THỰC TẠI VÀ HOANG ĐƯỜNG 32/b




PHẦN III:     Nguồn cội

“Đừng chê cõi trần nhơ
Đừng khen cõi trần đẹp
Cõi trần là thản nhiên
Chỉ có đời nhơ, đẹp.”
.


CHƯƠNG X: TỘI ÁC

“Với việc thiết lập bạo lực và giết nhau trong loài của mình, con người tự đặt nó xuống dưới con thú”
André Bourguignon


(tiếp theo)
Việc Groves quyết định bổ nhiệm Oppi vào vị trí giám đốc trung tâm thí nghiệm Los Alamos, lúc đầu đã bị nhiều chỉ trích. Ông này nhớ lại: “Người ta trách móc tôi rằng chỉ có người được giải Nôben, hoặc ít ra cũng phải là người khá đứng tuổi mới có thể đứng ở vị trí như thế được. Nhưng tôi đã chọn Oppenheimer, và thành công của ông đã chứng tỏ rằng tôi đã đúng. Không ai có thể làm nổi cái mà ông đã làm”.

Sau một thời gian ngắn, trên con đường đời định mệnh của mình, “cha đẻ bom nguyên tử” đã leo lên đỉnh cao của danh vọng và quyền lực. Nhưng ít ai biết, để đạt được như vậy, Oppi đã phải tự làm vẩn đục tâm hồn mình trước thói nghi kỵ và chống Cộng của cơ quan phản gián Mỹ. Lời nhận xét của một nhân viên tình báo Mỹ tên là Peer de Silva vào tháng 9-1943 cho thấy ông bị bắt thóp: “Có thể cho rằng Oppenheimer quan tâm sâu sắc đến việc trở thành nhà bác học nổi tiếng thế giới, và chiếm lĩnh được vị trí của mình trong lịch sử do đã thực hiện được đề án. Cũng có khả năng Bộ chiến tranh có thể cho phép ông thực hiện điều đó nhưng cũng có thể thanh toán tên tuổi, danh tiếng và sự nghiệp của ông nếu thấy cần làm thế. Nếu cho ông ta nhận thức được triển vọng đó một cách đủ rõ ràng, nó sẽ bắt ông phải nhìn bằng một con mắt khác quan hệ của ông với Bộ chiến tranh”.
Các nhà bác học cao siêu cũng chẳng thoát được vòng thèm khát danh lợi! Sự tán tận lương tâm không phải chỉ có ở những kẻ thấp hèn!
Vào mùa thu năm 1943, Bộ chỉ huy tối cao quân lực Mỹ đã thành lập một cơ quan đặc biệt với mật danh là “Alsos”, theo chân lực lượng đổ bộ vào châu Âu với nhiệm vụ thu lượm tin tức và chứng cứ về thực trạng nghiên cứu vũ khí nguyên tử của nước Đức Quốc Xã. Trong đó có nhà vật lý học thực nghiệm nổi tiếng người Đan Mạch, người đã từng thực hiện được một trong những khám phá quan trọng bậc nhất của vật lý học hiện đại: hiện tượng tồn tại Spin ở điện tử. Ông tên là Goudsmit được các đồng nghiệp gọi thân mật là “chú Sam”. Sau một thời gian nghiên cứu các tài liệu tịch thu được và hỏi cung các nhân chứng, Goudsmit đi đến kết luận: “… tôi cho rằng đề án của Đức không đáng để cho thậm chí chỉ một người lính của chúng ta bị trẹo khớp mắt cá chân”.
Không lâu sau đó, trong khi dạo chơi với một thiếu tá Mỹ, Goudsmit có nói: “Bọn Đức không có bom nguyên tử, thế có tuyệt không chứ? Bây giờ có thể không cần dùng đến bom nguyên tử của ta nữa”. Ông đã phải kinh ngạc trước câu đáp của viên thiếu tá: “Ông Sam, tất nhiên ông hiểu được rằng nếu chúng ta có vũ khí đó, thì chúng ta phải sử dụng nó”.
Goudsmit đâu biết nổi đó là một lời tiên tri!
Những báo cáo của “Alsos” về việc Đức Quốc Xã không có vũ khí nguyên tử, hơn nữa trình độ nghiên cứu vũ khí nguyên tử của Đức lạc hậu hơn 2 năm so với Đồng Minh, dù là bảo mật, vẫn lan truyền trong các phòng thí nghiệm Đồng Minh và được bàn luận sôi nổi ở đó.
Nhưng rồi phát xít Ý và phát xít Đức đều lần lượt bị tiêu diệt. Chỉ còn lại phát xít Nhật mà người ta biết chính xác không có khả năng chế tạo vũ khí nguyên tử.
Vậy thì biện hộ thế nào nếu vẫn tiếp tục nghiên cứu chế tạo vũ khí nguyên tử? Người ta đã tìm ra động cơ để xúc tiến, đại khái là thế này: “Nếu như chúng ta không làm ra loại vũ khí này, và không chỉ ra cho thế giới thấy được tính năng khủng khiếp của nó, dù chỉ bằng những cuộc thí nghiệm công khai thôi, thì sớm muộn gì một cường quốc thiếu thận trọng nào đó sẽ lẳng lặng sản xuất ra nó trong điều kiện hoàn toàn bí mật. Vì sự nghiệp hòa bình trên thế giới thì tốt hơn hết, nhân loại ít nhất phải biết rõ mình đang đứng ở đâu”. Đó cũng là nội dung lời phát biểu của Niels Bohr trong một cuộc bàn bạc mật. Và ông cũng nói tiếp một cách ngây thơ: “Nhân loại cần đến nguồn năng lượng mới mà chúng ta đã phát minh và nghiên cứu. Chúng ta phải chăm lo sao cho trong tương lai, nó được sử dụng nhằm mục đích hòa bình, chứ không phải là phá hoại”.
Tuy nhiên, một số nhà vật lý nguyên tử đã bắt đầu cảm thấy được tầm nghiêm trọng của vấn đề. Bohr là người đã trực tiếp lần lượt gặp tổng thống Rudơven (Roosevelt) của Mỹ và thủ tướng Sơớcsin (Churchill) để bàn luận vấn đề này nhưng hình như chẳng đạt kết quả gì. Người ta kể lại rằng Sơớcsin đã bất chợt đứng lên cắt đứt cuộc tiếp kiến, quay sang cố vấn khoa học của ông ta, huân tước Charwell, lắc đầu hỏi: “Thế ông ta nói cái gì đó? Nói về chính trị hay về vật lý?”.
Về phần mình, tướng Groves không mảy may nghi ngờ việc phải sử dụng bom nguyên tử trong cuộc chiến tranh này. Đầu năm 1945, khi đã tin chắc rằng trong vòng vài tháng nữa sẽ chế tạo xong bom, thủ trưởng của Đề án Manhattan đã báo cáo lên người chỉ huy trực tiếp ông là tướng George Marshall, trưởng ban tham mưu. Groves phát biểu rằng đã đến lúc cần xây dựng chi tiết kế hoạch sử dụng bom trong chiến tranh và cần giao cho một số sĩ quan cao cấp nghiên cứu sơ bộ vấn đề này. Bởi động cơ đó cho nên kể cả sau khi phát xít Đức đã đầu hàng, Groves vẫn tiếp tục hối thúc các đồng sự một cách thường xuyên: “Chúng ta không được bỏ phí một ngày nào cả”.
Mùa xuân năm 1945, nhóm khảo sát, chọn mục tiêu cho lần đầu sử dụng bom nguyên tử của Đề án Manhattan (mà đa số là các nhà bác học, trong đó có cả Oppi) đã đi đến kết luận trong một bản báo cáo đánh máy, đại ý là:
- Theo tính toán thì bom nguyên tử sẽ gây ra sự phá hoại lớn nhất cho đợt sóng xung kích ban đầu lan rộng trong một diện tích có bán kính đến 1,5 km, và sự phá hoại tiếp sau là do tác dụng của lửa. Do đó đối tượng được chọn phải là một khu vực có kích thước ít ra cũng bằng khoảng chừng như vậy mà trên đó có dày đặc các công trình kiến trúc bê tông cốt sắt và trước đó chưa bị oanh tạc để thấy được rõ rệt hiệu quả tàn phá của chỉ một quả bom thôi.
- Đối tượng được chọn phải mang ý nghĩa quân sự ở tầm chiến lược.
Bản báo cáo đã dẫn đến một quyết định lạnh lùng đến gai người: sự oanh tạc của không lực Mỹ trên đất Nhật phải “chừa ra” không được “chạm đến” 4 thành phố đã được chọn là Hirosima, Kokura, Niigata và thành phố cổ kính thiêng liêng đối với dân chúng Nhật là Kyoto. Khi nghe được tin này, chuyên gia về Nhật Bản là giáo sư Edwin O. Reishower đã ứa nước mắt. Mac Cormac, một luật sư người New York về sau đã thuyết phục được Bộ trưởng chiến tranh Steamson xóa tên Kyoto trong cái danh sách ghê hồn đó.
Cũng trong mùa xuân năm 1945, một số phi công ở sân bay Wendover, bang Utah đã luyện tập để chuẩn bị cho cuộc không kích đầu tiên bằng bom nguyên tử.
Szillard (có nghĩa là cứng, rắn), nhân vật mà trước kia đã nỗ lực và có sáng kiến “hay ho” sớm làm cho việc nghiên cứu chế tạo vũ khí nguyên tử nhanh chóng được triển khai, lúc này, lại hành động với những cố gắng cuối cùng nhằm đảo ngược tình thế. Một thời gian sau, Szillard đã nói như một lời tâm sự: “Vào năm 1943 và một phần năm 1944, mối lo chủ yếu của chúng tôi là sợ rằng Đức sẽ chế tạo được bom nguyên tử trước khi chúng ta tiến quân vào châu Âu… Năm 1945, khi chúng tôi hết lo lắng về cái mà người Đức có thể làm đối với chúng ta thì chúng tôi lại bắt đầu lo lắng về cái mà chính phủ Mỹ có thể làm đối với các nước khác”.
Sau khoảng 5 năm kể từ lần xin chữ ký của Anhxtanh để thuyết phục chính phủ Mỹ chế tạo bom nguyên tử, giờ đây Szillard lại tìm đến Anhxtanh giải thích về tình hình thế giới đã đổi khác để đề nghị Anhxtanh thảo một bức thư gởi tới Tổng thống Rudơven cùng với bị vong lục của Szillard. Trong bị vong lục tỉ mỉ của Szillard, có tường trình đại ý rằng bất kỳ một ưu thế quân sự ngắn ngủi và nhất thời nào mà bom nguyên tử có thể tạo ra cho Mỹ đều có thể nhanh chóng bị thủ tiêu bởi một sự thua thiệt nghiêm trọng về chính trị và quân sự tiếp theo sau. Bộ tài liệu này đã được đặt lên bàn làm việc của Tổng thống. Tuy nhiên Rudơven chưa kịp đọc đến thì ngày 12-4-1945, ông đã đột ngột từ trần.
Harry S. Truman lên làm tổng thống Mỹ. Vào ngày 25-4-1945, vị tổng thống mới đã được Steamson thông báo đầy đủ kế hoạch tuyệt mật về ném bom nguyên tử. Thời gian lúc này là rất quí báu đối với Szillard. Ông đã khẩn trương nhờ một cộng tác viên khoa học của mình ở Chicago có quen biết với thư ký của Truman, tên là Matt Connelly, tác động vào người này để xin được trực tiếp tiếp kiến. Có lẽ do quá bận bịu công việc trong những ngày đầu với vai trò tổng thống mà Truman đã không có thời giờ nói chuyện riêng với Szillard. Vì vậy, Connelly giới thiệu nhà bác học đến gặp James F. Bearns, một nhà hoạt động chính trị đang thành đạt và có thế lực của đảng Cộng Hòa, là thẩm phán của Tòa án tối cao (năm 1944 đứng đầu Cục động viên quân sự). Trước vị thẩm phán đang thăng hoa trên bước đường công danh, Szillard đã trình bày những điều ghi trong bị vong lục của mình. Nội dung trình bày của Szillard toát lên những gì đó xa xôi, lạ lẫm, chưa từng nghe thấy, chẳng hạn như việc cho rằng cần phải từ bỏ một phần chủ quyền quốc gia để cho các cơ quan kiểm soát của Liên Xô có mặt trên lãnh thổ Mỹ, và các cơ quan kiểm soát của Mỹ có mặt trên lãnh thổ Liên Xô; sự kiểm tra quốc tế đối với việc sản xuất urani và năng lượng nguyên tử… Đối với vị thẩm phán thì những ý nghĩ loại đó là không thực tế, có vẻ ngông cuồng, thậm chí là loạn thần kinh. Chẳng mấy chốc mà nhà vật lý học đã hiểu ra rằng những lý lẽ của ông không được vị thẩm phán tán thành, khi ông này, với thái độ lịch sự có thừa của một nhà chính trị, nói: “Ông có lo lắng quá nhiều đến những cái chẳng có gì thật cần lo lắm không? Theo chỗ tôi biết thì ở nước Nga hoàn toàn không có tí urani nào cả”. Vài tuần lễ sau Bearns được tổng thống Truman cử làm Quốc vụ khanh của nước Mỹ.
Dù sao thì một tổ chức có tên “Ủy ban lâm thời” để xem xét về vấn đề - nói theo bản chỉ thị của Marshall - “năng lượng nguyên tử không những theo khía cạnh chiến tranh mà cả theo khía cạnh quan hệ mới của con người với Vũ Trụ”. Nhìn vào thành phần của Ủy ban, những nhà bác học đang lo lắng việc bom nguyên tử sẽ được đưa ra sử dụng, đã không bớt đi được sự lo lắng đó một chút nào. Trong ủy ban có 5 nhà hoạt động chính trị nổi tiếng là Bộ trưởng chiến tranh Steamson, phó của ông ta là (thứ trưởng) Harrison, đại diện riêng của tổng thống là Bearns, đại diện hải quân Berd và người của Quốc vụ viện là Cleiton; có 3 nhà bác học đứng đầu một cơ quan đặc biệt tiến hành những nghiên cứu có mục đích quân sự từ năm 1940: Bush, Carl. T. Compton và Conent; các chuyên gia nguyên tử đóng vai trò như “bác học đầu ngành”: Oppenheimer, Fermi, Arthur. H. Compton. Chính Arthur H. Compton nhớ lại rằng vấn đề được đặt ra trước nhóm bác học này, trong đó có bản thân ông, không phải là có nên chăng sử dụng bom nguyên tử, mà là sử dụng bom nguyên tử như thế nào. Có một người không có tên trong danh sách các thành viên của Ủy ban, nhưng cũng gây được những ảnh hưởng nhất định, người đó có cái tên mà chúng ta rất quen: Lesley R. Groves. Ông này đã nói thẳng thừng: “Nếu như tôi chính thức tham gia vào ủy ban mà thành phần là những nhân vật dân sự thì thật là không tiện. Nhưng tôi đã có mặt trong tất cả các cuộc họp của Ủy ban, và bao giờ tôi cũng coi nhiệm vụ của mình là phải khuyến nghị việc sử dụng bom nguyên tử. Suy đến cùng thì vào lúc đó, nhiều thanh niên của chúng ta hàng ngày bỏ mình trong những trận đánh với quân Nhật. Theo chỗ tôi biết, trong số các nhà bác học lên tiếng chống lại việc sử dụng bom nguyên tử, chẳng ai có người thân thích trên các chiến trường. Vì vậy, họ hoàn toàn có thể cho phép mình tỏ ra độ lượng”.
Kết quả các buổi họp của Ủy ban lâm thời đã là thắng lợi hoàn toàn đối với Groves. Trong bản kết luận gửi lên tổng thống Truman, có những khuyến nghị sau:
1-     Phải sử dụng bom nguyên tử để chống Nhật càng sớm càng tốt.
2-     Cần dùng bom nguyên tử đánh vào đối tượng quân sự thuần túy hoặc nhà máy quân sự có tầm quan trọng lớn.
3-     Phải ném bom mà không cảnh báo trước.
Những khuyến nghị đó được giữ tuyệt mật, song vẫn lọt ra ngoài, tới Chicago, Ocridge, Los Alamos, nơi mà các nhà bác học, đặc biệt là giới trẻ, càng ngày càng công khai đứng lên chống việc sử dụng bom nguyên tử. Trường đại học Chicago đã lập ra một hội đồng để xem xét và bàn bạc về “những vấn đề xã hội và chính trị có liên quan đến năng lượng nguyên tử”. Đứng đầu hội đồng là James Franck, người được giải thưởng Nôben, nguyên là giáo sư ở Gottingen. Ngoài Franck ra, Szillard và nhà sinh hóa học Rabinovich đã đề xuất nhiều đề nghị nhất để đưa vào bản bị vong lục của hội đồng. Về sau này, bản bị vong lục đó được gọi là “Bản báo cáo của Franck”.
Ngày 11-6-1945, báo cáo của các nhà bác học Chicago được gởi tới Bộ trưởng chiến tranh, như một điều trần nhằm khuyến cáo không nên sử dụng bom nguyên tử đánh Nhật. Trong đó, có đoạn viết: “Như vậy, ưu thế quân sự đạt được bằng cách dùng bom nguyên tử bất thần tấn công Nhật sẽ bị thủ tiêu do sự mất lòng tin về sau này. Làn sóng sợ hãi và kinh tởm sẽ bao trùm thế giới chắc hẳn sẽ phân chia dư luận xã hội trong nước”.
“Báo cáo của Franck” cũng đã đề nghị thay thế việc ném bom nguyên tử xuống Nhật như đã hoạch định bằng việc biểu diễn sức mạnh của vũ khí mới trước tất cả các đại biểu của Liên Hiệp Quốc trong một hoang mạc, hoặc trên một hòn đảo không có người ở. Sẽ tạo được bầu không khí tốt đẹp nhất để đạt tới một sự thỏa thuận quốc tế nếu như nước Mỹ có thể nói với thế giới: “Các bạn thấy đấy, chúng tôi có thứ vũ khí như thế nào, nhưng chúng tôi không sử dụng nó. Chúng tôi sẵn sàng từ bỏ, không sử dụng nó cả trong tương lai nữa, nếu như các nước khác đồng ý với chúng tôi và tán thành lập ra một sự kiểm soát quốc tế có hiệu quả”.
Uy tín của các nhà bác học Chicago đã khiến Steamson gửi ngay bản “Báo cáo của Franck” cho Ủy ban lâm thời. Ủy ban này nhóm họp lần thứ hai ở Los Alamos vào ngày 16-6-1945 (nhóm họp lần thứ nhất vào ngày 31-5-1945). Oppi kể lại: “Người ta yêu cầu chúng tôi phát biểu ý kiến về vấn đề có nên sử dụng bom nguyên tử không. Nguyên cớ là có bản điều trần của các nhà khoa học nổi tiếng và có uy tín, họ đã đi đến kết luận là không nên sử dụng bom nguyên tử. Đối với tất cả chúng tôi, giá họ đừng làm như thế thì tốt hơn. Chúng tôi không biết về tình hình quân sự của Nhật, và vì vậy không biết được có thể bắt Nhật đầu hàng bằng những phương tiện nào khác không. Nhưng trong tiềm thức, chúng tôi cảm thấy rằng việc sử dụng bom nguyên tử là không thể tránh được… Dù sao thì việc sử dụng bom nguyển tử là có thể chấm dứt chiến tranh và có ảnh hưởng đến sự ổn định của thế giới sau chiến tranh. Chúng tôi cũng đã tuyên bố rằng việc cho nổ một quả bom như vậy trên hoang mạc chắc gì đã gây ra được một ấn tượng lớn”.
Thế là ước mơ ngăn chặn việc ném bom nguyên tử xuống đất Nhật đã tan biến.
Ngày 12 và 13-7-1945, những bộ phận cấu thành của cơ cấu nổ bên trong quả bom thí nghiệm được mang ra khỏi Los Alamos theo “cổng hậu”, đưa đến khu thử nghiệm mang tên “Miền chết” (Jornada del Muerto), ở gần làng “Tối tăm” (Oscuro). Tại đây, giữa hoang mạc, một cơ cấu thép được dựng lên để đặt quả bom trên đó. Vì ở đấy thường có những cơn giông mạnh nên người ta quyết định sẽ đợi đến tận lúc cuối cùng mới đặt quả bom lên. Để kiểm tra lại mọi điều kiện, ít lâu trước khi thử quả bom nguyên tử, người ta đặt lên cơ cấu đó một quả bom có kích thước gần như thế nhưng bên trong nhồi bằng chất nổ thông thường. Trong một cơn giông, sét đã đánh trúng nó. Quả bom đã nổ với một tiếng rền vang thật đáng sợ.
Quả bom thử nghiệm được quyết định cho nổ vào 5 giờ 30 phút. Vào 5 giờ 10 phút, người phó của Oppi là nhà vật lý nguyên tử S. C. Allison, một trong 20 người có mặt tại trạm quan sát, bắt đầu phát tín hiệu báo giờ. Mọi người phải nằm sấp và đeo kính bảo vệ để tránh bị mù.
Thuở hồng hoang, khi lần đầu tiên con người nguyên thủy tự nhóm lên ngọn lửa từ sự sáng tạo của mình, họ đã hân hoan biết chừng nào và vì nhận thức còn thấp kém mà vô tình không thấy được mặt trái tai hại của ngọn lửa. Đến giữa thế kỷ XX, sau một quá trình không ngừng nhận thức và sáng tạo ngày càng cao siêu và ngày một tài tình, con người đã biết thắp nên một ngọn lửa vĩ đại hơn nhiều: ngọn lửa nguyên tử. Điều dị thường là lần này họ cũng hân hoan không kém dù đã thấy trước mặt trái hủy diệt khủng khiếp của ngọn lửa nguyên tử, còn mặt phải thì chưa biết thế nào. Nền văn minh đã làm cho sự điên rồ hết thuốc chữa rồi chăng?...
Không một ai trông thấy những tia lửa đầu tiên của ngọn lửa nguyên tử. Tất cả chỉ là đột ngột bừng lên một ánh sáng trắng xóa, chói lòa, phản chiếu từ bầu trời và từ các quả đồi tới. Những người sau đó đánh liều quay đầu lại đã nhìn thấy một quả cầu lửa sáng chói càng ngày càng lớn mãi lên. Karson Mark, một trong những thành viên xuất sắc nhất của Ban lý thuyết cảm giác rằng quả cầu lửa sẽ không ngừng lớn lên, cho tới khi nó choáng hết bầu trời, dù ý thức mách bảo rằng điều đó không thể xảy ra. Vào lúc này, mọi người đều quên mất những công việc phải làm theo dự định. Groves viết: “Một vài người bị nỗi kích động xâm chiếm đã nhảy ra khỏi ô tô mà quên không đeo mặt nạ. Sau 2 hay 3 giây, họ bị mù và mất đi khả năng nhìn thấy quang cảnh mà họ đã chờ đợi suốt 3 năm”.
Nỗi bàng hoàng trước vụ nổ mãnh liệt đã bao trùm khắp mọi người. Oppi dán mình vào một chiếc cột chống trong căn phòng của trạm quan sát. Trong trí nhớ của ông bỗng hiện lên một đoạn trong thiên sử thi Bhagabad Gita của Ấn Độ cổ đại:
“Với sức mạnh bất tử và khủng khiếp
Bầu trời sẽ chói lọi trên cõi trần
Nếu như ngàn ánh Mặt trời
Đồng thời lóe lên trên đó…”
Tướng Farell diễn tả: “Tất cả khu vực đều được chiếu rọi bằng một thứ ánh sáng chói chang, cường độ của nó lớn gấp nhiều lần cường độ Mặt trời giữa trưa… Ba mươi giây sau vụ nổ, cơn gió mạnh đầu tiên đập vào mọi người và mọi vật. Kèm theo nó là tiếng gầm rú kéo dài khiến người ta kinh hoàng nghĩ đến Ngày xử án cuối cùng. Chúng tôi tự cảm thấy mình là sinh vật nhỏ mọn đã dám cả gan báng bổ Chúa mà động vào những sức mạnh cho tới nay chưa từng ai động đến. Ngôn ngữ là một phương tiện quá không hoàn chỉnh để diễn đạt tất cả những gì mà chúng tôi cảm xúc vào lúc đó”.
Có lẽ tướng Groves là người đầu tiên tự chủ lại được. Khi một nhà bác học nhảy bổ đến chỗ ông, suýt nữa thì phát khóc, nói rằng vụ nổ đã tiêu hủy hết cả dụng cụ quan sát và đo đạc của mình, thì Groves đã động viên: “Thế là tuyệt! Nếu dụng cụ đã không đứng vững được thì nghĩa là sức nổ khá mạnh và đó chính là cái mà chúng ta muốn biết”. Rồi ông nói với tướng Farell: “Chiến tranh phải chấm dứt! Chỉ một hay hai của cái này là bọn Nhật đi đời”.
Những người ở gần khu vực thử nghiệm trong phạm vi 200 km đã trông thấy một chớp sáng chói lọi khác thường trên trời.
Vài ngày sau, tin tức về cuộc thử bom thành công đã lan tới mọi phòng thí nghiệm của Đề án Manhattan. Một lần nữa, cuộc vận động chống sử dụng bom nguyên tử và sử dụng nó để đánh Nhật của các nhà bác học tiến bộ Mỹ lại nổi lên như một phong trào. Trong đó có việc Szillard cố gắng đi thu thập chữ ký càng nhiều càng tốt của các nhân viên Đề án Manhattan để phản đối. Song tất cả, vì nguyên nhân này hay nguyên nhân khác, đã hoàn toàn thất bại.
Ngay từ tháng 5-1945, người Mỹ đã sống với những ấn tượng sâu sắc của những thông báo về những trận đánh quá ư đẫm máu trên đảo Okinawa. Chỉ riêng trên đảo này, quân Mỹ chết và bị thương nhiều hơn suốt toàn bộ chiến dịch đánh chiếm Philippines. Tình hình đó khiến người Mỹ lo sợ rằng nếu tiến quân vào chính nước Nhật thì số thương vong sẽ còn tăng cao đến mức nào nữa. Một tình thế được đặt ra là hoặc thả bom nguyên tử, hoặc để cho chiến tranh kéo dài vô hạn định.
