 1922, Mútxôlini thành lập tổ chức “áo sơmi đen” nhằm lôi cuốn thanh niên làm lực lượng xung kích cho lực lượng phát xít Ý, thì đến 10 năm sau, ở Đức cũng xuất hiện tổ chức tương tự với tên “áo sơmi nâu”. El Duce có nghĩa là lãnh tụ tối cao; Mútxôlini sữ dụng đề tập trung quyền lực với khẩu hiệu “El Duce quyết định tất cả”. Danh xưng “thủ lĩnh tối cao” (Fuhrer) của Hitle chính là phiên dịch ra tiếng Đức từ El Duce…
6 - Nhật Bản:
Mùa xuân năm 1927, ở Nhật đã xuất hiện những dấu hiệu của khủng hoảng kinh tế, đó là cuộc khủng hoảng tài chính. Đến năm 1929, sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Mỹ dẫn đến đại suy thoái ở Châu Âu đã giáng một đòn nặng nề vào nền kinh tế Nhật. Khủng khoảng xảy ra trầm trọng nhất trong nông nghiệp (vì nông nghiệp Nhật phụ thuộc vào thị trường ngoài nước). Việc xuất khẩu tơ sống (chiếm gần 45% số hàng xuất cảng) giảm đến 84%. Mậu dịch đối ngoại năm 1930 so với năm 1925 giảm 2%, năm 1931 so với năm 1930 giảm 20%, và năm 1933 còn giảm nữa. Giá gạo năm 1930 so với năm 1929 hạ xuống còn một nửa. Sản xuất công nghiệp cũng sụt giảm nhanh chóng, năm 1930 sản lượng gang giảm 30%, thép giảm 47%.
Thị trường trong nước cũng bị thu hẹp do sự bần cùng hóa của nhân dân lao động. Chính phủ Hamaguxi (cầm quyền từ năm 1927) đã thi hành chính sách tiết kiệm bằng cách giảm ngân sách và hạ lương công nhân viên chức. Vào đầu năm 1930, ở Nhật có 1,5 triệu người thất nghiệp, đến giữa năm 1931 là 2,5 triệu người và cuối năm đó tăng lên là 3 triệu người.
Cuộc khủng hoảng gây ra những hậu quả tai hại trong xã hội Nhật. Mâu thuẫn xã hội trở nên ngày một gay gắt. Năm 1929 có 276 cuộc bãi công nổ ra, năm 1930 có 907 cuộc và năm 1931 có 998 cuộc.
Chủ nghĩa tư bản - đế quốc Nhật ngay từ khi mới ra đời đã mang sẵn tính quân phiệt và hiếu chiến khi khủng hoảng nổ ra, theo xu thế chung là tăng cường quản lý nhà nước để giải quyết hậu quả ở các nước tư bản và trong trường hợp thiếu nguyên liệu, thiếu thị trường tiêu thụ do nạn khủng hoảng toàn diện, toàn bộ hệ thống tư bản chủ nghĩa bị phong tỏa thì tương tự như Đức, Ý, nước Nhật cũng kiện toàn bộ máy nhà nước theo hướng quân phiệt hóa.
Thị trường Trung Quốc rộng lớn luôn là đối tượng mà giới tài phiệt Nhật muốn độc chiếm từ lâu, đặc biệt là vùng đông - bắc, nơi tập trung 77% tổng số vốn của Nhật vào Trung Quốc. Ngày 18-9-1931, Nhật tạo ra “sự kiện đường sắt Nam mãn Châu” với lấy cớ đó đánh chiếm vùng đông - bắc Trung Quốc, dựng lên cái gọi là “nước Mãn Châu”, dựng Phổ Nghi (hoàng đế cuối cùng của nước Trung Hoa quân chủ) đứng đầu chính phủ bù nhìn, biến miền đó thành thuộc địa và bàn đạp của những cuộc phiêu lưu quân sự mới.
Tuy nhiên, trong nội bộ giới quân phiệt Nhật có sự mâu thuẫn nhau, chủ yếu trong vấn đề tiến hành chiến tranh xâm lược. Phái “Tân hưng” (“Sĩ quan trẻ”, được đám tài phiệt mới ủng hộ) chủ trương lật đổ chính phủ lập hiến, thành lập chính quyền độc tài quân sự mạnh và khẩn trương tiến hành chiến tranh xâm lược qui mô lớn. Còn phái “Thống chế” (“Sĩ quan già”, được đám tài phiệt cũ ủng hộ) thì muốn dùng bộ máy nhà nước sẵn có để tiến hành chiến tranh thận trọng và có sự chuẩn bị kỹ hơn. Từ năm 1932 đến năm 1935, xung đột gay gắt đã diễn ra giữa hai phái này.
Ngày 26-2-1936, phái “Sĩ quan trẻ” đã tiến hành đảo chính lật đổ chính phủ Ôcada để lập chính quyền độc tài quân sự. Cuộc đảo chính thất bại do không được đa số quân đội ủng hộ và bị phản đối bởi đông đảo nhân dân Tôkiô (thủ đô Nhật) và nhiều nơi khác. Dù bất thành nhưng ảnh hưởng của nó đã tăng cường tính cực hữu, phát xít đối với các chính phủ sau đó.
Tháng 2-1937, tướng Haiaxi lập nội các mới và ngày 31-3, tuyên bố giải tán quốc hội. Tháng 6-1937, sau cuộc tuyển cử, công tước Cônôê - chủ tịch thương viện - giữ chức thủ tướng. Chính phủ Cônôê là sự hòa hoãn tạm thời giữa các phe phái đối lập trên cơ sở thừa nhận cương lĩnh chiến tranh và đảm bảo đặc quyền của nghị viện.
Ngày 4-1-1939, chính phủ Cônôê từ chức. Nội các mới do Hiranuma cầm đầu ra đời. mặc dù tuyên bố rằng chính sách của mình “Không phải dân chủ cũng không phải phát xít” (?) nhưng thực chất đã thi hành những biện pháp của một chế độ độc tài quân sự, hiếu chiến: ra đạo luật tổng động viên toàn quốc, tăng cường kiểm soát kinh tế bằng cách thành lập “đội cảnh sát kinh tế”, thiết lập chế độ kiểm duyệt gắt gao để triệt thoái mọi biểu hiện chống chính phủ. Chính quyền Hiranuma cho rằng Mặt trận nhân dân là nguy hiểm nhất nên tiến hành đàn áp thẳng tay. Về đối ngoại, chính quyền này coi nhiệm vụ phát động chiến tranh xâm lược, cùng đồng minh trong phe Trục chống Liên Xô, Anh, Pháp, Mỹ là mục đích của mình.
Trước khi nổ ra chiến tranh thế giới thứ hai, giới quân phiệt Nhật đã mở rộng chiến tranh ra toàn cõi Trung Quốc, tiến hành xâm lấn Mông Cổ, khiêu khích Liên Xô. Ngày 7-12-1941, Nhật bất ngờ tấn công căn cứ hải quân Mỹ là Trân Châu Cảng (Pearl Harbor), gây ra cuộc chiến tranh Thái Bình Dương.
***
Nguyên nhân sâu xa của chiến tranh thế giới là bản chất chuyên quyền, bạo ngược, vô nhân của nền quân chủ chuyên chế phong kiến còn đọng lại trong xã hội mới có nền kinh tế ưu tiên phát triển sản xuất hàng hóa công nghiệp qui mô lớn mà sự thịnh suy của nó hoàn toàn lệ thuộc vào khả năng cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường.
Nguyên nhân trực tiếp của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai là cuộc đại khủng hoảng thừa 1929 - 1933 trong toàn bộ hệ thống các nươc tư bản chủ nghĩa gây tác hại nặng nề lên toàn cầu trong thời đại thực dân - đế quốc
Chiến tranh thế giới thứ hai có thể là không tránh khỏi, nhưng mức độ tàn phá, hủy diệt về của và người của nó đến mức ghê gớm cũng như qui mô lan tỏa của nó như đã xảy ra là có thể hạn chế được nếu các cường quốc tư bản không có thái độ thù địch quá đáng đối với nước Nga Xô viết để ngay từ sớm hình thành một liên minh thực sự kiên quyết chống sự bành trướng xâm lược của cả ba lò lửa chiến tranh là Đức, Ý, Nhật. Tất cả các sự kiện dồn dập xảy ra trong 10 năm, từ năm 1929 đến năm 1939 trên chính trường thế giới đã chứng minh điều đó.
Không kể ra cho lê thê, nhưng có thể chia thời kỳ mười năm đó ra thành hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất, trong khoảng 1929-1936, là giai đoạn hình thành hệ thống các nước phát xít, làm tan vỡ về cơ bản hệ thống hiệp ước Vécxai - Oasinhtơn. Giai đoạn thứ hai, trong khoảng những năm 1936-1939, là thời kỳ xuất hiện phe Trục đe dọa thế giới, sự thỏa hiệp nhân nhượng đến mức nhu nhược đối với các nhà nước phát xít đồng thời thái độ cực đoan chống Liên Xô của Anh, Pháp, Mỹ đã gây khó khăn, làm chậm việc hình thành khối đồng minh kiên quyết chống chủ nghĩa phát xít, dẫn đến sự bùng nổ cuộc chiến tranh thế giới thứ hai mà không gì ngăn chặn được, để rồi không những các cường quốc Đồng Minh mà cả thế giới phải trả một cái giá quá đắt.
Trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai, có một đất nước mà định mệnh đã giao làm người lính xung kích của lực lượng tiến bộ chống chủ nghĩa phát xít và thực tế đã đóng vai trò quyết định đến việc tiêu diệt chủ nghĩa phát xít, chấm dứt chiến tranh thế giới thứ hai, đó là Liên bang Xô Viết.
