THỰC TẠI VÀ HOANG ĐƯỜNG 30



THỰC TẠI VÀ HOANG ĐƯỜNG (III)



PHẦN III:     Nguồn cội

“Đừng chê cõi trần nhơ
Đừng khen cõi trần đẹp
Cõi trần là thản nhiên
Chỉ có đời nhơ, đẹp.”
.


CHƯƠNG VIII: NGÀY HỘI

“Cách mạng là ngày hội của những người bị áp bức và bị bóc lột. Không lúc nào quần chúng nhân dân có thể tỏ ra là người sáng tạo trật tự xã hội mới tích cực như trong thời kỳ cách mạng. Trong những thời kỳ như thế… thì nhân dân có thể làm được những kỳ công”
V. I. Lênin


Nếu chúng ta là một loài khổng lồ nào đó không phải loài người nhưng cũng có tư duy nhận thức, sống đâu đó trong Thái dương hệ và có thể quan sát loài người, thì sẽ thấy sự vận động của xã hội loài người là thuộc về khách quan và dù có mang tính đặc thù, lạ lẫm đến mấy chăng nữa thì cũng không ngoài tự nhiên, nghĩa là vận động ấy cũng phải tuân thủ những nguyên lý phổ biến, cơ bản nhất của Tự Nhiên Tồn Tại. Xét ở góc độ này thì rõ ràng loài người cũng là một hệ thống, hay thực thể như vô vàn những sự vật - hiện tượng khác tồn tại (có hạn định) trong Vũ Trụ, nghĩa là xét ở nét chung nhất, vận động nội tại của nó cũng chẳng khác gì vận động nội tại của cục sắt, của trái núi, hay của hạt cát.