Như bây giờ người ta đã biết, tình thế đó được đặt ra không phải là một phản ánh đúng thực tại mà chỉ là do ý chí của một ai đó rất muốn “xài” bom nguyên tử. Cơ quan tình báo của bộ binh và hải quân Mỹ vào lúc đó đã cùng tin chắc như nhau rằng sự sụp đổ của phát xít Nhật chỉ còn là vấn đề của vài tuần lễ nữa mà thôi. Alfred Mac Cormac, chỉ huy cơ quan tình báo Mỹ trên chiến trường Thái Bình Dương đã nhớ lại: “Chúng ta nắm vững quyền kiểm soát trên không ở Nhật đến mức là đối với từng con tàu, chúng ta hoàn toàn biết được nó đã rời cảng nào và vào lúc nào để đi ra biển. Nhật đã sử dụng hết dự trữ lương thực, và dự trữ nhiên liệu trên thực tế cũng đã cạn. Chúng ta bắt đầu một chiến dịch bí mật thả mìn xuống tất cả các vịnh và các bến cảng của họ, điều đó tăng thêm không ngừng sự cô lập của họ đối với thế giới bên ngoài. Nếu như chúng ta đưa chiến dịch này đến sự hoàn tất lôgic của nó thì việc phá hủy các thành phố Nhật Bản bằng bom cháy và các loại bom khác sẽ là hoàn toàn không cần thiết”.
Nhà sử học Mỹ là Robert J. S. Batow, nghiên cứu những sự kiện xảy ra trước lúc Nhật sụp đổ còn cho rằng vào lúc đó có thể chấm dứt chiến tranh một cách nhanh chóng bằng con đường ngoại giao.
Thế thì vì sao Mỹ vẫn cố tình ném cho được hai quả bom xuống hai thành phố của Nhật, giết chết trong nháy mắt ngót 450 ngàn người dân vô tội, chưa kể một số lượng người không ít chết “chậm”, từ từ, lần lượt đến mãi sau này, thậm chí là ở thế hệ kế tiếp do bị nhiễm bức xạ và di họa để lại của nó?
Phải chăng một trong những nguyên nhân làm cho mặt trái của nhân tính thắng thế áp đảo mặt phải của nó là sự lo sợ rằng nếu không thả được bom nguyên tử xuống nước Nhật (mà lúc đó chỉ còn “chỗ đó” là thả được chứ còn thả chỗ nào nữa?) thì toàn bộ Đề án Manhattan sau khi đã ngốn hết gần 2 tỷ đôla bỗng trở nên “vớ vẩn” để rồi thay cho lời ca ngợi, sự vinh quang là lời chế giễu và trách cứ?
Phải chăng đây cũng là nguyên nhân: thói huênh hoang thường thấy ở một đế quốc muốn biểu dương sức mạnh của mình trước thế giới, trong đó có Cộng Sản, kẻ mà nó căm ghét từ lâu?
Hay là đây nữa: trong hồi ký của mình, Tổng thống Truman viết rằng lời “đồng ý” của ông đã giải quyết sự tranh cãi về việc ném bom nguyên tử. (Nhưng sao phải hủy diệt hai thành phố Nhật để giải quyết sự tranh cãi bằng mồm ấy?). Tướng Groves đã nhận xét: “Truman đã chẳng làm gì bao nhiêu khi ông nói “đồng ý!”. Vào lúc đó, phải có lòng dũng cảm lớn lắm mới nói ra chữ “không” được”. (Vì sao lại quái lạ như thế?). Trong bài phỏng vấn đăng trên báo “Le Monde” ngày 29-4-1958, người ta hỏi Oppi: “Trong thời gian ông là ủy viên Ủy ban đặc biệt (Ủy ban lâm thời) và có trách nhiệm kiến nghị với Tổng thống Truman những vấn đề khoa học về việc sử dụng bom nguyên tử ở Nhật, ông có cảm giác rằng một vài nhân vật nắm tình hình đầy đủ có thể vì lý do chính trị đã gây tác động đến việc ra những quyết định nào đó không?”. Ông trả lời: “Người ta đòi hỏi ở ủy ban giám định trước hết là ý kiến về những vấn đề kỹ thuật mới. Chúng ta đừng quên rằng chính phủ mới cần đến cái đó. Họ là những người chưa học được cách sử dụng chính quyền và cũng chưa học được cách giải quyết những vấn đề nguyên tử mà họ phải chịu trách nhiệm. Đa số những người cần đến ý kiến chúng tôi lại không có thời giờ để nghiên cứu vấn đề. Mặt khác, Tổng thống Truman và ngài Winston Churchill đã tỏ ra hoàn toàn đồng ý rằng phải sử dụng bom nguyên tử để chấm dứt chiến tranh. Ý kiến đó đã làm nặng đĩa cân…”.
Tuy nhiên dù có là nguyên nhân nào đi chăng nữa thì câu hỏi cơ bản nhất, quan trọng nhất để cho những người trong cuộc tự vấn lương tâm mình trước một sự tàn sát đồng loại vô tội đến mức kinh hoàng như thế, vẫn là: họ đã hành động sáng suốt hay không sáng suốt, vì hòa bình hay vì chiến tranh, chính đáng hay không chính đáng, tội lỗi hay không tội lỗi?
Lịch sử đã lưu lại nhiều câu trả lời chân thành, nhiều câu trả lời quanh co, nhiều câu trả lời mập mờ, nhiều câu trả lời có vẻ như chạy tội và cũng nhiều câu có phần trâng tráo. Hiện tượng đó có thể là do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân là: “cái tôi danh lợi” khó lòng mà xử một cách công minh chính bản thân mình. Dù sao thì nguyên nhân cơ bản, chính yếu là nguyên nhân này: trên nền tảng của đa dạng về tư tưởng thì quan niệm thị phi (đúng - sai) cũng phân ly thành đa chiều. Và cũng chính vì như vậy mà trong nhiều trường hợp phân trần, biện minh là có thể thông cảm được. Nhưng cái lạnh lẽo, băng giá toát ra từ rất nhiều tâm hồn thời đó đã làm cho chúng ta có cái cảm giác rờn rợn như đứng trước một kẻ đồ tể xa lạ, với khuôn mặt ánh lên sự vô cảm.
Robert Broad, một trong các nhà vật lý học Mỹ đã từng học ở Gottingen trước đó 20 năm, đã mô tả cảm xúc của mình và đồng nghiệp ở Los Alamos như sau: “Tất nhiên, chúng tôi rất xúc động vì hiệu quả vũ khí của mình, và đặc biệt vì bom được ném xuống không phải các mục tiêu quân sự ở Hiroshima, mà ngay chính giữa thành phố. Nhưng nếu muốn thành thực cho đến cùng thì tôi phải thú nhận rằng cảm giác khoan khoái ở chúng tôi thắng cảm giác ghê sợ. Và như thế vì rằng cuối cùng thì gia đình và bạn bè của chúng tôi ở các thành phố khác và ở các nước khác đã biết được nguyên nhân vì sao chúng tôi đã biến mất trong mấy năm nay. Và cuối cùng bản thân chúng tôi cũng thấy rõ được rằng đã làm việc không uổng công. Về phần mình, tôi phải nói rằng tôi không cảm thấy mình có lỗi”.
Willy Hidginbotten, một nhà bác học 30 tuổi, chuyên gia về điện tử học, viết từ Los Alamos cho mẹ: “Con không hề có chút tự hào gì về những việc bọn con đã làm được… Ý nghĩa duy nhất của nó là ở chỗ nó bắt nhân loại phải yêu hòa bình. Bây giờ không thể nào hình dung được một cái gì khác ngoài hòa bình. Nhưng khốn thay, bao giờ cũng có những kẻ không đắn đo gì hết”.
Người ta quyết định hai nhà bác học nguyên tử là Alvaretz và Agnew cùng với chuyên gia về bom của Anh là Penny sẽ tham gia vào cuộc ném quả bom nguyên tử thứ hai nhưng bay trên một máy bay riêng với mục đích là thám sát. Trước khi thực hiện nhiệm vụ, Alvaretz và các bạn ông là Morrison và Serber đang ngồi uống bia thì bỗng nảy ra một ý là trong cuộc ném bom, họ sẽ ném xuống một bức thư gửi cho một người bạn Nhật của họ là giáo sư Sagana, người đã cùng làm việc với họ trước chiến tranh ở Phòng thí nghiệm phóng xạ Berkeley. Bức thư đó gồm ba bản được buộc chặt mỗi bản vào một trong ba chiếc máy đo mà Alvaretz sẽ phải ném xuống mục tiêu (người ta đã tìm thấy được một trong ba bức thư đó sau khi bom nguyên tử nổ ở Nagasaki). Đây là một đoạn của nội dung bức thư: “Chúng tôi gửi bức thư này và khẩn thiết yêu cầu ông sử dụng ảnh hưởng của mình để làm cho Bộ trưởng tham mưu Nhật nhận thức được tất cả những hậu quả kinh khủng sẽ đổ lên đầu nhân dân nước ông, nếu họ cứ tiếp tục chiến tranh. Ông đã biết rằng với những chi phí cực lớn, đã có thể chế tạo được bom nguyên tử. Bây giờ hẳn ông đã thấy rõ là chúng tôi đã xây dựng được những nhà máy cần thiết… Ông cần hình dung rõ ràng rằng tất cả sản phẩm của các nhà máy đó, làm việc cả 24 giờ trong một ngày, sẽ nổ tung trên tổ quốc ông. Trong ba tuần lễ, chúng tôi đã nổ thử một quả trên một hoang mạc Mỹ, quả thứ hai đã nổ ở Hiroshima và quả thứ ba nổ sáng hôm nay.
Chúng tôi khẩn khoản xin ông khẳng định những sự kiện đó với các nhà lãnh đạo của ông, và làm mọi điều có thể để không cho sự tàn phá và chết chóc tiếp tục diễn ra trong sự tiến triển của một cuộc chiến tranh mà kết quả duy nhất sẽ là sự phá hủy hoàn toàn tất cả các thành phố của các ông. Là những nhà khoa học, chúng tôi lấy làm tiếc rằng một phát minh xuất sắc đã được sử dụng như vậy. Nhưng chúng tôi có thể đoan chắc với ông rằng nếu nước Nhật không đầu hàng ngay, thì trận mưa bom nguyên tử này sẽ được tăng cường”.
Giọng điệu đó là ngây ngô hay mù quáng; là năn nỉ hay dọa nạt; là nhân từ hay ác tâm? Nhắn nhủ cho bạn bè kiểu như thế thì thà im lặng quách đi có hay hơn không? Vì như vậy may ra còn giữ được chút tính nhân văn, sự liêm sỉ về sau.
Theo quan niệm Á - Đông xưa, người được gọi là quân tử là người có tâm hồn trong sáng, chuyên làm việc nhân nghĩa. Việc nhân nghĩa là việc có ích cho Đại Chúng, là đứng ra bênh vực, bảo vệ Đại Chúng trước cường bạo một cách quên thân, bất vụ danh lợi riêng tư. Vì thế người quân tử cũng là người có hành động cao thượng và đầy lòng vị tha. Tuyên ngôn hành động của người quân tử là:
Kiến nghĩ bất vi vô dũng dã
Lâm nguy bất cứu mạc anh hùng
(Nghĩa là: Thấy việc nghĩa mà không làm thì không phải là người dũng cảm; gặp người bị nạn mà không cứu thì không xứng đáng là anh hùng).
Tuy nhiên, trên bước đường hành động, do sự phức tạp của các hiện tượng xã hội, do sự biểu hiện muôn màu của thị phi mà đôi khi hành động của người quân tử trở thành phi nghĩa. Nhưng dù lỡ làm điều phi nghĩa thì cũng rất hãn hữu giết người vô tội vì ngay cả những kẻ thù khi đã sa cơ thất thế, người quân tử (đã sẵn lòng vị tha) cũng không nỡ giết. Khi nhận thức ra sai lầm của mình thì người quân tử luôn thành khẩn và ăn năn sâu sắc, thậm chí là quyên sinh để tỏ cái lòng ấy.
Tiểu nhân là kẻ có tâm hồn và hành động trái ngược với người quân tử. Trước một kẻ đã thế cùng lực kiệt mà vẫn cứ cố đánh, thậm chí kẻ đó đã chết rồi vẫn còn băm vằm xác thây thì đó là hành động chỉ có ở đứa tiểu nhân. Đã là tiểu nhân thì khó mà làm được điều nhân nghĩa một cách tự nguyện. Vì lẽ đó mà Khổng Tử bảo: “Người quân tử có khi phạm điều bất nhân, chứ chưa từng thấy kẻ tiểu nhân mà làm được điều nhân nghĩa”.
Phát xít Nhật đã gây ra nhiều tội ác. Nhưng trước một phát xít Nhật đã bị cả thế giới bao vây đến chân tường và kiệt quệ sinh lực đến mức trước sau gì cũng phải đầu hàng Đồng Minh (và trong khi Hồng quân Liên Xô đã bắt đầu giáng những đòn đích đáng vào đạo quân cuối cùng có ý nghĩa của nó) thì hành động của Đế quốc Mỹ: oanh tạc bằng bom cháy hàng loạt thành phố và hủy diệt hai thành phố của Nhật bằng bom nguyên tử, bắt chính phủ Nhật khuất phục bằng cách tàn sát dân thường Nhật, theo quan niệm Á - Đông nói trên, phải bị gọi là đê hèn. Trước Đức Huyền Diệu thì Đế quốc Mỹ (chứ không phải Đại Chúng Mỹ!) đã phạm tội ác tày trời chống nhân loại trong chiến tranh thế giới thứ hai. Dù có thể nói nhăng cuội kiểu gì đi nữa thì hai cái nấm khổng lồ một cách dị thường mọc trên đất Nhật cùng với ngót nửa triệu oan hồn lương thiện của giống loài người đã tố cáo vạch trần tội ác đó với trời xanh mà từ nay cho đến tận cùng của lịch sử loài người trong tương lai, không có bất cứ kẻ nào, thế lực nào có thể biện hộ gỡ tội được.
Xét cho cùng thì lãnh thổ Mỹ là bộ phận của đất đai thế giới, nhân dân Mỹ là bộ phận, được hun đúc nên từ nhân dân thế giới, do vậy cũng là con em của loài người. Nước Mỹ giàu có được, xét cho cùng thì cũng là nhờ nhân loại. Vì vậy nước Mỹ muốn làm anh các nước khác thì trước hết hãy là người quân tử đầy bao dung chứ đừng nên dọa nạt bằng vũ lực vượt trội của mình!
Đến đây, câu chuyện kể về tội ác của chiến tranh thế giới thứ hai đã kết thúc. Chúng ta không còn gì để kể thêm nữa. Nhưng sẽ chẳng có một ai có thể kể hết được tội ác mà con người đã từng gây ra cho đồng loại của nó và hiện nay, tội ác vẫn đang xuất hiện phổ biến hàng ngày hàng giờ.
***
Căn cứ vào kết quả nghiên cứu nhân chủng học, khảo cổ học thì người da đỏ ở châu Mỹ có nguồn gốc từ người tiền sử châu Á, thiên di sang từ trước đây khoảng 25.000 năm theo ngả vượt eo biển Bêrin đến Alaska rồi từ đó lan tỏa xuống phía nam. (Trong hoang tưởng, chúng ta cho rằng điều đó chưa chắc đúng. Nếu qui ước khái niệm “thiên di” là sự du cư của những quần thể còn mang tính bầy đàn thì sự xuất hiện người da đỏ ở châu Mỹ là kết quả của một cuộc lan tỏa dân cư từ một quần thể bán định cư, thịnh vượng nhờ phương thức kiếm sống trồng trọt - chăn nuôi mà tính quần cư - xã hội đã trở nên nổi trội. Nếu thực sự có Địa Đàng như chúng ta suy diễn thì cuộc lan tỏa dân cư đó phải bắt nguồn từ Đại Lục Mẫu như là một quá trình đi khám phá thiên nhiên để khai thác tài nguyên và có tính cao trào, cách mạng. Con người xuất hiện lần đầu tiên ở châu Mỹ, vì thế, phải là tại đâu đó ở phần cuối của khu vực phía nam của Lục địa này. Rất có thể người Indônêdiêng, người da đỏ châu Mỹ và cả ngươi da đỏ châu Úc đều có chung một thủy tổ gần. Lúc đó chắc là cự ly giữa bờ biển đối diện của hai đại lục có thể “dễ dàng” vượt qua bằng thuyền. Đảo Phục Sinh có thể đã từng là “ngọn hải đăng” thiên nhiên của một thời kỳ thuyền bè đi về “tấp nập” và kiến thức thiên văn - hàng hải của loài người cũng có thể xuất phát từ đây. Phải chăng những hiểu biết thiên văn của “thời đại Mặt Trời” ấy còn lưu dấu tích khắp Nam Mỹ cho đến tận ngày nay? Nếu đúng thế thì trí tuệ loài người lúc đó đã đạt đến cao siêu, dù vẫn là “đồ đá”. Sự phân tầng học thức trong xã hội là một hiện thực. Không cần thiết mà cũng không thể là mọi người trong xã hội đều đạt được đến trình độ học thức siêu việt một cách toàn diện. Cuộc mưu sinh không đòi hỏi phải như thế mà chỉ cần một bộ phận làm “đầu lĩnh” đóng vai trò “kim chỉ nam” cho hoạt động xã hội là đủ. Nhất là thời kỳ chưa xuất hiện chữ viết hoặc xuất hiện sơ khai dưới dạng dây thắt nút thì hiện tượng phân tầng học thức ấy biểu hiện ra càng rõ rệt. Những người có học vấn cao nhất sẽ được qui tụ về thành một trung tâm trí tuệ của “xã hội Địa Đàng” đóng ở trong một khu vực mà chúng ta tạm gọi là “thủ đô Mặt Trời” nằm ở vị trí cũng được gọi là “trung tâm” của Đại Lục Mẫu. Cuộc lan tỏa dân cư đang ở thời kỳ “rầm rộ” nhất của nó thì, đùng một cái, “tai biến thiên nhiên vĩ đại” đã đột ngột chấm dứt tất cả. Cái bộ phận chủ yếu của “trí tuệ xã hội Địa Đàng” bỗng chốc mất đi đến độ không thể hồi phục được, đã đem theo biết bao nhiêu “bí quyết khoa học” gặt hái và tích lũy được trước đó của loài người. Chúng ta thử tưởng tượng rằng trong thời đại hiện nay, bỗng dưng vào một “ngày đẹp trời” nào đó, tất cả các sách vở, tài liệu lưu trữ về kiến thức khoa học tự nhiên tan biến hết, các nhà bác học, chuyên gia kỹ thuật cũng bỏ đi chơi mất dạng không bao giờ quay về nữa thì trí tuệ của xã hội sẽ như thế nào? Có thể là phải lùi về thế kỷ XVIII hoặc thậm chí là sâu hơn nữa vào quá khứ!). Cho đến nay hình như khảo cổ học chưa phát hiện được một di chỉ nào thuộc thời đại tiền đồ đá cũ ở châu Mỹ.
Khi nói về hiện tượng “Lục địa trôi dạt”, chúng ta quen mường tượng đến một quá trình xảy ra từ từ và đều đặn. Nhưng chắc là không hẳn thế. Vận động nội tại của Trái Đất không thể không mang bản chất chuyển hóa tương phản lưỡng nghi mà biểu hiện nổi trội của nó trước quan sát của con người là những quá trình nhiệt động vừa liên tục vừa không liên tục, vừa đều đặn vừa không đều đặn, cũng là sự xuất hiện và mất đi của các quá trình bộ phận vừa tất yếu vừa ngẫu nhiên. Đó chính là nguyên nhân làm cho vỏ trái đất có kiến tạo mảng, hội tụ và phân ly, trôi dạt như những khối bọt, xỉ trên một chảo lửa khổng lồ. Sự tồn tại và trôi dạt của các lục địa vì thế mà cũng có tính chu kỳ, biến đổi ổn định nhưng cũng có những lúc đột biến. Chắc chắn là sự tan chảy suy sụp đồng thời với đông kết tạo sơn đã làm cho bề mặt Trái Đất có hình thái đại dương - lục địa. Quá trình đó cũng làm cho tổng diện tích bề mặt lục địa và cả tốc độ trôi dạt của các lục địa cũng tăng giảm tương đối. Phải chăng sự biến mất của Đại Lục Mẫu do tan vỡ, bùng nổ cùng với hiện tượng tăng đột ngột tốc độ trôi dại của các lục địa còn lại không những đã làm nên một trận đại hồng thủy mà đồng thời là cả một trận  “đại hồng hỏa” có qui mô toàn cầu và đó cũng là nguyên nhân biến mất của thời đại Địa Đàng?).
Nhiều khả năng người tiền sử châu Á cũng theo con đường vượt qua eo biển Bêrin để xâm nhập vào châu Mỹ từ phía bắc. Nhưng chắc sự kiện này chỉ xảy ra vào khoảng hơn 10 ngàn năm cách nay.
Có thể cho rằng cuộc thám hiểm phát hiện ra châu Mỹ vào thế kỷ XVI của Crixtốp Côlôngbô đã mở đầu cho một cao trào lan tỏa dân cư lần thứ ba của loài người đến đó. Nếu cuộc lan tỏa dân cư lần thứ nhất và thứ hai có tính chất khai phá miền đất thiên nhiên hoang dã thì có thể nói cuộc lan tỏa dân cư lần thứ ba nổi trội lên tính chất thực dân xâm lược.
Một trong những nguyên nhân làm cho châu Âu trở thành khu vực đã từ lâu xuất phát nhiều cuộc viễn chinh và có một nền khoa học kỹ thuật phát triển đột khởi sau “đêm trường trung cổ” là nhờ tính năng động sáng tạo của dân cư ở một vùng đất “chật chội”. Sau khi đã tiếp thu những thành quả tri thức từ phương Đông, đến lượt họ trở thành ngọn cờ đầu của những phát kiến khoa học - kỹ thuật, phất cao và tiến nhanh về phía trước. Việc người châu Âu tìm thấy châu Mỹ và nhanh chóng chinh phục nó là một tình cờ tất yếu của cái quá trình vận động xã hội ấy.
Người da đỏ đã sống từ lâu đời, rải rác ở những vùng đất phì nhiêu khắp Bắc Mỹ. Vào thời Crixtốp Côlôngbô phát hiện ra châu Mỹ thì trình độ xã hội ở đây vẫn mang hình thức các bộ lạc. (Có tình trạng phát triển xã hội chậm chạp đó phải chăng chủ yếu là do mật độ dân cư thưa thớt, miếng ăn kiếm được từ thiên nhiên khá đầy đủ và tương đối dễ dàng…?). Sự hình thành và phát triển nền kinh tế công nghiệp hóa châu Âu đã “hối thúc” các nước ở đó đi tìm kiếm những nguồn nguyên vật liệu mới từ bên ngoài và họ đã thấy tiềm tàng to lớn về tài nguyên thiên nhiên ở miền đất này.
Vùng Bắc Mỹ khi đó bị coi như vùng đất vô chủ nên các nước thực dân châu Âu đều tìm cách xâm chiếm. Lúc đầu là Pháp rồi đến Hà Lan, Thụy Điển và Anh đến tranh giành.
Do có ưu thế của một nền kinh tế mạnh hơn nhờ sớm bước vào thời kỳ sản xuất công nghiệp tập trung tư bản chủ nghĩa, sự bành trướng của nước Anh ở Bắc Mỹ trở nên vượt trội hơn hẳn. Năm 1607, người Anh chính thức đặt chân lên khu vực Viếcginia. Cuộc đấu tranh giành quyền lợi gay gắt trong lòng xã hội Anh trước cuộc cách mạng tư sản nổ ra vào năm 1640; đã tạo ra một làn sóng di cư, rộng lớn đến Bắc Mỹ mà thành phần chủ yếu là nông dân bị mất đất làm ăn. Làn sóng đó trở nên cao trào vào những năm 20 của thế kỷ XVIII. Đến năm 1752, Anh đã thành lập được 13 vùng thuộc địa. Năm 1754, trên đất thực dân Anh ở Bắc Mỹ đã có 1,3 triệu người. Tiếng Anh dần thành ngôn ngữ giao tiếp phổ biến…
Vào khoảng thế kỷ XVII - XVIII, nước Anh coi Bắc Mỹ chỉ là vùng nông nghiệp phụ thuộc chính quốc. Đối tượng bóc lột của Anh ở đây là người da đỏ, nô lệ da đen và những dân di cư. Nhiệm vụ hàng đầu của Bắc Mỹ là cung cấp các loại nguyên liệu và lương thực cho nước Anh. Quí tộc tư bản Anh muốn duy trì những tàn dư phong kiến ở Bắc Mỹ để trở thành những đại địa chủ. Vua Anh phân phong những vùng đất mới cho quí tộc, có vùng rộng lớn tới hàng vạn cây số vuông. Chính sách tập trung ruộng đất vào tay quí tộc và những luật lệ ràng buộc khắt khe cũng như sự bóc lột kiểu phong kiến và chiếm hữu nô lệ đã tạo ra mâu thuẫn ngày càng gay gắt trong cái xã hội đang định hình ở Bắc Mỹ; dẫn đến tình trạng nông dân nghèo di cư đến, phản kháng chống đối lại, thậm chí là khởi nghĩa vũ trang. Những vùng đất trống ở phía tây còn nhiều làm xuất hiện phong trào nông dân tự động đi về phía tây chiếm những vùng đất trống để khai khẩn lập nên những nông trại, đồn điền. Năm 1763, vua Anh ra sắc lệnh cấm khai khẩn vùng đất đai rộng lớn bên kia dãy núi Alêgơnít và lưu vực sông Mitxixipi. Năm 1774, nhà vua ra lệnh cấm cư dân 13 bang thuộc địa không được di cư về phía tây. Những sự kiện đó càng làm cho mâu thuẫn xã hội trở nên gay gắt: quyền lợi của quí tộc phong kiến chính quốc đã không thể dung hòa được với quyền lợi của Đại Chúng thuộc địa, luật lệ phi lý của nhà vua đã đối chọi với xu thế phát triển đặc thù của kinh tế Bắc Mỹ.