Sau 4 năm chiến tranh đế quốc và 3 năm chiến tranh can thiệp - nội chiến, nước Nga Xô Viết bước vào thời kỳ xây dựng hòa bình từ một nền kinh tế tan hoang. Năm 1920, sản xuất công nghiệp giảm 7 lần so với năm 1913, khai thác dầu mỏ giảm khoảng 3 lần, sản lượng gang giảm 30 lần. Do thiếu cả nguyên liệu lẫn nhiên liệu, phần lớn các nhà máy phải đóng cửa, đình chỉ sản xuất. Giao thông vận tải hầu như không còn đủ sức duy trì những mối liên hệ bình thường giữa các vùng trong nước. Hơn 7 vạn km đường sắt, một nửa số đầu máy xe lửa bị phá hủy. Nông nghiệp cũng bị tàn phá nặng nề, sản lượng nông nghiệp chỉ còn khoảng một nửa so với thời kỳ trước chiến tranh. Do không có đủ bánh mì và các thực phẩm cần thiết khác, các thành phố và các trung tâm công nghiệp đã lâm vào nạn đói trầm trọng. Nhiều công nhân phải bỏ về nông thôn để kiếm sống. Theo sau nạn đói là sự hoành hành của các loại bệnh dịch nguy hiểm.
Trong khi đó tình hình đối ngoại của nước Nga Xô Viết cũng không kém phần khó khăn, phức tạp. Mặc dù phải ký một số hiệp ước thương mại nhưng các nước tư bản chủ nghĩa vẫn không công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Nga Xô Viết. Trong những năm 1921-1922, chính phủ Xô viết đã tiến hành ký kết hiệp ước hữu nghị và thiết lập được quan hệ ngoại giao với các nước: Iran, Ápganixtan, Thổ Nhĩ Kỳ, Mông Cổ, Na Uy, Áo, Thụy Điển, Ý, Tiệp Khắc và Đức. Âm mưu của các nước đế quốc định thành lập một mặt trận thống nhất thù địch, chống nước Nga Xô Viết thất bại (mang tư tưởng chống đối chủ nghĩa tư bản “điên cuồng” thì cũng phải chịu sự chống cộng sản điên cuồng của chủ nghĩa tư bản, lẽ tự nhiên là thế!).
Về đối nội, bên cạnh những khó khăn về kinh tế, từ mùa xuân năm 1921, nước Nga Xô Viết còn vấp phải những khó khăn nghiêm trọng về chính trị. Trong nông dân xuất hiện tình trạng bất mãn. Chính sách cộng sản thời chiến với việc trưng thu toàn bộ lương thực thừa của nông dân để bảo vệ thành quả cách mạng và cứu nước là cần thiết và được đa số nông dân chấp nhận thì đến thời bình, việc làm đó đã không những đối lập với lợi ích bản thân người nông dân mà còn là một trở ngại đối với sự phát triển kinh tế đất nước. Nông dân muốn được tự do sử dụng sản phẩm lao động của mình, tự do trao đổi ở thị trường và tự do mua hàng nông nghiệp (giống hệt thời kỳ trước đổi mới ở Việt Nam!).
Đói kém và mệt mỏi cũng làm cho nhiều công nhân bất bình. Trong giai cấp công nhân có tình trạng vừa giảm sút về số lượng, vừa phân tán về đội ngũ. Số lượng công nhân công nghiệp chỉ còn bằng một nửa so với năm 1913. Đội ngũ công nhân lành nghề lại càng ít ỏi.
Tình hình đó đã làm lực lượng phản cách mạng có điều kiện ngóc đầu dậy, ra sức kích động sự bất bình trong nông dân và công nhân. Nổi dậy đã xảy ra rải rác ở nhiều địa phương như: Ucraina, Uran, Xibia, vùng dọc sông Vônga… Bạo loạn mang tính chất phá hoại xuất hiện khắp nơi. Ở tỉnh Tambốp (Ucraina), một nhóm phản cách mạng đã chiếm được 5 huyện. Ngay tại Mátxcơva và Pêtrôgrát, các thành phần phản cách mạng đã lôi kéo được công nhân tổ chức đình công.
Đặc biệt nghiêm trọng là cuộc nổi loạn ở pháo đài Crôngxtát vào đầu tháng 3-1921 do thành viên Xã hội cách mạng, Mensêvích, Bạch Vệ cầm đầu và nhận được sự ủng hộ của thế lực đế quốc. Chúng định biến pháo đài thành căn cứ xuất phát cho một cuộc can thiệp vũ trang mới của các nước đế quốc. Chính quyền Xô Viết đã phải thi hành biện pháp kiên quyết nhất. Sau một đêm tấn công quyết liệt, sáng sớm ngày 18-3, các chiến sĩ Xô Viết đã chiếm được pháo đài, dẹp tan cuộc bạo loạn.
Những sự kiện ở Crôngxtát và ở các địa phương khác đã trở thành những dấu hiệu rõ ràng của sự khủng hoảng chính trị và cuộc khủng hoảng ấy đã lan vào cả nội bộ đảng Bônsêvich. Trong Đảng đã xuất hiện các nhóm đối lập chống lại đường lối của Lênin và Ban chấp hành trung ương như các nhóm “Đối lập công nhân”, “Tập trung dân chủ”, “Cộng sản phái tả” và nguy hại nhất là nhóm của Trốtxki. Trốtxki đã khởi xướng cuộc tranh luận về cái gọi là vấn đề công đoàn, đòi áp dụng những phương pháp cưỡng bức mệnh lệnh, biến công đoàn thành vật phụ thuộc vào nhà nước.
Tình hình khó khăn vô vàn của đất nước và hiện tượng xói mòn lòng tin vào chế độ đòi hỏi Đảng và Nhà nước Xô Viết phải có biện pháp cấp bách để khắc phục.
Từ ngày 8 đến ngày 16-3-1921, Đảng Bônsêvích tiến hành Đại hội lần thứ X. Dựa theo báo cáo của Lênin, Đại hội đã thông qua nghị quyết quan trọng về việc chuyển từ Chính sách cộng sản thời chiến sang Chính sách kinh tế mới (NEP). Nội dung chủ yếu của NEP là:
- Thay chế độ trưng thu lương thực thừa bằng chính sách thuế lương thực. Thuế lương thực nộp bằng hiện vật. Sau khi nộp đủ số thuế đã qui định từ trước mùa gieo hạt, nông dân được toàn quyền sử dụng số nông phẩm còn lại của mình và được tự do bán ra thị trường.
- Trong công nghiệp, Nhà nước Xô Viết tập trung lực lượng và phương tiện khôi phục công nghiệp nặng, đồng thời cho phép tư nhân được thuê hoặc xây dựng những xí nghiệp loại nhỏ (dưới 20 công nhân) dưới sự kiểm soát của Nhà nước, cho phép tư nhân nước ngoài được thuê một số xí nghiệp dưới hình thức tô nhượng. Chấn chỉnh tổ chức lại việc lãnh đạo, quản lý sản xuất công nghiệp; phần lớn các xí nghiệp được chuyển sang chế độ hạch toán kinh tế; cải tiến chế độ tiền lương, ban hành chế độ tiền thưởng nhằm đẩy mạnh sản xuất, nâng cao năng suất lao động.
- Trong lĩnh vực thương nghiệp và tiền tệ, tư nhân được tự do buôn bán, tự do trao đổi, mở lại các chợ, khôi phục và đẩy mạnh mối liên hệ giữa thành thị và nông thôn. Tiến hành cải cách tiền tệ.
Chính sách kinh tế mới đã thể hiện rõ ràng sự quan sát thực tiễn sắc sảo, sự cảm nhận nhạy bén và mẫn tiệp của Lênin thiên tài.
Chính sách kinh tế mới đã như một luồng gió mát lành thổi vào đời sống kinh tế - xã hội nước Nga Xô Viết nói chung và đặc biệt là vào nông nghiệp sản xuất lương thực nói riêng. Một nền kinh tế tiêu điều và bị bao vây thì vấn đề giải quyết trước tiên là “có thực mới vực được đạo”. Nông nghiệp sản xuất lương thực được giải phóng thì mới có cơ lưu thông được hàng hóa và qua đó mà đưa đến sự kích cầu, phục hưng công nghiệp. Một nền đại công nghiệp nếu không đảm bảo được loại hàng hóa “tầm thường” nhất nhưng cơ bản nhất có tính quyết định đến vận mạng con người là lương thực thì nền đại công nghiệp ấy trở nên thừa, vô tích sự và sẽ bị ruồng bỏ. Lênin nói: “Thực chất của chính sách kinh tế mới… là sự liên minh của giai cấp vô sản với quảng đại quần chúng nông dân”.
Chính những phát sinh gay gắt trong xã hội của nước Nga Xô Viết thời kỳ sau nội chiến bước vào xây dựng hòa bình đã cho Lênin thấy ra sự cần thiết phải thay đổi cơ bản về nhận thức, quan niệm trước đó về chủ nghĩa xã hội. Đó là sự chuyển hướng chiến lược từ quá độ trực tiếp sang quá độ gián tiếp, từ từ, từng bước một, kiên quyết tìm tòi những bước đi thích hợp, vừa tầm để tiến tới chủ nghĩa xã hội. Qua đó, Lênin thấy rằng phải áp dụng những biện pháp cần thiết là thỏa hiệp với nông dân, tự do buôn bán, mở rộng thị trường, sử dụng quan hệ hàng hóa - tiền tệ… vì lợi ích của chủ nghĩa xã hội; chuyển từ ảo tưởng “kế hoạch tập trung, phân phối trực tiếp bằng hiện vật” sang thực thi kinh tế hàng hóa - thị trường, phát triển dân chủ đồng thời củng cố vai trò lãnh đạo của đảng Bônsêvich. “Về sự thống nhất của Đảng” do Lênin đề nghị, Đại hội X cũng đã thông qua nghị quyết lên án nghiêm khắc tất cả các nhóm đối lập, cấm chỉ mọi hoạt động và tổ chức bè phái - coi đó là nguyên tắc không lay chuyển trong sinh hoạt và xây dựng Đảng.