Đã là tồn tại thì phải có lực lượng. Khi tồn tại đó được gọi là sự vật - hiện tượng thì rõ ràng nó đã được quan sát “thấy”, có thể là bằng cảm giác, bằng suy tưởng của nhận thức và vì vậy nó cũng đồng thời hiện hữu. Hiện hữu là tồn tại nổi trội (hay đúng hơn là sự khác biệt), hay cũng có thể nói sự vật - hiện tượng là một bộ phận đặc thù của một sự vật - hiện tượng lớn hơn bao hàm nó (còn gọi là môi trường chứa nó). Nhờ có sự hiện hữu của sự vật - hiện tượng mà môi trường chứa nó cũng trở nên hiện hữu. Vậy thì một thực thể (ở một tầm quan sát nào đó, hệ thống là thực thể và ngược lại thực thể là hệ thống gồm hai hay nhiều thực thể có qui mô nhỏ hơn), là bộ phận của môi trường và cũng khác biệt với môi trường. Để phân biệt được với môi trường thì thực thể phải có một nội tại “khác” tương đối so với môi trường. Vì là bộ phận của môi trường nên sự khác biệt ấy của nội tại thực thể có nguyên nhân từ đâu nếu không từ sự tạo dựng, hun đúc nên của môi trường? Lực lượng nội tại ấy được hun đúc nên từ lực lượng môi trường nên môi trường phải biến đổi, hơn nữa cái nội tại ấy lại là môi trường hun đúc nên những thực thể trong lòng nó cho nên bản thân nó cũng biến đổi. Biến đổi thì cũng có nghĩa là vận động. Trong một chừng mực nhất định thì vận động nội tại của thực thể cũng tác động trở lại môi trường theo nguyên lý tác động phản ứng (hay tác động tương hỗ) làm cho mọi sự biến đổi trở nên liên tục. Nôm na như thế để thấy rằng vận động là bản chất của Tự Nhiên Tồn Tại, vận động nội tại là nguyên tắc sống còn của mọi sự vật - hiện tượng. Không có vận động thì không có nội tại, không có nội tại thì không có thực thể, không có thực thể thì không có quan sát lẫn bị quan sát và thế giới này là không phân biệt được, không phân biệt được thì Tồn Tại hay Hư Vô đều như nhau: vô nghĩa!
Vận động là bản chất của Tự Nhiên Tồn Tại, hay cũng chính là Tồn Tại. Do đó, theo nguyên lý nước đôi thì vận động vừa là nguyên nhân, vừa là kết quả của tạo dựng. Ở trường hợp nội tại thực thể, chúng ta thấy rằng sự vận động của nó là có nguồn gốc từ sự tạo dựng của môi trường và đến lượt nó lại góp phần đi tạo dựng “thế giới”. Vì lẽ đó mà suy rộng ra: sự phụ thuộc lẫn nhau của toàn thể Vũ Trụ trở nên hiện thực sinh động. Vậy vận động nội tại của một thực thể là mang tính tuyệt đối, là thể hiện mối quan hệ thường xuyên, sự trao đổi, tác động lẫn nhau, chuyển hóa lẫn nhau giữa thực thể và môi trường “chứa” nó và cũng chính là kết quả của mối tương quan, phụ thuộc lẫn nhau ấy.
Loài người là một thực thể, là bộ phận của môi trường thiên nhiên Trái Đất và được hun đúc nên từ lực lượng ấy. Sinh ra từ thiên nhiên, phụ thuộc vào thiên nhiên nên loài người cũng có mối quan hệ gắn bó, sống còn với thiên nhiên, biểu hiện ra bằng sự tác động, trao đổi, chuyển hóa qua lại với thiên nhiên. Đó chính là nguyên nhân và cũng là động lực cơ bản, chính yếu, nền tảng của vận động nội tại loài người. Ở vai trò là môi trường, nội tại ấy cũng bị tác động, chi phối bởi vận động của những thực thể (những con người, những bộ phận lực lượng người…) mà nó bao hàm, mà chính nó tạo dựng nên. Sự hòa quyện vận động đã làm cho vận động nội tại của loài người trở nên phong phú, đa dạng và nhiều khi tưởng như bất thường, phi tự nhiên; như là nhờ Chúa ban, Phật độ.
Vận động nội tại của loài người, gọi khác đi, chính là vận động xã hội (của loài người).
Xu thế của vận động là tiến tới cân bằng (để chấm dứt vận động?!) nhưng không bao giờ đạt tới cân bằng tĩnh tuyệt đối được (vì không thể không vận động!). Do đó mà xu thế đó cũng đồng thời tạo ra tiền đề phá vỡ cân bằng, làm cho vận động được phân biệt tương đối thành hai loại là vận động phát triển và vận động suy tàn. Trong cùng một vận động thì hai hình thức vận động ấy là tương phản lưỡng nghi, chuyển hóa nhau: trong suy tàn có phát triển và trong phát triển có suy tàn, suy tàn để phát triển và phát triển để suy tàn…
Có thể phải giải thích rất nhiều và dài dòng về cái gọi là sự vận động đi lên (sự phát triển) của xã hội loài người. Nhưng chung qui lại, nguyên nhân sâu xa của hiện tượng ấy có thể tìm thấy ở mối quan hệ về lực lượng giữa loài người và thiên nhiên (sự tăng giảm dân số và xu thế tăng dân số…), ở tính chủ động thích nghi, tích cực tác động làm biến đổi thiên nhiên (và đồng thời cũng làm biến đổi mình) của loài người, của mỗi bộ phận người. Có thể cho rằng mọi hiện tượng xảy ra trong xã hội loài người như chiến tranh, lan tỏa và hội tụ dân cư, sản xuất hàng hóa, giàu - nghèo… cũng như sự xuất hiện những hình thái kinh tế - xã hội đều từ đó mà ra cả.
Nói không ngoa, chính sự tích cực tác động thích nghi đã dẫn đến đòi hỏi phải tìm hiểu, giải thích để nhận thức thế giới ở loài người để từ đó mà chủ động thích nghi hơn nữa. Triết học ra đời là từ yêu cầu đó, để rồi về sau nó nhận thêm một nhiệm vụ nữa là giải thích nguyên nhân gây ra những hỷ, nộ, ái, ố trên trần gian.
Sự phát triển xã hội và nhận thức làm cho triết học phát triển và ngược lại, triết học phát triển làm cho nhận thức được nâng cao và sự phát triển xã hội được nhìn nhận sâu sắc hơn. Do tính siêu hình của nhận thức mà triết học, ở trình độ phát triển nhất định của nó, sẽ được phân định ra thành triết học tự nhiên và triết học xã hội. Một khi triết học đã thực sự là chân lý khách quan của một nhận thức đúng đắn thì triết học xã hội trở thành bộ phận của triết học tự nhiên, được suy ra từ triết học tự nhiên và thỏa mãn triết học tự nhiên vì suy cho cùng thì xã hội cũng chỉ là một bộ phận của tự nhiên cho nên triết học là thống nhất, duy nhất. Sự phát triển của triết học trong sự phát triển xã hội và nhận thức của loài người sẽ tất yếu dẫn đến sự xuất hiện của các trường phái triết học, triết học Cantơ, triết học Hêghen, triết học Phơbách và triết học Mác. Triết học Mác, hay tên gọi khác là Triết học duy vật biện chứng chưa phải là chân lý đích thực, cuối cùng của loài người vì chỉ riêng về vấn đề vận động thôi, nó cũng đã nhận định thiếu sót và chưa thỏa đáng. Tuy nhiên Triết học Mác xuất hiện đã thỏa mãn được về mặt tư tưởng đối với cuộc đấu tranh của tầng lớp lao động cực khổ chống áp bức bất công của một thời thế giới sôi sục và đã có tác động to lớn đến thời đoạn ấy của sự vận động xã hội.
Nói sự ra đời của triết học Mác là tất yếu thì chưa hẳn chính xác. Vì mặt trái của tất yếu là ngẫu nhiên cho nên có lẽ nên nói sự ra đời của triết học Mác là vừa gồm cả hai tính ấy. Tùy góc độ mà có tính tất yếu hay ngẫu nhiên. Chẳng hạn đã có triết học Hêghen thì nội dung của triết học Mác trước sau gì cũng phải xuất hiện và đó là tất yếu, trong khi thời điểm xuất hiện lại có tính ngẫu nhiên. Nhưng sự ngẫu nhiên này nếu xét trong bối cảnh xã hội bấy giờ, có khi lại là tất yếu. Hay là không tất yếu cũng chẳng ngẫu nhiên? Thật khó lòng mà nói cho đúng được!
Trường hợp xảy ra Cách mạng tháng 10 Nga cũng thế, không biết có tính tất yếu hay ngẫu nhiên nữa. Lúc thấy thế này, lúc thấy thế kia, lúc thấy cả hai, lúc thấy cũng chẳng phải cả hai. Tuy nhiên có một điều chắc chắn là nếu không có triết học Mác thì dù có muốn, nó cũng không thể xảy ra được!
Chúng ta biết rằng linh hồn của Cách mạng tháng 10 Nga là V. I. Lênin, người đã tiếp thu xuất sắc nhất triết học Mác và bổ sung nó đến mức (được cho là) hoàn thiện. Nhờ có sự chỉ đạo sáng suốt, lèo lái tài tình của Lênin mà cuộc cách mạng ấy mới thành công. Đây là nguyên nhân trực tiếp và chủ yếu đến mức không có Lênin thì không có Cách mạng tháng 10. Thế còn nguyên nhân sâu xa? Triết học Mác dù chưa thỏa đáng trong nhận thức Tự Nhiên cũng như Xã Hội, nhưng đó là học thuyết gần chân lý nhất về Tự Nhiên cũng như Xã Hội kể từ trước đến nay. Nhân loại đã phải chịu ơn triết học Mác không phải vì nhận thức của nó về tự nhiên, cũng không phải vì học thuyết có giá trị thặng dư của nó mà vì một bộ phận xuất sắc của nó, đó là “Triết học duy vật lịch sử”. Triết học duy vật lịch sử, bộ phận của triết học Mác, dù còn nhiều điều phải bàn cãi, nhưng đã phát hiện được ra một chân lý sáng ngời một cách có lý luận mà quan niệm Á Đông đã thấu được bằng cảm tính, đó là vai trò quyết định của Đại Chúng trong vận động xã hội; mọi cuộc cách mạng xã hội chỉ có cơ may thành công, trước hết và trên hết nếu được sự ủng hộ của Đại Chúng. Khi một cuộc cách mạng đã là của Đại Chúng thì nó gồm đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa và lúc đó, khả năng thắng lợi của nó là tuyệt đối. Tư tưởng về vai trò của quần chúng (Đại Chúng) ấy đã thông qua Lênin mà thổi vào Cách mạng tháng 10 Nga, làm cho nó trở thành cuộc Cách mạng của Đại Chúng Nga với sự thừa nhận Lênin là thủ lĩnh tối cao. Giành được chính quyền, có thể là may rủi, nhưng giữ được chính quyền thì lại là tất yếu, bởi nó là thành quả của Đại Chúng Nga vĩ đại, của người con xuất thân từ nó là Lênin thiên tài. Và cùng với những đan xen ngẫu nhiên, sự thành công của nó đã có tính chất của định mệnh.
Chúng ta sẽ kể câu chuyện Cách mạng tháng 10 Nga để chứng thực điều này: nó thành công không phải vì mang tư tưởng của chủ nghĩa Cộng Sản mà chính sự vận động của hình thái kinh tế - xã hội Tư bản chủ nghĩa thế giới đã tạo điều kiện cho cách mạng xã hội nói chung nảy sinh và trong bối cảnh đó, với quan niệm về quần chúng, với mục đích đề ra, phù hợp nhất, thỏa đáng nhất đối với Đại Chúng Nga lúc bấy giờ, mà nó đã biết cách tạo dựng lực lượng để nắm bắt vận hội đi đến thắng lợi. Ngày xưa, khi vũ khí chiến đấu còn thô sơ, chỉ là gươm, giáo, cung, nỏ… có khả năng và phạm vi sát thương hạn chế, khi các phương tiện di chuyển quân sự còn chậm chạp, ảnh hưởng rất nhiều đến ý đồ điều binh thì nhiều khi chỉ từ một cuộc nổi dậy nhỏ lẻ cũng có thể nhen nhúm, làm bùng lên cuộc kháng chiến toàn dân rộng lớn. Thời hiện đại, với hiệu quả sát thương cao độ của vũ khí và tốc độ cũng như sự linh động của các cuộc hành binh đã tăng lên rõ rệt, thì hành động kiểu “dựng cờ dấy nghĩa” như thế là vô cùng phiêu lưu. Do đó một cuộc cách mạng xã hội trong thời đại Tư bản chủ nghĩa muốn có cơ may thành công thì trước hết, ngay tại thời điểm nổi dậy, đã phải có tính quần chúng rộng lớn đến độ nào đó mà tình thế đòi hỏi, nghĩa là trước đó phải có một thời đoạn hoạt động tuyên truyền, lôi kéo quần chúng (bí mật hoặc cũng có thể là công khai). Ngày nay, nhận thức về chủ nghĩa Tư bản và chủ nghĩa Cộng sản, trước tình hình thực tiễn đã khác của thế giới, đã có nhiều chuyển biến quan trọng. Cách mạng Vô sản, với quan niệm “quyết liệt” của nó ở thời cận đại đã chỉ phù hợp với thời cận đại, còn ngày nay hình như đã trở thành cực đoan và có vẻ mất luôn cả tính thời sự. Cách mạng Vô sản thời cận đại đã có tác động tích cực, to lớn đối với nhân loại và đã hoàn thành sứ mạng lịch sử vẻ vang của nó. Trong tương lai xa xôi thì chưa biết thế nào chứ trong thời đại ngày nay, tốt đẹp hơn hình thái kinh tế - xã hội Tư bản chủ nghĩa chỉ có thể là một hình thái kinh tế - xã hội kế thừa được tất cả những mặt tiến bộ, năng động của hình thái ấy và cải tiến nó sao cho tất cả của cải, nguồn lợi có thể tích lũy được một cách tối đa từ hoạt động lao động, sáng tạo của xã hội hướng về phục vụ cho đời sống toàn dân. Có thể điều tiết được nhưng không thể xóa bỏ được hiện tượng giàu - nghèo trong nền sản xuất hàng hóa vì nó chính là kết quả mà cũng là động lực trong lao động sáng tạo của nền sản xuất hàng hóa. Cần thấy rằng Đại Chúng từ xưa tới nay chưa bao giờ lên án sự giàu có chính đáng mà chỉ chống lại sự áp bức, bất công. Như vậy, suy cho cùng, thể chế của một đất nước mang nhãn mác gì là điều không quan trọng, quan trọng là thể chế ấy có toàn tâm “vì dân” hay không mà thôi. Xin nhớ cho: bất cứ chế độ nào dù là vô tình hay hữu ý, dù trực tiếp hay gián tiếp, dù ít hay nhiều đều có tính “vì dân”, bởi dân là cái gốc tồn tại của nó.
Cuộc cải cách nông nô năm 1861 đã tạo điều kiện cho chủ nghĩa tư bản ở Nga phát triển. Dù có chậm chạp và vẫn còn tồn tại tàn dư hình thức nông nô lạc hậu, song đến đầu thế kỷ XX, nước Nga vẫn bước vào giai đoạn đế quốc chủ nghĩa. Tuy nhiên, Nga hoàng và giai cấp quí tộc phong kiến vẫn khống chế toàn bộ cuộc sống chính trị của nước Nga! Với những nét riêng như thế nên Đế quốc Nga mang hình thức một nước “đế quốc phong kiến quân phiệt”
Cùng hòa với sự ra đời và phát triển nền đại sản xuất tư bản chủ nghĩa, giai cấp công nhân Nga đã xuất hiện và số lượng tăng lên nhanh chóng, nhất là từ khi Nga hoàng mở cửa cho tư bản nước ngoài đầu tư vào ồ ạt. Năm 1900, tư bản nước ngoài đã chiếm 87,7% cổ phần trong khai thác mỏ, 48,9% cổ phần trong chế biến kim khí và sản xuất máy móc.