Một đặc trưng của nền kinh tế nông nghiệp Bắc Mỹ là sự hình thành chế độ đồn điền. Sản xuất kiểu đồn điền cần nhiều lao động làm thuê và vào những giai đoạn đầu thì lực lượng tại chỗ lại không đủ đáp ứng. Bản chất độc ác, tham lam của thực dân - phong kiến cùng với sự cạnh tranh gay gắt trong quá trình tích lũy tư bản thuở ban đầu đã làm cho tầng lớp thống trị ở các nước châu Âu “khám phá” ra một nguồn lao động vừa rẻ vừa hết sức dồi dào, đó là dân da đen ở châu Phi. Một ngành kinh doanh không kém phần béo bở ra đời: buôn bán nô lệ da đen. Đã có một thời thị trường mua bán này hết sức sôi nổi, rầm rộ kéo theo “nghề” dụ dỗ, mua chuộc, săn bắt người dân châu Phi cũng trở nên “phát đạt”. Những đồng tiền tích lũy được, sự giàu có từ ngành nghề này đã thấm đẫm biết bao nhiêu nỗi thống khổ, đau thương, biết bao nhiêu máu và nước mắt của đồng loại. Như thế gọi là gì nếu không phải là tội ác?
Những người nô lệ da đen đầu tiên đến Bắc Mỹ là bị thực dân Hà Lan chở sang vào năm 1619. Buôn bán nô lệ có khi lãi tới 1.000%. Những người nô lệ da đen bị khinh miệt như súc vật, phải lao động kiệt lực và nhận khẩu phần rất ít ỏi. Họ có thể bị giết, bị đánh đập và đem bán bất cứ lúc nào nếu chủ muốn. Hàng triệu nô lệ đã phải chết do áp bức, bóc lột. Nô lệ làm việc ở các đồn điền không loại trừ người da trắng (gồm tù nhân, con nợ, trẻ em bị bắt cóc bán sang thuộc địa…) nhưng chủ yếu là người da đen và họ là những người bị đối xử tàn tệ nhất. Chế độ nô lệ đồn điền đặc biệt phát triển ở vùng kinh tế miền Nam. Nó giữ vai trò quan trọng trong nghề trồng bông và cả trong công nghiệp đóng tàu, công nghiệp dệt…
Có thể nói sự giàu có của các chủ đồn điền để rồi trở thành các nhà tư sản lớn thời kỳ đó chủ yếu là nhờ vào chế độ nô lệ, nghĩa là nhờ vào xiềng xích chứ không phải tự do.
Lúc đầu, 13 bang thuộc địa còn quan hệ với nhau tương đối rời rạc và đều tuân thủ luật pháp Anh. Dù thành phần cư dân là gồm nhiều quốc tịch, nhiều sắc tộc nhưng do số lượng người Anh chiếm áp đảo nên dần dần, tiếng Anh được chọn làm ngôn ngữ giao tiếp chung. Bên cạnh đó, quá trình vận động kinh tế - xã hội đã nảy sinh những yêu cầu làm cho 13 bang thuộc địa ngày một gần gũi, gắn bó chặt chẽ với nhau, dân cư giao lưu qua lại hòa hợp nhau, hình thành nên một cộng đồng dân cư ổn định, thống nhất như một dân tộc có chung một nền văn hóa khu vực với những nét riêng đặc thù. Một cơ thể kinh tế - xã hội tương đối độc lập với chính quốc Anh đã hình thành ở Bắc Mỹ.
Sự lớn mạnh về kinh tế, tiềm năng phát triển dồi dào về mọi mặt cũng như quyền lợi bản thân của khu vực thuộc địa Bắc Mỹ đã không còn “chịu đựng nổi” sự áp chế trái chiều của chính quốc Anh. Lúc này, quyền lợi chung của toàn dân “bản xứ” đã đối chọi với quyền lợi có tính ăn cướp của “ngoại bang” Anh. Cuộc chiến tranh giải phóng đòi độc lập tự do của nhân dân Bắc Mỹ là không thể tránh khỏi.
Vào tháng 5-1756, cuộc chiến tranh giành giật đất đai ở Bắc Mỹ giữa Anh và Pháp, lịch sử gọi là “chiến tranh bảy năm” (1756 - 1763) bùng nổ. Pháp thua, phải ký hòa ước. Theo đó, Canada thành đất thuộc quyền Anh. Vì “mắc tội” ủng hộ Pháp trong chiến tranh, Tây Ban Nha cũng phải mất cho Anh vùng đất Phlorida. Sau khi lũng đoạn được vùng Bắc Mỹ, Anh tăng cường chế độ cai trị chuyên chế, hà khắc, tăng cường bóc lột.
Tình hình đó đã khơi dậy phong trào đấu tranh của dân cư Bắc Mỹ với khẩu hiệu “Tự do và tư hữu”, “Thống nhất hoàn toàn hay là chết”. Những hội kín ra đời liên kết lực lượng và thống nhất tư tưởng, trong đó có tổ chức “Hội những người con tự do” (Sons of Liberty) do Tômát Ghépphécsơn (1743 - 1826), người có tư tưởng tự do, lãnh đạo.
“Những người con tự do” lấy tư tưởng của Lôcke và của Giôn Mintơn (J. Locke; John Milton) về quan niệm một nhà nước tư sản làm mục tiêu đấu tranh. Tác phẩm của Lôke, “Tiểu luận về chính quyền dân sự”, xuất bản năm 1690, đã cung cấp cho cuộc đấu tranh giành độc lập Bắc Mỹ một nội dung lý thuyết về nhà nước tư sản. Đó chính là tư tưởng cách mạng tư sản Anh lan sang Mỹ, được chấp nhận và áp dụng trong thực tiễn. Nó nêu lên nhiệm vụ của nhà nước là bảo vệ tính mạng, tự do và tài sản của nhân dân. Quyền lực chính trị là của dân và dân ủy thác quyền lực đó cho chính phủ. Chính phủ chỉ là đại diện của dân, vì thế có bổn phận thực thi quyền hành do nhân dân giao phó. Nhưng nếu chính phủ vi phạm quyền “tự nhiên” của công dân thì công dân có quyền và trách nhiệm phải lật đổ chính phủ.
Không khí cách mạng ngày một sục sôi, ngay cả Oasinhtơn (Washington, 1732 - 1799), một chủ đồn điền - chủ nô giàu có ở Viếcginia, người có khuynh hướng ôn hòa, cũng ngả theo cách mạng.
Nước Anh điều tướng Ghêgiơ sang làm thống đốc bang Masaxuxét kiêm tổng tư lệnh quân đội Anh ở Bắc Mỹ; thông qua ngân sách chiến tranh, tăng cường quân đội, quyết tâm đàn áp thuộc địa.
Ngày 10-5-1775, những người lãnh đạo phong trào cách mạng ở các bang họp hội nghị nhằm giải quyết những vấn đề cụ thể của chiến tranh, quyết định thành lập “Quân đội lục địa”, bổ nhiệm Oasinhtơn làm chỉ huy, ra lời kêu gọi nhân dân tình nguyện tham gia đóng góp. Xu hướng độc lập đã được các đại biểu như Giôn Adam (John Adams), R. H. Li (R. H. Lee) đề nghị và Hội nghị chấp thuận. Một Ủy ban 5 người, đứng đầu là Giépphécxơn được  ủy quyền thảo Tuyên ngôn độc lập và Hội nghị đã long trọng công bố ngày 4-7-1776. Bản tuyên ngôn này đã nêu lên một chân lý sáng ngời của Đức Huyền Diệu: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa đã ban cho họ những quyền không thể tước bỏ được. Trong những quyền ấy, có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Thoạt đầu chiến tranh, “Quân đội lục địa” với số lượng không nhiều, chỉ huy thiếu kiến thức quân sự, trang bị vũ khí còn thô sơ, nghèo nàn nên gặp nhiều bất lợi, dù mang tính chính nghĩa, được nhân dân ủng hộ và cũng đã chiến đấu rất anh dũng. Cuộc chiến đấu ở bang Niu Oóc đã có hàng ngàn người da đen hy sinh. Ngày 17-6-1775, quân Anh đánh bại nghĩa quân ở Bâncơ Hin, gần Bôxtơn nhưng cũng phải trả một giá rất đắt. Cũng trong năm 1775, nghĩa quân bị quân Anh đánh bật khỏi Long Ailan và Manhattan, phải rút về Niu Giớcxi. Đến mùa đông năm 1776, quân chủ lực trong tay Oasinhtơn chỉ còn không quá 3.000 người.
Mùa xuân năm 1777, Oasinhtơn bị thất bại ở Giécmantao. Quân Anh định mở cuộc tấn công lớn bao vây tiêu diệt nhưng bị nghĩa quân đánh tan ngày 17-10-1777. Quân Anh thất bại lớn tại Saratôga, tướng Anh là Bớcgôn phải đầu hàng. Chiến thắng Saratôga biểu hiện sự lớn mạnh và khả năng giành thắng lợi trong cuộc chiến của quân khởi nghĩa.
Dần dần, quân đội lục địa được các nước châu Âu là Pháp, Hà Lan và Tây Ban Nha ủng hộ, gửi quân tham gia chiến đấu làm hình thành một liên minh chống Anh.
Tháng 12-1778, bang Gioócgia bị quân Anh chiếm. Tháng 5-1779, quân Anh đánh bại nghĩa quân, chiếm Carôlinna Nam. Ngày 12-5, quân Anh chiếm hải cảng Saclettơn (thuộc Carôlinna Nam), bắt làm tù binh tới 6.000 nghĩa quân. Ngày 16-8-1780, tướng Anh là Coócoalít đánh tiêu diệt một cánh nghĩa quân ở Camđen.
Sau khi củng cố ổn định lại lực lượng, Oasinhtơn quyết định dùng tổng lực hải quân, bộ binh, pháo binh đánh trận sống mái ở Yoóctao. Đội quân gồm 8.000 người của Coócoalít đồn trú trên bờ sông đã bị hạm đội của Pháp chặn đường rút để rồi bị quân của Oasinhtơn và quân của Rôsămbô (tướng Pháp) bao vây. Không thể kháng cự và cũng hết đường tháo chạy, Coócoalít cùng toàn bộ quân Anh đồn trú, đã phải đầu hàng ngày 19-10-1781. Chiến thắng Yoóctao đã đánh tan hy vọng cuối cùng vào thắng lợi của nước Anh.
Tuy chiến tranh còn kéo dài thêm một thời gian nữa nhưng tình thế của quân Anh là không thể cứu vãn. Ngày 3-9-1783, Hiệp ước Vécxai được ký kết: nước Anh thừa nhận nền độc lập của các thuộc địa ở Bắc Mỹ kể cả miền tây Mitxixipi rộng lớn, Anh trả Phlorida cho Tây Ban Nha.
Một quốc gia mới ở Bắc Mỹ ra đời, được gọi là Hợp chủng quốc Mỹ (United States of American), hay gọi là Mỹ và vì cờ Mỹ có nhiều sao thể hiện số bang nên dân ta cũng gọi là Hoa Kỳ. Hiến pháp Mỹ được phê chuẩn vào tháng 7-1788 và có hiệu lực từ ngày 4-3-1789. Oasinhtơn được bầu làm tổng thống đầu tiên.
Cuộc đấu tranh vũ trang của nhân dân Bắc Mỹ vừa mang hình thái của cuộc khởi nghĩa chống quân xâm lược Anh giành độc lập dân tộc, vừa là cuộc nổi dậy của Đại chúng chống áp bức cường quyền và cũng là cuộc cách mạng dân chủ tư sản. Theo Lênin thì đó là cuộc “chiến tranh vĩ đại, chiến tranh thực sự giải phóng, thực sự cách mạng”!
Là một nước tư bản trẻ, kế thừa được những thành tựu cách mạng khoa học - kỹ thuật đương thời cùng với tiềm năng phát triển to lớn sẵn có, nước Mỹ đã có một nền kinh tế phát triển cực kỳ nhanh chóng trong thế kỷ sau.
Dù sao thì cuộc cách mạng dân chủ tư sản đồng thời cũng là cuộc đấu tranh giành độc lập ấy là không triệt để vì chế độ nô lệ (chủ yếu là ở miền Nam nước Mỹ) chưa bị thủ tiêu: Sự tiếp tục tồn tại chế độ nông nô - nô lệ trở nên già cỗi, lạc hậu, cản bước tiến của sự phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa, và vì vậy mà cũng gây ra mâu thuẫn giữa hai thế lực bảo thủ và cấp tiến ngày càng gay gắt. Tình hình đó tất yếu làm xuất hiện các cuộc khởi nghĩa của những người nô lệ và cuộc đấu đá tranh giành quyền lợi giữa hai phe: chủ nô đồn điền miền Nam và trại chủ - dân tự do.
Năm 1741 nổ ra cuộc khởi nghĩa nô lệ ở Ludiana, năm 1792 là ở Viếcginia. Mùa xuân năm 1800 gần 1.000 nô lệ nổi dậy đấu tranh vũ trang ở Risơmen (thuộc bang Viếcginia), do Cơrâybien lãnh đạo. Năm 1822 có cuộc khởi nghĩa nô lệ ở Nam Carôlinna. Năm 1831 có cuộc nổi dậy do Toocne lãnh đạo.
Do sức mạnh của công nghiệp hóa thắng lợi, ưu thế hoàn toàn thuộc về các nhà tư bản miền Bắc. Giữa thế kỷ XIX, các cuộc nổi dậy của nô lệ càng nhiều. Chế độ nô lệ đã bị lay chuyển tận gốc rễ. Tuy nhiên, vì nắm chính quyền thông qua đảng Dân Chủ (được thành lập năm 1791) đại diện cho nó nên chủ nô miền Nam đã khống chế chính quyền trung ương, sử dụng quyền lực đó để bênh vực cho chế độ nô lệ. Cuộc đấu tranh gay gắt nổ ra vào năm 1854 trong dịp bầu cử Hội đồng địa phương Kandớt và trở thành cuộc đấu tranh vũ trang 4 năm (1854 - 1858) mà thắng lợi thuộc về phía các chủ nô.
Tháng 10-1859, một trại chủ ở Viếcginia là Giôn Brao đã đứng lên khởi nghĩa đòi xóa bỏ chế độ nô lệ. Chính quyền Oasinhtơn đem quân tiêu diệt. Giôn Brao bị thương nặng, bị bắt và bị xử án tử. Trước khi bị hành hình ông đã nói một câu nổi tiếng: “Tôi tin rằng chỉ có máu mới rửa sạch được tội ác của xứ sở này!”
Phong trào đấu tranh tự phát của quần chúng đã tác động mạnh mẽ đến cả hai phe. Đảng Dân Chủ bị phân hóa sâu sắc. Năm 1851, đảng Cộng Hòa được thành lập bao gồm những người của đảng Tự do ruộng đất (Free soil Party, thành lập cuối những năm 40 của thế kỷ XIX) và một bộ phận từ đảng Dân Chủ tách ra. Đảng này dù chưa hoàn toàn nhất trí với nhau đối với chế độ nô lệ (cánh hữu chủ trương hạn chế, cánh tả chủ trương xóa bỏ chế độ đó) nhưng đã trở thành tiếng nói của tiến bộ xã hội và được đông đảo quần chúng, nhất là những người nô lệ ủng hộ. Lãnh tụ đảng này là Abraham Lincôn (Abraham Lincoln, 1809 - 1865), xuất thân là một chủ trang trại nghèo ở Kentắcki. Gia đình ông do bị đám chủ nô ức hiếp đã phải chạy sang miền Tây sinh sống. Thuở nhỏ, ông phải lao động vất vả. Lớn lên, nhờ tài trí hơn người và lòng dũng cảm, ông trở thành lãnh tụ của xu hướng mới trong xã hội. Năm 1848, Lincôn được bầu vào Quốc hội. Năm 1860, ông được đại diện cho đảng Cộng Hòa ra tranh cử, thắng lợi và trở thành Tổng thống.
Tầng lớp chủ nô mất ưu thế trong chính quyền mới, lập tức chống đối. Ngày 20-12-1860, bang Carôlina Nam tuyên bố tách ra khỏi Liên bang. Tháng 2-1861, sáu bang theo chế độ nô lệ ở miền Nam cũng tuyên bố ly khai. Những bang này mở hội nghị ở Môngômêri (bang Alabama), quyết định thành lập chính phủ riêng và bầu đại tá Đêvít, chủ nô ở miền Nam, bang Mítxixipi làm tổng thống. Về sau, có thêm 4 bang nữa gia nhập Hiệp bang, thủ đô đặt tại Richmôn (Richmon) thuộc bang Viếcginia. Chính phủ Hiệp bang gấp rút thành lập một đạo quân 10 vạn người để chống lại chính phủ Trung ương.
Nước Mỹ bước vào nội chiến và được gọi là “Cuộc chiến tranh ly khai” (1861 - 1865).
Ngày 12-4-1861, chiến tranh nổ ra ở Carôlina Nam, rổi diễn ra ác liệt ở trên biển, dọc sông Mítxixipi, trên đất các tiểu bang miền Nam dọc Đại Tây Dương. Lúc đầu, lực lượng vũ trang của Hiệp bang miền Nam đã giành được ưu thế trước lực lượng vũ trang của Liên bang  miền Bắc. Ở mặt trận trên biển, phe Liên bang bị thiệt hại nặng, nhưng ở trận tuyến dọc sông Mítxixipi, nhờ tài chỉ huy của tướng Gran, lại giành được thắng lợi. Sau đó, quân Liên bang chiếm được Oócliân (1862) và thành phố Vichhớc (1863). Hai bang Tếchdát và Akandát bị cô lập. Nhờ chiếm được lưu vực sông Mítxixipi, quân Liên bang đã bao vây được quân chủ lực của Hiệp bang ở phía đông.
Đầu tháng 7-1863, phe Liên bang giành được thắng lợi quan trọng trong trận Gentibớc. Tình thế quân sự đã hoàn toàn có lợi cho phe này. Năm 1864, Lincôn tái đắc cử Tổng thống. Ông bổ nhiệm tướng Gran làm tổng tư lệnh quân đội Liên bang.
Mùa xuân năm 1865, quân Liên bang tấn công thủ phủ Richmôn một cách quyết liệt. Tướng Sôman tấn công chiếm Gioócgia, đánh lên Xavanna phối hợp với cánh quân chủ lực của tướng Gran. Ngày 3-4-1865, quân đội Liên bang chiếm được Richmôn. Một tuần sau, tướng Li (Lee), Tổng chỉ huy quân đội Hiệp bang cùng với 280.000 quân, đầu hàng.
Cuộc nội chiến kết thúc với thiệt hại ở cả hai phe chừng 60 vạn quân (phe Liên bang thiệt mạng tới 36 vạn người).
Trong ngày lễ mừng chiến thắng (14-4-1865), Tổng thống Lincôn bị ám sát. Trước đó, ngày 1-1-1863, ông đã tuyên bố xóa bỏ vĩnh viễn chế độ nô lệ ở Mỹ.
Đến trung tuần tháng 12-1865, nghị viện Mỹ bỏ phiếu chấp thuận việc sửa đổi điều thứ 13 trong hiến pháp như sau: “Không một chế độ nô lệ nào, không một hình thức miễn cưỡng nào, trừ khi để trừng phạt một trọng tội mà hệ thống pháp lý đúng đắn công nhận bị can đã phạm, có thể tồn tại ở Mỹ, cũng như ở bất cứ nơi nào thuộc thẩm quyền của quốc gia này”.
Với cuộc nội chiến giải phóng nô lệ (và cấp đất tự do cho dân di cư đến miền Tây), nước Mỹ mới thực sự hoàn thành cách mạng dân chủ tư sản. Từ đây, nền sản xuất hàng hóa tư bản chủ nghĩa vận động theo đúng con đường phát triển tự nhiên của nó, tự do, không còn bị cản trở bởi những môi quan hệ sản xuất cũ, và do đó nhịp độ công nghiệp hóa cũng tiến triển rất nhanh chóng, làm cho nền kinh tế Mỹ vươn lên hàng đầu trong các nước tư bản. Cùng với việc hầu như không bị cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất tàn phá do ở xa trung tâm xung đột, lại còn kiếm được nhiều lợi nhuận từ “lái súng” và cho vay tài chính, nước Mỹ càng trở nên giàu sụ, sở hữu một cơ sở vật chất - kỹ thuật đồ sộ và tiên tiến bậc nhất. Điều đó đương nhiên đưa nước Mỹ tư bản vững vàng bước vào ngôi vị cường quốc - đế quốc số một của thế giới thời hiện đại.
Có thể nói nước Mỹ dân chủ tư sản hình thành từ sự xâm chiếm thực dân, từ sự lan tỏa dân cư gồm đa số là nông dân nghèo khó, chịu phiêu lưu từ Cựu Lục địa (châu Âu), từ tàn sát người da đỏ bản địa, từ mua bán nô lệ da đen, từ sự đấu tranh giành độc lập và từ nội chiến. Sự mường tượng cho chúng ta cái cảm giác lịch sử nước Mỹ như là lịch sử vắn tắt của loài người, cũng đầy đau thương, bi tráng, cũng đầy mồ hôi, nước mắt và máu xương của Đại Chúng cần lao.
Cái lịch sử ấy đã làm cho mặt trái của nhân tính như: vô cảm trước sự giết chóc, coi thường sinh mạng đồng loại, thích thú súng đạn, phân biệt chủng tộc… ngấm sâu vào xã hội Mỹ mà chủ yếu là vào tầng lớp thống trị Mỹ. Phải chăng hiện tượng đó, cộng với niềm tự hào, sự kiêu hãnh thái quá đến độ mù quáng về một cường quốc vô định số một, về một dân tộc vĩ đại cũng đã là một nguyên nhân làm xuất hiện những nhân vật “kỳ lạ” trong chính quyền Mỹ, những người vô tình hay hữu ý đã mở đường cho sự tàn sát nhân dân Nhật trong chiến tranh thế giới thứ hai?
Ngày nay, chế độ dân chủ tư sản Mỹ đã có những điều chỉnh, cải thiện theo hướng công bằng hơn, nhân đạo hơn, tự do hơn dù vẫn còn những vấn nạn thuộc về bản chất của hình thái kinh tế xã hội Tư bản chủ nghĩa. Mô hình tổ chức cơ cấu kiến trúc thượng tầng của nó cũng có nhiều nét ưu việt cần phải học tập.
Nói riêng bản thân chúng ta rất thích xem phim Mỹ. Tài năng của các nhà làm phim và của đội ngũ diễn viên Hôllyút (Hollywood) là không thể phủ nhận. Phim Mỹ nói chung tràn lan cảnh bạo lực, giết chóc. Nhưng chính bản thân chúng ta đây, dù rất ghét chiến tranh và ghê sợ cảnh giết chóc, vẫn mê xem nhiều bộ phim như vậy. Thật là lạ lùng! Có lẽ con người hậu thế không bao giờ loại bỏ được những ấn tượng giết chóc lẫn nhau từ xa xưa tổ tiên, qua hết đời này đến đời khác truyền lại, lưu lại và đã khắc sâu trong tâm khảm, cho nên nó vẫn cứ muốn tò mò theo dõi một cách chăm chú và xúc động những câu chuyện, những cảnh chiếu về những sự kiện thảm khốc, gieo oán và báo thù, tội ác và trừng phạt, bắt cóc và giải thoát,…
Tuy nhiên, thật lòng, chúng ta thích xem phim Mỹ không phải chủ yếu về mặt đó. Nếu bỏ qua sự thể hiện bạo lực một cách thái quá thì phim Mỹ nói chung là những bộ phim rất hay về nhân tình thế thái, có giá trị giáo dục rất cao về tình yêu thương, đầy tính nhân văn, đầy lòng nhân hậu. Một trong những nguyên nhân làm cho phim Mỹ trở nên sâu sắc là sự mô tả rất đời, rất thực, hồn nhiên như cuộc sống vốn dĩ thế, ít gây cảm giác “kịch”. Nhiều bộ phim Mỹ xử lý tình huống thật tài tình, đưa ra những lý giải sâu sắc một cách độc đáo, không giáo điều, phô diễn, đã trở thành như những hùng biện tố cáo đanh thép cái đê hèn của mặt trái nhân tính, ca ngợi cái cao thượng của mặt phải nhân tính và là những khúc ca khải hoàn về sự lương thiện, về phẩm giá cao quí của con người.
***
Có người cắc cớ hỏi rằng: nếu hồi đó phát xít Đức không gây chiến với Liên Xô thì cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai sẽ xảy ra như thế nào và thế giới biến đổi ra sao? Khó mà trả lời được. Rất có thế Châu Âu phải rên xiết dưới gót giày của phát xít lâu hơn nữa; rất có thể Ý - Đức sẽ giành thắng lợi trên chiến trường Bắc Phi; rất có thể Anh bị bao vây khốn đốn; rất có thể chiến tranh Thái Bình Dương cầm cự với ưu thế thuộc về Nhật; rất có thể chiến tranh sẽ lan đến tận nước Mỹ… Rất có thể phe Trục sẽ chiếm ưu thế trong một thời gian dài và tổn thất của thế giới sẽ nhiều hơn. Dù rất có thể thế này thế khác nhưng với bản chất thâm thù Cộng sản của Hítle và sự thèm khát bá chủ thế giới đến ngông cuồng của hắn làm cho phát xít Đức rồi cũng phải đánh Liên Xô, hoặc giả Liên Xô, Anh, Mỹ rồi cũng liên minh với nhau làm xuất hiện Đồng Minh với sự ủng hộ của Đại Chúng thế giới chống phát xít, và thắng lợi cuối cùng chắc chắn vẫn thuộc về phe Đồng Minh. Như vậy trước sau gì Hồng quân Liên Xô cũng đóng vai trò xung kích chủ yếu chống lại lực lượng xung kích mạnh nhất của phe Trục là phát xít Đức. Chiến tranh Xô - Đức là sự biểu hiện rõ ràng nhất, chói lọi nhất cái chân lý này: mặt phải nhân tính thường “nhẫn nhịn” trước mặt trái nhân tính nhưng một khi đã bị buộc dùng đến bạo lực thì nó trở nên vô địch, trước sau gì cũng giành được thắng lợi cuối cùng,
Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của quân dân Liên Xô vừa là một cuộc tự vệ vĩ đại, vừa là một cuộc giải phóng vĩ đại và cũng vừa là một cuộc tiêu diệt vĩ đại sự cường bạo. Công lao của nhân dân Liên Xô đối với nhân dân Châu Âu và cả của loài người trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai là bất diệt.