(Chúng ta cho rằng chính sách kinh tế mới hình thành là xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn kết hợp với nhận định sáng suốt, tài tình của Lênin. Chỉ có Lênin mới đủ năng lực để không bảo thủ cực đoan, mà kiên định, đề ra được sáng kiến nhằm bảo vệ thành quả cách mạng vô sản và trung thành với chủ nghĩa xã hội. Quan Công đã “hàng Hán chứ không hàng Tào”! Tuy nhiên NEP vẫn chưa triệt để. Tính không triệt để này rất khó nhận biết vì nó là biểu hiện của một nhược điểm nằm ẩn dấu rất sâu trong triết học Mác. Lênin có sống lâu hơn cũng khó có khả năng nhận biết được bởi “đức tin” của ông đã gắn chặt vào triết thuyết này trong trình độ nhận thức chung của thời đại. Không thể trách được! Và Lênin vẫn là vị anh hùng dân tộc của nước Nga. Nước Nga có được như ngày nay, dù có gắn nhãn mác gì đi nữa vẫn không thể giũ bỏ được công lao to lớn của Lênin. Lênin sẽ mãi mãi được nhân loại cần lao tôn vinh như một nhà hoạt động đầy lòng nhân hậu và thiên tài vì quyền sống cơ bản của con người. Chúng ta nghĩ như vậy!).
Chiều ngày 30-12-1922, tại Mátxcơva, Đại hội lần thứ nhất các Xô viết toàn Liên bang được tiến hành với sự tham dự của 2215 đại biểu. Đại hội đã nhất trí thông qua bản Tuyên ngôn thành lập Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết (gọi tắt là Liên Xô - CCCP) và bản hiệp ước Liên bang. Đại hội đã bầu ra cơ quan lập pháp tối cao - Ban chấp hành Trung ương Liên Xô do M.I.Calini làm chủ tịch và bầu Lênin làm Chủ tịch Hội đồng ủy viên nhân dân Liên Xô.
Sự ra đời của Liên bang Xô Viết làm cho sức mạnh của Nhà nước Xô Viết được tăng cường và là thắng lợi của chính sách dân tộc theo chủ nghĩa Lênin, của tình hữu nghị anh em giữa các dân tộc trong quốc gia công nông đầu tiên trên thế giới.
Tháng 1-1924, bản hiến pháp đầu tiên của Liên Xô được thông qua. Việc thành lập Liên bang Xô Viết là thành tựu cuối cùng được thực hiện dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Lênin. Từ mùa thu năm 1922, Lênin ốm nặng. Sang đầu năm 1923, sức khỏe của Lênin được phục hồi tốt hơn, nhưng đến tháng 3-1923 ông lại bị ốm nặng và vào lúc 18 giờ 50 phút ngày 21-1-1924, ông lìa trần. Ông ra đi sau khi đã hoàn thành việc vạch kế hoạch xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô. Cả đất nước Xô Viết và thế giới tiến bộ xúc động, đau buồn. Cái chết của Lênin là một tổn thất vô cùng nặng nề đối với đảng Bônsêvích và nhân dân Liên Xô, đối với phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng cần lao thế giới.
Nhờ áp dụng chính sách kinh tế mới, tới năm 1926, nhân dân Liên Xô đã hoàn thành thắng lợi công cuộc khôi phục nền kinh tế quốc dân, sản xuất đã đạt bằng mức năm 1913. Tuy đạt thành tựu như thế nhưng Liên Xô vẫn là một nước nông nghiệp, sản xuất công nghiệp còn yếu và lạc hậu so với các nước tư bản phát triển. Hàng loạt các ngành công nghiệp nặng quan trọng vẫn hầu như bằng không.
Muốn bảo vệ và xây dựng chủ nghĩa xã hội thì trước tiên không được lệ thuộc vào tư bản nước ngoài, những thế lực không ưa gì chế độ cộng sản và luôn âm mưu thủ tiêu nó. Cần phải vươn lên tự lực tự cường. Nhưng bằng cách nào nếu không có một cơ sở công nghiệp mạnh, đủ sức sản xuất, chế tạo phục vụ nhu cầu của phát triển kinh tế cũng như an ninh quốc phòng? Vậy thì trong hoàn cảnh của thời đại ấy, bước tiếp theo của đất nước Liên Xô trong phát triển kinh tế là tăng cường công nghiệp hóa, trong đó trọng tâm là phát triển công nghiệp nặng (đối với một nước nhỏ và trong thời đại nền kinh tế có tính toàn cầu ngày nay, chính sách đó không hẳn đã đúng, thậm chí là có hại). Lênin khi còn sống đã chỉ rõ: “Cơ sở vật chất duy nhất của chủ nghĩa xã hội chỉ có thể là nền đại công nghiệp cơ khí có khả năng cải tạo cả nông nghiệp.” (câu nói này là rất đúng đối với Liên bang Xô Viết thời bấy giờ, và có thể cũng đúng luôn đối với xã hội loài người ở thời tương lai còn rất xa vời, khi thế giới đã đại đồng, nghĩa là nó không mang tính phổ biến!).
Tháng Chạp năm 1925, đảng Bônsêvích họp Đại hội lần thứ XIV, kết thúc thời kỳ khôi phục kinh tế và chuyển sang giai đoạn mới, giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nội dung quan trọng nhất của Đại hội là dựa trên kế hoạch xây dựng chủ nghĩa xã hội của Lênin, đề ra đường lối, nhiệm vụ và phương châm công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa. Trong Báo cáo chính trị trình bày tại Đại hội, Xtalin nói: “Biến nước ta từ một nước nông nghiệp thành một nước công nghiệp có thể tự lực sản xuất lấy thiết bị cần thiết, đó là điểm căn bản, là cơ sở của đường lối chung của chúng ta… Biến nước ta từ một nước nhập khẩu thiết bị thành một nước chế tạo được những thiết bị ấy, vì đó là điều đảm bảo chủ yếu cho sự độc lập kinh tế của nước ta. Và chính đó là điều đảm bảo cho nước ta không biến thành vật phụ thuộc vào các nước tư bản chủ nghĩa. Đại hội XIV cũng thông qua điều lệ mới của đảng Bônsêvích và quyết định đổi tên đảng Cộng sản Nga thành đảng Cộng sản Liên Xô (Bônsêvích).
Sau Đại hội XIV, giai cấp công nhân và nhân dân Liên Xô, với lòng yêu nước nồng nàn, đã dốc hết sức mình vào công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.
Tuy gặp không ít những khó khăn gian khổ do sự phức tạp trong đấu tranh tư tưởng, thái độ thù địch, chống phá của các thế lực bên ngoài nước, do xây dựng kinh tế trên con đường hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ trong lịch sử nhưng Nhà nước Xô Viết và nhân dân Liên Xô, nhờ sự lao động và làm việc quên mình, mà chỉ trong vòng 20 năm, đã đạt được thành tựu vô cùng to lớn: từ một nước nông nghiệp đã trở thành một cường quốc công nghiệp dựa trên cơ sở kỹ thuật hiện đại và một nền nông nghiệp bước vào cơ giới hóa với qui mô sản xuất tập trung ở mức cao. Tính theo tổng sản lượng công nghiệp thì Liên Xô đứng ở hàng đầu châu Âu và đứng thứ hai trên thế giới, đuổi kịp và vượt các nước Đức, Anh, Pháp.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu to lớn đã đạt được, trong lòng xã hội ở Liên Xô cũng đồng thời xuất hiện những yếu tố không lành mạnh, đóng vai trò như lực cản sự phát triển kinh tế và có nguy cơ phá hoại ngầm chủ nghĩa xã hội. Nguyên nhân có thể là do cách hiểu giáo điều về cách mạng xã hội chủ nghĩa mà sâu xa hơn là từ sự nhận thức triết học về hình thái kinh tế xã hội Cộng sản chủ nghĩa. Ít ra thì một cách trực tiếp, đã không trung thành với chính sách kinh tế mới của Lênin. Sau khi Lênin mất, chính sách kinh tế mới với nền kinh tế đa thành phần đã ngày càng bị thu hẹp để dần hình thành một thiết chế nhà nước Xã hội chủ nghĩa tập trung, hành chính, bao cấp mà về kinh tế, chỉ còn tồn tại hai thành phần kinh tế là sở hữu Nhà nước và sở hữu tập thể (thực ra cũng là một hình thức đã biến tướng, qui mô nhỏ của hình thức sở hữu nhà nước). Mô hình kinh tế ấy tuy cũng có vai trò và tác dụng nhất định, và thậm chí là cần thiết nhưng chỉ trong những giai đoạn, hoàn cảnh lịch sử đặc biệt và ngắn hạn (chẳng hạn như tạm thời áp dụng để tập trung chống thiên tai, địch họa, để vượt qua những thời đoạn ngặt nghèo chẳng đặng đừng nào đó). Việc duy trì mô hình ấy một cách lâu dài trong điều kiện bình thường rõ ràng là vi phạm vào quyền tự do dân chủ trong hoạt động kinh tế của công dân, làm mất dần nhiệt tình lao động và sự năng động sáng tạo của xã hội. Tình hình đó tất yếu nảy sinh tệ quan liêu, chụp mũ, áp chế đối với những người không đồng tình với cơ chế ấy, tạo nên mặt trái của tấm huân chương. Tác giả một bức tranh cho rằng nó đẹp, rồi bắt tất cả mọi người chiêm ngưỡng phải thấy rằng nó đẹp, nếu không sẽ bị qui vào tội phản động, thuộc “bè lũ tư sản”, nếu không sẽ bị “vặn cổ”, thì đó có phải là chuyên chính vô sản? Và nếu vứt chữ “vô sản” đi thì đó có phải là độc tài? “Độc tài” kèm theo với chém giết bừa bãi thì phải chăng là phát xít? Chúng ta nhớ đến “Cái đêm hôm ấy, đêm gì?” của Phùng Gia Lộc mà nổi da gà về một thời đã qua!