Thời bấy giờ, công nhân Nga, cũng như công nhân ở các nước khác, phải chịu sự bóc lột và áp bức ngày một tàn tệ của chế độ tư bản chủ nghĩa và hơn nữa là cả của chính phủ Nga hoàng. Cuộc khủng hoảng kinh tế 1900-1903 đã làm cho đời sống công nhân Nga thêm điêu đứng. Nạn thất nghiệp tăng, tiền lương giảm sút, ngày lao động kéo dài từ 12 đến 14 tiếng…
Nước Nga trong tình hình xã hội đó đã bộc lộ ra hàng loạt mâu thuẫn đan xen giữa vô sản với tư sản, giữa nông dân với địa chủ, quí tộc, giữa tư bản với phong kiến… Những mâu thuẫn đó và chủ yếu là mâu thuẫn giữa Đại Chúng và chính quyền Nga hoàng đã đòi hỏi sự xuất hiện của một cuộc cách mạng xã hội.
Năm 1883, nhóm mácxít đầu tiên ra đời ở nước Nga là nhóm “Giải phóng lao động” do G.V. Plêkhanốp lãnh đạo. Nhóm này tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác, đấu tranh chống phái Dân túy là phái chủ trương tiến hành cách mạng bằng lực lượng nông dân do những người thuộc hàng ngũ trí thức lãnh đạo mà không chú ý đến giai cấp công nhân, biện pháp chủ yếu là ám sát và khủng bố cá nhân. Tuy nhiên, Plêkhanốp lại chỉ chú ý tới giai cấp công nhân mà không thấy được vai trò quan trọng của giai cấp nông dân. Sai lầm đó là mầm mống đưa ông đến quan điểm Mensêvích sau này. Chúng ta biết rằng lực lượng cơ bản nhất của Đại Chúng là công - nông nghèo khổ, trong đó, thành phần ưu tú, có vai trò xung kích, tích cực, triệt để cách mạng nhất chính là giai cấp công nhân; nhưng thành phần nông dân mới là lực lượng to lớn của cách mạnh. Không lôi kéo được nông dân, một cuộc cách mạng sẽ mất đội hậu bị, mất cả căn cứ địa đấu tranh lâu dài khi tiến hành khởi nghĩa vũ trang và bảo vệ thành quả cách mạng, dẫn đến nguy cơ thảm bại của nó.
V.I. Lênin (1870-1924) tham gia tuyên truyền chủ nghĩa Mác từ đầu những năm 90 của thế kỷ XIX. Năm 1895, ông hợp nhất các tổ chức mácxít của công nhân Pêtécbua (thủ đô Nga bấy giờ) thành “Hội liên hiệp đấu tranh giải phóng giai cấp công nhân”, xây dựng mầm mống đầu tiên của một chính đảng vô sản. Tháng 9-1898, tại Minxcơ, Đảng công nhân xã hội dân chủ Nga (Đảng CNXHDC Nga), được thành lập, ra tuyên ngôn nhưng chưa kịp hoạt động thì toàn bộ Ban chấp hành trung ương của nó bị bắt. Từ 1900, Lênin xuất bản báo: “Tia lửa” và ngay trong số đầu tiên, ông đã chỉ rõ sự cấp bách phải thống nhất tất cả các lực lượng giác ngộ của giai cấp vô sản, tất cả các lực lượng cách mạng của nước Nga thành một chính đảng lấy chủ nghĩa Mác làm cơ sở.
Tháng 7-1903, Đại hội đại biểu lần II của Đảng Công nhân xã hội dân chủ Nga được tiến hành ở Luân Đôn (thủ đô nước Anh), thông qua cương lĩnh và khẳng định nhiệm vụ chủ yếu của Đảng là làm cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, với nhiệm vụ trước mắt là đánh đổ chế độ Nga hoàng, thành lập nước cộng hòa, thi hành những cải cách dân chủ, giải quyết vấn đề ruộng đất cho nông dân. Chính trong Đại hội này đã hình thành hai phái: phái đa số theo Lênin (Bônsêvích) và phái thiểu số cơ hội chủ nghĩa (Mensêvich).
Sự thất bại của Đế quốc Nga trong cuộc chiến Nga - Nhật đã làm cho xã hội của nó đã khủng hoảng càng khủng hoảng nghiêm trọng. Từ tháng 11-1904, phong trào phản chiến dâng lên khắp nơi. Đảng CNXHDC Nga đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình thị uy ở Pêtécbua, Mátxcơva và nhiều tỉnh thành khác. Khắp đất nước Nga vang lên khẩu hiệu “Đánh đổ chế độ chuyên chế”, “Đả đảo chiến tranh”. Cao trào đấu tranh đó đã châm ngòi làm nổ ra cuộc cách mạng năm 1905.
Ngày 9-1-1905, hơn 14 vạn quần chúng không vũ trang, chỉ mang cờ xí, tượng thánh và chân dung Nga hoàng tiến đến Cung điện Mùa Đông. Nga hoàng Nicôlai II đã hạ lệnh cho quân đội bắn vào đám biểu tình làm 1000 người chết, 5000 người bị thương. Cuộc biểu tình bị dìm trong khủng bố tàn bạo. Làn sóng phẫn uất bao trùm Pêtécbua. Nhiều đảng viên Đảng CNXHDC Nga đi với công nhân tham gia biểu tình bị bắt, giết. Lịch sử đã gọi ngày này là “chủ nhật đẫm máu”.
Chỉ không đầy một tháng, có đến 44 vạn công nhân tham gia bãi công, nhiều hơn cả 10 năm trước đó. Sự kiện ngày “chủ nhật đẫm máu” của giai cấp vô sản Nga đã có tác dụng phơi bày bộ mặt phản động và tàn bạo của chế độ chuyên chế Nga hoàng, đồng thời đã kích thích được tinh thần cách mạng của hàng triệu quần chúng nông dân Nga. Ngay trong tháng 2-1905, cuộc đấu tranh về vấn đề ruộng đất đã xuất hiện ở nhiều vùng trên đất Nga. Mùa xuân năm 1905, nhiều nơi nông dân bắt đầu tự do canh tác, chăn nuôi trên đất ruộng và đồng cỏ của địa chủ.
Trước phong trào cách mạng dâng lên sục sôi nhưng nặng tính tự phát đó, để kịp thời uốn nắn, định hướng, xác định mục tiêu sách lược, và chiến lược cho phong trào, từ ngày 12-4 đến 27-4-1905, Đảng CNXHDC Nga đã tiến hành Đại hội đại biểu lần thứ III ở Luân Đôn (bộ phận Mensêvích đã không tham gia mà tổ chức một Đại hội khác ở Giơnevơ). Đại hội III đã chủ trương mục tiêu trước mắt của phong trào cách mạng là thành lập nước cộng hòa dân chủ, tịch thu ruộng đất của địa chủ, chia cho nông dân, thực hiện ngày làm việc 8 tiếng; nhiệm vụ chính và cấp thiết của Đảng lúc này là tổ chức giai cấp vô sản lại, đấu tranh trực tiếp chống chế độ chuyên chế bằng khởi nghĩa vũ trang. Đại hội cũng bàn đến khả năng giành được chính quyền, thành lập chính phủ thực hiện những yêu cầu kinh tế chính trị trước mắt, vấn đề đại biểu của Đảng tham gia chính phủ này để đấu tranh với những âm mưu phản bội lại lợi ích của giai cấp vô sản - mục đích duy nhất của cách mạng.
Mùa hạ năm 1905, phong trào công nhân phát triển thêm rầm rộ. Các cuộc đình công, biểu tình có tính chất chính trị có qui mô to lớn, số người tham gia lên đến hàng chục vạn. Phong trào nông dân lan rộng trong các khu vực sông Vônga, ở miền trung và miền nam nước Nga. Đặc biệt phong trào đấu tranh đã bắt đầu lan sang binh lính. Điển hình là cuộc nổi dậy của chiến hạm Pôtemkin thuộc hạm đội Hắc Hải, xảy ra ngày 4-6-1905 ở Ôđétxa. Đầu tháng 10-1905, cách mạng bước vào giai đoạn cao trào mới, đã xuất hiện các cuộc chiến đấu võ trang. Mở đầu là cuộc bãi công của công nhân đường sắt làm toàn bộ các tuyến xe lửa không hoạt động. Công nhân các ngành khác đua nhau hưởng ứng. Cao trào bãi công chính trị tháng 10-1905 đã làm cho hầu hết sinh hoạt trong nước Nga bị đình trệ, lực lượng chính phủ tê liệt.
Ngày 13-11-1905, Lênin từ nước ngoài trở về, lập tức chú ý đến việc kiện toàn các Xô Viết, chuyển biến các Xô Viết từ cơ cấu lãnh đạo bãi công sang thành những tổ chức chính quyền cách mạng.
Ngày 7-12-1905, tại Mátxcơva nổ ra cuộc bãi công và nhanh chóng biến thành cuộc khởi nghĩa vũ trang. Lúc đầu, đội tự vệ công nhân có khoảng 2000 người với sự ủng hộ của hàng vạn công nhân và nhân dân lao động. Họ dựng chiến lũy đường phố, cung cấp lương thực cho đội tự vệ công nhân…
Dù đã tỏ rõ tinh thần chiến đấu ngoan cường nhưng cuộc khởi nghĩa đã thất bại. Nga hoàng đã kịp thời huy động lực lượng quân đội áp đảo để dìm cuộc khởi nghĩa trong biển máu. Ngày 19-12-1907, Ban chấp hành Đảng bộ Mátxcơva và Xô Viết Mátxcơva kêu gọi công nhân ngừng cuộc đấu tranh vũ trang để tránh tổn thất hơn nữa. Cuộc cách mạng dân chủ năm 1905-1907 ở nước Nga đến đây coi như kết thúc.
Nguyên nhân thất bại của cách mạng và cả cuộc khởi nghĩa vũ trang của nó có nhiều. Nhưng nguyên nhân của tất cả các nguyên nhân ấy là: phong trào nổi dậy đấu tranh năm 1905 mới chỉ là biểu hiện tự nhiên của mối quan hệ về quyền lợi đã trở nên đối kháng đến mức độ gay gắt giữa Đại Chúng Nga và giai tầng thống trị Nga, đứng đầu là Nga hoàng; mới chỉ là sự hé lộ ra một tình thế xã hội mới, mách bảo về khả năng thành công của một cuộc cách mạng xã hội trong tương lai chứ không phải là ngay lúc bấy giờ, vì dù đã cuốn hút được một lực lượng quần chúng đáng kể nhưng phong trào cách mạng vẫn chưa đủ sâu rộng, chưa thành một khối gắn kết dưới một sự lãnh đạo tập trung, đủ kinh nghiệm, hay nói cách khác là xét về tương quan lực lượng thì phong trào cách mạng đã chưa chuẩn bị đủ thế và lực trước một chính quyền dù có thối nát, phản động thì bộ máy bạo lực của nó hầu như vẫn còn nguyên vẹn. Cho dù cuộc khởi nghĩa vũ trang ở Mátxcơva có giành được thắng lợi đi chăng nữa thì đó cũng chỉ là thắng lợi cục bộ, trước sau gì, tương tự như Công xã Pari, nó cũng sẽ bị đàn áp, tiêu diệt.
Tuy nhiên, dù thất bại thì cách mạng Nga năm 1905 đã để lại một bài học kinh nghiệm vô giá cho giai cấp vô sản Nga, góp phần quan trọng vào thành công của cuộc cách mạng tháng 10 Nga năm 1917.
***
Sau khi Ăngghen mất (1895), phong trào vô sản thế giới lâm vào khủng hoảng, nội bộ của tổ chức Quốc Tế II phân liệt dữ dội về tư tưởng: E. Bécxtainơ (1850-1932) xuất bản cuốn sách có nhan đề “Tiền đề của chủ nghĩa xã hội và nhiệm vụ của đảng xã hội dân chủ”. Trong đó Becxtainơ tuyên bố học thuyết Mác đã lỗi thời; chứng minh mâu thuẫn giữa tư bản với vô sản có chiều hướng hòa hoãn; cho rằng các tổ chức lũng đoạn xuất hiện trong giai đoạn chủ nghĩa đế quốc sẽ làm cho chủ nghĩa tư bản có thể tránh được khủng hoảng. Do đó, đối với phong trào công nhân, ông ta chủ trương: “Phong trào là tất cả, mục đích cuối cùng là không đáng kể”, phủ nhận quan điểm giai cấp công nhân phải làm cách mạng, phủ nhận chuyên chính vô sản… Nói chung là ông ta đòi sửa đổi hầu như toàn bộ chủ nghĩa Mác.
Vào những năm 1898-1899, một số lãnh tụ phái tả như Pơlêkhanốp Bêben, Rôda Lucxembua, Pô Laphácgơ có lên tiếng phê phán tư tưởng xét lại Becxtainơ nhưng không triệt để và hầu như không có kết quả vì lúc đó Đảng xã hội dân chủ Đức đang say sưa với những thắng lợi đạt được trong cuộc bầu cử quốc hội nên đã thỏa hiệp với chủ nghĩa xét lại.
Lênin đã là người đứng ra vạch trần những sai lầm của chủ nghĩa Becxtainơ và tác hại ru ngủ của nó đối với phong trào vô sản thế giới.
Tình hình đó đã dẫn đến cuộc đấu tranh tư tưởng gay gắt và phức tạp trong Quốc Tế II, vào những năm đầu thế kỷ XX, về những vấn đề cơ bản như: phương pháp giành chính quyền, vấn đề thuộc địa, về chủ nghĩa quân phiệt và nguy cơ chiến tranh. Ba vấn đề cơ bản này đã phân hóa Quốc tế II thành ba phái:
- Phái xét lại - cải lương theo Becxtainơ. Phái này chỉ chủ trương đấu tranh hợp pháp, coi đấu tranh nghị trường, tham gia chính phủ tư sản là biện pháp duy nhất và chủ yếu đem lại khả năng giành quyền thống trị cho giai cấp công nhân; cực lực chống đối quyền lãnh đạo của đảng vô sản và giai cấp vô sản trong cách mạng dân chủ tư sản, đồng thời cũng bác bỏ tư tưởng cách mạng dân chủ chuyển ngay sang cách mạng xã hội chủ nghĩa. Điều rất tệ là phái này đã bênh vực chủ nghĩa thực dân, biện minh cho chính sách xâm lược của thực dân, đế quốc. Họ cho rằng chế độ thuộc địa có thể tồn tại và nên tồn tại trong chế độ tư bản chủ nghĩa để “khai hóa” các nước lạc hậu. Theo họ, những người xã hội cũng có thể và cần phải thực hiện “Chính sách thuộc địa xã hội chủ nghĩa” và cho rằng sự “bảo hộ của các dân tộc văn minh” đối với “các dân tộc không văn minh” là cần thiết.
- Phái giữa, đứng đầu là Cauxky, ban đầu cho rằng sự thắng lợi của những người Xã hội chủ nghĩa là có khả năng nếu biết dựa vào quyền lợi chung của giai cấp công nhân và nông dân, nhưng lại theo quan điểm cơ hội (mà thực chất là thủ tiêu cách mạng vô sản) là: giai cấp vô sản chỉ có thể giành được địa vị lãnh đạo tạm thời thôi, còn muốn giành thắng lợi hoàn toàn thì giai cấp vô sản phải biến mình thành đa số trong nhân dân. Phái này chống lại hình thức bãi công chính trị của giai cấp vô sản.
- Phái tả có đại diện là Rôda Lúcxembua, Clara Xétkin và Lênin. Phái này kiên quyết bảo vệ những nguyên tắc của chủ nghĩa Mác, những luận điểm về quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản trong cách mạng dân chủ tư sản, vấn đề liên minh công nông, vấn đề cách mạng không ngừng từ cách mạng dân chủ tư sản chuyển lên cách mạng xã hội chủ nghĩa… Lênin đã vạch trần luận điểm về “chính sách thuộc địa xã hội chủ nghĩa”, về vai trò “khai hóa” của chủ nghĩa thực dân, đế quốc mà thực chất là áp bức bóc lột hàng triệu nhân dân lao động ở các thuộc địa.
Trong Đại hội Stútgát (1907), vấn đề thuộc địa được tranh luận sôi nổi nhất. Cuối cùng, Đại hội đã thông qua dự thảo cho Lênin và những người Mácxít soạn với tỷ lệ 127 phiếu thuận và 108 phiếu chống.
Vấn đề đấu tranh chống chủ nghĩa quân phiệt, chống chiến tranh cũng là vấn đề thời sự nóng hổi lúc bấy giờ. Trong Đại hội Stútgát, có 5 bản tự thảo phản ánh những ý kiến khác nhau cho thấy tính phức tạp tư tưởng về vấn đề này:
- Giôrét, đại biểu phái đa số của Đảng Xã hội Pháp, nêu lên nguyên tắc “bảo vệ đất nước bị tấn công” làm tiêu chí hành động. Theo ông thì nước bị tấn công “có quyền được sự ủng hộ của giai cấp công nhân toàn thế giới”. Ông lấy luận điểm “chiến tranh phòng ngự” và “tấn công” làm tiêu chuẩn để phân định một cuộc chiến tranh là chính nghĩa hay phi nghĩa.