Quân dân Liên Xô dù nhiều lúc đã mở ra những cuộc tấn công to lớn, đánh dữ dội, quyết liệt nhưng chưa bao giờ tàn sát dân thường một cách có chủ đích và cũng không trả thù kẻ chiến bại một cách hèn hạ dù đã có lúc nó tàn sát dân tộc mình, đã nêu một tấm gương cao thượng và nhân đạo. Liên Xô lúc đó quả thật đã là một dũng sĩ, một trang nam nhi quân tử đích thực.
Bản chất vụ lợi kiển con buôn của chính phủ Anh, Mỹ lúc đó làm cho những chiến thắng mà họ gặt hái được trở nên tầm thường đi. Trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, quân dân Liên Xô đã là người chiến thắng quang vinh nhất. Chiến thắng của họ là vĩ đại nhưng cũng phải trả cái giá hy sinh vô cùng to lớn. Trong các sách giáo khoa lịch sử về cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, người ta thường nói đến sự quả cảm tuyệt vời của quân đội Xô Viết, tài năng quân sự của các tướng lĩnh, lãnh tụ Xô Viết, sự hy sinh vô bờ bến của quần chúng Xô Viết phục vụ chiến đấu trên khắp đất nước, tại hậu phương cũng như tại chiến trường Xô - Đức, nhưng hình như người ta đã “quên” không đề cập đến những chiến công không kém hiển hách, những hy sinh mất mát không nhỏ của các chiến sĩ tình báo Xô Viết trên “Mặt trận thầm lặng” ở xa Tổ Quốc, trong lòng địch.
Trong một cuộc chiến tranh, muốn chiến thắng đối phương thì tự nhiên là phải mạnh hơn đối phương, Muốn mạnh hơn đối phương thì phải làm thế nào? Rõ ràng nhất là phải huy động sao cho có vũ khí vượt trội, số lượng quân vượt trội và tinh nhuệ trong chiến đấu. Nhưng trong nhiều trường hợp, đã không thể có đủ khả năng, đủ thời gian để huy động được một đội quân như vậy và tình thế buộc phải tham chiến. Lúc đó phải làm thế nào để có cơ may thắng lợi bằng một lực lượng thiếu hụt? Chúng ta đã trả lời câu hỏi này rồi! Chỉ xin nói thêm rằng trong lịch sử chiến tranh thế giới, những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm thắng lợi của dân tộc Việt Nam đã là những điển hình của lối đánh lấy yếu chống mạnh, lấy ít địch nhiều. Nhưng phải nhấn mạnh là không nên hiểu câu nói đó một cách “ngây thơ” máy móc vì thuận lẽ tự nhiên thì tuyệt đối không bao giờ xảy ra hiện tượng yếu “bỗng dưng” thắng mạnh, ít “bỗng dưng” thắng nhiều. Các thánh thần khi “choảng” nhau cũng vậy, ông nào mạnh hơn thì ông ấy thắng, thế thôi!
Trong một cuộc chiến tranh, một lực lượng tương đối yếu hơn, muốn tranh thắng với một lực lượng tương đối mạnh hơn, thì chỉ có một cách duy nhất là làm sao với lực lượng yếu hơn ấy bỗng trở nên… mạnh hơn; nghĩa là phải biết tạo ra từng lúc, từng nơi, từng trận đánh bộ phận có thế và lực mạnh hơn đối phương, áp chế được đối phương bằng cách lợi dụng thiên nhiên (địa thế, thời tiết…), nắm vững địch tình (ý đồ hành động, sự điều binh bố trận… của đối phương) và biết phân tán cũng như tập trung binh lực kịp thời, hợp lý. Cuộc tranh đấu nào (kể cả thi đấu thể thao) và nhất là chiến tranh, muốn có cơ hội giành thắng lợi thì phải có quyền mưu. Một trong những yêu cầu cơ bản để xây dựng và thực hiện quyền mưu có hiệu quả và thậm chí là có ý nghĩa quyết định đến thắng - thua trong chiến tranh là nắm được “động - tĩnh” của đối phương, không những phải hiểu rõ địch tình mà trong điều kiện cho phép còn phải cố gắng làm rối loạn nội tình của đối phương, đánh lạc hướng đối phương. Đó chính là công tác tình báo, gián điệp.
Chúng ta sẽ kể vài câu chuyện trong lịch sử về tình báo - gián điệp, có phần lược thuật đại khái tác phẩm “Tình báo qua các thời đại” của Jean - Pierre Alen. (NXB Công an nhân dân, Hà Nội 1995):
Những dấu tích xưa nhất về nghề tình báo là các tài liệu của Mari, bắt đầu có từ thế kỷ XVIII trước Công nguyên.
Tài liệu đó cho biết Mammurabi, người sáng lập Vương quốc Babilon, đã phái gián điệp vào quân đội đối phương và ra lệnh cho quân mình bắt tù binh để hỏi cung.
Người Ai Cập cũng dùng gián điệp trong các cuộc chiến tranh với Xiri từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIII, TCN. Pharaông là Tutmét III, khi đến vùng Canaan đã cho quân dừng lại để cùng sĩ quan nghiên cứu những báo cáo của điệp viên trước khi chọn một trong ba con đường có thể tiến đánh vua Kadet. Và ông đã chọn con đường Meggiđo, dẫn đến chiến thắng quyết định vào năm 1468 TCN.
Hai trăm năm sau, Tamxét II và kẻ thù là người Hittit cũng rất chú ý đến công tác tình báo.
Cũng trong thời đại đó, Môidơ (Moise) dẫn dân Hêbrơ thiên di đến đất Canaan. Đứng trên đỉnh núi Nabô, ngắm nhìn đất nước đầy mật và sữa, nhà tiên tri già, trước khi quyết định đưa dân mình đến lập nghiệp ở đó, đã triệu 12 tộc trưởng đến và bảo họ: “Các vị đi xem tình hình đất nước này, dân cư là khỏe hay yếu, đông hay ít, sản vật giàu hay nghèo, thành thị, làng xóm, pháo đài ra sao, đất đai màu mỡ hay cằn cỗi, có cây cỏ hay không. Các vị hãy hái hoa quả về đây”.
Cũng người Hêbrơ (tổ tiên của dân tộc Do Thái), sau nhiều trận thua người Philixtanh rồi mới phát hiện ra rằng vũ khí của đối phương không phải bằng đồng thau như của mình mà là bằng sắt. Từ đó trong các cuộc chinh chiến, người Hêbrơ luôn coi trọng công tác tình báo. Giôduê, trong quá trình lên kế hoạch chinh phục Canaan, đã phái hai điệp viên vào thu  lượm tin tức Giêricô và đến tận Sittun.
Ngay từ thời Cổ đại, người Ba Tư đã biết dùng thủ đoạn đầu độc tin tức. Một trong những người sử dụng thủ đoạn này một cách khéo léo nhất là Đariút (Darius). Sau một năm đánh chiếm thành Babilon không thành công, nhà vua đã phải nhờ đến hành động trá hàng của một người dũng cảm tên là Dôpyrơ (Zopyre). Nhà viết sử bậc thầy Hêdôrốt đã thuật lại là sau khi tự cắt mũi, tai, cạo trọc đầu và cho đánh nát người bằng roi. Dôpyrơ đến yết kiến Đariút: “Tôi sẽ đóng vai phản bội để vào thành Babilon và kể rằng chính bệ hạ đã hành hạ khiến tôi khổ thế này. Chắc rằng Babilon sẽ tin tôi mà trao cho tôi quyền chỉ huy. Sau khi tôi vào thành 10 ngày, bệ hạ cho 1.000 quân vào loại xoàng nhất tiến đánh cổng Sémiramis, 7 ngày sau phái 2.000 quân về cổng Nini, 20 ngày sau đó nữa, bệ hạ cho 4.000 quân đến cổng Chaldé. Các toán quân này chỉ mang gươm thôi. Cuối cùng, sau thêm 20 ngày tiếp theo, bệ hạ đưa nốt số quân còn lại, vây quanh bốn phía, rồi nhớ điều quân đến trước nơi tôi đóng và trước cổng Bêlidi và cổng Xitxi. Tôi hy vọng quân Babilon, sau khi chứng kiến hành vi của tôi trước những cuộc chạm trán đó sẽ trao cả cho tôi chìa khóa các cổng. Lúc đó, chính tôi và quân Ba Tư sẽ hoàn tất nhiệm vụ”.
Quân Ba Tư đã chiếm được Babilon như kế hoạch đó. Để thưởng công cho Dôpyrơ, vua Đariút đã trao cho vị tướng này cai quản thành Babilon và miễn nộp triều cống suốt đời.
Ở Trung Hoa cổ đại chắc rằng nghề tình báo - gián điệp cũng được biết đến từ rất sớm. Bởi vì ngay trong “Binh pháp Tôn Tử” - lý luận thành văn về nghệ thuật quân sự được cho là cổ xưa nhất nhân loại - đã có một chương (thiên) viết chuyên biệt và sâu sắc về công tác tình báo, gọi là “Dụng gián” (sử dụng gián điệp). Trong chương này, Tôn Tử viết: “… Vua sáng suốt, tướng hiền lương sở dĩ xuất quân là thắng, thành công hơn người là nhờ biết trước tình hình địch. Muốn biết trước tình hình địch, không thể cầu xin quỉ thần, không thể dựa vào ước đoán, không thể dùng độ số vận hành của trời, trăng, sao để kiểm chứng, mà phải dùng người, phải khai thác từ những người nắm được tình hình địch.
Có 5 cách dùng gián điệp là hương gián, nội gián, phản gián, tử gián, sinh gián… Hương gián là dùng người dân địa phương bên địch làm gián điệp. Nội gián là dùng người trong hàng ngũ, chính quyền địch làm gián điệp. Phản gián là dùng ngay gián điệp của địch làm gián điệp cho mình. Tử gián là tạo tin giả (ngụy tạo) rồi dùng gián điệp tung ra như một tin tình báo thật nhằm đánh lừa địch. Sinh gián là cho người bí mật đi thám thính địch tình (công tác trinh sát, thám báo) rồi trở về trình báo lại.
Cho nên, việc quân không mật thiết với ai bằng mật thiết với gián điệp, không thưởng ai hậu hơn thưởng gián điệp. Không mật thiết thì không được lòng người, không hậu thưởng thì không sai khiến nổi, không kín đáo thì khong thể thành việc.
… Vi diệu thay! Vi diệu thay! Không việc nào mà không cần dùng gián điệp.
Xưa, nhà Ân mạnh lên là nhờ có Y Doãn làm gián điệp ở trong nhà Hạ, nhà Chu mạnh lên là nhờ Lã Nha làm gián điệp ở trong nhà Ân. Cho nên minh quân, hiền tướng biết sử dụng những bậc tài trí hơn người làm gián điệp thì nhất định sẽ thành công lớn. Sử dụng gián điệp là điều trọng yếu trong việc dùng binh, ba quân dựa vào đó mà quyết định hành động”.
Nói chung thì tất cả các tướng lĩnh lãnh đạo quân đội thời Cổ đại, cả ở phương Đông lẫn phương Tây, đều quan tâm sử dụng tình báo - gián điệp trong các cuộc chiến tranh tấn công - tự vệ.
Trong kinh thánh có chuyện “Giuda phản Chúa”. Nhiều người tự hỏi: “Giuda có phải là điệp viên của Rôma (gọi là đế quốc La Mã) không? Trong cuốn sách “Chúa Giêsu và thánh Gioan”, sử gia Robert Eisler táo bạo đưa ra giả thuyết Giuda là một chỉ điểm của Rôma cài vào các tông đồ của Giêsu nhằm giám sát hoạt động mà họ cho là quấy rối của ông này. Tuy nhiên chưa thể khẳng định được giả thuyết này. Chỉ biết rằng khi sắp bước sang công nguyên, mạng lưới gián điệp của Rôma đã trải khắp các tỉnh của đế quốc. Có thể tin chắc rằng mạng lưới đó khá dày ở tỉnh “cứng đầu” nhất - tỉnh Giuđê.
Vào đầu thời Trung cổ, có chuyện trong nhiều thế kỷ, nhiều nước ven Địa Trung Hải đã tung nhiều gián điệp đi dò la, cố đánh cắp bí mật “ngọn lửa grêgoa” của người Bidăngxơ vì nó đã giúp cho dân tộc này tồn tại rất lâu. “Ngọn lửa Grêgoa” là một chất cháy hỗn hợp gồm diêm tiêu, lưu huỳnh và nhựa. Khi cháy nó gây ra tiếng nổ, khói đặc và lửa cháy văng tung tóe ra bốn phía, không thể dùng nước dập tắt được mà phải dùng cát, nước giải hoặc giấm (giống napan?). Thời đó, nó được cho là vũ khí siêu nhiên. Để bảo mật thứ vũ khí này, vua chúa Rôma chỉ giao cho một gia đình chế tạo nó. Mãi tới thế kỷ thứ II, bí mật của “ngọn lửa grêgoa” mới bị người Ảrập chiếm được, nhưng trong hoàn cảnh nào thì đến nay vẫn chưa ai biết. Họ cho thuốc nổ đó vào bình bằng sành, hoặc bằng thủy tinh rồi dùng cơ cấu bắn đá, bắn vào quân Thập tự chinh. Trong trận quân Ảrập vây hãm quân Thập tự chinh tại thành Thánh Jean d’Are, Joinville đã tả thứ “đạn đại bác” này như sau: “Nó nổ to như tiếng sét đánh, lửa của nó sáng chói trong đêm tối như rồng từ trên trời hạ xuống phun lửa vậy”.
Sang thế kỷ XIV, thuốc súng ra đời đã hạ bệ chất cháy Grêgoa. Dù thi thoảng vẫn thấy người ta dùng đến, như năm 1453 quân Thổ Nhĩ Kỳ đã dùng nó để công thành Côngxtăngtinốp, nhưng dần dần nó đã đi vào quên lãng và còn lại trong truyền thuyết mà thôi. Vào thế kỷ XVIII, một anh chàng Đuyprê (Duypré) nào đó, có lẽ là do háo danh, đã khoe rằng mình đã tìm lại được cách chế tạo “ngọn lửa Grêgoa” bất diệt và liền bị vua Lui XV nhốt luôn vào ngục Baxti để “an nghỉ đời đời” cùng với ngọn lửa khủng khiếp của anh ta.
Người Hồi giáo sử dụng chất nổ Grêgoa chống lại người Thiên Chúa Giáo, thì chẳng  bao lâu sau, người Thiên Chúa Giáo dùng đến một thứ vũ khí có khi còn khủng khiếp hơn để chống lại, đó là: Tòa án dị giáo. Bộ máy giết chóc dị giáo tàn bạo này được khởi động từ thế kỷ XII, khi Giáo hoàng Inôxăng III sáng chế ra dòng tu Đaminh (Dominique). Tây Ban Nha là nơi đạo quân của Giáo hoàng mặc áo chùng thâm, đeo thập giá trắng, phạm những tội ác tàn bạo nhất. Cuồng tín đến độ trong tâm hồn chỉ còn lại phần xấu xa nhất của nhân tính (hay thường gọi là mất hết tính người) khi họ vồ được những tín đồ dị giáo hoặc bị vu khống là dị giáo, tra tấn bằng sắt, lửa, bằng những cách còn man rợ hơn cả quân Hung nô, quân Thổ Nhĩ Kỳ. Tính giả dối và độc địa của họ không thua kém chút nào so với thói thích giết chóc thành như nghiện ngập. Bề trên của họ đã cho họ cuốn “Sổ tay gián điệp” mà sau này được in tại Rôma vào năm 1585, trong đó có đoạn: “…Điệp viên vờ làm bạn để moi được lời thú tội của bị cáo…”. Safoel Sabatini đã viết trong cuốn “Cuộc đời của Torquemada”: “Tòa án dị giáo là sự nghiệp cảnh sát lớn nhất trên thế gian này”.
Ở Pháp có chuyện: Pháp bắt được hiệp sĩ người Anh là Thomas Tuberviller. Philippe le Bel (vua Pháp, còn gọi là Phillip “đẹp trai”) hứa trả tự do và cấp đất nếu ông này bằng lòng quay về Anh làm nội gián cho Pháp. Tubeville chấp nhận và trở về Luân Đôn sau một màn kịch vượt ngục. Hiệp sĩ này đã thâm nhập được vào Hội đồng nhà vua Anh và gửi nhiều tin tức rất có giá trị cho Pháp. Cuối cùng ông bị lộ và bị xử tử vào năm 1314.
Khi tướng Xubôtai của Thanh cát Tư Hãn tiến hành cuộc chinh phục Đông Âu vào đầu thế kỷ XIII, ông chỉ có một lực lượng không quá 10 vạn quân. Dù có tinh nhuệ đi chăng nữa thì với số lượng quá ít ỏi so với đối phương, cũng khó lòng đứng vững chứ nói gì đến thắng lợi. Ấy vậy mà họ đã đánh đâu được đó. Những trận đánh tiêu diệt các đạo quân của Henri nước Xilêdi, của Bêla nước Hunggari là có tính điển hình về sự dụng binh tài tình. Làm sao Xubôtai có được những chiến thắng to lớn ấy nếu ông không biết trước được động tĩnh và ý đồ của quân đội đối phương? Chắc rằng phải có tai mắt hoạt động rất tích cực của công tác tình báo - gián điệp Mông Cổ.
Thật vậy, từ lâu Thành cát Tư Hãn đã rất chú trọng đến công tác này và lập ra hẳn một bộ phận chuyên biệt để dò la, thu thập mọi tin tức cần thiết những nước mà ông có ý định chinh phục. Trong khi Châu Âu mù tịt về Mông Cổ thì Mông Cổ lại hiểu rõ Châu Âu, không chỉ nắm vững về địa hình địa vật lãnh thổ mà cả về quân sự, chính trị, kinh tế.
Hunggari đã bắt và xử không ít điệp viên Mông Cổ trước khi bị nước này tiến đánh. Qua đó cũng có thể hình dung được Xubôtai, hiểu rõ nước Hunggary đến mức như thế nào. Thậm chí, ông này còn biết vua Bêla có họ với hai công tước Ba Lan là  Boleslav Sanđomik và Conrad Masovie, cũng như có họ với công tước Đức là Henri Silésie, để có kế hoạch đối phó với Ba Lan và Đức, hai nước láng giềng của Hunggari, trong trường hợp hai nước này kéo quân đến cứu cho Bêla.
Tuy không có tài liệu nói rõ cơ cấu của bộ phận hoạt động tình báo Mông Cổ thời Thành Cát Tư Hãn, nhưng người ta cũng biết được một số biểu hiện của nó. Điệp viên của Thành Cát Tư Hãn thường không phải người Mông Cổ: nói chung thì điệp viên hoạt động ở Châu Âu là người Châu Âu, hoạt động ở Trung Quốc là người Hán, trong đó không ít người là nhà buôn và cũng có kẻ phiêu lưu. Một số điệp viên còn kiêm luôn chức vụ ngoài nhiệm vụ tình báo, như một hiệp sĩ Anh hoạt động gián điệp cho Xubôtai, được ông này trao cho chức chỉ huy một đạo quân sang đánh nước Áo… Tin tức thu thập được về tình hình Châu Âu được chuyển ngay về Mông Cổ. Nhưng làm thế nào để những tin tức về đến trung tâm của cái Đại đế quốc bao la ấy mà vẫn “nóng hổi thời sự”, không bị lỗi thời? Họ đã giải quyết vấn đề bằng “yam”, trạm ngựa đặt trên khắp các nẻo đường của Đại đế quốc. Giao liên Mông Cổ rất dẻo dai, dây da quấn quanh mình và lưng, thay ngựa sau mỗi 50 km, trong 10 ngày họ có thể vượt 2.000 km. Theo Marco Polo, nhà phiêu lưu số một của Châu Âu trung cổ, có khoảng một vạn trạm ngựa nằm dọc con đường thiên lý, có trạm chứa đến 400 con ngựa. Như vậy, chỉ riêng những trạm giao liên này đã có đến 30 vạn con ngựa.
Phương tiện giao liên chính của thời Cổ đại và Trung đại vẫn là ngựa. Ngoài ra người ra còn dùng những phương tiện khác như dùng lửa, khói, chim câu…
Ngay từ thế kỷ XVIII TCN, người ta đã dùng đến ngọn lửa làm tín hiệu truyền tin. Tùy thuộc vào qui ước ngọn lửa lúc tỏ lúc bị che khuất mà các thành phố, quân đội hoặc lính tuần tra sẽ đọc được thông tin cần thiết. nếu qui ước đó được giấu kín, chỉ ít người “quan trọng” “đọc” được thôi thì tín hiệu lửa cũng trở thành một thứ mật mã. Phải chăng dạng mật mã đầu tiên là sự qui ước tín hiệu lửa? Điều thú vị là phương pháp thông tin bằng tín hiệu lửa vẫn còn được quân đội Pháp dạy vào năm 1938 và trong chiến tranh thế giới thứ hai, du kích Pháp vẫn thường sử dụng.
Một phương pháp nữa là dùng chim đưa thư. Người ta biết rằng phương pháp này đã được người phương Đông dùng thời Cổ Đại, rồi lan truyến đến Hy Lạp. Có thể người Hy Lạp và Rôma đã dùng nó phổ biến.
Một trong những đòi hỏi sống còn của hoạt động gián điệp là phải bảo mật tuyệt đối nội dung thông tin trong quá trình chuyển giao. Trong cuốn “Mưu mẹo chiến tranh”, Polyen kể rằng Histiacus ở đất Milét sửa soạn nổi dậy chống ách đô hộ của Ba Tư, đã gửi cho đồng minh là Aristagoras một thông tin có nội dung: “Hãy kích động xứ Iôni khởi nghĩa”, bằng cách cạo trọc đầu một người nô lệ thân tín, viết lên đó, chờ cho tóc mọc che lấp rồi phái anh này đi. Khi Aristagoras hỏi, người nô lệ trả lời: “Xin cạo trọc đầu tôi…”.
Frontin còn cho biết ngay ở những thời đó đã có nhiều cách giấu tài liệu như: giấu trong đế giày, khuyên tai, bụng chim, hậu môn ngựa… và thậm chí là cả trong tử cung phụ nữ.
Khi sự kiểm soát trở nên gắt gao thì “cách cất giấu” tài liệu như trên vẫn không đảm bảo bí mật. Do đó, từ thời Cổ đại, người ta đã biết làm cho ngay cả khi tài liệu bị phát giác, đối phương vẫn không biết được đó là tài liệu hoặc dù biết là tài liệu thì cũng không đọc được. Có hai thủ đoạn được dùng từ thời Cổ đại, phổ biến cho đến thời hiện đại, đó là dùng “mực bí mật” và mã hóa thông tin.
Thủ đoạn thứ nhất là khi viết nội dung thông tin bằng “mực bí mật”, các chữ sẽ biến mất, muốn đọc phải dùng một chất nào đó (hoặc cách nào đó) làm cho hiện lên lại: Pline và Ovide kể rằng có hai thứ “mực” được dùng là sữa tươi và nhựa cây thầu dầu, thuốc hiện hình là bột than củi. Từ thế kỷ II TCN, người ta dùng nước hãm quả ngũ bội  tứ để viết, muốn đọc thì dùng dung dịch sunfát đồng thấm vào miếng bông xoa lên… (Hồi nhỏ, chúng ta dùng nước vo gạo viết lên giấy, sau đó hơ lên ngọn đèn dầu, chữ cũng hiện ra).
Các cách thức thuộc thủ đoạn thứ hai rất phong phú. Mã hóa thông tin phục vụ cho công tác gián điệp cũng ra đời rất sớm, mà theo Plutarque thì cách mã hóa đầu tiên người ta biết được là phương pháp Acytalt, xuất hiện vào thế kỷ IX TCN. Scytale là một cái gậy được quấn vòng quanh thân theo kiểu xoắn ốc bằng một dây da có bản rộng nhất định. Người ta viết nội dung thông tin lên da thành những hàng song song với trục gậy. Khi tháo dây da ra thì nội dung thông tin cũng bị “xé vụn” không thể đọc được. Muốn đọc, lại phải cuốn đoạn dây da đó vào một cái cây có cùng kích thước với cái cây ban đầu và theo cùng cách quấn trước đó. Phương pháp này, vì là sự làm đảo lộn vị trí các từ, chữ nên cũng thuộc nhóm phương pháp gọi là “chuyển vị”.
Nhóm phương pháp thứ hai gọi là “thay thế”. Phương pháp thứ hai này, thời xưa, được người Hêbrơ, Ấn Độ và sau này là Xêda sử dụng. Người ta cho rằng cuốn sách mật mã đầu tiên trên thế giới là một tác phẩm do Aeneas viết vào năm 400 TCN. Trong tác phẩm này, Aeneas cho biết: người Rôma đã có cách mã hóa rất tinh vi là dùng một sợi dây cuộn trên một chiếc đĩa có những cái khấc tương ứng với các chữ của bảng chữ cái: muốn đọc nội dung , chỉ cần biết chữ đầu tiên và chỉ cần tách sợi dây ra khỏi chiếc đĩa thì nội dung thông tin sẽ biến mất. Còn Suétene thì cho ta biết Xêda mã hóa mệnh lệnh gửi cho các tướng bằng cách đơn giản là thay thế bảng chữ cái thật bằng bảng chữ cái lùi ba nấc: A chuyển thành D, B chuyển thành E…
Đến thời Trung cổ, công việc nghiên cứu mã hóa hầu như biến mất. Suốt thời đại này, đại bộ phận nhân dân mù chữ nên bản thân chữ viết đã là một cách bảo mật. Ngoài ra, giáo hội còn cấm dùng mật mã, ai vi phạm là bị phạt vạ tuyệt thông (lệnh này áp dụng ra cả ngoài Giáo hội, chỉ còn một tu sĩ tên là Gerber, sau này trở thành Giáo hoàng Sylvestre II, sử dụng phương pháp mật mã do chính ông sáng tác).