Với thời gian, trong xã hội Liên Xô thời kỳ đó, những khuất tất, thiếu sót ngày càng tích tụ, trầm trọng và đã trở thành bệnh “di căn” ngay từ những năm 30. Đó là bệnh thiếu dân chủ, thiên về cưỡng chế mệnh lệnh, vi phạm pháp chế xã hội chủ nghĩa, truy nã đàn áp hàng loạt những người bất đồng ý kiến… Căn bệnh ấy gây ra những tổn thất, mất mát không phải là nhỏ. Xây dựng chủ nghĩa xã hội với thiết chế tập trung mệnh lệnh, quan liêu bao cấp kiểu ấy sẽ tất yếu dẫn đến chuyên quyền, độc đoán (bản chất “công nhân” ở từng “đồng chí” lãnh đạo mất dần đi, nhường chỗ cho tính “thích làm cha” vốn có ở mỗi con người) và cơ chế xã hội cũng vì thế mà ngày càng xơ cứng, mất năng động, hoạt động xa rời cái mục đích ban đầu vô cùng đẹp đẽ của nó: “vì nhân dân phục vụ”. Ít người biết điều này: chiến tranh đã khỏa lấp tất cả.
Nói gì thì nói, bôi bác thế nào cũng được, nhưng đây là sự thực lịch sử: nếu nước Nga Xô Viết không đạt được thành tựu ngoạn mục về khôi phục kinh tế, nếu Liên Xô không đạt được những thành tựu rực rỡ về xây dựng kinh tế thì chủ nghĩa xã hội ở đó, thành trì của cách mạng vô sản thế giới, đã không thể tồn tại, nhưng quan trọng hơn, Liên Xô đã không thể đương đầu được với sự xâm lăng của phát xít Đức. Chính Liên Xô chứ không nước nào khác, đã đóng vai trò quyết định trong việc tiêu diệt chủ nghĩa phát xít và chấm dứt chiến tranh thế giới thứ hai. Hai quả bom nguyên tử của Mỹ thả xuống nước Nhật, chẳng làm nên trò trống gì ngoài việc chứng minh cho Tạo Hóa thấy một giống loài khi đã được trang bị thêm tư duy, nếu không khéo, sẽ trở nên thâm thù, độc ác, tàn bạo, phát xít đến cỡ nào!
Từ khi ba nước phát xít Đức, Ý, Nhật ký hiệp ước “Chống Quốc Tế Cộng sản” và xảy ra những hành động bành trướng của ba nước đó thì nguy cơ chiến tranh thế giới đã trở nên rõ ràng. Trước thái độ ngày một hung hăng và cuồng chiến của nước Đức phát xít, Liên Xô đã nhiều lần đề nghị với các nước tư bản như Anh, Pháp, Tiệp Khắc, Ba Lan… cùng thành lập một tổ chức an ninh tập thể ở châu Âu để kịp thời giáng trả một khi Hitle phát động chiến tranh xâm lược. Cho tới ngày 12-8-1939, tức là chưa đầy một tháng trước ngày Đức tấn công Ba Lan, Liên Xô còn đề nghị với Anh, Pháp mà cụ thể là:
- Trong trường hợp Đức tấn công Anh và Pháp thì Liên Xô sẽ đóng góp một số quân tương đương là 70% số quân của cả Anh và Pháp để cùng chống Đức. Ba Lan là nước đã ký hiệp ước liên minh tương trợ với Anh và Pháp tất nhiên cũng phải tham gia chống phát xít Đức.
- Trong trường hợp Đức tấn công Ba Lan và tuyên chiến với Anh và Pháp thì Liên Xô sẽ góp một số sư đoàn tương đương với tổng số sư đoàn của cả Anh và Pháp để cùng tham gia chiến đấu.
- Trong trường hợp Đức tấn công Liên Xô thì Anh và Pháp cũng phải huy động một lực lượng tương đương với 70% số quân triển khai của Liên Xô và Ba Lan phải góp 45 sư đoàn để cùng đánh Đức.
Trong cuộc họp ngày 12-8-1939 tại Máxcơva, Liên Xô khẳng định là trong trường hợp Hitle phát động chiến tranh xâm lược các nước láng giềng thì chỉ trong vòng từ 8 đến 20 ngày, Liên Xô có thể huy động được 136 sư đoàn bộ binh và kỵ binh, 5000 pháo nặng, 10000 xe tăng, 5500 máy bay chiến đấu.
Tiếc thay, Anh và Pháp đã từ chối, vẫn nuôi ảo vọng “chĩa mũi nhọn của Hitle vào Liên Xô và muốn nhân nhượng, hòa giải với Đức phát xít. Đây là chỉ thị mà phái đoàn Anh nhận được từ chính phủ trước khi đến Máxcơva hội đàm: “Không nên nhận một cam kết dứt khoát nào có thể trói tay chúng ta trong tất cả mọi trường hợp”.
Bản thân chính quyền tư bản Ba Lan thì còn “sợ cộng sản hơn sợ phát xít”, nên khăng khăng từ chối đề nghị của Liên Xô đưa một lực lượng quân đội vào để cùng quân đội Ba Lan phòng thủ đất nước của họ một khi bị Đức tấn công. Họ hoàn toàn tin tưởng vào hiệp ước liên minh tương trợ đã ký kết với Anh, Pháp: nếu Hitle cho nổ súng tấn công Ba Lan thì ngay lập tức, Anh và Pháp sẽ “đánh vào phía sau quân đội phát xít”, đúng như các điều khoản đã ghi trong hiệp ước. Giới quân sự Anh, Pháp và Ba Lan trù tính: đầu năm 1939, Ba Lan có trong tay 30 sư đoàn, nếu chiến tranh nổ ra, lệnh tổng động viên và huy động quân trù bị sẽ làm tăng vọt lực lượng vũ trang Ba Lan lên 80 sư đoàn. Tổng số lực lượng vũ trang của nước Đức khi đó chỉ có 103 sư đoàn và Hitle chỉ có thể sử dụng ½ số đó, tức khoảng 50 sư đoàn là cùng để đánh Ba Lan, vì cần phải duy trì một lực lượng đủ để đối phó với Anh, Pháp và bảo vệ nhà nước phát xít. Thời đó đường biên giới phía tây Ba Lan với Đức chỉ cách thủ đô Đức vẻn vẹn 100 km. Cả Anh, Pháp và Ba Lan đều tin chắc nếu Đức đánh Ba Lan thì chính họ, mà chủ yếu là lực lượng Ba Lan sẽ là người cắm cờ chiến thắng tại tòa nhà Quốc hội Đức và “chính tại Béclin, sào huyệt của Đức Quốc Xã hiếu chiến sẽ là điểm kết thúc chiến tranh và là nơi ký kết hiệp ước hòa bình”.
Về sự “cả tin” của giới cầm quyền Ba Lan, nhà sử học Pháp là Rêmông Cácchiê có kể một sự kiện (trong cuốn “Chiến tranh thế giới thứ hai - giai đoạn 1939 - 1942”) như sau:
15-8-1939, đại sứ Ba Lan ở Pari là Lucátxiêvich tới gặp Bộ trưởng ngoại giao Pháp là Gioócgiơ Bonnê. Khi được Pháp tiết lộ một nguồn tin tình báo rằng Hitle tuyên bố với cao ủy Đức ở Đanxít (tức Gơđanxcơ): “sẽ đánh bại Ba Lan trong 3 tuần bằng đạo quân cơ giới hóa của Đức”, thì đại sứ Lucátxiêvich đã trả lời: “Không phải! Chính quân đội Ba Lan chúng tôi sẽ thôn tính nước Đức ngay sau khi chiến tranh bùng nổ”.
Ở Viễn Đông, các nước tư bản phương Tây cũng thi hành một chính sách đối với nước Nhật phát xít tương tự như đối với nước Đức phát xít ở châu Âu. Vì vậy việc Nhật đánh chiếm Trung Quốc, xâm phạm nhiều quyền lợi của Anh, Mỹ ở đó nhưng họ vẫn làm ngơ. Thái độ này của Anh và Mỹ đã như một dung túng, khuyến khích Nhật tấn công Liên Xô vào cuối tháng 7-1938, tại khu vực hồ Khaxan. Tuy nhiên chỉ mấy ngày, quân phiệt Nhật đã phải chịu thất bại thảm hại. Tháng 5-1939, lợi dụng tình hình châu Âu căng thẳng, Liên Xô đang bận đối phó ở đó, quân đội Nhật lại tấn công vào lãnh thổ nước Cộng hòa nhân dân Mông Cổ tại khu vực sông Khankhingôn, định chiếm Mông Cổ, khống chế vùng tiếp cận đường sắt chính xuyên qua Xibia, uy hiếp trục giao thông huyết mạch của Liên Xô ở Viễn Đông, để mưu đồ xâm lược Liên Xô về sau. Trung thành với hiệp ước tương trợ, Liên Xô đã bảo vệ Mông Cổ. Từ tháng 5 đến tháng 8-1939, các lực lượng vũ trang Xô - Mông đã đánh bại quân xâm lược Nhật và đến ngày 16-9, Nhật phải xin đình chiến.
Ngày 23-7-1939, Anh đã ký với Nhật một hiệp ước nhục nhã, thường gọi là “Hiệp ước Arita - Cơrâyxi”, giao Trung Quốc cho Nhật để đổi lấy việc Nhật gây chiến chống Liên Xô.
Liên Xô đến lúc này, trước sự bất hợp tác chống phát xít của thế giới tư bản và lâm vào cảnh “lưỡng đầu thọ địch”, đã không còn đường nào khác là nỗ lực tự cứu mình.
Nước Đức phát xít dù lúc đó đã phát triển thành xà tinh và dù vô cùng thèm khát cũng biết rằng chưa đủ sức nuốt nổi con voi: Liên Xô đã là một cường quốc với lãnh thổ rộng mênh mông và không kém phần hùng mạnh. Vậy thì để thực hiện được mưu đồ làm bá chủ thế giới, việc đầu tiên mà nước Đức phát xít phải làm không phải là xâm lược Liên Xô mà phải chiếm châu Âu để tạo thêm thế và lực lên một tầm tương xứng. Nhưng muốn nắm châu Âu thì phải tạm thời loại được không phải hai kẻ nhu nhược là Anh và Pháp mà chính là Liên Xô ra ngoài vòng chiến. Trù tính như thế nên Đức đã đề nghị Liên Xô ký một hiệp ước không xâm lược lẫn nhau.