- Gexđơ, đại biểu cho phái thiểu số của Đảng Xã hội Pháp, đưa ra luận điểm chiến tranh là con đẻ tất yếu của chủ nghĩa đế quốc và không thể nào ngăn ngừa được, do đó mà chỉ chống chung chung và không nêu ra được biện pháp cụ thể hoàn toàn nào.
- Phônma, đại biểu của chủ nghĩa cơ hội Đức tuyên bố không cần thiết có hoạt động gì đặc biệt để chống lại chủ nghĩa quân phiệt.
- Écvê, đại diện phái vô chính phủ trong Đảng Xã hội Pháp thì chủ trương khi chiến tranh bùng nổ, quần chúng nhân dân sẽ dùng hình thức bãi công, đào ngũ và khởi nghĩa để chống lại (Lênin đã châm biếm, gọi biện pháp chống chiến tranh này là của mấy “ông tướng ỳ”).
- Bêben, đại biểu của Đảng Xã hội dân chủ Đức, đã vạch rõ nguyên nhân của chiến tranh trong xã hội tư bản đương thời. Tham luận nêu lên nguồn gốc chiến tranh là hậu quả của cuộc cạnh tranh thị trường thế giới, là sự xâm lược và nô dịch các dân tộc thuộc địa của đế quốc thực dân. Chiến tranh chỉ bị loại trừ khỏi đời sống xã hội khi chủ nghĩa tư bản bị tiêu diệt. Nhược điểm của Bêben là chỉ nhấn mạnh đấu tranh bằng con đường nghị trường và có phần mơ hồ.
Để khỏi phân tán lực lượng, phái tả đã không đưa ra nghị quyết riêng mà ủng hộ Bêben với đề nghị sửa đổi bổ sung vào dự án đó một số điều cơ bản. Dự án nghị quyết được thông qua.
Vấn đề đấu tranh chống nguy cơ chiến tranh còn được tranh luận tại Hội nghị lần thứ VIII của Quốc Tế II họp ở Côpenhagen vào tháng 8-1910, chủ yếu là bổ sung thêm cho nghị quyết đã thông qua ở Stútgát, trong đó có yêu cầu các Đảng Xã hội tổ chức công nhân các nước biểu tình, thể hiện tinh thần đoàn kết nhất trí chống chiến tranh.
Nhưng trên thực tế, phần đông lãnh tụ Quốc Tế II chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa cơ hội - xét lại, đã không thi hành nghị quyết của Đại hội. Chẳng hạn là những người xã hội đã không hề tổ chức biểu tình đoàn kết khi diễn ra cuộc chiến tranh Ý - Thổ năm 1911-1912.
Trong khi đó, nguy cơ chiến tranh thế giới ngày càng đến gần và Quốc Tế II đã phải triệu tập cuộc họp bất thường ở Balơ (1912). Cuộc họp này đã ra bản tuyên ngôn, kêu gọi công nhân các nước chống chiến tranh, đoàn kết tạo nên sức mạnh chống chủ nghĩa đế quốc.
Ngày 26-6-1914, chính phủ Áo - Hung tổ chức một cuộc tập trận ở Bôxnia. Thái tử Áo là Phơrăngxơ Phécdinan vừa đến thủ đô Boxnia là Xaragiêvô để tham gia cuộc tập trận thì bị những người thuộc tổ chức “bàn tay đen” - một tổ chức yêu nước Xécbi chống ách thống trị của Đế quốc Áo - Hung, ám sát chết.
Duyên cớ đã có! Mặc dù Xécbi đã chấp nhận hầu hết điều kiện trong tối hậu thư nhưng do sự thúc ép của Đức, ngày 28-7-1914, Áo - Hung vẫn tuyên chiến với Xécbi. Nga lập tức viện trợ cho đồng minh của mình là Xécbi, Đức hậu thuẫn cho đồng minh của mình là Áo - Hung. Ngày 1-8-1914, Đức tuyên chiến với Nga. Ngày 3-8, Đức tuyên chiến với Pháp. Ngày 4-8, Anh tuyên chiến với Đức.
Chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ!
Cuộc chiến nổ ra cũng là lúc Quốc Tế II đi đến phá sản. Những lãnh tụ của các Đảng Xã hội dân chủ Đức và Đảng Xã hội Pháp đã bỏ phiếu tán thành ngân sách chiến tranh; Công đảng Anh ủng hộ vô điều kiện giai cấp tư sản về vấn đề chiến tranh, Đảng Menxêvích Nga thì tâng bốc đến mây xanh chính sách chiến tranh của Nga hoàng.
Hơn một thế kỷ đã trôi qua nhân loại đã trải qua biết bao nhiêu cuộc nổi chìm bể dâu lớn lao và thề giới cũng có biết bao nhiêu vật đổi sao dời vĩ đại rồi. Ngày nay, chúng ta đã có thể công tâm hơn để nhỉn lại sâu sắc hơn cuộc đấu tranh tư tưởng sôi sục và không kém phần quyết liệt của các lãnh tụ, các nhà hoạt động cách mạng trong Quốc Tế II. Trước hết, phải cho rằng nếu không tất cả thì hầu hết trong số họ là thực sự nhiệt huyết, trung thực và đấu tranh bảo vệ quan điểm của họ không phải vì danh dự của cá nhân họ mà vì trách nhiệm đối với việc tìm hướng đi đúng đắn nhất cho phong trào công nhân thời đó. Đã đấu tranh tư tưởng thì phải có đúng, có sai bởi không thể chỉ có một chiều đúng cả hoặc sai cả. Chính nhờ có cả đúng cả sai ấy mà nhận thức tư tưởng được mở rộng, đào sâu thêm để rồi qua thực tiễn mới đúc rút ra được những bài học lý luận có tính chân lý. Chỉ có trằn trọc, khắc khoải, thậm chí là phải trả giá bằng đau thương mới có thể tiếp cận được những tư tưởng chân lý và nhiều khi mới chỉ là những chân lý của một vùng lãnh thổ nào đó, của riêng một thời đại nào đó.
Lịch sử đã cho thấy gặt hái chân lý về tư tưởng không phải là một việc dễ dàng. Có những tư tưởng đi trước thời đại, đã là phi lý trong thời đại ấy nhưng trở thành chân lý ở tương lai. Do vậy, trong thực tế cuộc sống, nên chăng là chúng ta yêu mến nâng niu cái đúng nhưng cũng đừng quá ghét bỏ ruồng rẫy cái sai và cố thường xuyên suy ngẫm về chúng - cả hai, đồng thời cảm ơn những người đã sáng tạo ra chúng - cả hai.
Thứ đến, chúng ta thấy rằng trong cuộc đấu tranh tư tưởng ấy, vì mọi quan niệm đưa ra đều có cơ sở lý luận của nó và đều được một số người đồng tình nên ít nhiều chúng có tính hợp lý, nghĩa là quan niệm được cho là đúng chưa chắc đã hoàn toàn đúng cả và quan niệm bị cho là sai chưa chắc đã hoàn toàn sai cả. Chẳng hạn khi chúng ta nói chế độ tư bản cũng mang tính vì dân, thì nhiều người cộng sản nghe chói tai, nhưng vẫn là sự thực. Hay tương tự, chúng ta nói, ngày nay chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất vẫn còn những mặt tiến bộ và những mặt bị cho là hạn chế của nó chưa đủ độ lạc hậu, nên nó vẫn có quyền tiếp tục tồn tại với những cải cách phù hợp. Chế độ công hữu về tư liệu sản xuất được cho là ưu việt hơn và cũng đã từng tồn tại một thời gian dài, lại phải rút lui không kèn không trống, và nhân dân thì cũng chẳng buồn níu kéo nó lại. Xét theo quan điểm Đức Huyền Diệu thì chủ nghĩa cộng sản là rất đẹp đẽ, rất hay, rất đúng nhưng có thể là đã “vấp” phải một điều sai rất sâu, khó đoán biết, giống như “ma sát” trong chuyển động cơ học và vì thế mà nó cũng chỉ là lý tưởng như con lắc toán học. Phải chăng, chế độ Cộng Sản đích thực rồi cũng sẽ xuất hiện nhưng là trong một tương lai còn rất xa vời khi mà trình độ khoa học - kỹ thuật đã cao vọi đủ cho con người không phải lo sống nữa và não cũng như nội tạng người đã tiến hóa đến độ chỉ dung nạp chừng mực nhất định, của cải vật chất, không còn “thích” thái quá danh lợi nữa?! Trong khi chờ đợi, có lẽ nên tạm bằng lòng với một xã hội có chế độ tư hữu được điều tiết bởi một nhà nước tận tụy vì dân với một đội ngũ công quyền “không chê vào đâu được”, không biết ăn hối lộ và không “thèm” tham nhũng! Nhưng tạo dựng nên bằng cách nào khi mục đích của số đông đời người vẫn là danh lợi?! Dù sao thì ước mơ như vậy có lẽ vẫn mang tính hiện thực hơn một giấc mộng phi thực.
Cuối cùng, chúng ta thấy rằng một lực lượng thống trị khó lòng mà rời bỏ vũ đài chính trị, tự nguyện làm mất đi quyền lợi mà nó đang được hưởng nếu không bị áp lực. Chế độ quân chủ chuyên chế không bao giờ muốn mất cái đặc quyền, đặc lợi, cái xa hoa phè phỡn mà nó đang hưởng thụ. Thời mới hình thành và thời chạy đua tích lũy tư bản để sống còn thì một khi đã nắm quyền thống trị xã hội, giai cấp tư sản không dễ gì từ bỏ quyền lực, cái công cụ đảm bảo cho nó chắt bóp “hợp pháp” sức lao động từ lực lượng lao động bần cùng trong nước và ăn cướp thành quả lao động cũng như tài nguyên ở thuộc địa. Lúc đó, chiến tranh đế quốc nhằm xâu xé nhau và chiến tranh thực dân xâm lược thuộc địa của các nước tư bản chủ nghĩa là tất yếu.
Vậy, thời bấy giờ, để giải thoát, để có thể cải tạo xã hội một cách triệt để nhất, đem lại quyền lợi cao nhất cho Đại Chúng đang bần hàn cùng cực (và vì thế mà mới lôi cuốn được Đại Chúng tham gia, tạo khả năng giành thắng lợi cao nhất) thì phải tiến hành đấu tranh đến mức quyết liệt nhất: đấu tranh vũ trang mà đối với thuộc địa là đấu tranh giải phóng dân tộc khỏi thực dân, phong kiến, và đối với nước Nga là đấu tranh lật đổ chính quyền, cả dân chủ lẫn tư sản, chống thù trong giặc ngoài. Muốn thế, chỉ có thể là cách mạng vô sản.
Xét như thế thì trong cuộc đấu tranh tư tưởng thời Quốc Tế Cộng Sản II, tư tưởng của phái tả mà Lênin đóng vai trò tiêu biểu, là phù hợp với thực tiễn hơn cả, là gần với chân lý nhất; là triệt để cách mạng nhất.
Nhưng ở các nước tư bản như Đức, Anh, Pháp, Mỹ… điều kiện hoàn cảnh có khác. Cuộc vận động cách mạng xã hội để tiến tới cách mạng vô sản và nhất là tiến hàng khởi nghĩa vũ trang là có khó khăn, thậm chí là không thể. Có thể một phần vì thế mà xuất hiện tư tưởng cơ hội - cải lương?
Tham gia vào cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 - 1918), Nga hoàng đâu có biết đã đưa Đại Chúng Nga đến tận cùng của sự đói khổ, đau thương đồng thời cũng làm cho triều đại của ông ta bị cô lập hơn bao giờ hết, suy yếu hơn bao giờ hết trước một cơn bão táp cách mạng xã hội dân chủ khổng lồ đang tiến dần tới cuốn phăng đi.
Sau ba năm theo đuổi chiến tranh, nội tình nước Nga đã xuất hiện một tình thế chín muồi cho Cách mạng xã hội thành công và trong điều kiện có một không hai ấy, Lênin, với những phán đoán thiên tài của mình, đã nhanh nhạy tạo ra thế và lực thích ứng, chớp thời cơ, đưa cách mạng vô sản Nga đến thắng lợi mĩ mãn.
Nền công nghiệp Nga đã hụt hơi, không còn đáp ứng được yêu cầu của cuộc chiến. Quân Nga trang bị lạc hậu, thiếu thốn vũ khí khí tài, đã thua trận liên tiếp, tổn thất nặng nề. Quân Đức đã chiếm được Ba Lan và nhiều vùng thuộc Ban Tích. Phần lớn của cải vật chất xã hội và sức lao động bị ngốn vào chiến tranh đã tàn phá nước Nga, gây thảm họa cho nhân dân Nga. Nền kinh tế quốc dân kiệt quệ, sản xuất công - nông nghiệp đình đốn, thất nghiệp tăng nhanh, nạn đói đã xảy ra trầm trọng ở nhiều vùng nông thôn… Chiến tranh cũng đã làm cho 1,5 triệu người Nga chết, khoảng 4 - 5 triệu người bị thương. Đại bộ phận quần chúng Nga hoàng và cuộc chiến tranh vô nghĩa đối với họ mà chế độ ấy theo đuổi.
Phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân vì thế mà dâng trào lên mạnh mẽ với những khẩu hiệu “Đả đảo chiến tranh”, “Đả đảo chế độ chuyên chế”, “Bánh mì”…, càng làm cho xã hội chao đảo, rối loạn.
Tình hình đó đã động chạm mạnh mẽ đến quyền lợi của giai cấp tư sản ở nước Nga và lúc này quyền lợi của nó ở mức độ nhất định đã tạm phù hợp với quyền lợi Đại chúng trong việc lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế Nga hoàng, dẫn đến sự rạn nứt không hàn gắn được trong nội bộ tầng lớp thống trị.
Chính phủ Nga hoàng quyềt định giải tán viện Đuma quốc gia, chuyển chính quyền sang tay đám độc tài quân sự còn trung thành và đồng thời tiến hành đàm phán bí mật, âm mưu ký hòa ước riêng rẽ với Đức để rảnh tay đàn áp phong trào cách mạng quần chúng, củng cố địa vị thống trị. Tuy nhiên bộ phận đầu sỏ của giai cấp tư sản Nga chống lại âm mưu ký hòa ước, muốn tiếp tục chiến tranh bởi nhiều quyền lợi cũng như những tham vọng tương lai của chúng đã được gửi gắm vào đó. Vì vậy, giai cấp tư sản Nga phản ứng, dự định làm một cuộc “đảo chính cung đình”, lật đổ Nga hoàng Nicôlai (II) Rômanốp đưa quận công Mikhain Rômanốp, em trai Nga hoàng, một phần tử tư sản không thân Đức, lên làm phụ chính nắm quyền. Các nước đế quốc Anh, Pháp… đã hoàn toàn ủng hộ giai cấp tư sản Nga…
Nước Nga đã tiến sát tới cuộc cách mạng xã hội hơn bao giờ hết!
Và ngay lúc đó, Lênin đã chỉ ra: cuộc cách mạng dân chủ tư sản sắp tới ở Nga có nhiều khả năng thuận lợi và “hết sức gần” để chuyển sang cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Ông còn nói: “Nội dung xã hội của cuộc cách mạng sắp nổ ra ở nước Nga chỉ có thể là nền chuyên chính dân chủ cách mạng của giai cấp vô sản và nông dân. Cách mạng không thể thắng lợi ở nước Nga, nếu không lật đổ chế độ quân chủ và bọn địa chủ phong kiến. Song giai cấp vô sản không thể lật đổ chúng nếu không được nông dân giúp đỡ”.
Tới đầu năm 1917, làn sóng đấu tranh chống chính quyền đã bao trùm thủ đô Pêtrôgrát. Trong tháng 1 có tới 250 ngàn công nhân tham gia bãi công, thì sáng tháng 2 đã lên tới hơn 400 ngàn người.
Ngày 27-2, tình hình Pêtrôgrát đặc biệt căng thẳng. Khởi nghĩa đã thực sự được châm ngòi và nổ lan khắp nơi trong thủ đô Nga. Công nhân chiếm các kho vũ khí để vũ trang cho mình. Binh lính, chỗ dựa cuối cùng của chế độ Nga hoàng, bị dao động mạnh, đã ngả về phía quần chúng nổi dậy: buổi sáng có 10 ngàn người, buổi chiều có 66 ngàn người đứng sang hàng ngũ khởi nghĩa. Quần chúng khởi nghĩa đánh chiếm các công sở, nhà ga xe lửa, trung tâm bưu điện, phá nhà giam giải phóng tù chính trị, bắt giam các bộ trưởng và tướng tá Nga hoàng…
Ngày 28-2, hoàn toàn bất lực trong việc kiểm soát tình hình, tướng Khabalốp hạ lệnh cho các đơn vị quân đội ở thủ đô hạ vũ khí. Cuộc khởi nghĩa đã giành được thắng lợi ở thủ đô.