Trong nghề tình báo, chẳng những phải bảo mật tin tức mà còn phải bảo vệ nguồn tin, tức là điệp viên nữa. Các tác giả quân sự thời xưa là Froutin, Polyen, Polybe kể rằng các tướng lĩnh Rôma đã có ý thức bảo vệ nguồn tin: một khi chuẩn bị ra những mệnh lệnh có liên quan đến việc sử dụng những tin tức tình báo vừa thu thập được, họ tập hợp binh lính, sĩ quan, tổ chức lễ tế trời xin thần thánh phán dạy họ phải làm gì và với cách đó mà giữ bí mật nguồn tin của mình. Sertorius cầm quân lâu ngày tại Tây Ban Nha lại có một cách che giấu nguồn tin tình báo độc đáo: ông nuôi một con hươu nhỏ, mỗi khi nhận được tin tức của điệp viên báo về, ông lại vờ lấy cớ là thần Đian đã báo mộng cho.
Sức mạnh có được từ công tác tình báo - gián điệp là rất đáng nể vì tác hại mà nó gây ra cho đối tượng là không thể lường được, đôi khi là rất nặng nề, thậm chí là thua trận, mất nước. Chúng ta sẽ kể thêm vài ba mẫu chuyện nữa.
Một trong những ông vua đầu tiên của nước Anh là Alferd Đại đế đã đích thân tiến hành một điệp vụ thuộc vào hàng táo bạo nhất trong lịch sử tình báo. Cải trang thành kẻ hát rong cùng một số nhạc công, ông đã lọt được vào doanh trại đồn trú của tướng Đan Mạch là Gutrum, trong khi quân đội Anh lâm vào thế nguy ngập. Nhờ lần quan sát địch tình tận mắt đó và thêm tài thao lược, Alferd Đại đế đã chặn đứng được quân Đan Mạch xâm lược vào năm 878.
Vào cuối thế kỷ XVII, Pháp có một điệp viên là Léon hoạt động tại Luân Đôn, đế đô của Anh, trong vai một chức vụ quan trọng: bí thư của vua Guillaume III. Điệp viên này đã cung cấp nhiều tin tức quí báu cho nước Pháp, nhất là cho Thống chế Luxembourg, Tổng tư lệnh quân đội Pháp đóng tại Hà Lan. Nhưng đến năm 1692, điệp viên này bị lộ. Trước khi bị hành hình, điệp viên này bị bắt buộc phải viết một bức thư không đề ngày, gửi cho viên Thống chế Pháp với nội dung trình bày rằng không phải lo lắng về sự chuyển quân của Anh vì chúng chỉ đi cắt và chở cỏ cho ngựa. Trước khi quân Anh tổ chức bao vây tấn công Pháp, bức thư được gửi cho Thống chế Luxembourg theo con đường liên lạc điệp viên đã sử dụng. Thống chế vì thế khi thấy quân Anh “rục rịch” vẫn không đề phòng gì. Tảng sáng, quân Anh bất ngờ tràn vào lúc quân Pháp còn ngủ. Quân Pháp thất bại nặng nề nhưng nhờ sự ứng phó bình tĩnh và can đảm của một số tướng lĩnh mà không bị tiêu diệt hoàn toàn. Quân Anh rút lui sau khi bị thiệt hại 7 ngàn quân.
Chuyện sau đây thật kỳ lạ. Đại Công tước thái tử nước Nga, Pierre de Holstein Gottorp, cháu Nữ hoàng Nga Elisabeth, là một ông hoàng ngớ ngẩn, suốt ngày chơi với lũ lính nặn bằng sáp ong. Ông ta kính trọng Frédéric (vua nước Phổ) như thần và hay lén mặc quần áo sĩ quan Phổ. Frédéric đã lợi dụng tình cảm đó, dụ Thái tử chuyển cho Phổ tất cả những kế hoạch tác chiến mà chính phủ Áo gửi cho Nữ hoàng Nga. Trong khi đó, vợ của Thái tử tên là Sophie Anhalt Zerbst, con một Thống chế Phổ, lại cung cấp cho sứ thần Anh tại Nga cũng những tài liệu như thế. Sau khi Nữ hoàng Nga băng hà, Đại công tước lên ngôi Hoàng đế nước Nga vào năm 1762, hiệu là Pierre III, và ngay lập tức cho ngừng chiến tranh chống nước Phổ đồng thời ký với Phổ một hiệp ước liên minh tấn công. Chỉ một năm sau, bà hoàng Sophie cho ám sát người chồng ngớ ngẩn để chiếm ngôi, lấy hiệu là Catherine II. Vậy là trong vòng một năm, lần lượt một điệp viên Phổ rồi đến một điệp viên Anh chễm chệ trên ngai vàng của nước Nga.
Cũng như Tôn Tử cách đó hai mươi hai thế kỷ, Frédéric chia gián điệp làm bốn loại, nhưng hơi khác: dân thường, gián điệp đôi, điệp viên quan trọng và điệp viên bị bắt buộc. Về điệp viên bị bắt buộc, ông giải thích cách tuyển dụng: “Khi không có điệp viên có giá trị trong một việc quan trọng, ta đành phải dùng đến mưu mẹo cứng rắn và tàn bạo. Bắt một kẻ giàu có, ghép vào gia đình này một người khéo léo đóng vai người hầu. Kẻ giàu có buộc phải dùng người đó đánh xe ngựa chở đến doanh trại quân thù với lý do kêu cứu rằng ông ta bị hành hạ thô bạo. Nếu ông này không chịu nhận người của ta, ta sẽ dọa cắt cổ vợ, cướp và đốt nhà ông. Trong trận Chotusitz, trẫm đã từng dùng mưu mẹo này và đã thành công”.
Một viên tướng Pháp khá được lòng dân của Pháp, trong cuốn “Nhìn qua vài chi tiết của chiến tranh”; cũng viết tương tự: “Khi cần có điệp viên để lấy tin tức về kẻ thù, hoặc đến nơi quân thù chiếm đóng để lấy tin tức, ta nên đưa theo vài phú nông trong vùng rồi trao nhiệm vụ cho họ và dọa sẽ đốt nhà, bắt vợ con họ… Ta cũng dùng cách này để cho kẻ thù ăn tin giả”.
Frédéric cũng dùng gián điệp vào trò tung tin giả. Nhờ thủ đoạn tung tin giả khéo léo mà vua Phổ đã đánh bại Charles de Lorraine, Tư lệnh quân Áo tại Striegau vào tháng 6-1745. Cũng vì trò tung tin giả của đối phương mà chính ông cũng suýt nữa bị đại bại. Năm 1758, Frédéric dùng một thiếu tá trong quân Áo thuộc đơn vị của tướng Daun. Hai bên đang dàn quân nghênh chiến. Viên sĩ quan phản nghịch này gửi tin tức cho quân Phổ về tất cả kế hoạch tác chiến của quân Áo mà y thu thập được. Một hôm y giấu báo cáo trong một quả trứng rồi đưa giao liên mang sang cho quân Phổ. Người ta tình cờ lục soát kẻ giao liên, thấy trứng và trong khi thực phẩm đang thiếu liền tịch thu hết, giao xuống cho nhà bếp. Khi đập trứng, nhà bếp phát hiện ra tài liệu liền trình lên Daun và vị tướng này đã dễ dàng bắt được thủ phạm. Ông dụ dỗ điệp viên kia, muốn sống thì phải viết một báo cáo khác theo ý ông, và viên thiếu tá điệp viên kia bị khuất phục. Nội dung bản báo cáo mới là: “Tướng Daun do dự nên phải hội ý với Hội đồng chiến tranh để ra quyết định đánh ngay hay chưa đánh quân Phổ. Hội đồng này cũng do dự nên phải xin chỉ thị của Nữ hoàng. Muốn nhận được trả lời của Nữ hoàng, phải mất 8 ngày”. Báo cáo viết xong được gửi ngay tới Frédéric bằng con đường quen thuộc.
Frédéric cả mừng, mời tất cả các thủ trưởng đơn vị đến ăn tối. Khi bữa tiệc sắp tàn, ông được tin có một lính Áo đào ngũ xin được yết kiến nhà vua. Người lính Áo đó tâu rằng tướng Daun sắp tấn công. Nhưng tin vào bản báo cáo của điệp viên nên Frédéric không nghe theo người này và còn nhận định đây chỉ là thủ đoạn tung tin giả của quân Áo nhằm gây rối loạn, bất an trong hàng ngũ quân ông. Thế là vua Phổ quyết định cứ để quân lính nghỉ ngơi, đi ngủ một cách bình thường.
May có một đại tá kỵ binh vẫn nghi ngại. Sau khi ăn tiệc về, ông này thuyết phục hai đại tá nữa cho các trung đoàn của họ ở trong tình trạng báo động.
Đúng 3 giờ sáng thì quân Áo ào ạt tấn công. Nhờ sự chiến đấu hy sinh của ba trung đoàn bộ binh đó mà quân Phổ không bị tiêu diệt. Frédéric dẫn được tàn quân rút về một căn cứ mạnh sau khi đã mất một vạn quân và 3 tướng giỏi là thống chế Keith, Hoàng thân Brunswich và Hoàng thân Anhalt cùng vô số quân cụ.
Napôlêông Bônapác là một người có thiên tài nhiều mặt. Một trong những thiên tài ấy là “thấy” được những con người có biệt tài về mặt này hay mặt khác và biết dung nạp, đặt họ vào đúng vị trí để họ có thể phát huy được hết tài năng phục vụ cho Đế chế. Một trong những lĩnh vực mà Napôlêông hết sức quan tâm và ra sức củng cố vì hiểu được tầm quan trọng cực kỳ của nó chính là công tác tình báo - gián điệp trong đối nội cũng như đối ngoại. Dưới thời ông, hàng loạt cơ quan mật ra đời, hoạt động độc lập nhau, có khi nhằm giám sát nhau và chỉ trực thuộc Hoàng đế; chẳng hạn như: Cục tình báo Bộ quan hệ đối ngoại, cơ quan tình báo của Hiến binh ưu tú, cơ quan tình báo quân sự… Điều hành những cơ quan đó là những nhân vật ưu tú về tài năng như: Savary, Desmarest, Talleyrand, Landrieux, Fouché … Trong số đó, nổi bật lên trên hết là Fouché.
Phusê (Joseph Fouché) giữ chức Bộ trưởng cảnh sát. Ông là một thiên tài trong nghề của mình, nhất là trong công tác mật vụ, phản gián. Napôlêông thoát được mọi mưu phản trong nước là nhờ vào sự mẫn cán và tài ba của Phusê. Phusê đã dùng tiền bạc và mánh khóe mà mua chuộc được hoàng hậu đa tình Joséphine và bí thư của Hoàng đế là Bourienne. Nhờ hai “điệp viên tại chỗ” này mà ông nắm được các báo cáo của những cơ quan mật khác và có thể chỉ ra ngay những kẻ theo dõi ông theo lệnh của vị Hoàng đế đa nghi. Vì thế mà Phusê nắm chắc tình hình có khi hơn cả Hoàng đế và người ta phải thừa nhận ông là người hùng thứ nhì của nước Pháp sau Napôlêông.
Ngay từ buổi bình minh của sự nghiệp lâu dài và đẫm máu của mình, khi mới chỉ là một tướng trẻ, Bônapác chỉ huy chiến dịch nước Ý mà ông đề xướng và Viện Đốc Chính (cơ quan hành pháp cao nhất của chính quyền Pháp lúc đó) cho rằng không mấy quan trọng về mặt chiến lược, Napôlêông đã thấy ngay công tác tình báo kiểu manh mún, mỗi tư lệnh đơn vị tham gia chiến dịch trên đều có vài điệp viên, là thiếu hiệu quả, cần phải thay thế bằng một cơ quan tình báo chính trị - quân sự tập trung đủ mạnh để có thể thu thập thông tin có giá trị hơn một cách đồng bộ. Ông đã chọn đại tá kỵ binh tên là Langdriơ (Landrieux) thực hiện việc này. Sự lựa chọn này thật không chê vào đâu được. Langdriơ đã trở thành người “cái gì cũng biết, cái gì cũng làm được”. Mạng lưới gián điệp của ông này giăng ra trong một khu vực rất rộng lớn, điệp viên có mặt ở khắp nơi: Rôma, Turinô, Florenxia, Vơnidơ, Napôli, Viên, Pari, cả trong Viện Đốc Chính, trong quân đội đối phương, trong chính đội quân của Bônapac. Langdriơ có thể tiêu diệt từ trứng nước bất kỳ cuộc mưu phản, bạo loạn nào; có thể làm cho cả một thành phố bỗng dưng nổi dậy… Có thể là do phản ứng lại việc tàn sát tại Vêrône trong dịp lễ Phục sinh và với lý do Đốc Chính nhận được một số báo cáo giả mà ông bị thuyên chuyển về nước. Nhưng Bônapác vẫn giữ lại và sử dụng cái cơ quan tình báo mà Langdriơ đã lập ra. Nhờ có nó mà Bônapác chiếm được đảo Manta không mất một viên đạn.
Ở Bộ Tổng tham mưu có phòng tình báo do tướng Savary chỉ huy. Năm 1810, Savary thay Fusê làm Bộ trưởng cảnh sát nhưng vẫn kiêm nhiệm chức Cục trưởng cơ quan tình báo quân sự và như vậy, trở thành thủ trưởng chính của tất cả các cơ quan tình báo Pháp. Để thấy Savary là người tài năng đến đâu, chỉ cần nhìn vào sự nghiệp tóm tắt của ông: là sĩ quan mật vụ dưới chế độ Đốc Chính và Tổng Tài của cuộc cách mạng Pháp; năm 1800 là Tư lệnh hiến binh; năm 1803 được phong cấp tướng; năm 1807 được phong Công Tước; 1810 là Bộ trưởng cảnh sát và Cục trưởng Cục tình báo quân sự; trung thành tuyệt đối với Napôlêông, muốn theo Napôlêông đi đày ra đảo Thánh Bà Hêlen nhưng bị người Anh bắt giam; năm 1816 vượt ngục trốn sang Cận Đông, rồi về Pháp; năm 1831 tái ngũ, được cử làm Tư lệnh quân đội Pháp ở Châu Phi.
Savary không có cái thiên tài của Fusê nên trong việc bảo vệ nội bộ đã để xảy ra một sự kiện nghiêm trọng. Số là Malet, lính ngự lâm quân, theo cách mạng, năm 1804 lên cấp tướng, bị đuổi khỏi chức vụ rồi bị tống giam vì lập ra tổ chức bí mật bất hợp pháp mang tên là “Anh em xanh”. Bị giam nhưng vẫn ngầm tổ chức được cuộc đảo chính vào đêm 20-10-1812. Lúc đó Napôlêông đã đem quân đi đánh nước Nga xa xôi, 14 ngày liền không có tin tức gì về ông. Malet tung tin hoàng đế đã chết và lôi kéo được hai trung đoàn, bắt Savary đang ngủ, chiếm Bộ Nội Vụ và Cục Cảnh Sát rồi đưa hai người theo y lên nắm hai cơ quan này. Nhưng tướng Aullin, Tư lệnh sư đoàn 1 không theo quân phiến loạn, liền bị Malet rút súng bắn chết. Các sĩ quan của Aullin bèn xông vào tước súng và bắt giữ luôn tên này. Mất kẻ cầm đầu, cuộc bạo loạn thất bại. Malet và mười hai đồng bọn bị xử bắn, còn Savary thì bị chế nhạo. Tuy nhiên, khi trở về, Napôlêông vẫn quyết định cho Savary giữ chức vụ cũ. Công bằng mà nói với những thành tích khác và nhất là việc tuyển mộ được Sumâytơ (Charles Louis Schulmeister), Savary đã làm được nhiều việc đắc lực cho Hoàng đế, vẫn là thủ trưởng đầy năng lực của cơ quan tình báo quân sự Pháp.
Sumâytơ là một con người có những cá tính xung khắc nhau đến kỳ lạ. Là người đặc biệt có tài trong nghề tình báo và được các nhà phân tích thừa nhận là một trong những điệp viên vĩ đại nhất qua mọi thời đại. Ông sinh năm 1770 tại một vùng hẻo lánh bên hữu ngạn sông Ranh. Cha ông là mục sư. Vì thèm khát danh vọng, ông thường tự khoe mình là dòng dõi của một gia tộc cao quí ở Hunggari. Ông được giáo dục rất cẩn thận và kết hôn với con gái một kỹ sư. Năm 1788, ông mở một tiệm nhỏ buôn bán gia vị và thuốc lá tại Strasbourg. Dần dà, tiệm nhỏ đó chỉ còn như một cái mác ngụy trang của một trùm buôn lậu trên sông Ranh. Năm 1799, Savary hành quân trong xứ Rhénanie và biết đến ông. Năm sau Sumâytơ được Savary tuyển dụng và bốn năm sau thì thực thụ vào nghề tình báo.
Sumâytơ đã phụng sự hết sức nhiệt thành cho Hoàng đế và nước Pháp Đế chế bằng những chuyến công tác đầy khó khăn nguy hiểm tại Áo, Đức, Hà Lan, Anh và Ailen.
Là một người rất nóng tính, trong chuyến công tác tại Strabourg theo lệnh của Savary để điều tra những âm mưu chia cắt nước Pháp, Sumâytơ đã rút súng bắn luôn hai thủ lĩnh mưu phản. Ông là người vô cùng xảo quyệt nhưng chỉ với mục đích vì nước Pháp, muốn làm cho nước Pháp của ông quang vinh. Không bao giờ ông phản phúc, mặc dù ở thời đại ông, sự phản bội là một hiện tượng phổ biến (chúng ta nhớ lại Tanlâyrăng, Mácmông, Murat, Morô…). Nhiều người cho rằng ông không có tình cảm, nhưng trong thực tế thì ông có nhiều con nuôi và bao giờ cũng tỏ ra đại lượng với không chỉ bạn bè mà cả những người không phải là bạn bè…
Sumâytơ được trả lương như ông hoàng nhưng cũng có những thu nhập không chính đáng. Savary và ông, thông qua một tay sai tên là Bernard thu tiền hồ các sòng bạc rồi hai người chia nhau, hàng năm lên tới 9 triệu quan. Nhờ thế mà Sumâytơ có thời trở nên rất giàu có. Ông có hai lâu đài, trong đó có một cái tên là Meinau. Meinau được người ta ca tụng: một lâu đài sang trọng với 2 hécta vườn theo kiểu Anh và có 162 hécta rừng bao quanh tuyệt đẹp. Chỉ lâu đài đó thôi, đã là một núi vàng rồi. Ông chỉ còn ước ao đến một tấm huân chương bắc đầu bội tinh. Ấy vậy mà không hiểu sao, Napôlêông đã từ chối việc khen thưởng đó bằng lời tuyên bố bất ngờ và có phần khinh mạn: “Người ta thưởng gián điệp bằng vàng chứ không khen bằng huân chương”.
Có lẽ chiến công lớn lao nhất của Samâytơ trong toàn bộ sự nghiệp tình báo của ông là đã đạo diễn làm nên trận thắng của quân Pháp tại Ulm vào năm 1805, mở đường tiến tới Viên - thủ đô nước Áo.
Khi chân ướt, chân ráo tới Viên, Sumâytơ diễn lại vở cũ thời xưa của mình: xuất thân trong một gia đình quí tộc cao quí Hunggari, di cư sang Pháp, nhưng phải trốn khỏi đó vì ai cũng biết ông thân với dòng họ Habsbourg. Tướng Mark kết thân với ông và tiến cử ông vào triều đình Áo. Khi chiến tranh nổ ra, tướng Mark dùng ông làm cố vấn tình báo cho mình. Trên cương vị này Sumâytơ tuyển mộ và cộng tác chặt chẽ với chỉ huy quân báo Áo là đại úy Word. Sumâytơ đã cố gắng làm cho tướng Mark tin rằng quân lính Pháp đã chán ngấy chiến tranh và sẵn sàng nổi dậy chống Napôlêông, rằng nhiều phần tử đang âm mưu phản loạn ở nước Pháp đã viết thư cho ông, và để chứng minh, ông đã đưa trình cho tướng Mark những tờ báo kích động bạo loạn được in và lưu truyền bí mật trong nước Pháp - mà thực ra là do Savary chế tác, làm cho vị tướng này mê tít. Khi tướng Mark đưa bốn vạn quân tinh nhuệ nhất của Áo đến Souabe, chờ hội quân với đạo quân Nga do tướng Cutudốp chỉ huy để lúc đó mới cùng tiến đánh đạo quân Pháp do thống chế Ney chỉ huy, thì quân Pháp đột nhiên rút lui (theo âm mưu sắp đặt trước của Sumâytơ). Sumâytơ ru ngủ Mark rằng quân Pháp rút chạy là do binh lính chống đối, không chịu chiến đấu, và đây chính là thời cơ có một không hai đánh tan quân Pháp. Mark bèn thay đổi quyết định, không chờ hội với quân Nga nữa mà tổ chức tiến quân truy đuổi đạo quân của Ney. Quân Pháp rút từ từ đến Ulm thì quân Áo bắt kịp. Nhưng đến đây đạo quân của Ney đột nhiên dừng lại, không những không hoảng loạn mà tỏ rõ quyết tâm nghênh chiến. Đã thế hai bên sườn quân Áo còn xuất hiện hai đạo quân Pháp do hai tướng Soult và Dupont chỉ huy, cùng lúc đó đạo quân kỵ binh Pháp của tướng Murát cũng đã có mặt sau lưng quân Áo. Lâm vào thế hoàn toàn tuyệt vọng, tướng Mark đầu hàng ngày 19-10.
Tại Viên, người ta vẫn chưa hay biết về sự thảm bại ở Ulm. Sumâytơ đã tung ra những tin tốt lành của đạo quân trên thực tế đã không còn tồn tại, khiến cho ông được giới thiệu lên quần thần của vua Áo cũng như vua Nga. Thậm chí khi tin thất bại về đến Viên và Mark đã bị nhà vua bắt giam mà Sumâytơ vẫn còn lừa gạt và giữ được tín nhiệm một thời gian nữa. Đến khi Sumâytơ lâm vào tình thế nguy hiểm, sắp bị bắt thì cũng là lúc tướng Murát kéo quân vào Viên (ngày 13-11). Lúc này Sumâytơ mới lộ nguyên hình là sĩ quan Pháp và được Napôlêông giao trọng trách Tổng ủy viên cảnh sát thành Viên một thời gian ngắn. Nhưng chỉ trong thời gian ngắn đó thôi ông cũng đã kịp đưa hàng loạt sách mang tư tưởng tiến bộ của các nhà văn nổi tiếng Pháp như Vônte (Voltaire), Điđơrô (Didorot)… vào thủ đô của nước Áo phong kiến cổ hủ.
Năm 1809, Sumâytơ được giữ chức Tổng ủy viên các lực lượng tác chiến của Hoàng gia. Đây là đỉnh cao nhất về danh vọng trong sự nghiệp của ông.
Năm 1814, khi quân châu Âu Liên minh tràn vào nước Pháp, quân Áo đã không quên mối thù cũ, đốt phá cả hai lâu đài của Sumâytơ. Ông đã không quỵ lụy để lấy lòng kẻ chiến thắng như nhiều nhân vật cao cấp khác. Trong sự kiện “Một trăm ngày”, khi Napôlêông từ đảo Elbe trở lại nắm quyền, Sumâytơ đến Pari và tức khắc bị cơ quan phản gián của Phổ bắt giữ. Sau khi chấm hết thời đại Napôlêông ở Oatéclô, ông mới được thả với khoản tiền chuộc phải chịu khá lớn.
Khi Lui XVIII lên ngôi, Sumâytơ đã khôn khéo tránh được sự trả thù của ông vua này. Ra khỏi đời sống chính trị, ông cho tu sửa lại hai lâu đài, gả con gái rất linh đình và làm phúc khá tốn kém. Ông quay về nghề kinh doanh nhưng thua lỗ, phải bán cả hai lâu đài rồi mua một ngôi nhà nhỏ ở quê hương Strasbourg. Cuối đời, Sumâytơ sống an bình, rất đúng mực, được mọi người xung quanh tôn trọng. Để thanh minh trước những dư luận không tốt về quá khứ của mình, ông cũng viết hồi ký và cho xuất bản. Sumâytơ mất năm 1853, thọ 83 tuổi.
Lịch sử tình báo thế giới là một kho khổng lồ những câu chuyện kỳ thú mà không ai có thể kể ra hết được, nghe hết được. Đồng thời, cũng có thể coi đó như một vở bi hài kịch trường thiên chưa dứt, như một tấn tuồng vĩ đại đầy hỉ nộ ái ố trên mọi phương diện, mọi góc cạnh, mọi cung bậc, mọi ngóc ngách trong đời sống sinh động của tâm hồn con người ở cả hai chiều nhân tính xấu xa và cao đẹp; mà nhiều khi rất khó phân biệt, chọn lựa đúng - sai và đồng thuận được bởi sự đa tạp của quan niệm, đa chiều về thị phi, cái đa nhân cách trong một cá tính, đối với những người trong cuộc, người đương thời và cả đối với hậu thế.
Có đa chiều về thị phi bởi có đa tạp về quan niệm; có đa tạp quan niệm là bởi vì con người có trí khôn nhưng vẫn còn mù quáng vì duy ý chí đã không biết mình mù quáng; mù quáng là vì còn nhận thức mơ hồ về bản thân cũng như về Tự Nhiên và chưa thấy được viên ngọc quí sau manh áo vải thô, trong lòng Lão Tử. Chỉ khi nào nhận thức được đến tận cùng căn nguyên của Tự Nhiên Tồn Tại, một cách triết học, lý trí con người mới được cho là thông tỏ. Nhờ nhận thức xác đáng Tự Nhiên Tồn Tại mà con người biết rằng chính áp lực của quy luật đấu tranh sinh tồn đã tạo ra tất cả những suy nghĩ cũng như những hành động trái chiều nhau ở loài người. Tình cảm là cảm giác bản năng được trang bị tư duy. Nhờ có tình cảm mà lý trí được hun đúc nên và trái lại lý trí làm cho tình cảm thêm sâu sắc và mạch lạc. Hai cái đó hòa quyện vào nhau, tương hỗ  nhau làm nên nhân tính. Từ nhận thức về có - không, còn - mất, sinh - tử và sự mách bảo bản năng phải ưu tiên sống còn mà lý trí đã lựa chọn, phân biệt những suy nghĩ và hành động trái chiều nhau nói trên ra thành hai lực lượng ưu tiên - không ưu tiên, đúng - sai, tốt - xấu, có lý - vô lý, chính nghĩa - phi nghĩa, thiện - ác…, để rồi trên phương diện tình cảm, những cái như đúng, tốt, chính nghĩa… hay đại loại là những hành động, suy nghĩ phụng sự cho sự sinh tồn (từ đó mà cho những nhu cầu của sinh tồn) trước hết là của con người, đều được qui về một cái gọi là Đạo Đức; số còn lại được gọi là phi Đạo Đức.