Dù không ảo tưởng nhưng để tranh thủ thời gian xây dựng lực lượng và tổ chức phòng thủ đất nước, Liên Xô đã đồng ý. Ngày 23-8-1939, hiệp ước Xô - Đức đã được ký kết và ngày hôm sau, 24-8-1939, một “biên bản mật” giữa hai nước được ký thêm, nhằm phân chia phạm vi ảnh hưởng của hai nước ở Đông Âu.
Hiệp ước Xô - Đức ngay lập tức làm vỡ “giấc mộng xấu xí” bao vây chống Liên Xô, “ngư ông đắc lợi” của Anh, Pháp, Mỹ và làm cho Nhật bất mãn ra mặt (thủ tướng Nhật là Hiranuma xin từ chức để phản đối Đức ký hiệp ước này). Riêng Ba Lan thì hình như vẫn trong giấc ngủ ngon lành trước miệng con xà tinh.
Ngày 23-3-1939, Hitle đòi Ba Lan chuyển giao Đăngdích cho Đức và lập một hành lang cho Đức nối với Đông Phổ. Ở biên giới hai nước, Hitle bí mật cho máy bay Đức sơn cờ hiệu Ba Lan ném bom xuống một đồn biên phòng Đức rồi đổ vấy cho Ba Lan để tạo cớ thực hiện kế hoạch đánh Ba Lan mang mật danh “Kế hoạch trắng” được thảo ra từ tháng 5-1939.
Đêm 30 rạng ngày 31-8-1939, Đức gởi tới Ba Lan một bản công hàm mang tính chất tối hậu thư về vấn đề Đăngdích và hành lang Ba Lan. Chính phủ Ba Lan bác bỏ những yêu sách của Đức. Mờ sáng ngày 1-9-1939, đúng 4 giờ 15 phút, gần 1500 máy bay Đức hết đợt này đến đợt khác tới ném bom, bắn phá toàn bộ các căn cứ không quân và trường bay trong khu vực miền Tây - Ba Lan, mở màn cuộc xâm lược Ba Lan và cũng đồng thời làm bùng nổ cuộc chiến tranh thế giới thứ hai.
 Ngay từ đầu, không quân Ba Lan đã bị đánh quỵ, “đành chỉ làm mồi cho không quân phát xít”. Làm chủ được bầu trời, máy bay Đức tha hồ bắn phá các mục tiêu dưới đất của Ba Lan.
Sau đợt bắn phá đầu tiên của không quân Đức, đúng 4 giờ 45 phút, tàu chiến Đức từ Đanxít (tức Gơđanxcơ) đồng loạt nã đại bác cấp tập vào “căn cứ lõm” Vextêplát của Ba Lan. Đồng thời bộ binh Đức, đi đầu là các đơn vị xe tăng, xe bọc thép, mô tô cơ giới cũng ồ ạt vượt biên giới tiến vào Ba Lan trong lúc sương mù chưa tan hết.
Quân đội Đức triển khai trên một tuyến hình cánh cung rất rộng, từ Đông Phổ qua Pôpêrani, Xilêri đến Xlôvencô, coi như “ôm lấy Ba Lan từ các mặt phía Tây - Bắc, Tây, Tây - Nam, nhằm “kẹp chặt quân chủ lực Ba Lan trong hai gọng kìm lớn rồi khép lại thật mạnh để tiêu diệt đồng thời thọc sâu vào Vácxava”. Gọng kìm trái, gọi là Cụm tập đoàn quân Bắc, có hai tập đoàn quân gồm 21 sư đoàn, trong đó có 2 sư đoàn xe tăng và xe bọc thép. Mũi tiến công chủ yếu của gọng kìm này do tập đoàn quân số 4 đảm nhiệm, từ miền duyên hải Dômêrani vượt biên giới, chọc thủng tuyến phòng ngự của Ba Lan trên sôngVixla rồi tiến dọc triền sông này tới vùng ngoại vi phía Bắc Vácxava. Gọng kìm phải, gọi là Cụm tập đoàn quân Nam có 3 tập đoàn quân gồm 36 sư đoàn, trong đó có 4 sư đoàn xe tăng và xe bọc thép, từ vùng Cácpát và miền Thượng - Xilêdi tiến vào lãnh thổ Ba Lan, bao vây tiêu diệt lực lượng quân Ba Lan đóng ở miền Tây sông Vixla rồi cũng tiến về Vácxava.
Ngay trong ngày đầu tiến công, tập đoàn quân 4, thuộc cánh trái của Đức đã gặp nhiều thiệt hại khi vấp phải tuyến phòng ngự kiên cố có chuẩn bị sẵn của Ba Lan. Nhưng liền sau đó, tập đoàn quân 8 thuộc cánh phải quân Đức, sau khi chọc thủng trận địa phòng ngự Ba Lan, đánh thốc lên đã góp phần quyết định trong việc bao vây tiêu diệt tập đoàn quân Pôdơman của Ba Lan, lấy lại thế tiến công cho cánh trái quân Đức.
Trước sức mạnh áp đảo của quân Đức với sự tràn ngập của máy bay, đại bác, xe tăng và lối “tấn công chớp nhoáng”, Bộ tổng tư lệnh Ba Lan phải cho quân tháo lui để tránh bị tiêu diệt. Ngay cả việc này họ cũng không thực hiện được trót lọt, nói gì đến “mở được mũi phản công đánh ngược trở lại hướng Béclin” theo như phương án đã bàn bạc với Anh và Pháp.
Ngày 6-9-1939, khi hai cánh quân của Hitle từ phía tây - bắc đánh xuống và phía tây - nam đánh lên đang ồ ạt tiến về phía Vácxava thì chính phủ tư sản Ba Lan đã vội vã chạy về Lublin và sau đó ít ngày đã đáp máy bay trốn sang Anh.
Ngày 14-9-1939, hai gọng kìm quân Đức đã hoàn thành việc bao vây quân chủ lực Ba Lan từ nhiều nơi rút về bờ tây sông Vixla. Vácxava cũng bị bao vây từ ba mặt. Ngày 15-9-1939, quân Đức mở đợt tấn công cuối cùng, quyết định số phận Ba Lan.
Dù đã hoàn toàn thất thế, dù chính phủ đã hèn nhát bỏ mặc đất nước trong cảnh lâm nguy để thoát thân, dù Anh và Pháp không chịu đánh vào “sau lưng” nước Đức như đã thỏa thuận, dù đã chịu tổn thất nặng, thì trước kẻ thù xâm lược, quân đội Ba Lan vẫn không chịu hạ vũ khí. Hưởng ứng lời kêu gọi của đảng Cộng sản và các tổ chức yêu nước Ba Lan, nhân dân Ba Lan đã vùng lên sát cánh cùng quân đội chặn đánh quân thù bằng nhiều hình thức, một cách hết sức kiên cường, hết sức dũng cảm.
Cuộc kháng chiến của nhân dân thủ đô Vácxava, dẫn đầu là các chiến sĩ Cộng sản đã diễn ra ác liệt, đập tan một sư đoàn thiết giáp Đức, được duy trì đến tận 28-9-1939. Trên bán đảo Vexiêplatê, gần 300 chiến sĩ Ba Lan bị phát xít Đức bao vây, đã chống cự quyết liệt đến khi hết cả lương ăn, nước uống và đã bắn tới viên đạn cuối cùng. Pháo đài Môđơlin cầm cự với quân Đức mãi tới 30-9-1939 mới chịu thất thủ. Cuộc chiến đấu của lực lượng biên phòng Ba Lan trên bán đảo Hen ở phía bắc Gơđanxcơ, mặc dầu bị cắt đứt hoàn toàn với hậu phương, vẫn kéo dài đến tận ngày 2-10-1939.
Nói ngay ra thì liền sau khi Hitle mở cuộc tiến công xâm lược Ba Lan, chính phủ hai nước Anh và Pháp cũng đã lập tức trao đổi ý kiến với nhau nhằm “nhận định tình hình và tìm cách giải quyết”.
21 giờ 30 phút, tối 1-9-1939, Anh và Pháp gửi thông điệp chung đến chính phủ Đức, yêu cầu “đình chỉ ngay lập tức mọi hành động quân sự từ trên không, trên biển, trên mặt đất thuộc phạm vi lãnh thổ Ba Lan và nhanh chóng lệnh cho quân đội Đức rút về tuyến xuất phát từ trước khi bùng nổ chiến sự”, và nhấn mạnh: “nếu những yêu cầu chính đáng này không được đáp ứng, bắt buộc các chính phủ Anh và Pháp sẽ phải áp dụng những hành động phù hợp với những điều đã cam kết với chính phủ Ba Lan hiện đang là nạn nhân của một cuộc xâm lược vô đạo lý”.
Bức thông điệp có cái vẻ cứng rắn kiểu tối hậu thư này chỉ làm Hitle cười mũi. Tình báo chiến lược của phát xít Đức đã tóm được gáy hai “đại ca” này: “… chưa kịp chuẩn bị bước vào vòng chiến và cũng chưa muốn nhảy ngay vào vòng chiến”, và hơn nữa “họ còn muốn chờ xem một cuộc xung đột Đức - Nga khi quân Đức tiếp tục tiến về phía đông”.
Trước sức ép của dư luận và cũng để giữ thể diện trước sự “phớt tỉnh Ănglê” của Hitle, ngày 3-9-1939, Anh và Pháp buộc phải lần lượt tuyên chiến với Đức. Tuy nhiên, mặc dù Anh, Pháp đã tuyên bố chiến tranh với Đức bằng những lời lẽ hùng hồn nhất phát vang trên đài phát thanh và rùm beng trên báo chí, mặc dù lệnh tổng động viên đã được ban hành, các phương tiện vận tải trên đất Pháp đã được huy động, quân đội Anh đóng trên đất Pháp đã được tăng cường lực lượng thì mặt trận phía tây nước Đức vẫn… lặng im như tờ. Các nhà báo Mỹ gọi hiện tượng đó là cuộc “chiến tranh kỳ quặc”, người Pháp gọi là cuộc “chiến tranh buồn cười”, còn người Đức thì gọi là “chiến tranh ngồi” (kéo dài suốt từ tháng 9-1939 đến tháng 4-1940). Riêng Bộ chỉ huy quân đội Đức Quốc Xã thì càng tin chắc rằng với 23 sư đoàn đóng ở biên giới phía tây là “quá thừa để đối phó với cuộc chiến tranh bằng mồm của Anh và Pháp”.