Ngay trong ngày đầu khởi nghĩa, Trung ương Đảng Bônsêvích đã ra bản tuyên bố chế độ Nga hoàng đã sụp đổ, kêu gọi công nhân và binh lính hãy nhanh chóng thành lập Chính phủ cách mạng lâm thời. Chiều ngày 27-2, các đại biểu đầu tiên (được bầu ở các nhà máy, xí nghiệp và các đơn vị quân đội phản chiến) đã ra mắt và thành lập “Xô viết đại biểu công nhân và binh lính Pêtrôgrát”, đóng vai trò như một cơ quan chính quyền mới.
Tin thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở thủ đô đã lan nhanh. Công nhân và nhân dân Mátxcơva, cũng như ở các thành phố và địa phương khác đã lập tức nổi dậy lật đổ chế độ cũ, thành lập các Xô viết và biến chúng thành cơ quan chính quyền cách mạng lâm thời, tương tự như ở Pêtrôgrát. Như thế, trên phạm vi cả nước, cuộc Cách mạng dân chủ tư sản tháng Hai năm 1917 đã thắng lợi. Chỉ trong có 8 ngày, chế độ Nga hoàng thống trị nước Nga từ bao đời đã sụp đổ.
Sau Cách mạng tháng Hai, các thủ lĩnh Mensêvich và Xã hội cách mạng, theo đuổi quan điểm như đã nói, là sau cách mạng dân chủ, chính quyền là thuộc về giai cấp tư sản (họ lập luận: không thể đốt cháy giai đoạn và can thiệp thô bạo vào tiến trình tự nhiên của lịch sử), đã bí mật tiến hành thương lượng và thỏa hiệp với các đảng tư sản. Các Xô viết, vì thế, đã không ủng hộ đề nghị việc thành lập chính phủ cách mạng lâm thời từ chính các Xô viết của những người Bônsêvích: ngày 2-3-1917, Ban Chấp hành Xô viết Pêtrôgrát đã thông qua nghị quyết chuyển giao chính quyền cho giai cấp tư sản. Cùng ngày, Ủy ban lâm thời của viện Duma quốc gia đã thành lập chính phủ lâm thời do huân tước Lơvốp làm thủ tướng. Tham gia chính phủ này có các đảng: đảng Cađê (Dân chủ lập hiến) của giai cấp tư sản, đảng Tháng Mười của địa chủ “tư sản hóa” và một đại biểu của Đảng Xã hội cách mạng là Kêrenxki.
Như thế là sau cách mạng tháng Hai, ở nước Nga thực chất đã đồng thời tồn tại hai chính quyền: Chính phủ tư sản lâm thời và Xô viết (đại biểu công - nông và binh lính).
Đảng Cađê, lúc này có đến 70 ngàn đảng viên, đã trở thành đảng cầm quyền. Tại đại hội VII (tháng 3-1917), Đảng Cađê tuyên bố từ bỏ chủ trương trước đây là thiết lập chế độ quân chủ lập hiến để “nước Nga cần phải trở thành một nước Cộng hòa đại nghị lập hiến”: chủ trương của đảng Cađê và cũng chính là đường lối chính sách của Chính phủ tư sản lâm thời là: tiếp tục chiến tranh đến “thắng lợi hoàn toàn và triệt để đối với kẻ thù”; nước Nga là thống nhất, không chia cắt; nhà nước sẽ chuộc lại một phần ruộng đất của địa chủ.
Như vậy, Đảng Cađê và chính phủ lâm thời đã không quan tâm giải quyết các vấn đề sát sườn và cấp thiết mà Đại Chúng Nga đã vì chúng mà làm cách mạng, đó là: hòa bình, ruộng đất, tự do và bánh mì.
Các đảng: Đảng Xã hội cách mạng (có 800 ngàn đảng viên), Đảng Mensêvích (có 200 ngàn đảng viên), đều thay đổi lập trường, hợp tác với các đảng tư sản, hoàn toàn và công khai ủng hộ chủ trương đường lối của Chính phủ lâm thời và trở thành chỗ dựa của giai cấp tư sản.
Từ nước ngoài, Lênin theo dõi sát sao tình hình nước Nga, liên tục gửi thư cho Trung ương Đảng Bônsêvích (Đảng Bônsêvích sau cách mạng tháng Hai đã ra hoạt động công khai nhưng số lượng đảng viên còn rất ít ỏi; khoảng 24 ngàn người), chỉ rõ sự cần thiết phải liên tục cách mạng, phát triển lên giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa, trước mắt: “Tuyệt đối không tín nhiệm, không ủng hộ chính phủ mới một chút nào cả, đặc biệt nghi ngờ Kêrenxki…”. Tuy nhiên, trong nội bộ Đảng Bônsêvích đã xuất hiện những dao động về lập trường.
Trước tình hình thực tế cấp bách đó, từ Thụy Sĩ, đêm 3-4-1917, Lênin về tới Pêtrôgrát. Ngày hôm sau, 4-4-1917, trước Trung ương Đảng và Ban Chấp hành đảng bộ thủ đô, Lênin đã trình bày báo cáo “Nhiệm vụ của giai cấp vô sản trong cuộc cách mạng hiện nay” (sau này gọi là “Luận cương tháng Tư”). Lênin cho rằng cái gọi là “sự hoàn thành cách mạng dân chủ tư sản” chỉ là một sự mị dân, giai cấp tư sản và các đảng thỏa hiệp sẽ không thể nhanh chóng và triệt để giải quyết được các đòi hỏi cấp bách nhất của nước Nga lúc bấy giờ: ruộng đất cho nông dân, hòa bình cho nhân dân, bánh mì cho công nhân, tự do cho các dân tộc bị áp bức và chấm dứt chiến tranh. Ông còn nêu rõ: khác với giai cấp tư sản Tây Âu đã trải qua trường học hoạt động nhà nước, giai cấp tư sản Nga còn non kém về chính trị.
Từ sự phân tích đó, Luận cương tháng Tư đã đề ra đường lối chuyển biến từ cách mạng dân chủ tư sản sang cách mạng xã hội chủ nghĩa. Vấn đề cơ bản là giành chính quyền về tay “giai cấp vô sản và những tầng lớp nghèo trong nông dân”, trước mắt là “tuyệt đối không ủng hộ Chính phủ lâm thời”, tiến tới xóa bỏ nó, chuyển giao chính quyền cho các Xô viết (mà lực lượng thỏa hiệp còn đang chiếm đa số), sau đó, cuộc đấu tranh sẽ diễn ra trong nội bộ các Xô viết bằng phương pháp hòa bình giữa Bônsêvích với Mensêvích và xã hội cách mạng mà thắng lợi cuối cùng là tư tưởng Bônsêvích. Giải thích về khả năng phát triển hòa bình này của cách mạng, Lênin viết: “Vũ khí nằm trong tay nhân dân, không có một bạo lực nào từ bên ngoài áp chế nhân dân cả, thực chất của tình hình là như thế. Tình hình đó mở ra và đảm  bảo cho sự phát triển hòa bình của toàn bộ cuộc cách mạng”.
Để giải quyết đòi hỏi cấp bách về kinh tế, Luận cương đề ra: tịch thu không bồi thường ruộng đất của địa chủ, quốc hữu hóa và giao cho các Xô viết nông dân quản lý; hợp nhất ngay tất cả các ngân hàng trong nước thành một ngân hàng quốc gia duy nhất dưới sự kiểm soát của các Xô viết, thực hiện việc kiểm soát của các Xô viết đối với sản xuất xã hội và phân phối sản phẩm. (Về đại thể, chúng ta cho rằng chủ trương như thế sẽ đáp ứng được những đòi hỏi cấp bách, tính kiên quyết của chủ trương là cần thiết. Tuy nhiên, theo quan niệm Đức Huyền Diệu thì “quá cứng”, thiếu mềm dẻo và do đó cũng không toàn ưu. Đại chúng không phải chỉ là lực lượng nông dân bần cùng và công nhân vô sản. Không phải sự tích lũy tư bản nào, tích lũy ruộng đất nào, xét trên bình diện cá thể của con người, cũng là phi nghĩa, thậm chí là nên trân trọng nếu nó được gầy dựng lên từ mồ hôi nước mắt, từ sự năng động sáng tạo, từ khả năng trí tuệ và cả vận hội của chủ sở hữu. Không hiếm những tâm hồn đẹp đẽ, những nhân cách cao thượng, giàu tình yêu con người ở tầng lớp thống trị và ngược lại cũng không ít những kẻ tầm thường, cơ hội, đê tiện ở phía Đại chúng. Đòi hỏi tự phát để sống còn của Đại Chúng đã là động lực của cách mạng cải biến xã hội nhưng bản thân nó thì không thể tiến hành cách mạng “cho ra hồn” được nếu thiếu bộ phận nòng cốt đi tiên phong, được sự lãnh đạo của những con người ưu tú về đức độ, hết mực trung thành và giàu học vấn. Chủ trương “quá cứng nhắc” bao giờ cũng ẩn chức cái sai về nhân tình, vừa làm cho sự tuyên truyền vận động quần chúng không đạt kết quả triệt để, vừa gây chia rẽ hận thù để rồi bị đối phương lợi dụng phản tuyên truyền, lôi kéo tạo thêm lực lượng. Chúng ta nhớ lại cái công thức này: mù quáng + nhiệt tình cách mạng = phá hoại, mà suy ngẫm. Một chủ trương không toàn ưu rất có thể là một trong những nguyên nhân di hại đến sau này, trong quá trình bảo vệ chính quyền cách mạng. Đọc “Sông Đông êm đềm” của Sôlôkhốp, chúng ta thấy gì ở cuộc đời quá ư dữ dội của anh chàng nông dân đáng thương Grigôri? Và chúng ta cũng thấy gì khi nhìn lại cuộc cải cách ruộng đất năm 1955 ở Việt Nam? Thế nhưng làm sao mà toàn ưu được khi chủ nghĩa Mác đã nhận định về vai trò của giai cấp tư sản chưa toàn ưu?). Về xây dựng Đảng, Luận cương đề nghị đổi tên thành Đảng Cộng sản và thành lập một Quốc tế Cộng sản mới cho phong trào cách mạng công nhân quốc tế. Luận cương cũng đã đề nghị chế độ chính trị mới sẽ là chế độ Cộng Hòa Xô viết đại biểu công - nông và binh lính, chứ không là chế độ Cộng hòa đại nghị.
Hội nghị toàn quốc Bônsêvích họp cuối tháng 4-1917 đã tán thành Luận cương tháng Tư và coi đó là đường lối của Đảng trong cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đảng Bônsêvích bước vào cuộc đấu tranh mới với nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất, có tính quyết định đối với toàn Đảng là hoạt động tuyên truyền quần chúng, đấu tranh giành đa số quần chúng nhân dân, tập hợp cho được một đội quân chính trị đông đảo đủ sức lật đổ chính phủ tư sản lâm thời, cô lập và đánh bại tư tưởng thỏa hiệp của Đảng Mensêvích và Xã hội cách mạng.
Ngày 18-4-1917, bộ trưởng ngoại giao của Chính phủ lâm thời là Miliucốp đã gửi công hàm cho các nước đồng minh, cam kết nước Nga vẫn thi hành các hiệp ước mà Chính phủ Nga hoàng đã ký kết trước đây, nghĩa là nước Nga sẽ tiếp tục tham chiến đến cùng. Điều này đã gây nên căm phẫn lớn trong nhân dân Nga và làm nổ ra cuộc biểu tình của 100 ngàn công nhân và binh lính ở Pêtrôgrát cùng nhiều thành phố khác. Miliucốp và bộ trưởng chiến tranh Gusơcốp phải “lốp cốp” từ chức. Chính phủ lâm thời phải tiến hành cải tổ với sự tham gia của 4 đại biểu Mensêvích và Xã hội cách mạng, bên cạnh 10 đại biểu của Đảng Cađê và Tháng Mười. Cuộc biểu tình này chứng tỏ lòng tin của Đại Chúng Nga đối với Chính phủ lâm thời đã giảm sút.
Sự kiện nói trên cũng đã làm phơi bày ra cái bản chất thỏa hiệp của Mensêvích và Xã hội cách mạng, khi hai đảng này công khai đứng về phía giai cấp tư sản, tham gia Chính phủ lâm thời. Ngày 3-6, Đại hội Xô viết toàn Nga lần thứ nhất khai mạc tại Pêtrôgrát. Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương toàn Nga với đa số là đảng viên Mensêvích và Xã hội cách mạng. Đại hội đã thông qua nghị quyết tán thành sự liên minh với giai cấp tư sản và ủng hộ các chính sách của Chính phủ lâm thời. Tại Đại hội, chỉ có thiểu số những người Bônsêvích đòi chuyển giao chính quyền cho các Xô viết. Lênin tuyên bố Đảng Bônsêvích sẵn sàng nắm lấy toàn bộ chính quyền.
Lời tuyên bố đã được hậu thuẫn bởi cuộc biểu tình tuần hành khổng lồ của gần 500 ngàn công nhân, quần chúng và binh lính ở Pêtrôgrát vào ngày 18-6 do những người Bônsêvích tổ chức, với những khẩu hiệu được giương cao là: “Toàn bộ chính quyền về tay các Xô viết”; “Đả đảo các bộ trưởng tư sản”; “Đả đảo chiến tranh”. Đây là một thắng lợi to lớn trong công tác tuyên truyền lôi kéo quần chúng của Đảng Bônsêvích và cũng là một thất bại cay đắng của lực lượng thỏa hiệp.
Cùng ngày 18-6, Kêrenxki, lúc này là bộ trưởng chiến tranh, đã ra lệnh cho quân đội Nga mở một trận tấn công lớn ở mặt trận Tây - Nam. Cuộc tấn công nhanh chóng thất bại và chuốc thương vong nặng nề. Tin đó bay về hậu phương làm cho nhân dân vô cùng phẫn nộ. Ngày 3-7, nhiều cuộc biểu tình của công nhân và binh lính tự phát nổ ra ở thủ đô.
Ngày 4-7 xảy ra một sự kiện nghiêm trọng làm nhanh chóng thay đổi tình hình chính trị nước Nga. Ngày hôm đó, một cuộc biểu tình khổng lồ với hơn 500 ngàn công nhân, binh lính xuống đường, đã xảy ra ở Pêtrôgrát. Đây là cuộc biểu tình có tổ chức và mang tính chất hoàn toàn hòa bình, nhưng chính phủ lâm thời (có lẽ giật mình do ám ảnh tình hình gay gắt ngày hôm trước); được sự ủng hộ của các thủ lĩnh Mensêvích và Xã hội cách mạng; đã ra lệnh cho quân đội và cảnh sát bắn vào đoàn biểu tình làm hơn 400 người chết và bị thương. Đường phố đẫm máu!
Đó là đòn đầu tiên, cũng là biểu hiện cái quyết tâm trấn áp phong trào cách mạng bằng bạo lực của Chính phủ lâm thời sau khi có sự khuyến khích của các nước đế quốc. Tiếp theo, Pêtrôgrát bị giới nghiêm. Các trung đoàn tham gia biểu tình bị tước vũ khí và đưa ra khỏi thủ đô. Quân đội từ mặt trận được gọi về. Các tòa báo của Đảng Bônsêvích bị đập phá, buộc đóng cửa. Lênin và nhiều nhà lãnh đạo Bônsêvích bị Chính phủ lâm thời khép tội “phản quốc, làm gián điệp cho Đức”. Nhiều đảng viên Đảng Bônsêvích bị bắt và bị đưa ra tòa án. Lênin bị truy nã, phải rời khỏi thủ đô và phải chuyển sang hoạt động bí mật.
Ngày 8-7, Chính phủ lâm thời cải tổ lần thứ hai để thành lập một “chính phủ mạnh” do Kêrenxki đứng đầu. Các thủ lĩnh Mensêvích và Xã hội cách mạng lãnh đạo các Xô viết tuyên bố chính phủ mới là “chính phủ cứu cách mạng” và được toàn quyền hành động. Chính phủ mới đã thi hành một loạt biện pháp củng cố quyền lực như phục hồi án tử hình ở mặt trận, lập tòa án quân sự lưu động, điều quân đội đến các thành phố… và như vậy, trên thực tế, quyền lực đã hoàn toàn trong tay chính phủ mới, tình trạng tồn tại đồng thời hai chính quyền không còn nữa. Lênin viết: “Từ nay, không còn có khả năng phát triển hòa bình cuộc cách mạng ở nước Nga nữa và lịch sử đặt vấn đề như thế này, hoặc là phe phản cách mạng hoàn toàn thắng lợi, hoặc là phải có một cuộc cách mạng mới”.
Trong vòng 3 tháng kể từ Hội nghị tháng Tư, Đảng Bônsêvích đã phát triển rất nhanh chóng về số lượng: các tổ chức Đảng đã tăng từ 78 lên 162 cơ sở với 240 ngàn đảng viên.