Khi lý trí còn mù quáng thì tình cảm còn nặng bản năng và trở nên ích kỷ; bởi vì thông thường và cũng tự nhiên, con người bao giờ cũng ưu tiên cho sự sống còn của bản thân mình trước tiên, rồi mới đến người thân, cộng đồng, chỉ có lý trí mới “nhắc nhở” đến sự nhường nhịn, hy sinh.
Trong một xã hội còn đầy ắp bạo lực với vô vàn lý trí mù quáng làm cho tình cảm thiên vị như thế thì quan niệm thị phi không thể không hỗn tạp được và dẫn đến đủ mọi cách hiểu về đạo đức. Mặt khác, tuân theo tự nhiên, bị chi phối bởi tính nước đôi của Tự Nhiên (thể hiện ra trước quan sát) mà cái gọi là đạo đức đôi khi cũng chưa hẳn đạo đức, ở đây gọi là đạo đức thì chưa chắc ở kia gọi là đạo đức, ở phạm vi này gọi là đạo đức thì ở phạm vi khác biết đâu chừng bị gọi là phi đạo đức…
Tuy nhiên, xã hội không đến nỗi siêu hình đáng sợ như thế. Cũng như Vũ Trụ, xã hội loài người hỗn độn mà hài hòa. Xã hội tồn tại là vì nó phù hợp đạo lý, có một vận động nội tại thống nhất, tuân theo nguyên lý Tự Nhiên. Cái “đống” hỗn độn đủ kiểu đạo đức ấy cũng phân ra tương đối thành hai lực lượng quan niệm có tính xã hội là Đạo Đức Xã hội và Phi Đạo Đức Xã hội.
Đạo Đức Xã hội là tập hợp tất cả những quan niệm đạo đức phụng sự cho sự sống còn của toàn xã hội trên cơ sở đảm bảo sự sống còn của từng cá thể, thành viên hợp thành xã hội và vì thế mà cũng đòi hỏi xóa bỏ những cản trở, những tác hại đến sự tồn tại xã hội. Nhân dân là nền tảng xã hội và Đại Chúng là đại diện của nhân dân nên Đạo Đức Xã hội cũng chính là Đạo Đức của nhân dân và có thể gọi là Đạo Đức Đại Chúng.
Đạo Đức Nhân Dân không phải tự dưng mà có, mà là sự nhận thức, kế thừa, hun đúc từ đời này sang đời khác, từ thời đại này sang thời đại khác về một quan niệm sống mà nó cho là đúng đắn (vì có tính phụng sự toàn xã hội nên phải là đúng nhất!) như: yêu hòa bình, đoàn kết, tương thân tương ái, ghét áp bức cường quyền… Có thể nói Đạo Đức Nhân Dân (nói chung!) là có tính chân lý và là bộ phận của (hay chính là) truyền thống dân tộc. Vì cùng xuất phát từ mục đích phụng sự sống còn xã hội nên Đạo Đức Nhân Dân của các nước trên thế giới là tương đối tương tự nhau. Vậy Đạo Đức Nhân Dân có phải là Đức Huyền Diệu mà Lão Tử đã “sáng tạo ra” và chúng ta đã mượn “xài” thoải mái từ trước tới giờ không? Đạo Đức Nhân Dân là tấm gương soi chân lý về thị phi nên có thể cho nó là Đức Huyền Diệu. Nhưng vì nó mang cả tính thời đại, bị “vướng víu” ít nhiều bởi những quan niệm còn hạn chế của thời đại nên chưa thể là Đức Huyền Diệu đích thực. Đức Huyền Diệu đích thực là Đạo Đức của toàn Nhân Loại khi lý trí Nhân Loại đã thông tỏ và không còn tính thời đại.
Tuy nhiên, để bám vào hiện thực, chúng ta tạm cho rằng Đạo Đức Nhân Dân chính là Đức Huyền Diệu và tiếng nói của Đại Chúng là đại diện cho Đức Huyền Diệu, hành động của Đại Chúng là phụng sự cho Đức Huyền Diệu.
Cũng vì lẽ đó mà một tư duy lành mạnh là “trùng” với tư duy Đại Chúng, quan niệm thị phi của nó là trùng với quan niệm thị phi của Đại Chúng và đạo đức của con người mang tư duy ấy là có bản chất của Đạo Đức Đại Chúng, tức là thuộc về Đức Huyền Diệu. Khi đã có một tư duy lành mạnh thì tình cảm và lý trí cũng lành mạnh. Một lý trí lành mạnh bao giờ cũng đánh giá thị phi theo quan niệm thị phi của Đức Huyền Diệu và nhờ thế trước những sự vật - hiện tượng xuất hiện và tồn tại trong xã hội, trước sự lựa chọn hành động cho mình, một lý trí lành mạnh, thông thường, xác định được đúng - sai, thiện - ác… một cách rõ ràng, mạch lạc và đích xác, phù hợp với thời đại.
Thế nhưng, như đã nói, bản năng sinh tồn luôn “bắt” con người phải ưu tiên lựa chọn hành động cho bản thân mình và vì bản thân mình, do đó mà tình cảm và lý trí cũng trở thành ích kỷ: yêu mình trước, thậm chí là chỉ biết yêu mình thôi; vì mình trước và thậm chí chỉ biết vì mình thôi, làm xuất hiện một đạo đức trái ngược với Đạo Đức Đại Chúng, không thuộc Đức Huyền Diệu. Một hành động trên nền tảng đạo đức ấy, vì nặng tính mù quáng nên chúng ta tạm gọi là hành động theo bản năng lý tính (xin nhắc lại rằng những điều chúng ta vừa nói, nên hiểu một cách biện chứng, bởi vì tùy góc độ qui ước mà có thể nói khác đi và vẫn đúng hoặc có thể còn đúng hơn do sự chi phối của nguyên lý “nước đôi”).
Thật ra, Đức Huyền Diệu đâu có loại bỏ tình cảm yêu mình và hành động vì mình! Mục đích tối hậu của Đức Huyền Diệu là bảo đảm sự sinh tồn xã hội. Vì mục đích ấy mà trong những trường hợp nhất định, buộc nó phải hy sinh (hoặc thậm chí phải ra tay tiêu diệt) một bộ phận sinh tồn xã hội nào đó (đã cản trở hoặc định tiêu diệt sinh tồn xã hội) để ưu tiên lựa chọn, để bảo vệ đa số sinh tồn xã hội - sinh tồn của Đại Chúng. Nhưng bảo đảm sinh tồn trên bình diện xã hội thì cũng có nghĩa phải đảm bảo sinh tồn được ở bình diện cá thể, ở từng thành viên làm nên xã hội (hoặc Đại Chúng), vì nếu từng cá nhân không thể sinh tồn được thì xã hội (hoặc Đại Chúng) cũng còn đâu nữa mà nói đến sinh tồn.
Rốt cuộc lại, Đức Huyền Diệu dạy rằng: phải ưu tiên cho sinh tồn xã hội, nhưng đảm bảo được sinh tồn xã hội thì cũng là đồng thời đảm bảo sinh tồn ở mỗi cá nhân, miễn sự đảm bảo sinh tồn cá nhân của mỗi cá thể không gây cản trở, tác hại đến sự đảm bảo sinh tồn toàn xã hội, nghĩa là hai sự đảm bảo sinh tồn ấy phải cùng chiều: Sống vì mình thì cũng chính là vì cộng đồng xã hội và sống vì cộng đồng thì cũng chính là vì mình; bảo vệ cộng đồng chính là bảo vệ mình và bảo vệ mình phải trên cơ sở bảo vệ cộng đồng.
Khi đã thấu tỏ được Tự Nhiên Tồn Tại thì cũng phải thấu tỏ Đức Huyền Diệu. Nhưng nếu phân Tự Nhiên Tồn Tại ra thành tự nhiên và xã hội; Tồn Tại ra tồn tại và sống còn thì thấu tỏ tự nhiên thôi là chưa hoàn thiện mà còn phải thấu tỏ xã hội nữa. Thấu tỏ được xã hội thì cũng là thấu tỏ được xã hội và cá nhân. Loài người sống còn được là do con người liên tục được sinh ra thay thế con người đã chết đi, và đó là đạo lý. Con người được sinh ra để “chờ” ngày chết đi, cũng là đạo lý. Cái khoản “chờ” ấy được gọi là sự sống, hay cuộc sống hay cuộc đời của mỗi con người. Có thể nói con người sinh ra là để sống trước khi để chết. Con người suy nghĩ, trước sau gì cũng đặt ra câu hỏi : tại sao lại được sinh ra để rồi phải chết đi, và sống để làm gì? Bởi vì đạo lý đã định đoạt như vậy: đã có sinh thì phải có tử, là sự ngẫu nhiên trong cái tất yếu, tưởng ưu tiên mà chẳng phải ưu tiên, tưởng rất quan trọng nhưng chẳng là cái quái gì cả. Thế nhưng, đối với loài người thì cuộc sống con người có tầm quan trọng bậc nhất: duy trì sự sống còn cho nó. Nếu thế thì con người sống chỉ là vì loài người? Đúng, nhưng chưa đủ! Con người sống trước tiên là cho nó chứ chẳng cần biết đến loài người nhưng nhờ thế mà loài người duy trì được sống còn. Mặt khác, trong quá trình sống, con người suy nghĩ thấy sống “một mình” thì “khó quá” nên nó phải liên kết với những con người khác để “chung lưng đấu cật” cùng sống cho dễ dàng hơn và qua đó mà “vô tình” phụng sự cho sự sống còn của loài người. Bản năng sinh tồn nói chung là “bắt” mọi sinh linh phải “cố gắng” đến tận cùng khả năng để… sống. Ở con người suy nghĩ, bản năng sinh tồn ấy đã ngấm sâu trong tim, óc, xương, tủy làm cho nó ghê sợ cái chết hơn bất cứ con vật nào khác và do đó mà cố gắng hơn cả con vật, đem tất cả tài năng và nghị lực ra để duy trì cuộc sống, kéo dài cuộc sống, ghê sợ cái chết làm thiết tha cuộc sống, tôn vinh cuộc sống và làm xuất hiện một tình cảm gọi là Tình yêu cuộc sống.
Yêu cuộc sống của mình thì cũng là yêu mình, mà yêu mình thì phải ưu tiên cho mình. Nhưng ưu tiên cái gì? Đó là khi có khả năng (khi tạo được khả năng) thì ưu tiên cho mình sống bớt đói khát, khổ đau hơn người khác, ưu tiên cho mình được sống sung túc hơn, hạnh phúc hơn, được hưởng khoái lạc nhiều hơn. Đến đây, để trả lời câu hỏi: sống để làm gì?, chúng ta nói: sống là để hưởng thụ cuộc sống, nhưng không có sẵn cái để hưởng thụ nên phải làm việc mà tạo ra. Nếu có sẵn cái để hưởng thụ rồi thì chẳng ai thèm làm việc, nếu đã thỏa tò mò rồi thì chẳng ai thèm nghiên cứu cho mệt xác, nếu đã biết tỏng “cái gì đó” là cái gì rồi thì chúng ta chẳng dại gì mà cặm cụi viết nhăng cuội cho đến ngày hôm nay làm “lãng phí” cuộc đời mình, trong khi “em út ngoài kia” đang thiếu một tay chơi có hạng. Hay trong tục ngữ Việt nam có câu:
                           “Có ăn vất vả đã cam
                           Không ăn ta ngủ, ta làm làm chi”
Đã là con nguời thì từ người khôn cho đến kẻ ngu, từ bậc có học cho đến mù chữ, từ đấng minh quân cho đến thằng thất phu… đều thích hưởng thụ như nhau và nếu trong cuộc sống không kiếm chác được gì để hưởng thụ cả thì nói chung, cũng “ngại” làm việc như nhau. Trong một xã hội còn hỗn mang và ai ai cũng muốn mình được hưởng thụ tối đa thì số hưởng thụ được tạo ra sẽ chẳng bao giờ đủ. Tình hình ấy gây ra tình cảm ích kỷ, xui khiến ý chí mù quáng làm những việc bất chính như trộm cắp, tước đoạt… đồng loại để có cái mà thỏa mãn hưởng thụ (một cách không chính đáng). Từ đó mà bạo lực chiến tranh nổi lên, đày đọa và giết chóc lẫn nhau tràn lan khắp xã hội, đe dọa đến tồn tại xã hội và dẫn đến đe dọa luôn sự sống còn của loài người. Mặt trái của đạo lý đã trở nên nổi trội!
Khi mặt trái của đạo lý đe dọa làm tiêu vong xã hội (và loài người) thì mặt phải của nó sẽ ra tay ngăn chặn, trấn áp để bảo vệ và trong những trường hợp cực đoan, nó sẽ thông qua Đại Chúng tiêu diệt thiểu số sống còn để duy trì đa số sống còn. Mặt trái của đạo lý được gọi là vô đức và mặt phải của nó được gọi là có đức hay đức độ. Một hành động muốn làm đức thì trước hết nó phải hiện hữu được trong hiện thực  và muốn vậy nó phải phù hợp đạo lý. Do đó mặt phải của đạo lý được gọi là đạo đức. Khi cách gọi tổng quát của đạo lý là Đạo Tự Nhiên thì lúc đó, đạo đức sẽ được gọi là Đức Huyền Diệu.
Trong xã hội loài người, Đức Huyền Diệu là mặt có tính nền tảng, cơ sở, và cũng là kết quả ưu tiên của Đạo Tự Nhiên, đồng thời cũng phù hợp với nguyện vọng thiết tha của nhân dân là được yên ổn làm ăn, no đủ và hạnh phúc.
Một nhận thức đã thấu tỏ xã hội thì không thể không thấu tỏ Đức Huyền Diệu. Thấu tỏ Đức Huyền Diệu và biết nghe theo lời khuyên dạy của Đức Huyền Diệu thì gọi là giác ngộ. Khi nhận thức chưa giác ngộ thì lý trí và tình cảm còn tương đối tách biệt nhau. Lúc này, một hành động tự do thường là nghe theo sự mách bảo của con tim chứ không phải bài giáo huấn của khối óc. Bởi vì một hành động tự do (tự giác) sẽ không bao giờ biết đến chia sẻ, nhường nhịn, hy sinh (chưa nói đến sự hy sinh thân mình) nếu nó không có cái động lực cao cả, thiêng liêng là tình yêu thương đồng loại, yêu thương quê hương, tổ quốc. Yêu thương mình đồng thời với yêu thương đồng loại là sự đảm bảo tự nhiên cho loài người sống còn và chính vì thế mà nó là nội dung cốt lõi, cơ bản nhất của Đức Huyền Diệu. Suy ra, một nhận thức đã giác ngộ thì cũng phải thấm nhuần cái nội dung ấy và cái nội dung ấy là tiên quyết không thể thiếu được đối với một con người có đạo đức chân chính nào.
Đức Huyền Diệu của dân tộc Việt đã có những lời nhắn nhủ cực hay:
                           “Bầu ơi thương lấy bí cùng
                           Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”
                           “Nhiễu điều phủ lấy giá gương
                           Người trong một nước phải thương nhau cùng”
                           “Thương người như thể thương thân”
                           “Dẫu xây chín bậc phù đồ
                           Chẳng bằng làm phúc cứu cho một người”
Khi nhận thức đã giác ngộ thì lý trí và tình cảm trở nên lành mạnh, hòa hợp và nhất trí. Lúc này, hành động theo con tim thì cũng là theo khối óc và vì thế mà nó cũng trở nên đích đáng.
Đạo đức nhà Phật cũng đề cao tình yêu thương chúng sinh nhưng không phải là Đức Huyền Diệu như chúng ta quan niệm. Tình yêu thương chúng sinh mà Phật Giáo rao giảng cũng có một phần đúng và trong suốt quá trình tồn tại của nó, nó đã có công lao to lớn trong việc ru ngủ, xoa dịu nỗi đau khổ triền miên của tâm hồn con người, của tâm hồn quần chúng cần lao, cũng như đã có tác dụng nhất định trong việc thu phục ác tâm, “cải tà qui chính”. Lịch sử đã cho thấy rằng Đại Chúng yêu mến nhà Phật vì tấm lòng từ bi hỉ xả, vì lời khuyên chí tình là sống cho lương thiện và nhân ái của nhà Phật. Thế thôi chứ Đại Chúng không đi theo nhà Phật mà vẫn đi theo con đường thiết thân vì quyền sống cơ bản của mình - con đường của Đức Huyền Diệu (mà trong một xã hội thanh bình yên vui, nó có vẻ đồng điệu, thậm chí là trùng với con đường của đạo đức nhà Phật).
Đạo đức nhà Phật dù có cái đúng như đã nêu nhưng cũng có cái sai. Cái sai của nó là cơ bản. Cái sai đó chính là cái mà nhà Phật đã cố thoát ra và tưởng đã thoát ra được: sự vô minh, mê lầm. Sự vô minh, mê lầm đã làm cho quan niệm yêu thương chúng sinh của nhà Phật bị bao trùm bởi tính mù quáng.
Vì bị sự mù quáng thao túng nên tình yêu thương kiểu nhà Phật trở nên nhạt nhòa, bi lụy, cải lương, ảo tưởng và vô tình dung túng cái ác; đã không giúp được gì mà còn cản trở Đại Chúng trên bước đường đi đòi lại quyền lợi sống còn cơ bản và chính đáng của mình. Chính vì vậy mà lịch sử phát triển Phật Giáo - bộ phận của lịch sử phát triển triết học thế giới - cũng đầy những trăn trở, dằn vặt, đầy những bất đồng dẫn tới không ngừng phân ly phe phái, tan rồi hợp, hợp rồi lại tan. Chỉ riêng khái niệm “Niết bàn” thôi đã có vô kể lý giải nhưng chưa có lý giải nào, kể cả của những Phật gia thâm hậu nhất, được lên ngôi độc tôn, bởi vì không có lý giải nào mà không mâu thuẫn (không phải là loại mâu thuẫn do nguyên lý nước đôi, mà do “kỹ thuật” và có tính “cơ học”) với chính cái nền tảng lý luận đã sinh ra nó. Để rồi, trước nguy cơ “dễ gây rạn vỡ lòng tin” phiền toái, người ta đã phải mở một lối để “giải thoát” cho nó: Niết bàn là “bất khả thương nghị” vì nó ở bên ngoài, vượt lên trên khái niệm, chỉ có thể “ngộ” được nó qua con đường tu tập Phật Giáo mà thôi (!). Vì bị bao phủ bởi mù quáng như thế và là bộ phận của “xã hội ngoài đời”, nên xã hội Phật Giáo cũng không thoát khỏi sự phân hóa trên - dưới, trước - sau làm xuất hiện sự đua tranh mang bản chất danh lợi và vì danh lợi, cũng xuất hiện đủ những cao thượng - thấp hèn, quân tử - tiểu nhân (tuy nhiên, có thể là do mức độ không quá gay gắt, có phần ngấm ngầm nên cũng không bộc lộ ra một cách rõ ràng, quyết liệt nhờ ở trong sự phủ dụ của tình yêu thương nhà Phật, trong sự răn đe ân oán kiểu nhà Phật và cũng vì sợ làm hoen ố tấm gương mẫu mực của lối sống chay tịnh, không thị phi, bất vụ lợi mà Phật Giáo đã trưng ra trước bá tánh). Nếu ngày xưa vua chúa lấy lộc nước làm nguồn thu để sống và làm giàu thì ngày nay, có thể nói sự tồn tại, sung túc, và công việc từ thiện của các chùa chiền Phật Giáo đều dựa vào nguồn thu chủ yếu từ công quả đóng góp, hiến dâng của bá tánh. Đây là điều rất đáng phải suy nghĩ!
Đức Huyền Diệu có bản chất ưa chuộng hòa bình vì mục đính tối hậu của nó là phụng sự cho xã hội loài người được sống còn một cách tốt đẹp. Nhưng mặt trái của đạo lý, trong xã hội còn hỗn mang, làm xuất hiện những bộ phận người lấy giết chóc, cướp bóc đồng loại làm lẽ sống. Muốn giết chóc, cướp bóc thì phải có quyền lực. Thoạt kỳ thủy, quyền lực đó có được là do lạm dụng, “ăn cắp” cái quyền lực của nhân dân đã tín nhiệm trao cho, dùng vào việc phụng sự nhân dân, phụng sự xã hội. Dần dần, quyền lực ấy trở thành sở hữu riêng của bộ phận người chuyên đi cướp bóc và giết chóc (không thể cướp bóc được mãi mà không giết chóc!). Khi đã giàu có của cải rồi thì phải dùng một phần của cải cướp bóc được để nuôi dưỡng quyền lực, sử dụng bạo lực nhằm bảo vệ của cải đã cướp bóc được và tiếp tục những cuộc cướp bóc, giết chóc mới. Tình hình đó gây nên nạn đối xử với nhau bằng bạo lực và bạo lực tràn lan trong xã hội; làm cho xã hội bị tàn phá ngày một ghê gớm, cuộc sống xã hội trở nên ảm đạm, ngày một ngột ngạt, thê lương đến độ đe dọa bản thân sự sống còn của chính xã hội. Lúc này, Đức Huyền Diệu bị đặt trước một thách thức nghiêm trọng: hoặc là phải chịu khuất phục, rời bỏ cái sứ mạng thiêng liêng của nó hoặc phải chiến đấu. Vâng theo Tạo Hóa, nó chọn con đường chiến đấu và Đại Chúng, như một thiên sứ của nó, sẽ thực hiện trong thực tế nhiệm vụ mà nó đã lựa chọn ấy bằng bạo lực và tột đỉnh của bạo lực là đấu tranh vũ trang.
Trong xã hội, khi một bộ phận người đã trở nên phản động, ra sức bóc lột, đàn áp, giết chóc bộ phận đa số còn lại thì coi như nó đã không xem số còn lại đó là đồng loại của nó nữa. Do đó, Đại Chúng cũng coi đám thiểu số ấy là lạc loài, là như một kẻ ngoại bang tàn bạo đến xâm lược và đô hộ. Vì vậy, để sống còn, để tránh bị tiêu diệt, Đại Chúng chỉ còn cách tiêu diệt cho bằng được quyền lực của kẻ lạc loài đó và buộc phải giết chóc sinh linh.
Đức Phật không khuyên Đại Chúng làm như thế mà khuyên nên cam chịu, bất bạo động. Lời khuyên ấy có thể là đúng trong sinh hoạt dân sự bình thường giữa các cá thể với nhau và câu “Lấy oán báo oán, oán oán chất chồng” của nhà Phật cũng đúng trong trường hợp này. Nhưng sẽ trái đạo lý trong trường hợp Đại Chúng phải đứng lên giành lại quyền sống cơ bản đã bị tước đoạt của mình trước mũi tên, hòn đạn của cường bạo. Đây chính là điểm khác biệt cơ bản, có tính nguyên tắc giữa hai quan niệm về tình yêu thương đồng loại: đạo đức nhà Phật và Đức Huyền Diệu.
Mục đích của Đức Huyền Diệu là phụng sự sự sống còn của nhân loại, mong muốn của Đức Huyền Diệu là xã hội thanh bình, tươi vui. Vì lẽ đó mà Đức Huyền Diệu rất ghét chiến tranh nhưng cũng vì lẽ đó mà trong những trường hợp vạn bất đắc dĩ, nó cũng không chối bỏ và thậm chí là đi gây chiến tranh. Tuy nhiên, Đại Chúng tiến hành chiến tranh chỉ là nhằm đánh tan cái quyền lực đè đầu, cưỡi cổ, bóp nghẹt cuộc sống họ để tự giải thoát và hơn nữa đó là cuộc chiến đấu vì sự sống còn xã hội, có tính chính nghĩa, nhân đạo cao cả nên trước khi phải giết chóc, nó luôn cân nhắc, không để xảy ra nạn giết chóc bừa bãi, vô cớ.
Chúng ta cho rằng Lão Tử là nhà hiền triết sớm nhất và cũng là người duy nhất cho đến nay thấy được căn nguyên đích thực của Tự Nhiên Tồn Tại, giải thích nhất quán được một cách triết học những hiện tượng tự nhiên cũng như xã hội trên cùng một cơ sở duy nhất là Đạo Tự Nhiên (vì đúng là như thế thật, xét cho cùng thì chúng đều có cùng nguồn gốc, vận động theo cùng một nguyên lý cơ bản và duy nhất với những biểu hiện đặc thù để phân biệt được mà thôi). “Đạo Đức Kinh” là tác phẩm triết học vô giá của loài người đồng thời cũng là một pho giáo huấn bất hủ về lẽ sống con người và ứng xử xã hội. Do lối hành văn hết sức “kiệm lời” bởi hạn chế thời đại và của văn tự tượng hình mà đám hậu thế chúng ta, dù đã hơn 2500 năm trôi qua vẫn chưa hiểu đúng và hiểu hết được ý tình Lão Tử gửi gắm trong kiệt tác này. Chúng ta sẽ lại trích vài lời bàn luận về xã hội và chiến tranh của nhà hiền triết số một này để… đỡ nhớ lão:
“Hết sức giữ cho (tinh thần) cực hư, cực tĩnh, để quan sát vạn vật sinh trưởng, ta sẽ thấy được luật phản phục (qui luật tuần hoàn).
Vạn vật phồn thịnh rồi thì đều trở về căn nguyên của chúng (trạng thái cân bằng, tĩnh tại). Trở về căn nguyên (qui căn) thì tĩnh, để lại (bắt đầu làm) theo mệnh. Theo mệnh là luật bất biến. Nhận thức được luật bất biến (qui luật) thì gọi là sáng tỏ, không nhận thức được luật bất biến thì vọng động mà gây họa.