Cũng trong khoảng thời gian xảy ra các sự kiện nói trên, ngày 17-9-1939, theo thỏa thuận với Đức (qua “Biên bản mật” ký ngày 24-9-1938), quân đội Liên Xô tiến vào miền Đông - Ba Lan, thu hồi vùng lãnh thổ của đế quốc Nga bị mất vào những năm 1918 - 1920 và cũng là một phần lãnh thổ của Tây - Ucraina và Tây - Bêlarút (bị trao cho Ba Lan năm 1920), để sát nhập trở lại vào hai nước Cộng hòa Xôviết này trong Liên bang Xô Viết.
Ngày 18-9, Liên Xô lên án 3 nước Ban Tích là không giữ vai trò trung lập. Dưới sức ép về quân sự, lãnh đạo 3 nước này gồm Extônia, Látvia, Litva lần lượt ký với Liên Xô hiệp ước không xâm lược và tương trợ, lần lượt vào các ngày 28-9, 5-10, 10-10. Cả 3 nước không chấp nhận cho Liên Xô quyền đóng quân trên lãnh thổ của họ. Tháng 6-1940, quân đội Liên Xô tiến vào 3 nước Ban Tích, gây áp lực lật đổ các chính phủ tư sản ở đây. Ngày 14-7, bầu cử được tiến hành và quốc hội mới ở 3 nước đó kêu gọi sát nhập đất nước mình vào Liên Xô. Tháng 8-1940, sau khi Xôviết tối cao Liên Xô thông qua, 3 nước Ban Tích gia nhập Liên bang Xô Viết.
Ngày 28-11-1939, Liên Xô hủy bỏ hiệp ước không xâm lược năm 1932 và ngày hôm sau thì cắt đứt quan hệ ngoại giao với Phần Lan. Chiến tranh Xô - Phần bùng nổ và diễn ra ác liệt đến tháng 3-1940. Kết quả là một hiệp ước được ký kết tại Mátxcơva ngày 12-3-1940, theo đó, Phần Lan phải nhường vĩnh viễn eo đất Carêli (sau đó Liên Xô đã thành lập nước Cộng hòa Xôviết Calêri của mình), biên giới Liên Xô - Phần Lan được lùi xa Lêningát thêm 150 km nữa; ngoài ra, Phần Lan còn phải cho Liên Xô thuê cảng Hănggô trong 30 năm với số tiền 8 triệu Mác Phần Lan.
Betxarabia và Bắc - Bucôvina là vùng tranh chấp lâu dài giữa Nga với Rumani mà Rumani chiếm được năm 1918. Xtalin gửi tối hậu thư cho Rumani đòi:
- Vùng Betxarabia mà Nga chưa bao giờ chịu mất, phải trả về cho Nga.
- Sát nhập vùng Bắc - Bucôvina mà dân cư ở đó về mặt lịch sử và ngôn ngữ gắn bó với nước Cộng hòa Xôviết Ucraina.
Chính phủ Rumani kêu gọi Đức và Ý can thiệp giúp đỡ nhưng bị từ chối nên đành chấp nhận yêu sách đó. Thế là Betxarabia và Bắc - Bucôvina trở thành một bộ phận thuộc nước Cộng hòa Xôviết Mônđavia của Liên Xô vào tháng 8-1940.
Tính chung, Liên Xô đã lập thêm 5 nước Cộng hòa Xôviết, mở rộng lãnh thổ 2 nước Cộng hòa Xôviết, đưa tổng số nước Cộng hòa Xôviết trong thành phần Liên Bang lên 16 và số dân thêm được là 23 triệu. Biên giới phía tây Liên Xô được đẩy lùi ra xa thêm từ 200 đến 300 km.
***
Khi quân Đức chiếm được Brét - Litốp của Ba Lan và ào ạt tiến về phía đông thì quân Liên Xô cũng đã tiến vào miền đông - Ba Lan (vùng trước đây thuộc Tây - Ucraina và Tây - Bêlarút như đã kể). Tại nhiều điểm quân đội hai nước Nga và Đức đã “chạm trán nhưng không xảy ra xung đột”. Biết chưa phải lúc, Hitle đã hạ lệnh “ngừng tiến về phía đông”, thậm chí cho rút quân khỏi thị trấn Lembéc vừa chiếm được để tránh đụng đầu với lực lượng Xô Viết.
Sự tồn tại của “chiến tranh kỳ quặc”, một phần cũng là do Anh, Pháp vẫn còn mù quáng nuôi hi vọng: “Hitle sẽ quyết định hướng quân đội về phía đông để chống Nga”. Trong hồi ký của tướng Đờ Gôn có đoạn: “Phải nói rằng một số giới muốn nhìn kẻ thù ở Xtalin hơn là Hitle. Họ lo lắng đến những biện pháp để đánh nước Nga, hoặc giúp Phần Lan, hoặc ném bom Bacu, hoặc đổ bộ ở Xtambun nhiều hơn là cách làm sao để thắng đế chế Đức”.
Trong khi đó, lợi dụng thời gian “ngồi” từ 1939 - 1940, nước Đức đã phát triển bộ binh lên tới 136 sư đoàn, xe tăng: 10 sư đoàn, máy bay: 4 vạn chiếc, nghĩa là thực lực quân sự Đức tăng lên chừng gấp đôi so với thời kỳ trước khi đánh Ba Lan. Kế hoạch tỷ mỷ tấn công các nước Tây Âu cũng đã được vạch ra.
“Quay ngược trở lại phía Tây”, ngày 9-4-1940, quân Đức tràn vào Đan Mạch. Vua và chính phủ Đan Mạch không kháng cự, ra lệnh cho quân đội của họ hạ vũ khí đầu hàng. Cùng ngày, quân Đức đổ bộ lên tất cả các cảng lớn của Na Uy. Nhân dân Na Uy kháng chiến rất anh dũng. Chiến sự đã diễn ra ác liệt ở một số nơi. Do có sự phản bội tổ quốc trong chính phủ, Na Uy mau chóng bị đánh bại. Quân Anh, Pháp sang cứu bị đánh bật ra biển.
Ngày 10-5-1940, vào 5 giờ 30 phút sáng, quân Đức tràn vào Bỉ, Hà Lan, Lucxembua và Pháp. Mặt trận phía tây bây giờ mới chính thức diễn ra. Lực lượng bộ binh hai bên không chênh lệch nhau nhiều nhưng phía Đức ưu thế hơn về máy bay và xe tăng. Quân Đức do tướng Phôn Bốc chỉ huy, vượt qua sông Mơdơ (Mense), đồng thời nhảy dù xuống chiếm các sân bay, các đầu mối giao thông và các cứ điểm quan trọng của Hà Lan và  Bỉ.
Ngày 15-5, quân đội Hà Lan hạ vũ khí qui hàng, chính phủ Hà Lan chạy sang Luân Đôn. Ngày 27-5, đến lượt Bỉ đầu hàng vô điều kiện.
Trong khi đó, quân Đức do tướng Phôn Runxđét chỉ huy, vượt qua Lúcxembua, đánh bại đạo quân thứ 9 của Pháp do tướng Coráp chỉ huy, chọc thủng phòng tuyến của Pháp trên một khu vực rộng 90 km giữa Xơđăng và Namuya. Ngày 5-6, quân Đức tiến về Pari như bão táp. Ngày 10-6, chính phủ Pháp bỏ Pari chạy về Tua. Cùng ngày này, thấy Pháp nguy ngập, sắp thua, để “dấy máu ăn phần”, phát xít Ý vội tuyên chiến với Anh, Pháp và tấn công ngay vào vùng đông - nam nước Pháp. Sự tham chiến của Ý làm cho tình hình Pháp thêm trầm trọng.
Ngày 16-6, thủ tướng Anh là Sơcsin đưa ra đề nghị về việc ký kết “Liên minh không thể hủy bỏ” giữa Anh và Pháp, theo đó, Anh và Pháp sẽ trở thành một quốc gia thống nhất với một hiến pháp thống nhất. Chính phủ Pháp chia làm hai phe, phe do Râynô cầm đầu muốn giao nước Pháp cho đế quốc Anh, phe do Pêtanh cầm đầu muốn qui hàng phát xít Đức (chẳng một ai quan tâm đến việc đấu tranh cho tự do và độc lập của nước Pháp!). Ngày 17-6, Râynô từ chức, Pêtanh cầm đầu phe đa số lên nắm chính phủ và xin hàng Đức, Ý với những điều kiện nhục nhã. Nhưng nhân dân Pháp, dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản Pháp đã đứng lên kháng chiến chống quân xâm lược bằng cuộc chiến tranh du kích trong lòng nước Pháp. Đờ Gôn (đang công cán ở Anh) tích cực tập hợp một số người Pháp ở hải ngoại, thành lập “chính phủ Pháp tự do” vào ngày 27-10-1940, dựa vào lực lượng Anh, Mỹ để mưu cầu giải phóng đất nước.
Tháng 7-1940, nước Đức lên kế hoạch “Sư tử biển” nhằm đổ bộ lên đất Anh. Mục đích là khuất phục, khống chế nước Anh đồng thời tung hỏa mù che đậy động tác chuẩn bị tấn công Liên Xô.
Tháng 8-1940, Đức tấn công bằng không quân vào nước Anh. Nhiều cuộc không chiến ác liệt xảy ra. Dù ưu thế thuộc về Đức nhưng Anh cũng chống cự hiệu quả nhờ hệ thống ra-đa mới phát minh, sáng chế ra, phát hiện được mục tiêu từ xa… Hai bên đều thiệt hại nặng nề. Đức chuyển sang ném bom ban đêm. Thủ đô Luân Đôn bị hàng vạn tấn bom tàn phá dữ dội. Thêm nữa, Đức còn phong tỏa chặt chẽ hải phận Anh bằng “chiến tranh tàu ngầm”, đánh đắm rất nhiều tàu chiến Anh. Tình hình của Anh ngày một trở nên nghiêm trọng.