Từ ngày 26-7 đến 3-8-1917, Đảng Bônsêvích đã bí mật tiến hành Đại hội lần thứ VI (Lênin không tham dự vì bị truy nã nhưng có bài viết và ý kiến gửi đến). Đại hội quyết định tạm thời rút khẩu hiệu “Toàn bộ chính quyền về tay các Xô viết” vì trên thực tế các Xô viết đã bị lũng đoạn, theo đuôi giai cấp tư sản (nhưng những người Bônsêvích vẫn ở lại vạch trần sự phản bội của nhóm thỏa hiệp để lôi kéo quần chúng về phía cách mạng); đưa ra khẩu hiệu mới là: “Lật đổ nền chuyên chính của giai cấp tư sản bằng con đường khởi nghĩa vũ trang”. Nhiệm vụ chính trị được Đại hội đặt ra cho toàn Đảng lúc này là: chuẩn bị tiến tới khởi nghĩa vũ trang của công - nông, lật đổ Chính phủ lâm thời, thiết lập chuyên chính vô sản, đưa đất nước thoát ra khỏi cuộc chiến tranh thế giới của chủ nghĩa đế quốc.
Nhằm tập hợp, củng cố lực lượng và tìm kiếm biện pháp đối phó hữu hiệu trước phong trào đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng, ngày 12-8-1917, Chính phủ lâm thời đã triệu tập Hội nghị quốc gia tại Mátxcơva, với thành phần tham dự gồm đại biểu của giai cấp tư sản, địa chủ, nhà thờ, các sĩ quan và tướng lĩnh, các cựu đại biểu Duma quốc gia và ban lãnh đạo các Xô viết. Đúng ngày khai mạc Hội nghị, theo lời kêu gọi của Đảng Bônsêvích, khoảng 400 ngàn công nhân Mátxcơva đã tổng đình công để tỏ thái độ phản đối.
Trong Hội nghị này, một âm mưu thiết lập chế độ độc tài quân sự đã hình thành mà nhân vật trung tâm là tướng Coócnilốp (vốn là một tù binh trốn thoát từ Áo và vừa được cử làm Tổng tư lệnh quân đội Nga vào tháng 7-1917). Đại sứ Anh tại Nga là G. Buycơnen đã ủng hộ âm mưu đó.
Ngay sau Hội nghị, Coócnilốp ra lệnh giải thể 50 sư đoàn “không còn khả năng chiến đấu” (thực ra đó là những đơn vị chịu ảnh hưởng của cách mạng), thành lập 33 sư đoàn xung kích để đối phó với phong trào cách mạng.
Ngày 25-8-1917, với sự thỏa thuận bí mật của Kêrenxki, Coócnilốp đã điều quân đoàn kỵ binh của tướng Grưmốp và hai sư đoàn kỵ binh khác từ mặt trận phía tây tiến về Pêtrôgrát với cái cờ được tung ra là “hình như những người Bônsêvích sẽ nổi dậy khởi nghĩa vào ngày 27-8 nhân kỷ niệm nửa năm thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Hai”. Ngày hôm sau, Kêrenxki được mật báo: Coócnilốp khi tiến vào Pêtrôgrát sẽ tuyên bố thiết quân luật, không chỉ nhằm đánh tan Đảng Bônsêvích, thủ tiêu các Xô viết mà còn sẽ giải tán luôn Chính phủ lâm thời để thành lập một chính phủ độc tài quân sự. Do đó, ngày 27-8, Kêrenxki tuyên bố các đơn vị hành quân về Pêtrôgrát làm bạo loạn sẽ bị trừng phạt và cách chức Tổng tư lệnh quân đội của Coócnilốp.
Coi Coócnilốp là kẻ thù nguy hại nhất, Đảng Bônsêvích đã kêu gọi công nhân và quần chúng tổ chức bảo vệ thủ đô: Các đội công nhân vũ trang gọi là Cận vệ Đỏ được khẩn trương thành lập, đào chiến hào, dựng chướng ngại vật… Tuy nhiên, nhờ sự tuyên truyền, giải thích của những người Bônsêvích và công nhân, các đơn vị quân đội của Coócnilốp đã từ chối tiến về thủ đô và còn bắt giữ các sĩ quan. Tướng Grưmốp bị xử bắn, Coócnilốp thì bị tống giam.
Mùa thu năm 1917, nước Nga lâm vào khủng hoảng kinh tế - chính trị hết sức trầm trọng. Nền kinh tế Nga đứng trước thảm họa: sản xuất công nghiệp chỉ bằng 36,4% so với năm trước; giao thông vận tải hầu như tê liệt; nạn đói đã xảy ra ở nhiều vùng, nhất là ở các thành phố.
Sau cuộc nổi loạn của Coócnilốp, nền thống trị của giai cấp tư sản lung lay dữ dội. Trong khi đó phong trào đấu tranh của quần chúng và cả của các dân tộc thiểu số trở nên dồn dập, lan rộng khắp nơi. Ngày 31-8, Xô viết Pêtrôgrát quyết định thay thế các đại biểu Mensêvích và Xã hội cách mạng bằng những người Bônsêvích trong ban lãnh đạo. Sau đó, từ tháng 9, Xô viết Mátxcơva và nhiều thành phố, nhiều địa phương khác đều có những thay đổi theo Xô viết Pêtrôgrát. Chỉ trong thời gian ngắn, 250 Xô viết đã chuyển sang lập trường Bônsêvích, tạo nên thời kỳ gọi là “Bônsêvích hóa các Xô viết”. Hơn nữa, số lượng các Xô viết cũng tăng nhanh, từ 600 Xô viết từ tháng 3, đã tăng lên 1600 Xô viết vào tháng 9.
Đến giữa tháng 9-1917, Lênin nhận định: “Hiện nay, tình thế đã thay đổi khác hẳn. Chúng ta đã giành được đa số trong giai cấp đứng làm đội tiên phong của cách mạng, của nhân dân và có khả năng lôi cuốn quần chúng theo mình. Chúng ta đã giành được đa số trong nhân dân. Thắng lợi chắc chắn thuộc về chúng ta”.
Đến đây, cách mạng vô sản Nga đã hội đủ thiên thời - địa lợi - nhân hòa. Ngày 7-10-1917, Lênin từ Phần Lan bí mật trở về Pêtrôgrát để trực tiếp lãnh đạo cuộc khởi nghĩa.
Ngày 10-10, Trung ương Đảng Bônsêvích tổ chức hội nghị, bác bỏ ý kiến phát triển hòa bình của Dinôviép và Camênhép, quyết định tiến hành khởi nghĩa vũ trang. Ngày 12-10, Xô viết Pêtrôgrát đã cử ra Ủy ban quân sự Cách mạng để chỉ đạo việc chuẩn bị và tiến hành khởi nghĩa vũ trang ở thủ đô. Ngày 16-10, Trung ương Đảng Bônsêvích thành lập Trung tâm quân sự Cách mạng để lãnh đạo cuộc khởi nghĩa trong cả nước gồm A. Bupnốp, F. Đdécginxki, Ia. Xvéclốp, M. Urítki.
Cũng trong ngày 10-10, khi trả lời phỏng vấn của tờ báo “Đời sống” (nửa Mensêvích), Camênhép và Dinôviép đã kể lại việc họ không tán thành khởi nghĩa vũ trang của Đảng Bônsêvích. Qua đó, quyết định khởi nghĩa vũ trang của Cách mạng đã bị lộ. Chính phủ lâm thời lập tức thi hành những biện pháp khẩn cấp nhằm đập tan các lực lượng khởi nghĩa: điều động từ mặt trận về 70 tiểu đoàn xung kích và một số trung đoàn độc lập để bảo vệ những trung tâm lớn như Pêtrôgrát, Mátxcơva, Kiép, Minxcơ… Ngày 24-10, Chính phủ lâm thời bắt giam các ủy viên quân sự Cách mạng, lục soát và đóng cửa các tờ báo của Đảng Bônsêvích, ra lệnh chiếm điện Xmônưi… Cùng ngày, Kêrenxki tuyên bố Chính phủ lâm thời sẽ áp dụng mọi biện pháp để tiêu diệt khởi nghĩa ở thủ đô.
Trước tình hình cực kỳ nghiêm trọng đó, Lênin chủ trương tiến hành tổ chức khởi nghĩa ngay. Riêng trong ngày 24-10, ông đã ba lần gửi thư tới Trung ương Đảng Bônsêvích với yêu cầu phải khởi nghĩa ngay trong đêm đó.
Nửa đêm, Lênin đến điện Xmônưi để trực tiếp chỉ đạo và cuộc khởi nghĩa bắt đầu.
Trong đêm 24 và ngày 25-10-1917, các đơn vị Cận vệ Đỏ, binh lính theo cách mạng và thủy quân hạm đội Bantich, tất cả khoảng 200 ngàn người, đã đánh chiếm các vị trí then chốt ở thủ đô: các cầu qua sông Nêva, nhà ga xe lửa, trung tâm bản điện, nhà máy điện, Ngân hàng quốc gia… Đêm 25-10, quần chúng khởi nghĩa ồ ạt tiến đến Cung điện Mùa Đông, dinh lũy cuối cùng của Chính phủ lâm thời. Sự chống cự không đáng kể và mau chóng bị đè bẹp. Các bộ trưởng của Chính phủ lâm thời bị bắt giữ. Cuộc khởi nghĩa ở Pêtrôgrát đã giành được thắng lợi hoàn toàn.
Do sự chống cự điên cuồng của quân đội Chính phủ, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Mátxcơva phải kéo dài từ 26-10 đến 3-11-1917. Cuộc khởi nghĩa thành lập chính quyền Xô viết ở các địa phương khác cũng diễn tiến mạnh mẽ và thuận lợi. Tới cuối tháng 11, tại 28 tỉnh (trong tổng số 49 tỉnh) thuộc phần lãnh thổ châu Âu của nước Nga, chính quyền Xô viết đã được thành lập đến cuối tháng 3-1918, Chính quyền Xô viết coi như đã làm chủ được nước Nga rộng lớn.
Nhằm xây dựng một chính quyền triệt để cách mạng và tăng cường quyền lực giữ vững chính quyền, ngày 28-10-1917, Chính quyền Xô viết ban hành hàng loạt đạo luật và sắc lệnh. Cảnh sát công nông được thành lập để thay thế bộ máy cảnh sát của Chính phủ lâm thời. Các bộ của Chính phủ lâm thời đều bị thủ tiêu. Các cơ quan chính quyền tư sản địa chủ ở các địa phương (như các Viện Duma thành phố) đều bị giải tán. Các quan lại, tay chân của Chính phủ lâm thời đều bị sa thải, bãi chức. Thành lập Ban chấp hành Trung ương các Xô viết toàn Nga, Hội đồng ủy viên nhân dân (cơ quan hành pháp, chính phủ). Đại hội các Xô viết và Ban chấp hành Trung ương Xô viết toàn Nga (giữa hai kỳ đại hội) trở thành cơ quan lập pháp… Ngày 15-1-1918, Lênin ký sắc luật về tổ chức Hồng quân công nông và ngày 29-1, sắc lệnh thành lập Hạm đội Đỏ cũng được ban hành. Trước đó, ngày 20-12-1917, Ủy ban đặc biệt toàn Nga (cơ quan an ninh quốc gia) đã được thành lập. Ủy ban này đã lập công vô cùng xuất sắc trong việc phát hiện, đập tan các tổ chức phản cách mạng và những hành động phá hoại của chúng, bảo vệ Nhà nước xã hội chủ nghĩa…
Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới ra đời như vậy đó!
***
Bắt tay vào công cuộc cải tạo và xây dựng đất nước đầy khó khăn gian khổ, Nhà nước Xô viết trẻ tuổi và Đảng Bônsêvích đã giàu kinh nghiệm đấu tranh nhưng còn bỡ ngỡ trong việc chỉ đạo điều hành hoạt động kinh tế - xã hội, rất cần có được một sự ổn định trong quan hệ đối ngoại và an ninh biên giới lãnh thổ. Vào ngày 26-10-1917 hai sắc lệnh đầu tiên của Chính quyền Xô viết, do Lênin soạn thảo, đã được ban bố, đó là “sắc luật hòa bình” và “sắc luật ruộng đất”. Sắc lệnh hòa bình lên án cuộc chiến tranh thế giới do các nước đế quốc phát động là “một tội ác lớn nhất đối với nhân loại” và đề nghị các nước tham chiến hãy nhanh chóng đàm phán để tiến tới một hòa ước dân chủ, công bằng, không có thôn tính đất đai và bồi thường chiến tranh. Các nước tham chiến như Anh, Pháp, Mỹ… đã bác bỏ, không công nhận sắc luật này. Tuy nhiên, do tình hình ngày càng bất lợi và để cải thiện tình thế, Đức và các nước cùng phe đã chấp nhận đề nghị ký hòa ước của Chính phủ Xô viết.
Ngày 9-2-1917, cuộc đàm phán bắt đầu tại Brét Litốp. Thấy được tình trạng còn non yếu và bị cô lập của nước Nga Xô viết, Đức đã đưa ra những yêu sách kẻ cả, ngang ngược, mang tính xâm lược. Ngày 1-1-1918, Đức đã đưa ra tối hậu thư để ký kết hòa ước là đòi nước Nga phải chuyển giao cho Đức một lãnh thổ rộng tới 150 000 km2 (gồm Ba Lan, Lít Va và một phần Bêlarút, tách Ucraina khỏi Nga. Đây là những bộ phận lãnh thổ của một nước Nga mới, với tên gọi chính thức từ tháng 7-1918 là: Cộng hòa Xô viết Xã hội chủ nghĩa Liên bang Nga, trên cơ sở liên minh tự nguyện giữa các dân tộc ở nước Nga).
Trước yêu sách đó, trong ban lãnh đạo Đảng Bônsêvích đã có sự bất đồng sâu sắc. Thiểu số do Lênin đứng đầu, chủ trương phải chấp nhận đòi hỏi cuả Đức để ưu tiên bảo vệ và giữ vững Chính quyền Xô viết ở nước Nga - cũng là “tiền đồn chủ nghĩa xã hội” của phong trào vô sản thế giới. Bởi theo Lênin: “Hiện nay, không có gì và không thể có gì giáng vào sự nghiệp của chủ nghĩa xã hội một đòn mạnh hơn là sự sụp đổ của chính quyền Xô viết Nga”. Đa số các ủy viên Trung ương Đảng lại không tán thành lập trường đó. Họ cho rằng ký hòa ước là một sự đẩy lùi vô thời hạn cuộc cách mạng. Sự bất đồng càng gay gắt hơn khi xuất hiện những quan điểm của Bộ trưởng ngoại giao Trốtxki và nhóm “Cộng sản phái tả”do Bukharin cầm đầu. Trốtxki chống lại việc ký hòa ước vì cho rằng quân Đức đang thua trên các mặt trận nên không còn khả năng tấn công nước Nga và chủ trương “không hòa, không chiến”, giải giáp quân đội, chỉ ký hòa ước một khi Chính quyền Xô viết có nguy cơ bị tiêu diệt. Nhóm Bukharin cũng kịch liệt chống ký hòa ước, thậm chí còn cự tuyệt ký các hiệp định về buôn bán với các nước đế quốc nói chung và chủ trương tiến hành cái gọi là “chiến tranh cách mạng”, bất chấp tất cả những điều kiện chủ quan và khách quan cần thiết.
Lênin đã lên án mạnh mẽ các quan điểm và chủ trương lệch lạc đó. (Ở đây, chúng ta lại chợt nghe văng vẳng bên tai câu nói của Ngô Thời Nhiệm: “Cho chúng ngủ trọ một đêm, rồi lại đi, cũng như ngọc bích của nước Tần đời xưa, vẫn nguyên lành chứ có mất gì!”).
Ngày 10-2-1918 (trong phần kể về Cách mạng tháng Mười phía trên, ngày tháng được ghi theo lịch cũ của nước Nga; từ đây trở đi, ngày tháng sẽ được ghi theo công lịch, chậm hơn 13 ngày so với lịch Nga cũ; trong lịch sử từ 1-2-1918, nước Nga Xô viết chuyển sang dùng công lịch; chúng ta kể câu chuyện này là dựa (có nhiều đoạn “như in”) vào bộ “Lịch sử thế giới” và cách “biên niên” của nó, do Nguyễn Anh Thái chủ biên, NXB Giáo dục, năm 2006), cuộc đàm phán tiếp tục. Trốtxki, trưởng đoàn đàm phán của nước Nga Xô viết không chấp hành chỉ thị của Lênin, đã tuyên bố: Chính phủ Xô viết không ký hòa ước với những điều kiện của nước Đức. Cuộc đàm phán tan vỡ…
Trưa ngày 18-2-1918, quân Đức - Áo phát động cuộc tấn công trên khắp các mặt trận, dự định vừa đánh các đơn vị Hồng quân mới thành lập, vừa hành tiến về hướng Pêtrôgrát.
Ngay chiều 18-2, sau một cuộc tranh luận hết sức gay gắt, cuối cùng, Ban chấp hành Trung ương Đảng Bônsêvích đã giao cho Lênin toàn quyền giải quyết vấn đề chiến tranh và hòa bình của đất nước. Hôm sau, ngày 19-2, thay mặt Chính phủ Xô viết, Lênin gửi điện cho Chính phủ Đức để báo tin nước Nga “sẵn sàng ký hòa ước chính thức theo những điều kiện do Chính phủ Đức đưa ra ở Brét Litốp”. Nhưng Béclin (thủ đô nước Đức thời bấy giờ) im lặng. Quân Đức vẫn tiến công và bắt đầu uy hiếp Pêtrôgrát và Mátxcơva.