Nhận thức được luật bất biến thì bao dung, bao dung thì công bằng, công bằng thì vẹn toàn, vẹn toàn thì phù hợp tự nhiên, phù hợp tự nhiên thì phù hợp đạo, hợp đạo thì bền vững lâu dài, cả đời không nguy”.
“Cai trị thiên hạ bằng cưỡng bức là điều mà ta thấy không thể (thành công) được. Thiên hạ (nhân dân) có thần khí (linh diệu) nên không thể cưỡng bức, khống chế họ bằng bạo lực. Cai quản bằng bạo lực sẽ thất bại, thống trị bằng áp chế sẽ bị lật đổ.
Mọi người trong thiên hạ (là không giống nhau), có người đi trước có kẻ theo sau, có người thở chậm có kẻ thở nhanh, có người mạnh khỏe có kẻ ốm yếu, có người yên ổn có kẻ hoạn nạn. Cho nên thánh nhân (cai trị thiên hạ) phải loại bỏ những hành xử thậm tệ, từ bỏ xa hoa, không đòi hỏi quá quắt (như tăng cường bóc lột chẳng hạn)”.
“Người giữ đạo mà phò vua thì không dùng binh lực ức hiếp thiên hạ. Vì làm như vậy sẽ có tác dụng ngược (làm cho binh lực thiên hạ mạnh lên).
Chiến trận xảy ra ở đâu, ở đó tan hoang, gai góc mọc đầy. Vì vậy mà sau những cuộc chiến tranh lớn thường xuất hiện mất mùa, đói kém.
Người khéo dùng binh, khi đạt được kết quả, mục đích thì thôi, không huênh hoang mạnh hơn thiên hạ. Đạt được mục đích không lấy làm tự phụ, không khoe công lao, không kiêu hãnh, mà phải cho đó là việc bất đắc dĩ. Đạt được mục đích rồi thì không thể hiện sự hùng mạnh nữa (bãi binh).
Vật gì cũng vậy, đạt đến cường tráng thì sẽ già suy. Như vậy cương cường là không hợp đạo, không hợp đạo thì sớm bị diệt vong”.
“Binh khí là vật bất tường (nguy hiểm, gây họa) ai cũng ghét nên người giữ đạo không thích dùng nó. Người quân tử khi ở nhà thì trọng bên trái (dương, sự sống), khi dùng binh thì trọng bên phải (âm, sự chết).
Binh khí là thứ bất tường, không phải là của người quân tử, cho nên chỉ bất đắc dĩ mới dùng đến, mà dùng đến thì nên điềm đạm (bình tĩnh, cân nhắc kỹ càng) là hơn cả. Thắng cũng không cho là hay, nếu cho là hay tức là thích giết người. Kẻ nào thích giết người thì không thể vui sống, đắc chí với thiên hạ được.
Lúc yên lành (cát) thì trọng bên trái (quan tâm, chú ý nhiều hơn đến sự sống), lúc nguy nan (hung) thì trọng bên phải (quan tâm, chú ý nhiều hơn đến cái chết). Phó tướng ở bên trái, thượng tướng ở bên phải để (tỏ rõ rằng) coi việc dùng binh như tiến hành tang lễ. Giết hại nhiều người thì nên lấy lòng bi ai mà khóc; chiến thắng rồi thì nên lấy tang lễ mà xử”.
***
Theo cách hiểu của chúng ta về Đức Huyền Diệu và về chiến tranh của tư tưởng Lão Tử mà chúng ta đã trình bày từ trước đến nay thì rõ ràng, trong chiến tranh thế giới thứ hai, quân dân Liên Xô đã là đại diện chân chính nhất của nhân loại, là lực lượng vũ trang trung tâm, mã thượng nhất, nhân đạo nhất, mạnh mẽ nhất, cương quyết nhất, tiên phong nhất và có công lao nhất của Đại Chúng thế giới trong sự nghiệp tiêu diệt, đập tan bạo lực phát xít, bộ phận phản động định bắt cả thế giới phải sống trong vòng nô dịch. Trong đó, không thể không kể đến những chiến công bất diệt của các chiến sĩ tình báo Xôviết (người Nga cũng như những người dân tộc khác, có quốc tịch khác). Chúng ta sẽ nói một đôi điều cô đọng về họ để coi như là một nén nhang thương nhớ sự xả thân thầm lặng vì mục đích cao cả của họ và cũng như là phần kết cho chương “Tội ác” đã quá dài dòng.
W. F. Flike, vốn là nhân viên phản gián Đức trong chiến tranh thế giới thứ hai, thừa nhận:
“… Mạng lưới tình báo Liên Xô có đến 35.000 người. Họ được tuyển chọn trong giới thượng lưu châu Âu, những người trí thức, các nhà công nghiệp, các viên chức cao cấp vì căm thù chủ nghĩa phát xít mà đã trở thành những người có thiện cảm với chủ nghĩa cộng sản”.
Domigo Pastor Petít, trong tác phẩm “Công tác gián điệp” của mình cũng có viết:
“Chỉ riêng trong mạng lưới tình báo của Radô ở Thụy Sĩ đã có 11 sĩ quan Đức mà tên tuổi đến nay vẫn chưa được biết, thường xuyên thông báo các tin tức quan trọng và bí mật của bộ tham mưu Quốc xã cho tình báo Liên Xô, tổng số báo cáo của 11 quân nhân này dài tới 12.000 trang đánh máy”.
Những người am hiểu công tác tình báo đều thừa nhận: “Rote Kapelle (khi chiến tranh nổ ra, tin tức tình báo gửi qua làn sóng vô tuyến điện của các chiến sĩ tình báo Xôviết, từ nước Thụy Sĩ và nước Đức về Liên Xô rộ lên đến mức được gọi là “Dàn nhạc đỏ”) đã gửi cho Mátxcơva những tin tức về số lượng và chất lượng chưa từng có trong toàn bộ lịch sử công tác tình báo”.
Chúng ta sẽ liệt kê một số tin tình báo gửi về Mátxcơva từ nước Đức và Thụy Sĩ hồi đó trong hồ sơ lưu trữ.
Ngày 10-5-1940, có một bức điện mật mã từ Đức:
“Có tin từ các giới của Bộ Ngoại giao là các hoạt động quân sự chống nước Nga đã được vạch ra… Cuộc chiến tranh này đang đến sát ngưỡng cửa…”.
Ngày 21-2-1941, một bức điện đóng vai trò như khúc dạo đầu của “dàn nhạc đỏ” trên đất Thụy Sĩ cất tiếng:
“Theo tin tức nhận được từ một sĩ quan Thụy Sĩ thông thạo tình hình, Đức hiện có 150 sư đoàn ở phía Đông. Theo người này thì Đức sẽ tấn công vào cuối tháng 5”.
Ngày 18-12-1940, kế hoạch “Barbarosa” nhằm tấn công Liên Xô của quân Đức đã được chuẩn y. Hitle đã ra lệnh “đánh lạc hướng địch” bằng cách tạo cho được ấn tượng rằng việc đổ bộ lên đất Anh vẫn đang được xúc tiến, rằng việc triển khai lực lượng cho chiến dịch Barbarosa chỉ là màn kịch, “là sự nghi binh vĩ đại nhất trong lịch sử chiến tranh, làm người ta nghĩ rằng Đức sẽ không có ý định tấn công vào Anh nữa”. Nhưng các chiến sĩ tình báo Xôviết đã sớm biết và đã gửi nhiều tin tức về báo cho đất nước nguy cơ này. Trong số đó có một bức điện gửi từ Béclin vào cuối tháng 2-1941:
“… Việc chuẩn bị cho cuộc chiến tranh chống Liên Xô đã được đẩy mạnh… Đã thành lập 3 cụm tập đoàn quân đặt dưới sự chỉ huy của thống chế Bốc, Runstet và Phôn Lép. Cụm tập đoàn quân “Kênixberg” sẽ tiến công theo hướng Lêningrát, cụm tập đoàn quân “Vácxava” theo hướng Mátxcơva, cụm tập đoàn quân “Pôdnan” theo hướng Kiép. Thời gian tấn công từ 20-5. Có kế hoạch đánh lớn tại khu đầm lầy Pinxki với sự tham gia của 120 sư đoàn Đức. Đã chế tạo các loại tàu bọc thép theo khổ đường ray Nga”.
Vào những ngày đầu tháng 3-1941, cũng nguồn tin này báo về:
“Có những hiện tượng khác nói lên cuộc tấn công của Đức chống Nga sắp sửa xảy ra. Thời hạn từ 15-5 đến 15-6. Có tin khẳng định là tại Ba Lan có 120 sư đoàn…”.
Ngày 7-6, lại nguồn tin này báo về:
“Nước Nga hiện nay là trung tâm của sự chú ý. Hitle đã đích thân lệnh cho Himle xác định xem ai đã tung tin về chiến tranh với nước Nga… Hàng ngày, cũng như trước đây, có tới 15 đoàn tàu chở quân và hàng hóa quân sự đi về phía Đông… Các tướng lĩnh sợ có khó khăn trong việc cung cấp nhiên liệu vì chiến tranh với Nga đòi hỏi mỗi ngày phải có 24 đoàn tàu chở nhiên liệu. Trong khi đó, quân đội chỉ mới đáp ứng được có 16 đoàn tàu. Có nguy cơ là lực lượng xe tăng không thể đi quá Kiép…”.
Cuối cùng, ngày 16-6, 6 ngày trước khi nổ ra chiến tranh, nguồn tin gửi thêm một bức điện nữa:
“Trong Bộ Tổng tham mưu tối cao Đức đã loan tin về cuộc tấn công Liên Xô vào khoảng từ ngày 22 đến 25-6”.
Ngày 6-4-1941, một bức điện gửi về từ Thụy Sĩ:
“Quân đội Đức trước đây tập trung ở biên giới Thụy Sĩ đã được chuyển đến phía đông mạn biên giới Liên Xô”. Đến cuối tháng 5, từ đây gửi về thêm bản tin: “quân Đức sẽ tấn công Liên Xô vào rạng sáng ngày 22-6…”; và sáng ngày 22-6 là bức điện: “Trong giờ phút lịch sử này, chúng tôi nguyện sẽ hết sức trung thành và sẽ nhân đôi sức mạnh, đứng vững trên vị trí tiền tiêu”.
Ngay trong những ngày đầu chiến tranh, cơ quan phản gián Đức (Ápve) đã phát hiện một số đài phát tín hiệu mật mã lạ đặt ngay tại Béclin. Các chuyên gia về mật mã của Đức được lệnh cấp tốc giải mã các bức điện thu được nhưng bất lực. Sự việc đã được báo cáo lên trên nhưng cả Bộ Tổng tham mưu Ápve cũng như Cục an ninh đế chế Đức đã không xem trọng báo cáo này. Có lẽ do ngây ngất với chiến thắng ban đầu mà thủ trưởng các cơ quan này đã quá chủ quan, nghĩ rằng cho dù đó là những tin tức tình báo của đối phương gửi về cho Trung tâm ở Mátxcơva thì phỏng có ích gì: mới sau hai tuần chiến sự mà quân Đức đã chiếm được Riga, Minxcơ, đã tới gần Đơnhiép, đã đi được nửa đường đến Mátxcơva… Ngày 3-7-1941, Ganđe, Tham mưu trưởng lục quân Đức, ghi trong nhật ký quân sự của mình: “Sẽ không cường điệu khi nói rằng chiến dịch chống Nga sẽ thắng lợi trong vòng 14 ngày…”.
Thời gian trôi đi, Cuộc tấn công vào Liên Xô diễn tiến chậm dần lại. Trong khi đó, Dàn nhạc đỏ hay như phản gián Đức gọi là “Những kẻ chơi Pianô” cứ thản nhiên “dạo” những “ca khúc” bí ẩn ngay bên tai, tại đâu đó trong Béclin. Hitle đã nổi cơn cuồng nộ khi nghe Himle thông báo chuyện này và dọa sẽ trừng trị đích đáng những kẻ bất lực, không tìm ra được kẻ địch ngay trong nhà mình. Cơ quan tình báo, phản gián Đức lúc này mới bắt đầu một kế hoạch qui mô nhằm quyết tâm truy quét, tiêu diệt Dàn nhạc đỏ trên đất Đức, bắt đầu từ thủ đô Béclin.
“Những kẻ chơi pianô” vẫn lúc ẩn, lúc hiện, nơi này, nơi khác phát đi những bản “ca khúc” bí ẩn lên làn sóng điện mà mãi sau này mới rõ là:
“Hitle đã ra lệnh chiếm Ôđécxa trước ngày 15-9. Việc trì hoãn chiến dịch đường không ở miền Nam là do có thay đổi kế hoạch của Bộ chỉ huy Đức. Tại mặt trận phía Đông, phần lớn các sư đoàn Đức đã mất sức chiến đấu vì bị tổn thất nặng nề. Những đơn vị mới thành lập chỉ có quân số tối thiểu…”.
“… Mục tiêu tấn công có thể là giành tuyến Áckhanghen Mátxcơva - Axtrakhan vào cuối tháng 11…”.
“… Các đoàn tàu chở pháo hạng nặng đã đi qua vùng Kênhiếcxbec theo hướng tới Mátxcơva. Tại Pilau đang đưa lên tàu những khẩu đội pháo bờ biển hạng nặng và số vũ khí này cũng sẽ được chuyển tới đó”.
“… Tin tức đã nhận được từ một sĩ quan cao cấp của Bộ Tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang Đức. Đã thông qua quyết định không đánh chiếm Lêningrát mà chỉ bao vây phong tỏa nó”.
“Tổn thất thực tế của quân đội Đức sau 3 tuần chiến đấu đầu tiên tại mặt trận phía Đông là gần 100 ngàn tên… Cũng thời gian đó, quân Đức đã mất 1.500 xe tăng - chiếm nửa tổng số xe tăng vào đầu chiến dịch trên mặt trận phía Đông…”.
“Ở Đức hiện đang thành lập 26 sư đoàn mới. Mọi việc sẽ xong vào đầu tháng 9”.
Nhưng đột nhiên, trong lúc tình hình chiến sự ở ngoại ô đang rất căng thẳng thì tin tức tình báo gửi từ Béclin về Mátxcơva ngưng hẳn. Trung tâm đã cố bắt lại liên lạc nhưng vô ích: Béclin ngưng bặt trả lời khi được hỏi. Về sau này người ta mới biết nguyên nhân: hiệu thính viên ở Béclin đã nhầm lẫn thời gian liên lạc với Trung tâm. Một sơ sót nhỏ mà đầy tai hại!
Tuy nhiên, sau một thời gian cố gắng, mạo hiểm cử liên lạc đến tận Béclin, Trung tâm đã nối lại được đường dây điện báo. Đài phát bí mật tại Béclin lại tiếp tục hoạt động. Vì các báo cáo bị dồn ứ nhiều đến nỗi các hiệu thính viên chuyển không kịp, một phần lớn tin tức phải chuyển qua lực lượng giao thông viên tín cẩn. Đó là những tin tức quan trọng. Đơn cử như báo cáo dưới đây:
“… Kế hoạch số 3 có liên quan đến đợt tấn công vào Kápkadơ vào tháng 11 đã được hoãn lại tới mùa xuân năm sau… Việc đảm bảo kỹ thuật như tích trữ đạn dược, vật tư thiết bị… sẽ phải hoàn tất trước ngày 1-2-1942. Các lực lượng tiến công vào Kápkadơ sẽ được triển khai trên tuyến Lôdôvaia - Truguép - Bengôrớt - Áctứcka - Kraxnôgrat. Bộ tham mưu cụm tập đoàn quân đóng ở Kháccốp…”.
Trong thông báo này, Bộ chỉ huy Liên Xô đã được thông báo về ý đồ chiến lược và hướng tấn công dự định của quân Đức cho mùa hè năm 1942, trước sự kiện xảy ra đến 8 tháng.
Để có được những thông tin có giá trị lớn như thế, các chiến sĩ tình báo Xô Viết trên đất Đức, nhất là ở Béclin đã phải hoạt động hết công suất và lực lượng tình báo ở đây cũng đã phải chịu những tổn thất lớn lao. Biết bao nhiêu người đã bị bắt, bị tra tấn dã man và hy sinh anh dũng.
Cũng đồng thời với khoảng thời gian đó, bộ phận tình báo Xô Viết trên đất Thụy Sĩ hoạt động tỏ ra đắc lực, hết sức hiệu quả, thu thập được nhiều tin tức hết sức quan trọng, có giá trị cao về quân sự. Chúng ta xin liệt kê vài ba báo cáo của họ gửi về Trung tâm để phần nào thấy rõ điều đó:
Trong khi Đức đang chuẩn bị đòn tấn công vào miền Nam nước Nga, theo hướng Kápkadơ và hạ lưu sông Vônga thì Trung tâm nhận được các thông báo từ nguồn Thụy Sĩ:
“Thời hạn cuối cùng để hoàn tất chuẩn bị cho cuộc tấn công mùa xuân là ngày 22-5. Cuộc tấn công có thể bắt đầu trong khoảng từ ngày 31-5 đến ngày 7-6”.
“Tại Đức đang thành lập 4 sư đoàn xe tăng mới, một sư đoàn hiện đang đóng tại khu vực Pari…”.
“Vào đầu tháng 4, trên lãnh thổ của Liên Xô bị Đức chiếm đóng, đã có nhiều đơn vị Đức tới để chuẩn bị cho cuộc tấn công vào mùa xuân. Quân số và đặc biệt là chất lượng kỹ thuật rõ ràng là hơn nhiều so với tháng 6-1941… Tất cả những con đường hướng nam mặt trận đầy những xe tải chuyên chở vật liệu”.
Để chuẩn bị cho cuộc phản công lớn của Hồng Quân tại Stalingrát, Trung tâm đã không ngừng yêu cầu nguồn Thụy Sĩ trả lời những câu hỏi mới. Ngay từ tháng 8-1942, nguồn Thụy Sĩ đã báo về:
“Theo tin tức của giới quân sự cao cấp, Hitle đã ra lệnh chiếm Maiakốp và Grôdnưi trong tháng 8. Bộ chỉ huy quân sự Đức hy vọng có thể khôi phục lại được trung tâm công nghiệp dầu mỏ ở Kápkadơ trong vòng nửa năm dù người Nga trước khi rút lui có phá hủy các dàn khoan đi chăng nữa. Toàn bộ các chuyên gia lớn về dầu khí đã tập trung ở Béclin đợi lệnh đi Kápkadơ”.
Đầu tháng 11-1942 có một thông báo:
“Bộ chỉ huy Đức tin rằng quân đội Liên Xô không thể tập trung quân tại đông - nam Stalingrát, từ phía các cánh đồng lau sậy trong các vùng đất đen hoang vu, cằn cỗi. Vì thế cánh phải của quân Đức đang hoạt động tại ngoại ô Stalingrát đã để hở sườn. Đoạn này được xem là khu vực phụ của mặt trận. Tại đây chỉ có những đơn vị chiến đấu kém của tập đoàn quân Rumani số 4. Các sư đoàn Đức đã được điều từ khu vực này đến những nơi có hoạt động tích cực hơn ở ngoại ô Stalingrát”.
Sau đó vài ngày, Trung tâm hỏi:
“Các trận địa phòng ngự trong hậu phương của Đức tại các tuyến tây - nam Stalingrát và dọc sông Đông nằm ở đâu…”.
Và câu hỏi này cũng được nguồn Thụy Sĩ trả lời.
Như chúng ta đã biết, ngày 19-11-1942, Hồng quân Liên Xô bắt đầu mở cuộc phản công. Cánh trái của mặt trận Stalingrát đã xuất phát ngay từ các cánh đồng lau sậy, trong vùng đất hoang vu, cằn cỗi…
Sau hai năm chiến tranh, quân đội Đức đã không còn thế và lực như hồi năm 1942. Những thất bại tại Mátxcơva, Stalingrát… đã làm cho quân Đức thiệt hại không thể hồi phục được. Bộ chỉ huy tối cao Đức chỉ còn có thể vạch kế hoạch tấn công vào một tuyến nhất định, nhưng muốn thế phải biết quân đội Liên Xô định tổ chức phản công trên tuyến nào, khu vực nào để đối phó, tổ chức phòng ngự ở đó. Qua thám sát bằng không quân và phân tích tin tức tình báo có được, Bộ chỉ huy Đức xác định, Hồng quân Liên Xô sẽ tấn công trên hướng Bắc của mặt trận Trung tâm. Từ phán đoán đó, quân Đức quyết định tiến hành xây dựng một phòng tuyến vững chắc mang tên “Chiến lũy phương Đông”. Đây là một kế hoạch tuyệt mật, được cất trong két sắt bảo mật đặc biệt của Bộ chỉ huy tối cao Đức.
Ấy vậy mà ngày 29-3-1943, một báo cáo từ Thụy Sĩ đã về đến Trung tâm:
“… Thượng khẩn. Ngày 25-3, quân Đức đã xác định rằng việc tập trung quân đội Liên Xô tại vùng cận Vônkhốp và tại Lêningrát vẫn đang tiếp diễn. Bộ chỉ huy tối cao Đức cho rằng trong những tuần gần đây, có một số lượng lớn vật liệu quân sự đã được đưa đến Lêningrát qua Muốcmanxcơ và Vonogđa, còn quân đội thì được tung bằng đường không qua Slixenbuốc. Bộ chỉ huy tối cao Đức dự đoán: quân Nga sẽ tăng cường hoạt động trong các khu vực Nêva, Vonkhốp, Xviri. Vì lẽ đó, Bộ chỉ huy Đức quyết định trước hết phải đẩy mạnh việc xây dựng những tuyến phòng thủ và phòng tuyến “chiến lũy phương Đông” trên hướng bắc của mặt trận mà cụ thể là tại Extônhia và Látvia”.
Sau 2 tuần, lại có báo cáo:
“Thượng khẩn. Rất quan trọng. Kế hoạch “Chiến lũy phương Đông” từ Tetdi… Đội xây dựng “Nord” đang thi công 2 tuyến “Chiến lũy phương Đông” - một tuyến chống tăng và một tuyến đề kháng… Dọc theo “Chiến lũy phương Đông” cũng như trên tuyến đề kháng đều có những lô cốt bê tông, những đường hào, bẫy chống tăng… Kế hoạch chung và nhiệm vụ đặt ra cho đội xây dựng “Nord” chứng tỏ quân Đức có ý định tiến hành những trận đánh phòng ngự mang tính chất chiến lược…”.
Tin tức tình báo từ Thụy Sĩ tiếp tục được gửi về đều đặn đã nói về việc bố trí lại các cụm quân Đức, về lực lượng dự bị khổng lồ trong hậu phương trung tâm của mặt trận. Điều này cho thấy rằng Bộ chỉ huy tối cao Đức định đánh một đòn lớn vào Hồng quân trong khu vực vòng cung Cuốcxcơ.
Vòng cung Cuốcxcơ nằm hõm sâu vào trận địa của quân Đức là khu vực chiến tuyến có tầm quan trọng vô cùng cho cả hai phía. Đối với quân đội Liên Xô thì đây có thể là bàn đạp để tấn công về hướng Đơnhiép. Đối với quân đội Đức Quốc Xã thì đây là căn cứ để phát triển vòng vây về phía Nam và Bắc để tiêu diệt ít nhất hai phương diện quân đối phương, giành khoảng không chiến lược, tạo điều kiện tiến thẳng vào Mátxcơva, đi đến thắng lợi hoàn toàn trên mặt trận phía Đông.
Tháng 4-1942, một cuộc họp trong đại bản doanh của Hitle đã thảo luận và lên kế hoạch phân bố lực lượng dự bị cho hè - thu năm 1943. Trong đó có quyết định triển khai chiến dịch tấn công mang tên “Xitađen” tại vùng Cuốcxcơ vào tháng 5 (tuy nhiên, để chuẩn bị chu đáo, chắc ăn hơn, Hitle đã thay đổi thời điểm mở chiến dịch và phải đến tháng 7, chiến dịch mới xảy ra trên thực tế).
Trong quá trình chuẩn bị, quân Đức đã cố gắng giữ tuyệt mật chiến dịch, nhưng đối với Đại bản doanh Hồng quân, nó đã sớm không còn là bí mật nữa.
Các tin tức tình báo từ Thụy Sĩ tiếp tục được gửi về:
“Từ đầu chiến tranh đến ngày 30-5-1943, thiệt hại của quân Đức là: 1.940.000 quân chết, 565.000 bị bắt, 1.000.000 tên bị thương. Tổng thiệt hại là 3.772.000 tên”.
“Quân Đức đã phát hiện là Nga đã tập trung một số lớn quân trong khu vực Cuốcxcơ, Viadam và Cánh cung vĩ đại. Bộ chỉ huy tối cao Đức cho rằng quân đội Liên Xô có thể chuẩn bị tấn công mạnh mẽ cùng một lúc trên nhiều khu vực mặt trận…”.
Trước lúc mở màn trận đánh, một nguồn tin khác báo về trung tâm khẳng định báo cáo của nguồn Thụy Sĩ.
“Quân Đức đã xác định rằng từ ngày 2-5, quân Nga đã tập trung những lực lượng cơ giới mới tại khu vực Cuốxcơ, gần phía đông Kháccốp để đối đầu với việc bố trí lại lực lượng của tập đoàn quân Mastein. Đức không thể để cho quân Nga tiếp tục tập trung lực lượng ở phía tây và tây - nam Cuốxcơ nữa, vì nếu quân Nga tiến công trên hướng này sẽ gây ra tình trạng nguy ngập cho toàn bộ mặt trận Trung tâm. Đức cần phải chủ động tấn công chặn trước đòn đánh của Hồng quân…”
Nhờ những tin tức tình báo quí giá từ bên kia chiến tuyến gửi về kết hợp với những phân tích tình báo tại chỗ, Đại Bản Doanh của Hồng quân đã báo cho các tư lệnh phương diện quân bố trí trên khu vực vòng cung Cuốxcơ trước 3 ngày về việc quân Đức có thể tiến công trong khoảng từ ngày 3 đến ngày 6-7-1943. Hồng quân Liên Xô đã trong tư thế sẵn sàng chiến đấu.