Anh quay sang cầu cứu Mỹ. Mỹ đã giao cho Anh gần 1 triệu súng trường thời kỳ những năm 1917 - 1918, 50 chiến hạm cũ kỹ. Đổi lại, Anh phải giao cho Mỹ những căn cứ quan trọng về chiến lược ở Đại Tây Dương cũng như những phát minh khoa học kỹ thuật mới nhất của Anh (như rađa, những công trình nghiên cứu về nguyên tử của các nhà bác học Anh và Pháp…). Mỹ đã giúp Anh như thế nên có thể thấy rằng chính cuộc chiến Xô - Đức mới cứu được nước Anh thoát khỏi số phận như nước Pháp.
Ngày 27-9-1940, Đức, Ý và Nhật ký hiệp ước đồng minh quân sự và chính trị ở Béclin, “trước hết nhằm chống Liên Xô” nhưng cũng chống cả Anh, Mỹ. Hiệp ước đề ra không úp mở việc phân chia thế giới: Đức, Ý ở châu Âu, Nhật ở Viễn Đông.
Nhờ sự giúp đỡ của Đức, các phần tử chống Liên Xô làm chính biến thắng lợi, đưa Antônexcô lên nắm chính quyền tại Rumani. Được sự đồng thuận của chính phủ Antôexcô, ngày 7-10-1940, quân Đức kéo vào Rumani. Sau đó, lần lượt Hunggari, Rumani va Xlôvakia đều tuyên bố tham gia Hiệp ước Béclin vào tháng 11-1940. Tháng 3-1941, chính phủ phát xít Bungari cũng tham gia hiệp ước đó và để cho quân đội Đức vào chiếm đóng. Thế là cuối  năm 1940, đầu năm 1941, bốn nước nói trên đã mặc nhiên trở thành “chư hầu” của Đức mà Đức không tốn một viên đạn, lập nên một vành đai bao vây miền tây Liên Xô, miền đông - bắc Hi Lạp và Nam Tư.
Do muốn giành ăn với Đức trong việc xâm chiếm vùng Bancăng mà ngày 28-10-1940, Ý bất ngờ tấn công Hi Lạp từ phía Anbani, không thông báo và thỏa thuận với Đức. Với 20 vạn quân hùng hổ tiến vào Hi Lạp, Ý dự định chiếm thủ đô Aten sau mấy tiếng đồng hồ. Thế nhưng một tuần lễ sau, quân Ý vẫn không tiến được quá 10 km, để rồi đầu tháng 11, quân Hi Lạp được quân Anh yểm trợ đã phản công không những quét sạch quân Ý ra khỏi Hi Lạp mà còn chiếm luôn cả Anbani thuộc Ý nữa.
Lúc này, tại mặt trận châu Phi, Ý cũng đang thua liểng xiểng. Ngày 3-10-1940, quân Anh đột ngột chuyển sang phản công ở Bắc Phi, đẩy lùi quân Ý và đến hè năm 1941 thì chiếm lại tất cả các thuộc địa của Ý ở Đông Phi, kể cả Êtiôpi.
Trước tình hình khó khăn của phát xít Ý, Đức lờ đi chẳng giúp gì cho ông bạn đồng minh đã từng giở trò láu cá với mình.
Đức định qui phục chính quyền Nam Tư như 4 nước Bancăng nêu trên. Nhưng nhân dân Nam Tư đã nổi dậy kháng chiến lập chính phủ mới, ký hiệp ước thân thiện, không xâm phạm với Liên Xô ngày 5-4-1941. Trước tình hình đó, Hitle phải ra lệnh tạm hoãn kế hoạch tấn công Liên Xô để đè bẹp Nam Tư và Hi Lạp trước. Đêm 6-4-1941, không quân Đức dội bom xuống thủ đô Nam Tư và 56 sư đoàn Đức cùng chư hầu tràn vào Nam Tư. Chính phủ Nam Tư bỏ chạy sang Ai Cập. Cùng ngày, Hi Lạp cũng bị Đức tấn công. Quân đội Hi Lạp đầu hàng, quân đội Anh bị đánh bật ra biển.
Việc chiếm bán đảo Bancăng là tạo bàn đạp quan trọng cho quân đội Đức tấn công Liên Xô. Dù bị Đức chiếm đóng nhưng phong trào đấu tranh vũ trang giải phóng dân tộc ở những nước đó ngày càng lớn mạnh, đặc biệt là ở Nam Tư và Hi Lạp, đã biến những sự chiếm đóng đó thành cuộc chiến tranh đẫm máu và dai dẳng, cản trở Hitle tận dụng tiềm lực của vùng này vào việc xâm lược Liên Xô.
Sau khi thôn tính xong 11 nước châu Âu với diện tích gần 2 triệu km2, dân số 142 triệu người, phát xít Đức đã chiếm được những vị trí có ý nghĩa chiến lược hết sức quan trọng về kinh tế và quân sự. Các nguồn dự trữ về nguyên liệu chiến lược, các nhà máy luyện thép, chế tạo quốc phòng; kho tàng vũ khí… của hầu hết các nước Tây Âu đều lọt vào tay nước Đức.
Việc chiếm đóng Tây Âu và Bancăng, đánh tan các lực lượng vũ trang của các nước ở đó tuy có gây cho nước Đức những thiệt hại không nhỏ về chính trị và quân sự (lột trần bộ mặt ăn cướp tàn bạo của chủ nghĩa phát xít, khí thế kháng chiến đấu tranh chống phát xít của nhân dân châu Âu ngày càng tăng, quân Đức bị mất khoảng 2000 xe tăng, nhiều máy bay, tàu chiến…) nhưng chiến quả mà nước Đức gặt hái được vẫn rất to lớn. Quân đội Đức trở thành một lực lượng hùng mạnh bậc nhất thế giới. Quân số trước cuộc chiến với Ba Lan chỉ là 103 sư đoàn thì đến mùa xuân năm 1941 đã tăng lên là 214 sư đoàn (khoảng 8,5 triệu người). Chỉ trong một thời gian từ mùa thu năm 1940 đến mùa xuân năm 1941, để bổ sung thêm cho lực lượng hiện có, Đức Quốc Xã đã thành lập thêm 58 sư đoàn, trong đó có 11 sư đoàn xe tăng và 8 sư đoàn cơ giới. Có thể nói vào giữa năm 1941, trước cuộc tấn công Liên Xô, nước Đức đã có một đội quân nguyên vẹn khổng lồ, được trang bị và hậu thuẫn kỹ càng từ hầu như toàn bộ tiềm lực kinh tế, quân sự của châu Âu tư bản, với một hậu phương chiến lược Tây Âu khá rộng lớn.
Với một lực lượng vũ trang hùng mạnh như vậy, với chiến thuật “đánh chớp nhoáng” đã thể hiện sự “bách thắng” của nó trên chiến trường Tây Âu và Ban căng, Hitle cùng Bộ chỉ huy tối cao quân sự Đức Quốc Xã, ngông cuồng và ngạo mạn, cho rằng thời cơ tiêu diệt kẻ thù số một là Nhà nước Xô Viết cùng với chế độ xã hội chủ nghĩa đầu tiên của thế giới, đồng thời độc chiếm luôn vùng tài nguyên bao la và nhiều như vô tận, đã chín muồi. Trước mắt phát xít Đức lúc này, Liên Xô chỉ là “tên khổng lồ chân đất sét”. Do đó Hitle dự tính “đánh quỵ nước Nga” trong vòng tối đa là 2 tháng và “đánh bại nước Nga bằng một cuộc chiến tranh chớp nhoáng trước khi kết thúc chiến tranh với Anh” (chỉ thị số 21 của Hitle).
Dù có thể là phởn chí quá hóa cuồng, tưởng mình tài năng hơn Napôlêông, nhưng Hitle cùng đồng bọn chắc rằng không thể không xem lại cuộc chiến tranh Pháp - Nga năm 1812 và rút ra bài học “nhỏ” mà Bônapác đã để lại: chớ có chọc ghẹo quá trớn ông khổng lồ dù chân ông ta có làm bằng đất sét! Không hẳn là hoàn toàn vì điều đó nhưng điều đó cũng góp phần làm nên một số kế hoạch được chuẩn bị kỹ càng, chu đáo của phát xít Đức gây chiến xâm lược Liên Xô.
“Kế hoạch Bacbarôxa” (nghĩa là “Râu hung”, biệt hiệu của Phêđêrich, Hoàng đế Đức thời Trung Cổ) được thảo ra từ tháng 6-1940 và chỉ thị số 21 về kế hoạch này được Hitle phê chuẩn ngày 18-12-1940. Kế hoạch nhằm tiêu diệt quân đội Liên Xô (thường gọi là Hồng quân) trong một cuộc chiến tranh đánh nhanh thắng nhanh, do đó Hitle đã huy động tới 190 sư đoàn với 5,5 triệu quân, 3.712 xe tăng, 47.260 khẩu pháo, 4.950 máy bay và 193 tàu chiến, trong đó có 153 sư đoàn Đức, 17 sư đoàn Phần Lan, 18 sư đoàn Rumani và 2 sư đoàn Hunggari, cho giai đoạn đầu cuộc chiến với nhiệm vụ được xác định là: “Chia cắt chính diện của lực lượng chủ yếu của quân Nga đang tập trung ở phía tây nước Nga, sử dụng các cụm quân cơ động mạnh ở phía bắc và phía nam vùng đầm lầy Pripiátxki mở những đòn đột kích này tiêu diệt những cụm tập đoàn quân của đối phương đã bị chia cắt”. Cụ thể, khi bắt đầu tiến công Liên Xô, quân đội phát xít Đức triển khai đội hình như sau:
- Ở cực Bắc là tập đoàn quân Đức “Na Uy” (gồm 6 sư đoàn), ở phía đông - nam Phần Lan là 2 tập đoàn quân (gồm 15 sư đoàn). Nhiệm vụ của chúng là chiếm vùng Muốcmanxcơ và đồng thời tiến công theo 2 phía của hồ Lađôga rồi hợp điểm với các lực lượng của cụm tập đoàn quân “Bắc” ở khu vực Lêningrát. Các đơn vị này được 900 máy bay thuộc tập đoàn không quân số 5 của Đức và lực lượng không quân Phần Lan chi viện.