Ngày 21-2, sau một cuộc họp bất thường vào đêm trước, Chính phủ Xô viết ban hành lệnh tổng động viên, huy động toàn bộ lực lượng bảo vệ nước Cộng hòa Xô viết. Những trận đánh kịch chiến đã xảy ra. Quân Đức bị chặn lại. Lúc này, biết rằng không thể nhanh chóng đánh bại được nước Nga Xô viết, Chính phủ Đức mới đồng ý nối lại đàm phán.
Ngày 3-3-1918, hòa ước đã được ký kết tại Brét Litốp với những điều kiện mà nước Nga Xô viết phải chịu, còn nặng nề hơn trước rất nhiều: nước Nga phải cắt đi một bộ phận lãnh thổ (rộng tới 750.000 km2, với hơn 50 triệu dân) gồm các nước vùng Bantích, Bêlarút, Ba Lan và một phần Ngoại Cápcadơ cho Thổ Nhĩ Kỳ. Trên lãnh thổ này có tới 1/3 chiều dài đường sắt, sản xuất hơn 70% sản lượng sắt và 90% sản lượng than của cả nước Nga. Thêm nữa, nước Nga phải tiến hành giải ngũ quân đội và bồi thường cho Đức một khoảng chiến phí là 6 tỷ Mác. Hòa ước đã được Đại hội VII Đảng Bônsêvích thông qua và Đại hội Xô viết toàn Nga IV phê chuẩn. (Chúng ta liên tưởng một chút: để ký được hiệp ước hòa hoãn này, Chính phủ Xô Viết đã phải trả một giá quá đắt, có thể là đắt hơn nhiều so với cái giá mà triều đình Huế đã trả cho cái Hiệp ước Nhâm Tuất ký với Pháp (xét theo tỷ lệ tương ứng)! Tuy nhiên, Lênin chứ đâu phải Tự Đức!!!).
Hiệp ước này đã làm tổn thương tình cảm dân tộc của hàng triệu công dân Nga yêu nước. Nhưng dù có cay đắng đến mấy thì cũng phải ưu tiên lựa chọn cái cơ bản nhất, đó là sự sống còn của nước Nga Xô viết, là khoảng thời gian “yên tĩnh” cần thiết để Chính quyền Xô viết tạo dựng được một lực lượng bạo lực đủ mạnh. Ở đây, Lênin có tài hơn người vì thấy được tương lai. Ông đã dự đoán chính xác rằng hòa ước Brét Litốp không thể tồn tại lâu dài. Tháng 11-1918, khi cách mạng bùng nổ ở nước Đức, chính phủ Xô viết đã nhanh chóng tuyên bố xóa bỏ hiệp ước đó.
Tư tưởng chống chủ nghĩa tư bản một cách triệt để của Cách mạng tháng Mười đã làm cho các nước đế quốc hết sức lo lắng. Đó là một trong hai nguyên nhân sâu xa của cuộc nội chiến kéo dài ba năm, từ đầu năm 1918 đến cuối năm 1920, giữa chính quyền Xô viết non trẻ đối với các lực lượng phản động trong nước và sự hà hơi tiếp sức của 14 nước đế quốc ngoại bang.
Ngay từ cuối tháng 11-1917, các nước đế quốc trong phe Hiệp ước gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản đã họp tại Pari để bàn về “cuộc thập tự chinh chống cộng”. Tháng 12-1917, quân nước Rumani chư hầu, được Pháp hỗ trợ, đã chiếm Bétxarabi. Từ tháng 3 đến tháng 4-1918, quân đội của các nước Hiệp ước đã xuất hiện tại vùng biên giới nước Nga, đổ bộ lên hải cảng Muốcmăngxcơ ở cực Bắc, chiếm Vlađivôxtốc - hải cảng cực Đông của nước Nga, rồi kéo tới Tuốcmênixtan và Ngoại Cápcadơ. Trong khi đó, quân Đức đã chiếm đóng vùng Ban Tích, một phần Bêlarút, Bắc - Ngoại Cápcadơ, kiểm soát cả Ucraina (dựng tại đây một chính quyền thân Đức).
Ngày 25-5-1918, 60 ngàn lính của quân đoàn Tiệp Khắc (thuộc phe Hiệp ước) động binh, cùng với lực lượng bạch vệ (phản Cách mạng) Nga và các thế lực phản động khác đã chiếm được toàn bộ vùng Xibia rộng lớn và nhiều thành phố dọc sông Vônga như Xamara, Xinbiếc, Cadan… Tại Cadan, bọn nổi loạn đã chiếm được kho bạc quốc gia với hơn 6000 triệu rúp vàng (đây là phần lớn số vàng dự trữ của chính quyền Xô viết). Chính quyền Xô viết ở những nơi đó đều bị lật đổ.
Theo sau sự kiện đó, hàng loạt lực lượng phản động đua nhau nổi dậy khắp nơi trong nước, dựng lên hoàng loạt chính phủ cách mạng (như ở Achanghenxơ, Tômxơ, Askhabát…) với sự tham gia của đa số thành viên Xã hội cách mạng, Mensêvích…
Tình hình càng thêm nghiêm trọng khi trong nội bộ chính quyền Xô viết xảy ra rối ren. Tại Đại hội Xô viết toàn Nga V (7-1918), những phần tử Xã hội cách mạng phái tả đòi bãi bỏ “chế độ độc quyền lúa mì” đã ban hành, hủy bỏ hiệp ước Brét Litốp… Họ còn gây ra sự ám sát đại sứ Đức tại Nga, chiếm các tòa công sở ở Mátxcơva (lúc này đã được chọn làm thủ đô Nga) và tấn công cả vào điện Cremli…
Ở những vùng chưa bị chiếm, đám phản cách mạng cũng điên cuồng tổ chức những vụ nổi loạn, phá hoại, khủng bố ám sát. Chỉ riêng tháng 7-1918, chúng đã quậy phá ở 23 thành phố ở trung tâm nước Nga, kể cả Mátxcơva. Ngày 30-8-1918, thành viên đám Xã hội cách mạng đã ám sát hụt Lênin và giết chết Urixki, Chủ tịch Ủy ban đặc biệt toàn Nga ở Pêtrôgrát.
Như vậy, đến giữa năm 1918, Chính quyền Xô viết chỉ còn kiểm soát được ¼ lãnh thổ của nước Nga Sa hoàng trước kia và đã mất đi những vùng lương thực, nguyên liệu và nhiên liệu quan trọng nhất của đất nước.
Trong tình cảnh ngặt nghèo và rối bời đó, Đảng Bônsêvích và Nhà nước Xô viết đã tỏ ra tỉnh táo và kiên định, tập trung toàn bộ sức lực vào mục tiêu duy nhất: giữ vững bằng mọi giá Chính quyền Xô viết, thực hiện mọi biện pháp khẩn cấp để chống thù trong giặc ngoài. Tháng 9-1918, Chính quyền Xô viết tuyên bố thi hành chính sách “khủng bố đỏ” nhằm vào các phần tử “có quan hệ với các tổ chức bạch vệ, các âm mưu phản loạn”. Tháng 11-1918. Hội đồng quốc phòng công - nông do Lênin đứng đầu được thành lập. Mùa thu năm 1919, trong tình hình chiến sự khẩn trương, các Xô viết ở các vùng mặt trận và gần mặt trận đều được qui định, phải tuân theo cơ quan đặc biệt gọi là Ủy ban cách mạng. Tháng 6-1919, các nước Cộng hòa Xô Viết gồm Nga, Ucraina, Bêlarút, Lítva, Látvia và Extônia đã ký kết “Liên minh quân sự”, thành lập bộ chỉ huy quân sự thống nhất, tập trung thống nhất mọi điều hành về tài chính, công nghiệp và giao thông vận tải. Chế độ nghĩa vụ quân sự được thực hiện, thay cho chế độ tình nguyện trước đây, đã làm tăng nhanh số lượng Hồng quân - lực lượng vũ trang của Nhà nước Xô viết - từ gần nửa triệu người vào trước mùa hè năm 1918 lên 3,5 triệu vào tháng 9-1919 và đến 5 triệu 300 ngàn vào cuối năm 1920. Về kinh tế, trong tình thế bị bao vây, vào mùa hè năm 1919, nước Nga Xô viết đã phải quyết định chuyển sang thực hiện “Chính sách cộng sản thời chiến” nhằm huy động tối đa và sử dụng hợp lý mọi nguồn của cải đất nước, cung cấp những nhu cầu thiết yếu cho quân đội, phục vụ chiến đấu.
Nhờ thế, vừa xây dựng vừa chiến đấu, quân dân Xô viết đã từng bước đẩy lui các cuộc tấn công của kẻ thù, vượt qua cơn thử thách hiểm nghèo. Trong nửa sau năm 1918, Hồng quân đã đánh tan quân đoàn Tiệp Khắc và bọn bạch vệ, đẩy lui chúng về bên kia dãy Uran. Ở mặt trận phía nam, Hồng quân cũng giành được những thắng lợi quan trọng; đánh tan quân đoàn sông Đông của tướng Craxnốp. Ở hậu phương, các cuộc bạo loạn phản cách mạng đều bị trấn áp.
Năm 1919, sau khi kết thúc cuộc chiến tranh thế giới, các nước Anh, Pháp, Mỹ lại tăng cường can thiệp vào nước Nga Xô Viết. Tới tháng 2-1919, đã có 300 ngàn quân can thiệp của các nước đế quốc trên lãnh thổ Nga: 130 ngàn tập trung ở miền Nam, 150 ngàn ở Viễn Đông và ở phía Bắc có 20 ngàn. Tuy nhiên, lực lượng xung kích chủ yếu vẫn là các đội quân bạch vệ của Cônsắc, Đênikin, Iuđênít và Milevơ với sự trợ giúp rất lớn từ các nước đế quốc về đạn được, vũ khí, phương tiện chiến tranh (kể cả xe tăng, máy bay) và sĩ quan chỉ huy.
Mùa xuân năm 1919, quân thù bắt đầu tiến công từ nhiều hướng khác nhau nhằm vào thủ đô Mátxcơva của nước Nga Xô viết. Phía đông, quân của Cônsắc (trong đó có quân đoàn Tiệp Khắc) tiến tới sông Vônga, uy hiếp các thành phố Xamara và Cadan. Phía nam, quân của Đênikin tiến đánh các thành phố Kiép, Kháccốp, có lúc đã uy hiếp trực tiếp Tula, và Bêlarút. Tấn công từ phía bắc là quân của tướng Milerơ cùng quân can thiệp Mỹ, Anh, Pháp. Còn từ phía tây nam là đội quân bạch vệ của tướng Iuđênít.
Nước Nga Xô viết trẻ lại lâm vào tình thế bị bao vây hết sức ngặt nghèo. Nhưng lần này, nước Nga Xô viết đã trưởng thành vượt bậc trong chiến đấu và với tinh thần chiến đấu ngoan cường vô song, đã vượt qua thời đoạn nặng nề nhất của cuộc nội chiến một cách oai hùng hơn bao giờ hết. Trước tiên, Nhà nước Xô viết tập trung mọi lực lượng với khẩu hiệu: “Tất cả để chiến đấu với Cônsắc”. Tới tháng 7-1919, Hồng quân đã giải phóng được khu công nghiệp Uran, đẩy lùi quân Cônsắc về tận Xibia. Đến cuối năm đó thì đội quân bạch vệ của Cônsắc bị đánh tan, bản thân Cônsắc bị bắt và bị xử bắn ở Iêccút. Bên cạnh đó, Hồng quân cũng đã đánh bại cuộc tấn công của quân Inđênít nhắm vào Pêtrôgrát.
Sau thất bại thảm hại của Cônsắc và Inđênít, quân thù của cách mạng chuyển hướng tiến công chủ yếu sang phía nam với lực lượng chủ yếu là những đội quân của Đênikin. Chúng đã chiếm đóng được toàn bộ miền Nam với những vùng nhiên liệu và sản xuất lúa mì chủ yếu làm tình hình trở nên ngày một nghiêm trọng. Dưới khẩu hiệu: “Tất cả để chiến đấu với Đênikin”, Hồng quân chuyển hướng phản công chủ yếu sang phía đó. Tới cuối tháng 10, sau những trận đánh quyến định ở Ôren và Varônhegiơ, quân đội của Đênikin bị đập tan, tàn quân của chúng rút chạy về Crưm. Tới đầu năm 1920, toàn bộ Ucraina và Bắc Cápcadơ đã được giải phóng.
Từ tháng 3-1920, sau khi đánh tan các lực lượng chủ yếu của quân bạch vệ, đẩy lùi quân can thiệp trên nhiều mặt trận, buộc chúng phải rút dần quân ngay từ mùa xuân năm 1919, nước Cộng hòa Xô viết đã dự định tranh thủ thời gian đình chiến để khôi phục nền kinh tế quốc dân bị chiến tranh tàn phá nặng nề.
Chưa kịp thực hiện kế hoạch hàn gắn vết thương chiến tranh thì quân dân Xô viết lại phải đứng trước một cuộc thử lửa mới. Được sự giúp đỡ to lớn từ Anh, Pháp, Mỹ về vũ khí và tiền bạc, ngày 25-4-1920, quân đội Ba Lan mở cuộc tấn công vào lãnh thổ Ucraina. Ngày 6-5, chúng chiếm được Kiép. Cùng lúc, quân bạch vệ của Vranghen, Pếtlura và đám tàn quân của Iuđênít đã nổi dậy hỗ trợ quân Ba Lan. Vranghen đã lập xong kế hoạch đánh chiếm Mátxcơva.
Lại một lần nữa nước Nga Xô viết phải dốc sức vào cuộc chiến tranh tự vệ. Ngày 14-5-1920, Hồng quân bắt đầu phản công quân Ba Lan và tới giữa tháng 8 thì tiến đến gần Vácxava. Tuy nhiên cuộc tấn công vào thủ đô Ba Lan đã không thành công. Ngày 12-10-1920, hai bên ký hiệp định đình chiến và sau đó, ngày 18-3-1921, hòa ước được ký kết. Ba Lan rút quân khỏi các vùng đất của Ucraina và Bêlarút.
Rảnh tay, Hồng quân tập trung lực lượng nhanh chóng đánh tan đội quân bạch vệ, 6 vạn người của tướng Vranghen. Tới giữa tháng 11-1920, Hồng quân giải phóng Crưm. Cũng trong năm 1920, chiến sự chấm dứt ở vùng Trung Á, các nước Cộng hòa Xô viết là Adecbaidan, Tuốcmênixtan, Acmênia và Gondaia hoàn toàn được giải phóng.
Đến đây cuộc nội chiến 3 năm khốc liệt kết thúc. Thành quả Cách mạng tháng Mười được giữ gìn, Chính quyền vô sản đứng vững và nước Nga Xô viết bắt đầu vươn lên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Sự toàn thắng của Cách mạng tháng Mười và nhà nước vô sản đầu tiên trên thế giới trước thù trong giặc ngoài là thiên anh hùng ca bất hủ của Đại Chúng cần lao trước áp bức cường quyền, là tấm gương sáng ngời cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh cách mạng của các lực lượng công - nông trên thế giới, và đã dần trở thành một hiện thực của biết bao nhiêu ước mơ, hy vọng, khắc khoải ngàn đời về một xã hội công bằng, tự do, bình đẳng, bác ái. Hồ Chí Minh, nhà hoạt động cách mạng thiên tài của Việt Nam, đã nói: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu, hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người, chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn, và sâu xa như thế”.
Tiếc rằng Lênin đã mất quá sớm! Và cũng tiếc rằng cách hiểu có phần cực đoan về xã hội tư bản chủ nghĩa, về xã hội cộng sản chủ nghĩa, cũng như cách hiểu có phần khô cứng, lý tưởng hóa con người cách mạng mà xem nhẹ, thậm chí là không thấy cái bản năng thèm khát danh lợi ở mỗi con người mà nếu thiếu nó thì xã hội không phát triển được, (chúng ta cho rằng trong tình thế đói khổ, cùng cực, con người sẵn sàng tự nguyện “thắt lưng buộc bụng” làm quần quật như một nô lệ, dám xả thân không đắn đo vì mục đích sống còn, vì dân vì nước. Nhưng khi tất cả đã “an bài”, cách mạng đã thắng cuộc, sự kích thích đã dịu đi, trở về với trạng thái đời thường với những lo toan miếng cơm manh áo, gia đình, con cái thì đối với họ cái lý do thắt lưng buộc bụng, quần quận phụng sự, hy sinh quyền lợi cá nhân cho cái “cao cả, xa vời” cũng mất đi. Người ta đi làm cách mạng, khi tình thế đòi hỏi, dám sẵn lòng chết cho cách mạng, chết cho sự thụ hưởng của thế hệ mai sau, nhưng đó không phải là mục đích đầu tiên, chính yếu, duy nhất của đại đa số con người, vì như thế là trái với tự nhiên thông thường), đã làm cho Hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa với cái lý tưởng xã hội thực sự là cao đẹp của nó, ngày càng bộc lộ tính khiên cưỡng, gượng ép, siêu hình, để rồi sụp đổ tan hoang sau ngót 50 năm tồn tại và tồn tại không lấy gì là ưu việt hơn Hệ thống các nước tư bản chủ nghĩa dù hệ thống này vẫn còn đó những tiêu cực và vẫn ẩn chứa cái bản chất kẻ cả, thích gây chiến của nó: Xin kính viếng Liên Bang Xô Viết bài thơ:
Vĩnh Biệt Anh