Đêm 4, rạng ngày 5-7, lực lượng trinh sát Xô Viết bắt được một lính công binh Đức. Sự việc được báo cáo lên ngay cho nguyên soái Giucốp. Tên này khai rằng lệnh tấn công của Hítle đã được phổ biến xuống các đơn vị và thời điểm mở màn là vào khoảng 3 giờ sáng.
Nguyên soái Giucốp, Tổng chỉ huy chiến dịch nhanh chóng hạ mệnh lệnh tấn công phủ đầu bằng pháo binh vào đội hình quân Đức. Đúng 2 giờ 20 phút, hỏa lực của tất cả các loại pháo của Hồng quân bắn phá mãnh liệt sang trận địa quân Đức. Cuộc bắn phá này làm chậm thời điểm tấn công đã dự định của quân Đức đến hai tiếng rưỡi. Mãi đến 5 giờ 30 phút, quân Đức mới có thể tổ chức đợt tấn công đầu tiên.
Và như đã kể, chiến dịch “Xitađen” của quân phát xít Đức đã bị thất bại thảm hại, mở ra bước ngoặt có tính quyết định đến chiến thắng của quân dân Xô Viết trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại.
Nhiều năm sau, nguyên soái Giucốp, vị tướng thiên tài của đất nước Liên Xô và là danh tướng thế giới đã ghi trong hồi ký của mình về nguyên nhân thắng lợi của Hồng quân trong trận đánh tại vòng cung Cuốxcơ:
“Bất cứ ai có chút ít kiến thức quân sự đều hiểu rằng do dâu mà có thắng lợi quân sự. Muốn giành thắng lợi, đòi hỏi phải đánh giá đúng đắn toàn bộ tình hình, lựa chọn chính xác hướng tấn công chủ yếu, bố trí đội hình khéo léo, có sự tính toán và hiệp đồng chặt chẽ tất cả các loại vũ khí; các chiến sĩ phải có tinh thần chiến đấu cao và kỹ thuật chiến đấu tốt, phải có sự lãnh đạo kiên quyết và linh hoạt, nắm vững thời cơ và nhiều yếu tố khác nữa…
Tình báo giỏi cũng là một trong những nguyên nhân đảm bảo thắng lợi cho trận đánh vĩ đại này.”
Công lao của các chiến sĩ tình báo Xô Viết (có nhiều quốc tịch khác nhau) hoạt động tại Châu Âu, đối với cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của quân dân Liên Xô và qua đó mà đối với cả nhân loại tiến bộ là to lớn, không thể kể hết được. Sự hoạt động hiệu quả của lực lượng này đã được ngay chính Hítle, kẻ hãnh tiến điên cuồng, cũng phải thừa nhận. Sau chiến tranh vài năm, Vante Phôn Selenbéc, thủ trưởng cục 6 của cơ quan an ninh đế chế Đức, đã viết trong hồi ký:
“Hítle lại quay sang công tác phản gián của chúng tôi, thường xuyên hỏi và yêu cầu báo cáo. Hítle nói rằng cơ quan tình báo bí mật của Nga có hiệu lực hơn của Anh hay của bất cứ một nước nào khác. Hítle đã ra lệnh tập trung tất cả lực lượng để đối phó lại với tình báo Liên Xô, chống lại mạng lưới đang lan nhanh một cách ghê gớm trong nước Đức và trong những vùng bị Đức chiếm đóng”.
Và sự hy sinh của họ cũng to lớn.
Trong tác phẩm “Trong những tháng năm của cuộc Đại chiến”, tác giả I.M.Kôrônkốp đã viết những lời tôn vinh như thế này:
“Những dòng chữ khắc ghi trên bia mộ, những tượng đài kỷ niệm các vị anh hùng, những cặp tài liệu lưu trữ bên ngoài đề: “Giữ vĩnh viễn”, thôi thúc ta quay nhìn lại quá khứ. Thêm vào đó, còn có vô vàn ký ức của những người tham gia vào các sự kiện đã qua. Nhưng con người ta đâu có tồn tại mãi mãi, họ lần lượt theo thời gian, giã từ cuộc sống, mang theo mình những kỷ niệm đã ăn sâu vào tâm trí. Vẫn còn có biết bao nhiêu những nấm mồ vô danh của các đồng chí chúng ta nằm lại trên các chiến trường xưa. Ngọn lửa vĩnh cửu trên ngôi mộ Người Chiến Sĩ Vô Danh sẽ cháy mãi để khắc ghi công ơn của những người đã ngã xuống. Nhưng những ngọn lửa tiếc thương của nhân dân, những ngọn lửa vinh quang dành cho người lính không thể kể cho ta nghe về những chiến công cụ thể của họ được. Một nhà thơ đã ghi trên mộ Người Chiến Sĩ Vô Danh bài thơ sau:
Bạn tiễn đưa anh, con người đã khuất
Không có quân hàm, chẳng thấy huân chương
Ở sâu kia, tận trong lòng trái đất.
Anh vẫn là anh, người lính bình thường
Mãi mãi ngàn năm đất mẹ thân thương
Ấp ủ cho anh, ơi người chiến sĩ
Canh giữ cho anh đời đời yên nghỉ
Một dải Ngân Hà rực sáng hào quang.
Cảm động thay khi ta đọc những vần thơ đó. Thế nhưng chỉ có các tác phẩm của các nhà sử học, nhà văn mới có thể kể đầy đủ chi tiết về những sự kiện đã qua, về những con người đã lập nên những chiến tích, về những tính cách kiên cường, phi thường của họ mà thôi…”.
Trong những năm tháng chiến tranh ấy, có một nhà tình báo Xô Viết nổi bật hẳn lên, tiêu biểu về tài năng cũng như đức độ và tinh thần bất khuất, tên ông ta là Rishớc Soócgiơ.
Ngày nay ở Nhật Bản, trong nghĩa trang Tama, có một ngôi mộ bằng đá trên có tấm bia khắc bằng chữ Nhật và chữ Đức:
“RISHỚC SOÓCGIƠ
1895 - 1944
Nơi đây an nghỉ một người anh hùng đã hy sinh tính mạng của mình để chống chiến tranh và vì hòa bình thế giới. Sinh tại Bacu năm 1895. Đến Nhật Bản năm 1933. Bị bắt năm 1941. Bị giết hại ngày 7-11-1944”.
Là đảng viên cộng sản từ năm 1918, một trí thức uyên thâm, một nhà báo tài năng, Rishớc Soócgiơ được tuyển vào cơ quan An ninh Xôviết năm 1929.
Không chỉ ở Liên Xô (hiện nay là nước Nga) mà tại một công viên lớn ở Nhật, Soócgiơ cũng được dựng đài tưởng niệm. Trong số các sách viết về ông ở một số nước như Anh, Pháp, Mỹ…, các tác giả đã tôn vinh ông bằng những danh xưng đẹp đẽ, như: người tình báo vĩ đại, nhà tình báo thượng thặng (super espion), vị thượng lưu trong bóng tối, người điệp viên bậc thầy (maitre sepion)…
Trên đất Nhật, nhờ tài năng và tư cách của mình, Soócgiơ trở thành người “tâm phúc” và cố vấn các vấn đề về nước Nhật của viên đại sứ Đức Quốc xã. Từ Nhật, ông đã báo cáo về cho Tổ quốc Xôviết của ông những tin tức vô cùng quan trọng và chính xác mà những điệp viên tài giỏi cũng khó ngờ tới. Dưới đây là một số thông tin tình báo tiêu biểu mà Soócgiơ đã gửi về Trung tâm:
Ngày 18-12-1942, Hitle ra “chỉ thị số 21” tuyệt mật về chiến dịch Barbarosa tấn công Liên Xô. Mười ngày sau, dù không biết về chỉ thị tuyệt mật đó, nhưng thông qua các tin tức khác nhau và qua cuộc trao đổi với các quân nhân Đức, Soócgiơ đã điện từ Nhật về Mátxcơva, lần đầu tiên thông qua nguy cơ Đức phát động chiến tranh chống Liên Xô:
“Hiện nay, quân Đức có 80 sư đoàn ở biên giới phía Đông của chúng, kể cả ở biên giới Rumani. Mục đích là nhanh chóng tấn công Liên Xô. Đám sĩ quan mới từ Đức đến Tôkiô nói rằng quân đội Đức có thể chiếm đóng lãnh thổ Xôviết tới tuyến Kháccốp - Mátxcơva - Lêningrát.
Bức điện ngày 11-3-1942:
“Các sĩ quan cao cấp và giới thân cận của Himle đều tỏ thái độ chống Liên Xô. Tùy viên quân sự Đức ở Tôkiô cho rằng khi kết thúc chiến tranh với nước Anh, nước Đức sẽ tiến hành một cuộc chiến tranh quyết liệt với Liên Xô”.
“Khi trở về đến Nhật Bản, Mátxuôka (sau khi sang Đức hứa hẹn cùng chung sức đánh Liên Xô, rồi sang Liên Xô ký hiệp ước trung lập Xô - Nhật !) đã hứa với Ốt (đại sứ Đức) là trong trường hợp có chiến tranh Đức - Nga, Nhật sẽ hủy bỏ ngay hiệp ước trung lập với Nga…”.
“11-4-1941, Sĩ quan của Bộ Tổng tham mưu Đức qua Tôkiô xác minh rằng cuộc chiến tranh chống Liên Xô sẽ bắt đầu ngay sau khi kết thúc chiến tranh châu Âu”.
Bức điện ngày 17-4-1941:
“Theo phái viên của Himle ở Tôkiô, chiến tranh Xô - Đức có thể bắt đầu khi Mátxuôka trở về Tôkiô. Bộ Tổng tham mưu Đức đã sẵn sàng.
Đại sứ quán Đức đã nhận được điện của Ripbentrốp (Bộ trưởng ngoại giao Đức) nói rằng cuộc chiến tranh sẽ ngắn ngày và kết thúc bằng sự thất bại hoàn toàn của Liên Xô”.
Bức điện ngày 2-5-1941:
“Hitle đã quyết định gây chiến tranh và tiêu diệt Liên Xô để tận dụng nguyên liệu và lương thực ở khu vực lãnh thổ thuộc châu Âu của Liên Xô. Thời điểm quyết định để gây chiến tranh có thể là:
-         Nam Tư hoàn toàn bại trận
-         Cuối mùa gặt
-         Kết thúc cuộc đàm phán Đức - Thổ Nhĩ Kỳ
Đến tháng 5, Hitle sẽ quyết định thời gian bắt đầu chiến tranh”.
Bức điện ngày 19-5:
“Nhiều đại diện của chính phủ Đức ở Tôkiô được lệnh trở về nước vào cuối tháng 5. Họ cho rằng chiến tranh với Liên Xô bắt đầu vào khoảng thời gian này. Theo sứ quán Đức cho biết, hiện nay Đức có 9 tập đoàn quân, 150 sư đoàn đã sẵn sàng để tấn công vào Liên Xô… Chúng sẽ vận dụng các kinh nghiệm cuộc chiến tranh với Ba Lan trong chiến tranh với Liên Xô”.
Bức điện ngày 21-5:
“Nếu nổ ra cuộc chiến tranh Xô - Đức, nước Nhật vẫn trung lập, ít nhất là trong những tuần lễ đầu. Nếu Liên Xô thua trận, Nhật sẽ tấn công Vlađivôxtốc…”.
Bức điện ngày 30-5:
“Béclin báo cho Ốt là Đức sẽ tấn công Liên Xô vào nửa cuối tháng 6. Cánh quân trái sẽ là hướng chủ yếu. Ốt tin chắc là chiến tranh sắp nổ ra nên đã chỉ thị cho tùy viên quân sự không gửi tài liệu qua đường Liên Xô nữa. Tất cả các chuyên viên kỹ thuật không quân Đức đã được lệnh trở về Đức”.
Bức điện ngày 1-6:
“Trung úy Shun, tùy viên quân sự ở Băngcốc vừa từ Béclin đến Tôkiô. Người này cho rằng chiến tranh giữa Đức với Liên Xô sẽ bắt đầu ngày 15-6 và hướng tiến công chủ yếu là cánh trái của quân Đức”.
Bức điện ngày 2-6:
“Đức đã tập trung từ 170 đến 190 sư đoàn xe tăng và cơ giới ở biên giới phía Đông. Cuộc tiến công sẽ tiến hành trên toàn chính diện và có những mũi tấn công lớn hướng vào Mátxcơva, Lêningrát và Ucraina. Sẽ không có tuyên bố chiến tranh…”.
Ngày 15-6-1941, có 3 bức điện liên tục gửi về Trung tâm:
Bức thứ nhất:
“9 tập đoàn quân Đức đã tập trung ở biên giới Xô - Đức. Theo các nguồn tin Mỹ, Đức đã dàn ra 90 vạn quân trên tuyến một ở biên giới Liên Xô và chuẩn bị một triệu quân dự bị”.
Vài giờ sau là bức điện thứ hai:
“Cuộc chiến tranh chống Liên Xô chắc chắn sẽ xảy ra vào cuối tháng 6”.
Sau đó là bức điện thứ ba:
“Chiến tranh sẽ nổ ra ngày 22-6. Cuộc tấn công sẽ bắt đầu trên một mặt trận rất rộng, vào rạng sáng ngày 22-6”.
Bức điện ngày 22-6:
“Chúng tôi xin gửi lời chào chiến đấu và nguyện sát cánh với các đồng chí trong những ngày khó khăn này. Chúng tôi xin tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ”.
Ngày 10-7 có hai bức điện gửi về Trung tâm, bức thứ nhất:
“Ripbentrốp đã ra lệnh cho đại sứ Đức thúc đẩy phía Nhật tham chiến càng sớm càng tốt…”.
Bức thứ hai:
“Ốt cho biết Nhật sẽ tham chiến nếu Đức tiến tới Svéclopok”.
Bức điện ngày 13-7:
“Đại sứ Đức vận động chính phủ Nhật tham gia chiến tranh nhưng trong lúc này, Nhật vẫn giữ thái độ trung lập. Nếu Hồng quân bị đánh bại, Nhật sẽ tham chiến…”.
Vài ngày sau, một bức điện có nội dung rất quan trọng được gửi về Trung tâm:
“Nếu nước Nhật gây chiến tranh với Liên Xô thì cần có 2 tháng để chuyển 50 vạn quân bằng đường biển. Các tàu biển của Nhật sẽ bị tàu ngầm và máy bay Liên Xô gây trở ngại lớn. Ngoài ra còn phải cung cấp vũ khí, quân trang cho các lực lượng được động viên và nuôi dưỡng các lực lượng đó. Vấn đề nhiên liệu không thể giải quyết được một cách dễ dàng. Do đó, điều chắc chắn là nước Nhật chưa dám tấn công Liên Xô, trừ trường hợp nước Đức giành được thắng lợi quyết định ở mặt trận Xô - Đức”.
Bức điện ngày 12-8:
“Đức ngày càng thúc ép Nhật tham gia chiến tranh chống Liên Xô. Nhưng thất bại của Đức trước Mátxcơva hôm chủ nhật đã làm nguội lạnh nhiệt tình của Nhật Bản”.
Bức điện này được trình lên Xtalin.
Bức điện ngày 23-8:
“Dôihara và Tôgiô cho rằng chưa đến lúc Nhật gây chiến với Liên Xô. Đức rất bất mãn bởi thái độ đó của Nhật”.
Ngày 14-9 có 4 bức điện gửi về Trung tâm.
Bức điện lúc 11 giờ 30 phút:
“Chính phủ Nhật Bản đã quyết định không tiến công Liên Xô trong năm nay, nhưng vẫn để lực lượng ở Mãn Châu để sẵn sàng tiến công vào mùa xuân, nếu Liên Xô thất bại trong chiến tranh với Đức”.
Bức điện lúc 13 giờ thông báo về dự trữ nhiên liệu của hải quân và lục quân Nhật.
Bức điện lúc 13 giờ 50:
“Đại sứ Ốt đã hoàn toàn thất vọng về việc Nhật Bản không tiến hành chiến tranh với Liên Xô”.
Bức điện lúc 14 giờ:
“Theo đại sứ Ốt, một cuộc chiến tranh giữa Nhật và Liên Xô không còn đặt ra nữa”.
Bức điện ngày 3-10, vào lúc 23 giờ 25 phút:
“Khi chuẩn bị tấn công Liên Xô, Bộ tư lệnh đội quân Quan Đông đã ra lệnh động viên 3 ngàn nhân viên đường sắt để tổ chức việc vận chuyển quân sự trên tuyến đường sắt Tây Bá Lợi Á. Nay lệnh đó đã được bãi bỏ, một số đơn vị đã được chuyển về các đảo ở hướng nam. Điều đó chứng tỏ trong năm nay chưa thể có chiến tranh với Liên Xô. Lực lượng của Nhật còn lại vẫn tập trung ở khu vực Vladivốtxtốc và Vôrôsilốp”.
Đây là bức điện cuối cùng gửi Trung tâm trước khi nhóm tình báo chiến lược do Soócgiơ đứng đầu bị phản gián Nhật phá vỡ, và Soócgiơ cùng các đồng chí trung thành của ông (gồm người Nam Tư, người Nga, người Nhật) lần lượt bị bắt:
“Nhiệm vụ của chúng tôi ở Nhật Bản đã hoàn thành. Cuộc chiến tranh giữa Liên Xô và Nhật Bản đã không xảy ra. Đề nghị cho chúng tôi về Liên Xô hoặc phái chúng tôi sang Đức”.
Những thông tin tình báo xác định một cách chắc chắn và kịp thời của Soócgiơ về việc nội các Nhật quyết định hoãn cuộc tấn công miền Xibêri - Liên Xô để tập trung tấn công Mỹ vào cuối năm (trận Trân Châu Cảng) đã giúp Đại Bản doanh khẩn trương rút các đơn vị Hồng quân từ phòng tuyến Viễn Đông về, góp phần quan trọng bẻ gãy cuộc tấn công hòng chiếm Mátxcơva của phát xít Đức.
Đại sứ Đức phản ứng kịch liệt khi được tin Rishớc Soócgiơ, nhà báo nổi tiếng, người cộng sự không gì chê trách được, và hơn nữa, là người bạn gần gũi của chính Đại sứ, bị mật vụ Nhật bắt. Mâyxingiơ, tùy viên an ninh, đại diện cho Himle ở Tôkiô cũng không tin những lời buộc tội Soócgiơ của Nhật. Không thể tin nổi một đảng viên đảng Quốc Xã già dặn; một người được Ripbentrốp, Kâytin và cả Hitle tin dùng lại là một gián điệp Cộng sản! Chỉ mới chưa đầy một tháng trước khi bị bắt, Bộ Ngoại giao Đức đã chính thức tuyên bố Rishớc Soócgiơ là “nhà báo ưu tú nhất của Đức ở khu vực Đông Á”.
Thời gian đầu, khi bị hỏi cung, Soócgiơ giữ thái độ im lặng ngoài câu nói duy nhất trước viên chánh án Nhật là Matxukô Nakamura: “Tôi là công dân Xôviết”.
Sau một thời gian, cơ quan phản gián Nhật đã tìm cách dịch được các bức điện mật mã do hiệu thính viên của Soócgiơ tên là Clauden truyền đi. Chính bản thân Clauden cũng bất ngờ trước tổng số thông tin mà mình đã gửi đi trong 5 năm: hàng trăm ngàn nhóm điện. Đến đây, cơ quan phản gián Nhật đã biết được toàn bộ hoạt động của nhóm tình báo do Soócgiơ đứng đầu.
Trong một lần hỏi cung, nhân viên phản gián Nhật đã đưa cho Soócgiơxem các bản sao của tất cả các bức điện mà nhóm của ông đã gửi đi, kể cả luật mật mã của nhóm và tên đài nhận là Oêthađen. Từ đó, Soócgiơ quyết định nói với điều kiện không nói gì về những điều bí mật, về những kỹ thuật cũng như về phương pháp hoạt động của ông.
Khi Soócgiơ quyết định nói, viên biện lý Yôshikaoa hí hửng đọc một câu phương ngôn Nhật: “Một ngày sống trên thế gian này còn hơn một ngàn ngày ở thế giới bên kia”. Nghe vậy, Soócgiơ điềm tĩnh nói:
- Một người chiến sĩ không tránh được cái chết ở trận địa. Tôi không đặt chút hy vọng nào vào các cây tre năm nay, nhưng tôi hy vọng vào các măng non của tương lai.
Trong các biên bản hỏi cung còn sót lại sau chiến tranh, người ta đọc thấy những dòng này:
“Vấn: - Tiến sĩ Soócgiơ, tại sao ông thành người Cộng sản?
Đáp: - Tôi đã tham gia chiến tranh và tôi đã thấy rõ chiến tranh là điều khủng khiếp nhất đối với thế giới. Tôi đã nghiên cứu chính trị - kinh tế học, lịch sử, và tôi đã đi đến kết luận là chỉ có Chủ nghĩa cộng sản mới có thể xóa bỏ nghèo khổ và đói rách. Ông nội tôi, Friđric Annbe Soócgiơ, là thư ký của Mác, nhưng điều đó không phải là ảnh hưởng quyết định đối với tôi. Tôi bắt đầu đọc các tác phẩm của Mác khi phải nằm bệnh viện do bị thương. Sau đó, tôi đã thấy rõ sự sụp đổ của nước Đức quân chủ. Sau chiến tranh, tôi đã thấy sự khổ cực của hàng triệu con người. Tất cả điều đó đã củng cố lòng tin của tôi đối với Chủ nghĩa cộng sản.
Vấn: - Ông bắt đầu tin Chủ nghĩa cộng sản từ bao giờ?
Đáp: - Từ năm 1918. Cuộc đại chiến thế giới lần thứ nhất đã ảnh hưởng sâu sắc tới cuộc sống của tôi. Chưa nói đến các lý do khác, chỉ riêng lòng căm thù của tôi đối với chiến tranh cũng đủ làm tôi trở thành người cộng sản.
Vấn: - Nhóm của ông là nhóm gián điệp, và ông là một kẻ gián điệp…
Đáp: - Cái nghĩa mà người ta thường gán cho từ “gián điệp” không có quan hệ gì với việc mà chúng tôi làm. Những người gọi là gián điệp thường tìm những chỗ yếu về chính trị, kinh tế của Nhật Bản để giáng những đòn mạnh mẽ vào đấy. Nhưng nhóm chúng tôi sưu tầm các tin tức của Nhật Bản là nhằm mục đích khác, với tinh thần khác. Năm 1935, Khi Clauden và tôi từ biệt thủ trưởng cục 4 của Hồng quân, ông đã nói với chúng tôi: “Tôi muốn rằng các hoạt động của các anh phải nhằm làm sao tránh được cuộc chiến tranh giữa Nhật và Liên Xô…”. Những người Xôviết từ nhiều năm nay đã tìm cách tránh những va chạm và những nguồn có thể gây xung đột với Nhật Bản. Đã có nhiều ví dụ để chứng minh. Khi xảy ra sự kiện Khanka, Liên Xô đã chấp nhận ngừng bắn, tuy phía Liên Xô đã giành được chiến thắng quân sự. Hơn nữa, Liên Xô đã nhượng cho Nhật tuyến đường sắt Mãn Châu để duy trì hòa bình giữa hai nước. Và còn nhiều ví dụ khác nữa… Khi Bộ trưởng ngoại giao Nhật là Mátxuôka sang thăm châu Âu, Liên Xô đã ký ngay hiệp ước trung lập sau khi nắm được tình hình do tôi báo cáo. Tất nhiên, tôi không nói rằng chỉ do các hoạt động của nhóm chúng tôi mà Liên Xô và Nhật Bản có quan hệ tốt với nhau, nhưng chúng tôi bao giờ cũng làm việc với tinh thần đó. Đó là điều khác biệt giữa chúng tôi với những người được gọi là gián điệp, và cũng là điều khác biệt giữa lập trường của chúng tôi với lập trường của họ. Và đó cũng chính là điều mà tôi viết trong bức điện cuối cùng gửi về Mátxcơva hôm trước khi tôi bị bắt, trong đó tôi nói rõ là nhiệm vụ của chúng tôi đã hoàn thành vì sẽ không có chiến tranh giữa Nhật và Liên Xô, và tôi xin trở về Mátxcơva hoặc sang Đức”.
Mùa hè năm 1944, phía Nhật báo cho sứ quán Đức là Soócgiơ muốn gặp một quan chức của sứ quán trước khi chết. Việc đó làm náo động sứ quán Đức. Người ta bàn tán, đoán già đoán non…
Hammel, phiên dịch của sứ quán Đức được cử đến nhà tù nơi Soócgiơ bị giam giữ chờ ngày hành quyết. Trước mắt viên phiên dịch là một con người xanh xao, rất gầy, kiệt lực, đôi mắt đỏ sọc sau cặp kính, nhưng rất bình thản. Người đó nói một cách nhẹ nhàng:
- Tôi mong rằng mẹ tôi, Nina Sêmiônôva Kôbêlêva Soócgiơ hiện ở Hămbuốc, không bị làm rầy rà. Mẹ tôi không hề biết gì về cuộc sống cũng như về các hoạt động của tôi. Đó là điều mong muốn cuối cùng của tôi.
Ngày hành quyết, theo luật định, viên giám đốc đọc bản án và báo cho Soócgiơ biết ông sẽ bị xử tử ngay trong ngày. Không nói gì, Soócgiơ thong thả ra khỏi phòng giam, qua sân nhà tù, bước vào một căn phòng nhỏ. Một nhà sư tiến tới hỏi: “Người có cần cầu nguyện không?”. Soócgiơ lắc đầu, quan sát thấy một vòng tròn chỉ chỗ đứng, ông bước vào chỗ đó. Đúng lúc đao phủ quàng sợi dây thòng lọng vào cổ, Soócgiơ hô:
- Đảng Cộng sản, Liên Bang Xôviết và Hồng quân muôn năm!
Soócgiơ chết vào buổi sáng ngày 7-11-1944. Đêm hôm đó, những tràng pháo hoa sáng rực bầu trời của các thành phố Xôviết: Liên Xô kỷ niệm lần thứ 27, ngày Cách Mạng Tháng Mười Nga thành công.
***


Mời xem:

LỜI PHÂN TRẦN

PHẦN I: CÓ MỘT CÁI GÌ ĐÓ

PHẦN II: NỀN TẢNG

PHẦN III: NGUỒN CỘI