- Cụm tập đoàn quân “Bắc” (gồm 29 sư đoàn, trong đó có 3 sư đoàn xe tăng, 3 sư đoàn cơ giới, do thống chế Đức là Phôn Lép (Von Leeb) chỉ huy) đột kích chủ yếu từ vùng Tindit theo hướng Đangapinsơ, đông bắc Ôpốtxka, có nhiệm vụ tiêu diệt các đơn vị Xôviết tại vùng Pribantich và sau đó hiệp đồng với một bộ phận lực lượng của cụm “Trung Tâm” chiếm Lêningrát và Crôngstát. Cụm tập đoàn quân “Bắc” được tập đoàn không quân số 1 (gồm 1.070 máy bay chiến đấu) yểm trợ.
- Lực lượng chủ yếu của Đức là cụm tập đoàn quân “Trung Tâm” (gồm 50 sư đoàn, trong đó có 9 sư đoàn xe tăng, 6 sư đoàn cơ giới và 2 lữ đoàn, do thống chế Vôn Bốc (Von Bock) chỉ huy). Với sự tổ chức những cụm xe tăng mạnh ở hai bên sườn, cụm tập đoàn quân này mở những mũi đột kích đánh vu hồi vào hướng chung tiến đến Minxcơ để bao vây các đơn vị Xôviết ở phía tây Bêlarút, sau đó phát triển tiến công trên hướng chung tiến về Xmôlenxcơ. Cụm tập đoàn quân này được tập đoàn không quân số 2 (1.600 máy bay) yểm trợ.
Cụm tập đoàn quân “Nam” (gồm 57 sư đoàn, trong đó có 5 sư đoàn xe tăng, 4 sư đoàn cơ giới và 13 lữ đoàn, do chuẩn thống chế Phôn Runxtét (Von Rundsted) chỉ huy) có nhiệm vụ tiến công quân đội Xôviết ở Hữu ngạn Ucraina, đột kích triển khai trên cánh trái tới Kiép, chiếm lấy bến vượt sông Đơnhiép. Sau đó các binh đoàn xe tăng phải phát triển tiến công ở hướng đông - nam, không cho những lực lượng còn khả năng chiến đấu của Hồng quân rút qua sông Đơnhiép để bao vây tiêu diệt những lực lượng ấy. Cụm tập đoàn quân “Nam” được tập đoàn không quân số 4 của Đức và không quân của Rumani (tất cả có 1.300 máy bay chiến đấu) yểm trợ.
Các đạo quân ấy được đặt dưới quyền tổng chỉ huy trực tiếp của thống chế Phôn Bơraosít (Von Brauchitsch).
Trước đội quân cực mạnh, đã có kinh nghiệm chiến đấu và với một kế hoạch tấn công chu đáo, tỷ mỷ như thế, Liên Xô đã tổ chức chuẩn bị đối phó như thế nào?
Lúc sinh thời, V. I. Lênin đã nói: “Một quân đội ưu tú nhất, những con người trung thành nhất đối với sự nghiệp cách mạng sẽ bị quân địch tiêu diệt nhanh chóng, nếu họ không được trang bị đầy đủ…”. Tuân theo lời dạy đúng đắn đó, Đảng và Nhà nước Xôviết trong suốt thời kỳ xây dựng và phát triển kinh tế trước chiến tranh đã rất chú trọng đến việc xây dựng lực lượng vũ trang ngày một lớn mạnh cả về số lượng binh sĩ, cả về trang thiết bị quân sự tiên tiến và cả về nghệ thuật tác chiến.
Nhịp độ sản xuất binh khí kỹ thuật của các nhà máy quốc phòng đã tăng theo hàng năm. Vũ khí mới cũng được tích cực nghiên cứu, chế tạo. Chẳng hạn các loại súng cối phản lực, các pháo tự hành đã được sản xuất những mẫu thí nghiệm thành công; năm 1939 đã xuất xưởng hai loại xe tăng KV và T-34 có tính năng hơn hẳn các loại xe tăng của các nước tư bản; đầu năm 1941, nhiều loại máy bay mới đã được trang bị cho không quân, mà phần lớn, về một số tính năng đã hơn hẳn các máy bay cùng loại của Đức và đặc biệt, máy bay cường kích I.L-2 là chưa có máy bay nào trên thế giới sánh kịp…
Nói chung, nghệ thuật quân sự Xôviết đã được xây dựng lên một trình độ cao, phù hợp với tính năng kỹ thuật tiên tiến của binh khí và trang thiết bị quân sự trong thời đại mới. Chiến lược đã xác định đúng đắn những nhiệm vụ của quân chủng và binh chủng. Chiến lược Xôviết phủ định và phê phán có cơ sở lý luận những học thuyết thiên kiến, đề cao vai trò chủ đạo của một phương tiện chiến tranh nào đó và trong điều kiện lúc bấy giờ đã vội hy vọng trông chờ vào “cuộc chiến tranh chớp nhoáng”, đó là những học thuyết chẳng hạn như “chiến tranh xe tăng”, “chiến tranh không quân”, “chiến tranh hải quân”…Chiến lược Xôviết đã biết đánh giá đúng tính chất của cuộc đấu tranh vũ trang và cả những phương thức cơ bản, cần có để giành thắng lợi đối với kẻ địch mạnh hơn về trang bị kỹ thuật, trong đó yếu tố con người luôn mang tính chất cơ bản, quyết định.
Lực lượng vũ trang Xôviết cũng đã đề ra được lý luận mới có cơ sở khoa học kỹ thuật cho việc chuẩn bị và tiến hành các chiến dịch qui mô tập đoàn quân và phương diện quân. Các vấn đề tiến công, các trận đánh gặp gỡ (tao ngộ chiến), bao vây và tiêu diệt địch, tổ chức phòng ngự tích cực và có chiều sâu, đảm bảo hậu cần… đã giữ một vị trí đặc biệt trong lý luận quân sự Xôviết và đã tỏ ra đáp ứng được những đòi hỏi trong cuộc chiến tranh sắp tới.
Tuy nhiên, do thời gian quá ngắn, đã không đủ cho nhân dân Liên Xô giải quyết được tất cả những vấn đề bảo đảm chắc chắn cho nền an ninh của đất nước.Nhiều biện pháp quan trọng còn chưa được thực hiện.
Từ năm 1939, trước sự đe dọa xâm lược ngày một tăng của phát xít Đức, Liên Xô đã phải áp dụng hàng loạt biện pháp cấp bách nhằm tăng nhanh hơn nữa sức mạnh chiến đấu của Hồng quân.
Mùa xuân năm 1941, 81 sư đoàn (trong đó có 40 sư đoàn xe tăng, 20 sư đoàn cơ giới) đang ở giai đoạn thành lập. Đến tháng 1-1941, số quân đã là 4,2 triệu người và tăng lên khoảng 5 triệu vào ngày 1-6-1941. Thế nhưng như đã nói, nền kinh tế Liên Xô khi đó không thể trong một thời gian quá ngắn đảm bảo trang bị mọi thứ cần thiết được cho một số lớn sư đoàn triển khai cùng một lúc.
Do vậy mà khi chiến tranh nổ ra, hầu hết các quá trình trang bị mới, trang bị lại, xây dựng đội ngũ, tổ chức bố trí lại đội hình theo khu vực lãnh thổ… đều đang ở giai đoạn triển khai hoặc dở dang và nói chung, nếu so sánh lực lượng thì quân phát xít Đức hơn quân đội Liên Xô về quân số là 1,8 lần, về xe tăng loại trung và loại nặng là 1,5 lần, về máy bay chiến đấu kiểu mới là 3,5 lần, về pháo và súng cối là 1,25 lần.
Đến đây, sự vận động nội tại của xã hội loài người, vừa mang tính tự nhiên vừa có tính nhân tạo, trong cuộc xoay vần của một thời đại, đã đạt đến trạng thái căng thẳng tột độ của nó và đòi hỏi phải giải quyết. Lúc này, mối quan hệ tương phản giữa chủ nghĩa độc tài hiếu chiến quân phiệt và chủ nghĩa dân chủ cộng hòa nhân văn đã biến thành đối kháng một mất một còn giữa chủ nghĩa Cộng sản và chủ nghĩa phát xít, được cho là kết quả tổng hợp, cộng hưởng của hàng loạt mối quan hệ thành phần hòa quyện, đan xen, kích thích lẫn nhau, như: chiến tranh và hòa bình, tiêu vong và tồn tại, nô lệ và tự do, khổ đau và hạnh phúc, hận thù và yêu thương… Sự vận động nội tại xã hội đã lựa chọn Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xôviết và Đức phát xít làm hai tuyến đầu để giải quyết mối quan hệ đối kháng mất - còn ấy, và như một lẽ tự nhiên, số phận thế giới được định đoạt theo hướng ưu tiên đòi hỏi thiết tha của Đức Huyền Diệu là thắng lợi thuộc về Đại Chúng nhân loại.
Như vậy, cuộc xung đột Xô - Đức là không thể tránh khỏi, tất yếu dẫn đến sự tiêu vong của chủ nghĩa phát xít tham tàn, và như một định mệnh, quân dân Liên Xô sẽ viết nên một thiên anh hùng ca bất hủ về lòng yêu nước có tựa đề: “Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại”, đồng thời cũng làm nên một chiến công chói lọi đến muôn đời, dâng lên Đức Huyền Diệu.
(còn nữa)

Mời xem:

LỜI PHÂN TRẦN

PHẦN I: CÓ MỘT CÁI GÌ ĐÓ

PHẦN II: NỀN TẢNG

PHẦN III: NGUỒN CỘI