Anh đã đi thật rồi!...
Tự chữa bệnh mình, ai ngờ đến thế
Thương tiếc, trách hờn, lệ nhòa máu đỏ
Nức nở ức triệu con tim...

Nhớ lại anh xưa vươn dậy xung phong
Rừng rực đêm đông vui gầm pháo hạm
Thế giới cần lao theo đoàn lính thủy
Thế kỷ mở ra hứa hẹn đại đồng

Nhân loại ơn anh ghi tạc chiến công
Sừng sững tuyến đầu Hồng Quân gan góc
Gìn giữ niềm tin trên đường Giải Phóng
Tiến bộ văn minh thắng rợ hung tàn

Buồn lắm ơi anh, người anh đầu đàn
Oanh liệt một thời, bao dung vĩ đại
Xây lý tưởng, thật thà, hồ hởi
Hiện thực không thành, đành hóa đau thương

Vỡ lở bốn bề trận địa tan hoang
Đoàn Cận Vệ rút lui uất nghẹn
Ủ rũ ngọn cờ thắm màu bất diệt
Đành tả tơi bởi chệch hướng, cực đoan

Kiếp trần gian mấy ai chẳng lỗi lầm
Lại càng thương anh, tình anh còn đó
Sao "dân chủ" lại điên cuồng bôi đen lịch sử?
Có phải "tự do" là chà đạp, vô luân?

Sống mãi với đời là thuở ấy xung phong
Cung điện Mùa Đông vui gầm pháo hạm
Thắp ngọn Hải Đăng lương tri cuộc sống
Dẫu nát tượng đài vẫn nhắc nhở niềm tin

Yên nghỉ ơi anh, cao thượng, quang vinh
Thế kỷ hai mươi bi hùng mặc niệm
Nhân loại văn minh phân ưu, vĩnh quyết
Tiếp tục bước đường dò dẫm đến thênh thang

Chân trời xa dần ửng dáng Địa Đàng...




Mời xem:

LỜI PHÂN TRẦN

PHẦN I: CÓ MỘT CÁI GÌ ĐÓ

PHẦN II: NỀN TẢNG

PHẦN III: NGUỒN CỘI